Tuesday, January 28, 2014

Bắc Kinh kiểm duyệt lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ Pháp-Trung

Bắc Kinh kiểm duyệt lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ Pháp-Trung

Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân lễ kỷ niệm 50 năm bang giao song phương - REUTERS
Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân lễ kỷ niệm 50 năm bang giao song phương - REUTERS

Tú Anh
Tổng thống François Hollande thất hứa, chính quyền Ukraina lung lay, Pháp-Trung kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao, Mùa Xuân Tunisia được ba năm, đàn áp ở Cam Bốt ra trước Liên Hiệp Quốc, kinh tế Hàn Quốc thiệt hại vì chính sách tiền tệ của Nhật là những đề tài được báo chí Pháp chú ý hôm nay.

Báo chí Pháp dường như không mấy thiện cảm với chế độ Trung Quốc mà cách nay 50 năm đã được tổng thống Charles de Gaulle thiết lập bang giao. Hầu hết các bài báo đều thất vọng đối với chế độ hiện nay và đặt hy vọng vào tương lai vào thế hệ trẻ ở Trung Quốc.
Le Monde dành hai bài báo. Bài thứ nhất tường thuật vụ án luật gia Hứa Chí Vĩnh, một trong những sáng lập viên phong trào Công dân mới, bị kết án 4 năm tù trong một phiên tòa « dàn dựng » và 4 thành viên khác đang chờ kêu án. Luật sư biện hộ nhận định phiên tòa này làm « tư pháp Trung Quốc mất mặt ».
Human Ritgh Watch phân tích khi kết tội một công dân chống tham nhũng, chính quyền Trung Quốc « kết án cả tầng lớp trung lưu và giá trị của tầng lớp này ». Lỗi của Hứa Chí Vĩnh là kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy « cư xử một cách văn minh của một chế độ dân chủ pháp trị ». Vị giáo sư đại học này có hai hoạt động tiêu biểu: một là yêu cầu quan chức Trung Quốc công khai hóa thu nhập và tài sản và thứ hai là tranh đấu cho con cái công nhân từ quê lên Bắc Kinh có quyền đi học trung học và đại học.
Theo Le Monde, trước áp lực của xã hội, chính quyền Trung Quốc chọn thái độ cứng rắn. Giới tranh đấu dự báo là sẽ có nhiều người bị bắt trong thời gian tới. Tuy nhiên, khát vọng dân chủ và công lý sẽ làm cho càng ngày càng có nhiều công dân lao vào cuộc tranh đấu. Bài báo thứ hai của Le Monde bình luận về lý do Paris thu ngắn thời gian cấp visa nhập cảnh cho doanh nhân và du khách Trung Quốc xuống còn 48 giờ chờ đợi. Một thanh niên 29 tuổi vui mừng : nước Pháp rất thu hút người Trung Quốc vì ở Pháp dường như người dân biết sống và thưởng thức cuộc sống, còn ở Trung Quốc thì người dân không có thời giờ để sống vì có quá nhiều áp lực.
Nhật báo Libération thì nói đến lễ kỷ niệm 50 năm ngày tổng thống De Gaulle công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một ngày kỷ niệm « gây tranh cãi ». Với tựa đề : Bắc Kinh tô son lịch sử của mình với Paris. Vào bài, nhật báo thuộc khuynh hướng cánh tả khai phóng kể lại hai bên đã tổ chức rềnh rang ngày 27/01 như thế nào.
Pháp mở trung tâm triển lãm « Đại cung Paris » cho đêm Trung Quốc ( với sự tham dự của 2000 sinh viên hai nước ) trong khi đó tại Bắc Kinh, cuộc đời của tướng De Gaulle được triển lãm tại Viện bảo tàng Thiên An Môn. Giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng những lời ưu ái « Pháp quốc bằng hữu » dành cho quan khách Pháp do chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone dẫn đầu. Tuy nhiên trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã « bóp méo » nhiều sự kiện lịch sử .
Năm 1964, tổng thống Pháp Charles De Gaulle và sau đó 8 năm, tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt tay với Trung Quốc vì nhu cầu chiến lược duy nhất là chia rẽ khối cộng sản, thừa cơ hội bất hòa giữa Bắc Kinh và Matxcơva, để cô lập Liên Xô. Mặc dù De Gaulle khẳng định « Trung Quốc là một chế độ độc tài, sự kiện thiết lập bang giao với Bắc Kinh không có nghĩa là ủng hộ chế độ thống trị » nhưng phía Trung Quốc đón tiếp quyết định của Pháp là « công nhận tính chính đáng của chế độ cộng sản ».
50 năm sau, chính quyền hiện nay vẫn tiếp tục trình bài kỷ niệm lịch sử này dước lăng kính được tô hồng này song song với biện pháp kiểm duyệt. Cụ thể, Pháp phải bỏ tấm ảnh chụp trong đó, có cố chủ tịch Hoa Quốc Phong, đối thủ bị hạ bệ của Đặng Tiểu Bình. Bức ảnh chụp cố tổng bí thư Triệu Tử Dương cùng tổng thống François Mitterrand duyệt hành rào danh dự ở Bắc Kinh năm 1983 cũng bị sửa đổi. Báo chí nhà nước Trung Quốc còn đi xa hơn , cắt bỏ nhiều đoạn trong thông điệp của tổng thống De Gaulle khi ông nói không ảo tưởng gì với « chế độ độc tài » tại Hoa lục.
Để kết luận, Libération mượn lời của một cựu tù nhân Pháp, sau 7 năm cầm tù, được Mao trả tự do năm 1964 để cám ơn De Gaulle. Trong quyển hồi ký « tù nhân của Mao » xuất bản năm 1975, được thế giới biết đến, Jean Pasqualini thuật lại 7 năm ác mộng trong các trại tù lao động cưỡng bách, đã chứng minh là tổng thống De Gaulle đã có cái nhìn sáng suốt về bản chất đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tình hình Ukraina đầy bất trắc
Thời sự sôi bỏng nhất vẫn là tình hình bất trắc tại Ukraina. Chế độ Ianoukovitch bị dồn vào ngõ bí, tựa của Le Monde. Nhật báo cộng sản L’Humanité nhận định là phe biểu tình tiếp tục chiến thuật « phong tỏa » thủ đô Kiev vì các lãnh đạo đối lập từ chối bàn tay hòa giải của tổng thống Ianoukovitch. Nhật báo cánh hữu Le Figaro xác quyết hồ sơ Ukraina sẽ được thảo luận trong cuộc họp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Nga vào hôm nay.
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý là thượng đỉnh Bruxelles sẽ rất « nhanh chóng và lạnh nhạt ». Số cố vấn tháp tùng tổng thống Nga và lãnh đạo châu Âu được giảm tối đa để tránh « rò rỉ » thông tin. Buổi ăn tối cũng bị hủy bỏ ».. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Herman Van Rompuy cho biết « nhiều vấn đề dị biệt phải được làm sáng tỏ giữa Bruxelles và Matxcơva. Le Figaro bình luận tuy chưa phải là chiến tranh lạnh, nhưng nhiệt độ đã xuống rất thấp.
Liên hiệp châu Âu trách Nga thọc gậy bánh xe phá hoại các đối tác của châu Âu mà trước đây là thành viên của Liên Xô. Còn Vladimir Putin tố cáo châu Âu can thiệp vào sân sau của Nga.
« Dân làm báo Ukraina : truyền thông chính của phong trào phản kháng »
Đối với nữ phóng viên Nataliya Gumenyuk, 30 tuổi, thì vấn đề không phải là « Nga can thiệp hay không mà căn nguyên nguồn cội là nạn tham ô và bất công xã hội ».Người dân Ukraina dù ở phía đông nói tiếng Nga, hay ở phía tây, thân châu Âu, đều cùng bất bình như nhau khi nói đến tình trạng tham nhũng và bạo lực của cảnh sát.
Nataliya Gumenyuk và các đồng nghiệp « dân làm báo » của đài truyền hình độc lập Hromadske.tv trên internet đều có cùng mẫu số chung là trẻ tuổi, từng được đào tạo tại các trường đại học Tây Âu. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, Nataliya Gumenyuk cho biết bắt đầu nghề làm phóng viên đặc trách hồ sơ quốc tế với đài truyền hình nhà nước nhưng sau đó từ chức lập đài truyền hình độc lập.
Ý thức chính trị biến thành hành động ngay sau khi chính quyền Ukraina không ký vào hiệp ước thành viên liên kết với Liên Hiệp Châu Âu : nếu không đứng dậy thì Ukraina sẽ biến thành Belarus thứ hai. Khi dân chúng tràn ngập quảng trường Maiden - Tự Do thì các phóng viên « dân làm báo » hiểu rằng không phải Ukraina rời châu Âu mà phải tranh đấu để chính quyền Ianoukovitch phải ra đi. Và « dân làm báo » là nguồn thông tin chính cho phong trào phản kháng.
Tình hình sẽ đi về đâu ? Theo đặc phái viên Le Monde từ Kiev thì chế độ thân Nga đã lung lay, khi đề nghị xem xét lại « chế độ tổng thống » có nghĩa là chính quyền đã lo âu sợ hãi. Từ Chủ nhật, nhiều thành phố ở phía đông, cộng đồng dân nói tiếng Nga cũng nổi dậy. Còn giới phóng viên « dân làm báo » thì phân tích rằng các nước Tây phương không có lợi gì khi duy trì Ianoukovtch, mục tiêu chiến lược hiện nay là kêu gọi các nhân vật cốt lõi của chế độ từ tỉnh trưởng, bộ trưởng dân biểu từ chức, từ bỏ đảng cầm quyền. Nhiều tỷ phú Ukraina có quyền lợi kinh tế, thương mại với châu Âu không muốn Ukraina bị tê liệt vì chế độ tham ô.
Nhà báo trẻ này giải thích thêm, khi chủ trương tiến về với châu Âu, thành phần trẻ có học thức như cô muốn Ukraina từ từ đổi mới thành một chế độ thượng tôn pháp luật như tây Âu.
Vào lúc, Ukraina đang sôi sục khát vọng đổi mới thì ở Bắc Phi, Tunisia kỷ niệm ba năm phong trào Cách mạng hoa lài. Nhật báo công giáo La Croix phân tích là nước Tunisia đã thành công vượt lên giáo điều tín ngưỡng đạo Hồi, tôn trọng nguyện vọng thiết tha của mọi thành phần công dân quân bình tôn giáo với thế tục, nam nữ bình quyền, xây dựng cơ sở cho một nền dân chủ pháp trị tân tiến và hài hòa.
Pháp : Hồ sơ thất nghiệp nan giải
Thời sự Pháp được phân tích rộng rãi trên báo Pháp hôm nay là kế hoạch chống thất nghiệp tại Pháp bị thất bại. Vấn đề là chính tổng thống François Hollande đã đích thân cam kết, thuyết phục công chúng tin tưởng vào nỗ lực của chính phủ và rồi thực tế cho thấy ông đã thất hứa.
Thất nghiệp, tổng thống Hollande đánh cược bị thua, tựa của Le Figaro. Nhật báo thân phe hữu nhận định « lời hứa không thể tạo ra công ăn việc làm mà phải nới lỏng các biện pháp trói tay công ty xí nghiệp qua các khoản thuế an sinh xã hội mà bây giờ nhà lãnh đạo cánh tả mới nhìn nhận và sẽ thi hành qua một khế ước với nghiệp đoàn công nhân và chủ nhân.
Thất bại thì sao ? Liberation trả lời kèm theo nghi vấn : Hollande phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nếu 2013 thất bại thì liệu 2014 kết quả tốt hơn chăng với chính sách mới giảm nhẹ gánh nặng xã hội cho giới chủ nhân ? . Nhật báo L’Humanité trách chính phủ Pháp khư khư lề thói của cánh hữu, bị ám ảnh tăng thu giảm chi ngân sách thay vì hỗ trợ có điều kiện cho các công ty chịu khó thu nhận nhân công.
Trên báo kinh tế Les Echos, một cựu bộ trưởng cánh hữu đề nghị giải pháp làm việc 39 giờ mỗi tuần nhưng ăn lương 35 giờ để có thể lật ngược thế cờ. Biện pháp này chưa chắc là giải pháp vì ở trang nhất Les Echos nhắc đến một thống kê đáng lo : từ năm 2009 đến nay số công ty xí nghiệp, nơi tạo ra công ăn việc làm, xuống thấp đến mức kỷ lục: 124 công ty mới trong vòng 4 năm.
Ở trang châu Á, l’Humanité cho biết tình trạng đàn áp tại Cam Bốt sẽ được Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét. Les Echos loan tin rộng rãi về tình trạng cán cân thương mại của Nhật Bản bị thâm thủng kỷ lục : một phần là do chính sách giảm giá đồng yen làm hóa đơn nhập nhiên liệu tăng vọt trong bối cảnh hầu hết các nhà máy điện nguyên tử đóng cửa. Vấn đề là đồng yen yếu cũng gây tác hại dây chuyền cho Seoul vì Nhật là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Hàn Quốc.
TAGS: CHÂU Á - PHÁP - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment