Monday, February 2, 2015

Tập Cận Bình thanh trừng kiểu Staline để nắm toàn quyền

Tập Cận Bình thanh trừng kiểu Staline để nắm toàn quyền

mediaChiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình giống như "thanh trừng" thời Staline hầu đảm bảo quyền lực tuyệt đối - REUTERS /Jason Reed
    Cuộc thanh trừng tại Trung Quốc theo kiểu Stakine là đề tài được tuần báo Courrier International quan tâm. Tờ báo trích dịch bài viết trên trang mạng Cn.nytimes.com đề tựa: “Trung Quốc: thanh trừng kiểu Staline”. Bài viết nêu lên quan điểm của tác giả Murong Xuecun, đồng thời là nhà văn, về chiến lược chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo tác giả, mục tiêu của chiến dịch này là làm suy yếu các phe cánh đối lập và đảm bảo quyền lực tuyệt đối.
    Theo tác giả bài viết, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập được báo chí trong nước không ngớt lời ca ngợi, nhưng cùng lúc ấy lại dấy lên nhiều tiếng nói chỉ trích một cuộc chiến “có chọn lọc”. Đối với tác giả, chiến dịch này giống một cuộc thanh trừng theo kiểu Staline trong nội bộ Đảng Cộng sản hơn là tìm kiếm sự minh bạch. Nó dựa vào điều lệ của Đảng hơn là dựa vào pháp luật.
    Những người chịu trách nhiệm thi hành đa số là đảng viên Đảng Cộng sản, tương đương với nhân viên tình báo của KGB, chứ không phải là cảnh sát. Thường thì nhà báo bị cấm xen vào các vụ này. Do đó, truyền thông cũng không được lên tiếng khi các vụ việc chưa được đưa ra công chúng. Hơn nữa, tất cả phải viết cùng một ý. Quan trọng hơn nữa là cho tới giờ phút này, trong phe cánh thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình chưa có ai bị sờ gáy.
    Theo nhiều nhà phân tích, các đồng minh chính trị quan trọng nhất của ông Tập là những người được gọi là “thế hệ đỏ thứ hai” tức con cháu của các cựu đảng viên. Trong cỗ máy quyền lực khá đặc biệt của Trung Quốc cộng sản, thành phần này có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người khác và một khả năng làm giàu không thể tưởng.
    Tuy nhiên, cho đến lúc này thì chưa ai bị diệt cả, trừ Bạc Hy Lai (cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh) bị kết án tù chung thân năm 2013. Sự thất sủng của ông Bạc được xem như kết quả của sự thua cuộc trong cuộc chiến quyền lực, chứ không phải là hệ quả của hành vi nhận hối lộ.
    Theo tác giả, tuy thất thế, nhưng Bạc Hy Lai (Bo Xilai) vẫn được đãi ngộ khá tốt hơn so với nhiều nhân vật khác xuất thân từ gia đình bình dân như Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) bị cáo buộc tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia. Cả gia đình, tay chân thân cận và lãnh địa của ông Chu cũng bị kéo vào vòng xoáy.
    Tác giả giải thích, tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp có quyền lực vô hạn tại khu vực mà họ lãnh đạo: họ có thể thăng tiến cho người thân và nhận hối lộ mà không chút hổ thẹn.
    Tại các thành trì của ông Tập Cận Bình như tỉnh Phúc Kiến (Fujian) và Chiết Giang (Zhejiang), theo những gì tác giả biết, chưa một quan chức cao cấp nào cỡ phó chủ tịch tỉnh bị hạ bệ.
    Ông Tập Cận Bình sẽ không kéo dài chiến dịch này, vì, nếu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông (nếu ông tái đắc cử), một số đông công chức khả nghi tiếp tục bị trừng phạt thì điều đó chứng tỏ ông bất lực trước tệ nạn này. Khi ông Tập loại bỏ được hết đối lập thì các quan chức và người thân vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ (tham nhũng).
    Tại Trung Quốc, một số ảo tưởng rằng hành động trên của ông Tập nhằm đưa đất nước Trung Hoa tiến dần theo hướng dân chủ, nhưng theo tác giả, đó là một nhà độc tài đang tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình. Ngoài ra, tác giả còn tố cáo quyền được bào chữa của phạm nhân không được tôn trọng, vì họ không được gặp luật sư trong lúc chờ xét xử.
    Có nên trang bị vũ khí cho Ukraina ?
    Nhìn sang thời sự Châu Âu, trước sự áp đảo của phe ly khai thân Nga và sự tổn thất về người và của của xã hội dân sự, phương Tây đã nảy ra suy nghĩ qua câu hỏi trên trang nhất nhật báo Libération: có nên trang bị vũ khí cho Ukraina?
    Xã luận Libération cho rằng, do quá bận tâm đến mối đe dọa thánh chiến, mà phương Tây dường như quên đi hàng ngày, nhiều người dân vô tội bị sát hại trong một đất nước Ukraina mà Châu Âu đã giúp đỡ để tiến tới một thể chế dân chủ. Các biện pháp trừng phạt Nga cũng đã được đưa ra, nhưng có vẻ nó đang phản tác dụng, bởi vì nó cho phép Tổng thống Putin xem mình là nạn nhân của sự cô lập phương Tây.
    Ông Putin càng mạnh miệng thì dân chúng càng hoan hỉ và đảm bảo rằng chỉ có mình Tổng thống Putin mới có thể tìm lại sức mạnh của nước Đại Nga. Nếu như trừng phạt phát huy tác dụng trong kinh tế, thì trên tương quan lực lượng, Nga vẫn không lùi bước.
    Liệu phương Tây có sẵn sàng từ bỏ Ukraina như đã bỏ rơi Crimée với nguy cơ nhìn thấy Nga tiến công vào những mắt xích yếu khác của châu lục? Tác giả cho rằng nếu câu trả lời là không thì phải hành động ngay. Bài phóng sự cho thấy các quân nhân Ukraina phải xin các phóng viên từng thỏi sô cô la hay tận dụng mối quan hệ của một trong số họ để trang bị kính tia hồng ngoại. Từ đó, Libération kết luận, Châu Âu và Hoa Kỳ phải tạo điều kiện cho quân đội Ukraina tự vệ, thậm chí chấm dứt được sự tiến công của Nga.
    Nga : công ty đua nhau sa thải công nhân
    Tuy khá lấn lướt về quân sự, nhưng kinh tế Nga đang phải đối mặt với làn sóng sa thải công nhân ồ ạt của các công ty. Đó là nội dung một bài viết trên tờ Le Monde. Hằng ngày, danh sách cắt giảm việc làm dài thêm. Hôm 29/01, một công ty con của hãng bia Carlsberg tại Nga đã thông báo đóng cửa xưởng. Hiện tỷ lệ thất nghiệp chính thức là trên 5%.
    Theo tờ báo, hãng sản xuất xe hơi của Pháp Renault cũng dự tính sa thải 1400 cán bộ trong đợt tới. Khủng hoảng, trừng phạt của phương Tây và giá dầu thô giảm đã bắt đầu tác động. Các chỉ số của kinh tế Nga gần đây khá đáng ngại : đồng rúp trượt giá không phanh, lạm phát tiếp tục gia tăng, tiêu thụ giảm, các công ty chịu lãi suất chỉ đạo là 17% của Ngân hàng trung ương Nga nên khó mà trả hết nợ và đảm bảo chi tiêu. Đó là chưa kể đến các trừng phạt của phương Tây làm cho họ không tiếp cận thị trường vốn. Vào năm 2015, Nga sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái.
    Nhà xã hội học Petr Biziokov, « tình hình tại Nga khác hẳn so với những nơi khác. Trước tiên, tiền đền bù thấp nghiệp rất thấp, khoản 5000 rúp/tháng (dưới 70 euro/tháng). Hơn nữa, mối quan hệ trong công việc còn khá phong kiến. Nhân viên phụ thuộc nhiều vào chủ, làm những gì chủ muốn. Đó là chưa kể đến những người nhập cư, tình trạng của họ còn tệ hơn. Từ nhiều tháng nay, nhiều cuộc đình công và hành vi phản đối nổi ra mạnh mẽ ».
    Kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz
    Ngày 27/01/1945, Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã . Cái tên Auschwitz trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng về sự diệt chủng người Do Thái tại Châu Âu. Tạp chí L’Express không muốn ký ức này rơi vào quên lãng nên dành hồ sơ dài để trả lời cho những câu hỏi như : Người ta cảm thấy như thế nào khi phát hiện ra địa ngục trên ? Từ đó cho đến nay, làm thế nào lưu giữ và truyền bá ký ức diệt chủng của Đức quốc xã ?
    Ngoài ra tạp chí còn có bài viết riêng bàn luận về cách thức để bảo quản một di tích lịch sử như nhà tù Auschwitz. Một số bức ảnh cho thấy một vài công trình của trại đã bị hư hại do trước kia, khi xây dựng, Đức quốc xã không nghĩ đến việc thiết kế các tòa nhà có thể tồn tại với thời gian. Chất lượng gạch rất kém, do cướp được từ các trang trại gần đó. Câu hỏi đặt ra là nên trùng tu hay xây lại mới ? Nếu không can thiệp thì thời gian sẽ xóa vết tích của trại, một bằng chứng tội ác của Đức quốc xã. Bốn lò hỏa táng đã hoạt động từ mùa hè năm 1943, có thể chứa được đến 4 700 thi thể/ngày, tức gần 150 000 người/tháng. 
    Bệnh tiểu đường : nguy hiểm của đường
    Xã luận báo Le Monde gióng hồi chuông báo động những tác hại của đường, vì nó là tác nhân gây ra bệnh tiểu đường type 2, một căn bệnh đang có xu hướng gia tăng. Hơn 380 triệu người mắc bệnh trên thế giới. Hàng năm, 5 triệu người tử vong do căn bệnh này. Tiểu đường, chứng béo phì, thiếu vận động là những nguyên nhân gây rủi ro về bệnh tim mạch.
    Theo Le Monde, đường là một thức ăn tự nhiên và mang lại năng lượng cho con người, nên dễ dàng được công chúng đón nhận. Chất ngọt là một trong những vị mà ta có thể phân biệt khá dễ dàng so với các vị khác. Vị giác của chúng ta ngày càng quen với chất ngọt. Đó là phương pháp marketing để làm cho người tiêu dùng ngày càng ghiền các sản phẩm sản xuất mà họ bán.
    Tuy nhiên, đã đến lúc cần hạn chế tiêu thụ đường và kháng cự lại các quảng cáo khá hấp dẫn, bắt mắt về các sản phẩm có chứa đường. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc buộc nhà sản xuất ghi những thông tin cần thiết về sản phẩm cho người sử dụng, không chỉ là lượng glucide như luật lệ Châu Âu, mà còn phải cho biết loại đường nào được dùng để chế ra sản phẩm. Chúng ta có thể tiêu thụ đường, nhưng không phải bất cứ loại nào. 
    Pháp : Nghề vẽ truyện tranh thật bi đát
    Nhìn sang lĩnh vực văn hóa, tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến các nghệ sĩ vẽ truyện tranh tại Pháp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính và nguy cơ phải giải nghệ. Nào là thu nhập thấp, đóng góp cho xã hội tăng, sản xuất quá nhiều album nhưng ít người mua, giới họa sĩ đang trong tình trạng rối ren.
    Theo tạp chí, vào mùa thu vừa qua, các họa sĩ đã đình công không ký tên đề tặng trong vòng một giờ tại Saint-Malo. Tại festival Angoulême, họ dự định tổ chức một buổi tuần hành phản đối và để nói lên tình trạng chung của ngành truyện tranh.
    Nhiều con số đã được công bố, mặc dù thiếu tính xác thực nhưng đủ cho thấy cái nghèo của nghề này. Nhiều nhân chứng cho biết « một số đồng nghiệp của họ đang rơi vào tuyệt vọng, sẵn sàng giải nghệ ». Thu nhập giảm không chỉ liên quan đến những họa sĩ mới vào nghề mà cả những danh họa lâu năm.
    Cùng chủ đề

    Mỹ: TQ chớ hiếp đáp VN, Philippines trong vấn đề Biển Đông



    Mỹ: TQ chớ hiếp đáp VN, Philippines trong vấn đề Biển Đông

    Tổng thống Obama tuyên bố Trung Quốc không cần phải lo sợ trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.
    Tổng thống Obama tuyên bố Trung Quốc không cần phải lo sợ trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.
    Tổng thống Mỹ khuyến cáo Trung Quốc chớ hiếp đáp các nước nhỏ như Việt Nam hay Philipines trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
    Lời kêu gọi của Tổng thống Obama được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với đài CNN nhân chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ tới Ấn Độ hồi tuần trước khi ông trấn an Bắc Kinh chớ nên cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ hữu hảo giữa Washington với New Dehli.
    Tổng thống Obama đưa ra phát biểu này đáp lại phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Ấn Độ lần thứ nhì của ông trong tư cách người đứng đầu nước Mỹ.
    Bình luận về chuyến công du của ông Obama, truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ đừng để sập bẫy của kẻ thù do phương Tây dàn dựng để ủng hộ chiến lược ‘Xoay trục về Châu Á’ của Hoa Kỳ mà cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Bắc Kinh cho là nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của quốc gia cộng sản Trung Quốc.
    Tổng thống Obama nói ông ngạc nhiên khi thấy chính phủ Trung Quốc đưa ra những lời lẽ như vậy.
    Ông Obama tuyên bố Trung Quốc không cần phải lo sợ trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ.
    Vẫn theo lời ông, trong giai đoạn này của lịch sử có cơ hội tạo ra thể thức đôi bên đều có lợi, qua đó tất cả các nước tuân thủ các luật lệ và chuẩn mực chung tập trung nâng cao phồn vinh thịnh vượng cho dân chúng dựa trên sự bắt tay chung sức cùng nhau chứ không phải bằng cách để cho một nước khác phải gánh chịu hay trả giá.
    Tổng thống Mỹ cho biết ông đã nhiều lần nhấn mạnh Hoa Kỳ rất muốn nhìn thấy một sự trỗi dậy ôn hòa của Trung Quốc nhưng sự phát triển đó không thể là cái giá phải trả của các nước khác.  
    Ông Obama nói: ‘Trung Quốc không nên hiếp đáp các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines trong các vấn đề hàng hải, mà nên nỗ lực giải quyết một cách hòa bình theo luật quốc tế.’
    Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo các quốc gia bên ngoài, bao gồm Hoa Kỳ và Ấn Độ, chớ can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á mà nổi bật nhất là với Việt Nam và Philippines.
    Nguồn: PTI, CNN

    Học giả TQ lên án Mỹ xúi giục bất hòa ở Biển Đông



    Học giả TQ lên án Mỹ xúi giục bất hòa ở Biển Đông

    Những cuộc tuần tra thường xuyên trên không của Nhật Bản hiện giới hạn ở Biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền.
    Những cuộc tuần tra thường xuyên trên không của Nhật Bản hiện giới hạn ở Biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền.
    Một học giả về quan hệ quốc tế hàng đầu của Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ xúi giục bất hòa ở Biển Đông sau khi Ngũ Giác Đài công khai ủng hộ các cuộc tuần tra trên không của Nhật Bản tại khu vực.
    Bài xã luận gay gắt đăng trên cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo, dường như đáp lại tuyên bố của Đô đốc Robert Thomas, Chỉ huy Hạm đội thứ Bảy và sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ ở châu Á, hoan nghênh Nhật mở rộng các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông.
    Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Fudan, ông Shen Dingli, lên án rằng phát biểu này có mục đích nhằm thổi bùng bất hòa trong vùng dưới danh nghĩa ‘thiết lập ổn định khu vực,’ làm phức tạp thêm bất đồng giữa các nước liên quan vốn có thể sẽ giải quyết được thông qua thương lượng.

    Ông Shen cáo buộc việc các giới chức quân sự và quốc phòng cấp cao của Mỹ khuyến khích Nhật can thiệp vào chuyện Biển Đông chứng tỏ mục tiêu của Ngũ Giác Đài muốn khuấy động rắc rối Biển Đông bằng cách lôi kéo thêm nhiều nước can dự vào các tranh chấp.
    Thứ sáu tuần rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi ‘Các nước ngoài vùng nên tôn trọng những nỗ lực của các nước trong vùng giữ gìn hòa bình và ổn định, và không làm những điều mà sẽ gây chia rẽ giữa các nước khác, và tạo nên căng thẳng.’
    Những cuộc tuần tra thường xuyên trên không của Nhật hiện giới hạn ở Biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền.
    Mở rộng những chuyến bay tuần tra của Nhật sang Biển Đông chắc chắn sẽ làm tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới.
    Nguồn: SMCP, People’s Daily

    Rồng đỏ TQ tập bay để hạ đại bàng Mỹ?

    Rồng đỏ TQ tập bay để hạ đại bàng Mỹ?

    • 3 giờ trước
    Trung Quốc giới thiệu J-31 tại Hội chợ Hàng không Chu Hải
    Vào tháng 1/2011, Trung Quốc đã làm cho Hoa Kỳ sửng sốt khi chiếc khu trục cơ Chengdu J-20 cất cánh lần đầu đúng ngày bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Bắc Kinh.
    Đó là chiếc chiến đấu cơ được thiết kế theo công nghệ tàng hình (stealth technology) mà giới chuyên gia quân sự Tây Phương không nghĩ rằng Trung Quốc đã có khả năng chế tạo.
    Sau đó, chiếc khu trục cơ Shenyang J-31 ra mắt tại Hội chợ Hàng không tại Chu Hải tháng 11/2014, trùng thời gian với chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng thống Barack Obama nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Apec, và lại làm thế giới ngạc nhiên.
    Sự ra mắt của hai chiếc chiến đấu cơ tối tân là nhằm phô trương tiềm lực công nghệ của Trung Quốc.
    Đó cũng là một tín hiệu buộc các nước láng giềng để phải chú ý đến sức lực quân sự ngày càng gia tăng của cường quốc này.
    Từ đầu thiên kỷ 2000 Trung Quốc tân trang hóa quân đội với kết quả là không quân và hải quân được tăng cường hàng loạt máy bay, chiến hạm và tàu ngầm hiện đại.
    Như chiếc J-20, chiếc J-31 cũng được thiết kế theo công nghệ tàng hình, có nghiã là các hệ thống phòng không như radar khó có thể phát hiện được những máy bay này.

    Hoa Kỳ hết độc quyền?

    Công nghệ tàng hình cho đến nay đã được xem là một kiến thức độc quyền của kỹ nghệ hàng không Mỹ.
    Trung Quốc đang phát triển các phi đội không quân
    Mãi đến năm 2010, tức là gần hai mươi năm sau chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ F-117, chỉ có Nga mới đưa ra một chiếc khu trục cơ với công nghệ này là chiếc Sukhoi T-50.
    Trung Quốc theo bước các nước trong lãnh vực này nhanh chóng và sự trùng dạng đập vào mắt của J-31 với F-35 của Mỹ được cho là kết quả của nỗ̉ lực 'thu nhập' kiến thức bí mật quốc phòng của Trung Quốc tại phương Tây, nói thẳng ra là hoạt động gián điệp.
    Theo báo Wall Street Journal, năm 2009 tình báo Mỹ đã khám phá ra cuộc tấn công quy mô vào các hệ thống vi tính của bộ quốc phòng Mỹ cũng như của các hãng chế tạo máy bay quân sự.
    Kẻ đột nhập đã cướp được nhiều terrabyte tài liệu về những hệ thống vũ khí mới nhất của Mỹ, trong đó có những tài liệu về cấu trúc của chiếc F-35.
    Tháng Sáu 2014, theo trang tin Defense News, cơ quan tình báo FBI buộc tội một người Hoa sống tại Canada tên là Su Bin đã tìm cách lấy những tài liệu bí mật về hai chiếc F-22 và F-35 từ các hệ thống vi tính của các công ty quốc phòng Mỹ.
    Hoa Kỳ cho rằng những tài liệu về chương trình thử nghiệm của chiếc F-35 có thể giúp Trung Quốc bắt kịp trình độ của Mỹ một cách nhanh chóng.
    Các kiểu máy bay chiến đấu mới nhất hiện tại của Trung Quốc đều đuợc chế tạo không ít thì nhiều với sự giúp đỡ của nước ngoài.
    Như Chengdu J-10 được cho là đã hấp thụ một phần lớn kiến thức của Israel vì chiếc máy bay giống chiếc chiến đấu cơ Israel Aerospace Industries Lavi rõ rệt, và chiếc J-10 xuất hiện khoảng 10 năm sau khi chương trình chế tạo chiếc Lavi kết thúc.
    Các chiến đấu cơ mạnh nhất của Trung Quốc là chiếc Shenyang J-11 và J-15 đều là bản sao lại của chiếc Su-30 và SU-33 của Nga.
    Những thí dụ này cho thấy là Trung Quốc không thể nào có đủ sức để tự thiết kế máy bay tàng hình tinh vi nếu không có những kiến thức lấy được.
    Có phải Hoa Kỳ đã hết độc quyền về bí mật phi cơ tàng hình?
    Chiếc J-31 tuy hình giạng giống nhiều nhưng chưa chắc đã tinh vi như cái mẫu của nó. Ngoài cấu trúc tàng hình, chiếc F-35 còn có những điểm đặc trưng sau:
    • Hệ thống rađa điện tử dùng công nghệ AESA (Active Electronically Scanned Array).
    • Hệ thống truyền tin băng thông cao và khó bắt chặn (high-bandwidth, low-probability of intercept data link)
    • Hệ thống giác quan tối tân giúp người phi công có thể quan sát 360 độ quanh chiếc máy bay.
    • Buồng lái thiết kế trên nguyên tắc 'fusion cockpit'. Tất cả các dụng cụ điều chỉnh máy bay, hệ thống giác quan và hệ thống quản lý chiến đấu đều được tích hợp vào trong một màn hình cảm ứng lớn, gọi là PCD (Panorama Cockpit Display), giúp người phi công nhận xét tình hình chiến thuật nhanh chóng. Người phi công cũng sẽ có thể điều khiển máy bay hoặc vũ khí bằng tiếng nói (voice control).
    Nhưng những điểm đó không chắc chắn là chiếc J-31 sẽ có.
    Thêm nữa, để không bị radar phát hiện, vũ khí phải được treo trong các ẩn ở thân máy bay.
    Bắn hỏa tiễn từ trong những buồng này trong lúc bay với tốc độ cao cũng không phải là chuyện dễ.
    Không phải kiểu bom hoặc hỏa tiễn nào cũng gắn được lên những máy bay tàng hình này, và mỗi loại hỏa tiễn hoặc bom đều phải được chỉnh sửa để thích nghi với máy bay. Hiện tại chiếc F-35 có khả năng mang nhiều loại vũ khí hơn cả chiếc F-22.
    Ngoài ra một động cơ phản lực mới cũng đã được thiết kế cho chiếc F-35. Chiếc động cơ Pratt & Whittney F-135 là động cơ phản lực mạnh nhất hiện nay.
    F-35: hệ thống giác quan và điều khiển vũ khí tích hợp vào trong một màn hình cảm ứng Panorama Cockpit Display
    Vì chiếc F-35 sẽ được sản xuất theo ba mẫu, F-35 A cho Không quân, F-35 B với khả năng lên thẳng cho Thủy quân lục chiến, và chiếc F-35 C cho Hải quân dùng trên những hàng không mẫu hạm, động cơ F-135 cũng sẽ có ba kiểu.
    Trong khi đó Trung Quốc hiện tại không có khả năng để tự thiết kế động cơ phản lực. Hơn nữa Trung Quốc phải mua động cơ của Nga để trang bị cho những máy bay xuất khẩu, thí dụ như chiếc FC-1 bán cho Pakistan.
    Theo phỏng đoán của các chuyên gia hàng không phương Tây thì chiếc J-31 dùng hai động cơ kiểu Saturn AL-31 của Nga. Đó là động cơ cũng đuợc sử dụng trên chiếc SU-33 cũng như trên chiếc J-11 và J-15.
    Trung Quốc đang cố gắng tự chế tạo một động cơ tên là WS-13 nhưng không biết sẽ thành công hay không. Sau những xích mích về việc Trung Quốc bỏ hợp đồng mua 50 chiếc SU-33 và sao lại chiếc này mặc dù không có sự chấp thuận của Nga, việc nước Nga giúp
    Trung Quốc làm động cơ cho máy bay để cạnh tranh với mình là một chuyện không có xác suất cao lắm.
    Như thế, tuy chiếc J-31 đã bay lần đầu thành công, nhiều câu hỏi về công suất và khả năng của nó chưa được trả lời cặn kẽ, cho nên chưa ai có thể xác định rằng nói có phải là một đối thủ xứng đáng cho F-35 của Mỹ hay chỉ là 'rồng giấy'.
    Trước mắt, sự trùng hợp hình dạng của J-31 với F-35 cho thấy có thể Trung Quốc đã thành công phần nào trong việc nhái lại công nghệ tàng hình.
    Điều chắc chắn là J-31 sẽ rẻ hơn chiếc F-35 rất nhiều.
    Hiện tại dự thảo ngân sách của Mỹ để mua khoảng 2.456 chiếc F-35 cho tất cả ba binh chủng là 396 tỉ USD. Như thế giá hệ thống (system price) của một chiếc F-35 là khoảng 160 triệu USD.
    F-35 do Lockheed Martin sản xuất cho Không lực Hoa kỳ
    Vì J-31 chỉ có thể tàng hình bằng một phần và còn chưa bằng đối thủ về độ tinh vi, Trung Quốc phản sản xuất một số lượng lớn mới tạo ra một vấn đề cho Mỹ và các đồng minh hật và Nam Hàn trong một trường hợp xung đột trực tiếp.
    Nhật cũng đã đặt mua 42 chiếc F-35, và Nam Hàn 40 chiếc. Nhưng dù chiếc F-35 có tân tiến tới đâu, nếu phải đương đầu với một lực lượng tuy kém hơn một chút nhưng đông gấp mấy lần thì cũng không dễ dàng dành được chiến thắng.
    Với hai chiếc J-20 và J-31, Trung Quốc đã trực tiếp bước vào cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ trên bầu trời.
    Con rồng đỏ còn vụng về yếu ớt. Nhưng nó đang tập bay và tìm mọi cách để học những bí quyết của con đại bàng. Con đại bàng phải phấn đấu để giữ thế ưu việt chứ nếu không đến một ngày sẽ bị con rồng đỏ quật xuống.
    Bài viết thể hiện cách phân tích riêng của ông Nguyễn Xuân Vinh, một kỹ sư hàng không, hiện sống tại Frankfurt, CHLB Đức.


    Tin liên quan