Wednesday, August 6, 2014

Vì sao Châu Phi thu hút giới đầu tư nước ngoài ?

Vì sao Châu Phi thu hút giới đầu tư nước ngoài ?

Đại diện hàng chục nước châu Phi tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế Châu Phi AGOA Forum mở ra tại Washington ngày 04/08/2014 nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi.
Đại diện hàng chục nước châu Phi tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế Châu Phi AGOA Forum mở ra tại Washington ngày 04/08/2014 nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi.
REUTERS/Gary Cameron

Lê Vy
Từ năm 2000, Châu Phi thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ các nước đang trỗi dậy. Nhật báo La Croix hôm 04/08/2014 quan tâm đến châu lục này và chạy tựa trên trang nhất : « Vì sao các quốc gia này đặt cược trên Châu Phi ? »

Theo nhật báo La Croix, báo cáo về triển vọng kinh tế Châu Phi được Hội nghị thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc (Cnuced) công bố vào tháng Năm là một tin vui cho châu lục này. Báo cáo cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (IDE) vào Châu Phi có thể đạt đến con số kỷ lục là 80 tỷ đô la vào năm 2014, tăng trưởng trung bình có thể đạt 4,8% vào năm 2014 và tăng đến 5,7% vào năm 2015.
Vốn đầu tư nước ngoài không đến từ các nước phát triển mà thường từ các quốc gia đang trỗi dậy. Đứng đầu danh sách chủ đầu tư là Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 2011, đầu tư của các nước này lần lượt là 14 ; 11,9 và 10,4 tỷ euro.
Theo Roland Marchal, chuyên gia về Châu Phi tại Sciences-Po, Malaysia bắt đầu đầu tư vào Châu Phi rất sớm, từ năm 1990. Sau đó, Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến châu lục này vào năm 2000. Hai năm sau, Ấn Độ cũng nhanh chóng tấn công vào thị trường đầy tiềm năng của Châu Phi. Từ đó, một số nhà đầu tư từ các quốc gia mới trỗi dậy khác cũng đua nhau đổ vốn vào Châu Phi như Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chuyên gia Roland Marchal cho rằng, đầu tư của họ vẫn còn thấp vì họ không có một trọng lượng kinh tế và ngoại giao bằng Trung Quốc.
Theo La Croix, mức độ đầu tư nước ngoài vào các quốc gia này cũng khác nhau. Trong đó, các quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú bị lãng quên như Nam Phi, Ghana, Maroc, Mozambic, Nigeria và Soudan. Tuy nhiên, theo quan sát của Amaury de Féligonde thuộc văn phòng tư vấn cho Châu Phi, một số nhà đầu tư còn nhắm đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác sức tiêu thụ đang bùng nổ tại châu lục này.
Thế mạnh này có thể là cơ hội giúp kinh tế Châu Phi phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết tại châu lục này. Chuyên gia Roland Marchal nhận định, các quốc gia Châu Phi cần biết sử dụng hợp lý nguồn đầu tư. Ông giải thích : « Các quốc gia này thường chi tiêu mà không nghĩ đến tương lai lâu dài, không biết được nhu cầu của dân chúng. Ví dụ, Tchad là nhà vô địch trong việc xây dựng đường xá nhưng vô bổ. Trường học cũng mọc lên như nấm trong khi chẳng có giáo viên để giảng dạy ».
Obama tiếp Châu Phi tại Washington để cản bước Trung Quốc
Hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo Châu Phi trong vòng 3 ngày, trong nỗ lực cản bước Trung Quốc tại lục địa này. Đó là nội dung một bài viết khác trên tờ La Croix.
Theo La Croix, sự kiện chưa từng có này cho thấy là Mỹ đang dần coi trọng tiềm năng phát triển của châu Phi, chấm dứt những thập niên chìm trong nghèo đói và kinh tế u ám.
Tuy thời sự gần đây về Châu lục này rất đáng buồn : từ mối đe dọa khủng bố (tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram bắt cóc, giết người tại Nigeria, …) đến các vấn nạn y tế (bệnh dịch Ebola) và an toàn hàng không, nhưng những khó khăn này không thể che khuất những thành tựu mà châu lục này đã đạt được, đặc biệt về kinh tế.
Chương trình nghị sự của thượng đỉnh sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực kinh tế. Đỉnh cao của thượng đỉnh trong sẽ là buổi ăn tối được dự trù diễn ra vào ngày mai tại Nhà Trắng. Sự kiện này sẽ cho phép « Tổng thống Obama mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Phi », như một mong muốn mà Mỹ đã nêu ra cách đây một năm tại Nam Phi. Đây được xem là một bước tiến mới đối với một Tổng thống Hoa Kỳ mặc dù có nguồn gốc Châu Phi nhưng lại dành rất ít thời gian cho châu lục này.
Nhân dịp này, ngoài ngân sách 7 tỷ đô la dành cho Châu Phi, chính phủ Mỹ còn đưa ra một chương trình trao đổi cho phép 500 sinh viên Châu Phi 25-35 tuổi được sang Mỹ đào tạo trong vòng 6 tuần.
Đối với nhiều nhà quan sát Hoa Kỳ, thượng đỉnh lần này nhằm cản trở sự lớn mạnh của Trung Quốc tại châu lục này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định : « Từ năm 2005, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Châu Phi tăng gấp 30 lần và năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ưu tiên của Châu Phi, che lấp đi Hoa Kỳ ».
Tân Cương : Bạo động trầm trọng nhất từ 5 năm nay
Liên quan đến thời sự tại Châu Á, nhật báo Le Figaro quan tâm đến nạn bạo động ngày càng trầm trọng tại vùng tự trị Tân Cương từ 5 năm nay. Tờ báo nhắc lại vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát và nhiều tòa nhà tại một thành phố nhỏ Toa xa (Yarkand), phía Tây Bắc Trung Quốc. Tân Hoa Xã thuật lại, tuần trước, "các băng nhóm" vũ trang bằng dao đã "chận các xe cộ lại và tấn công những người trên xe, buộc các thường dân phải tham gia hành động khủng bố của họ".
Hậu quả là có 96 người thiệt mạng, do các thành phần ly khai người Duy Ngô Nhĩ tấn công và đòn trấn áp từ phía Bắc Kinh.
Vụ đụng độ này đánh dấu ấn mới cho nạn bạo động vẫn hoành hành tại Tân Cương, một vùng đất với 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Họ luôn chống lại các biện pháp cai trị của chính quyền Bắc Kinh.
Le Figaro trích tờ báo Mỹ LA Times, cho rằng diễn tiến của vụ bạo động này vẫn chưa biết chính xác được do thiếu nhân chứng và các truyền thông độc lập trong khu vực. Các nguồn tại chỗ khẳng định phiên bản chính thức mà Bắc Kinh đưa ra. Một số khác cho biết, đụng độ xảy ra do hai gia đình có con bị kết án tử hình do tham gia vào phong trào chống lại chính quyền trung ương.
Sau vụ đụng độ tại Yarkand, hố sâu ngăn cách chính quyền Bắc Kinh với những nhà bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ ngày càng lớn và dẫn đến một cuộc khẩu chiến. Bắc Kinh cáo buộc "một vụ tấn công có tổ chức và dự mưu bởi bọn khủng bố ở Trung Quốc lẫn nước ngoài", do một người Nuramat Sawut "có liên hệ chặt chẽ" với nhóm ly khai cực đoan Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (Etim) xúi giục. Lập luận này không thuyết phục được các nhà đấu tranh cho nhân quyền Human Right Watch (HRW). Một chuyên gia của tổ chức này, hoạt động tại Hồng Kông, đặc biệt chỉ trích chính quyền Bắc Kinh chịu trách nhiệm trong các vụ này do chính sách đàn áp dữ dội của Trung Quốc những tháng gần đây làm tăng sự tức giận trong dân chúng, từ đó tăng nguy cơ bạo lực.
Thứ tư vừa rồi, chính quyền Trung Quốc cáo buộc giáo sư Ilham Tohti là « cỗ vũ tinh thần ly khai », bởi ông đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống cho người Duy Ngô Nhĩ. Hoa Kỳ cũng thể hiện sự « quan ngại » và yêu cầu Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho giáo sư Tohti.
Trung Quốc : Lại xảy ra tai nạn lao động
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Libération quan tâm đến vụ nổ tại một công xưởng tỉnh Giang Tô làm thiệt mạng 70 công nhân. Đây là một công ty của Đài Loan, chuyên gia công cho các tập đoàn sản xuất xe hơi của Mỹ General Motor.
Tân Hoa Xã và kênh CCTV thuật lại điều kiện làm việc của 400 công nhân trong một công xưởng tồi tệ. Họ chỉ có mặt nạ và găng tay làm bảo hộ lao động. Xưởng này phải sử dụng mỗi ngày khoảng 20 nhân công không lành nghề. Một công nhân tại đây kể lại : « Có thanh tra tại công xưởng nhưng khi đoàn thanh tra đi khỏi thì chẳng ai quan tâm đến các tiêu chí về an toàn lao động ». Theo tổ chức phi chính phủ China Labor Watch đặt tại New York, “hệ thống thông gió phù hợp lẽ ra ngăn cản được các hạt bụi kim loại tích tụ. Bi kịch này là kết quả của một sự lơ là trong các tiêu chí an toàn ». Tổ chức này cũng nhắc nhở General Motors lẽ ra « phải có nghĩa vụ đảm bảo quy trình sản xuất được tiến hành an toàn » và tập đoàn Mỹ « chịu trách nhiệm trong vụ nổ chết người này ».
Theo Libération, các tai nạn công nghiệp liên tục nổ ra tại Trung Quốc. Từ đầu năm nay, có 640 tai nạn nghiêm trọng làm thiệt mạng 2 965 người. Năm ngoái, văn phòng thống kê quốc gia thẩm định có 70.000 tai nạn lao động chết người.
Pháp kỷ niệm ngày khởi sự cuộc Thế chiến Thứ nhất
Các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đều kỷ niệm ngày khởi đầu cuộc Đại chiến Thứ nhất (03/08/1914). Vào năm đó, Đức đã tuyên chiến với Pháp và kéo nhiều quốc gia khác vào cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử.
Theo La Croix, mục tiêu của lễ kỷ niệm nhằm nhắc lại cái giá mà Châu Âu phải trả, đó là cuộc chiến cướp đi sinh mạng của biết bao thường dân vô tội và các quốc gia bị tàn phá nặng nề. Đồng thời, đây cũng là dịp phân tích các lựa chọn chính trị và quân sự trong Thế chiến thứ nhất và cho thấy, cuối cùng thì hòa bình cũng lập lại.
Nhật báo Libération miêu tả về những ngày đầu diễn ra cuộc chiến : dân chúng sống ra sao ? nghĩ gì ? và họ phải chịu đựng sự khốc liệt của cuộc chiến thế nào ? Xã luận báo Libération gọi ngày Đức tuyên chiến là ngày định mệnh. Tờ báo nhận định, từ sau bài học Thế chiến thứ nhất, thế giới lại tiếp tục chứng kiến những thảm kịch khác : Đệ nhị Thế chiến, các cuộc cách mạng đẫm máu, những tên bạo chúa như Staline và Mao, các cuộc thảm sát thường dân không có hồi kết, sự điên cuồng của Đức quốc xã.
Điều đó cho chúng ta một bài học là chủ nghĩa dân tộc chính là thuốc nổ cho các cuộc chiến. Tháng 8/1914, chính lòng yêu nước chính đáng đã đưa dân Pháp lao vào cuộc chiến khốc liệt. Libération gọi chủ nghĩa dân tộc là một căn bệnh chết người của chủ nghĩa ái quốc. Theo Jean Jaurès, chính chủ nghĩa dân tộc đã đẩy Pháp vào vòng xoáy tranh giành thuộc địa, gia tăng quân sự và khao khát trả thù Đức.
TAGS: CHÂU PHI - TRUNG QUỐC - KINH TẾ - THƯƠNG MẠI - HOA KỲ - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment