Sunday, November 27, 2016

Donald Trump sẽ giúp Cuba thay đổi?

Donald Trump sẽ giúp Cuba thay đổi?

mediaCờ Mỹ và Cuba tung bay trên ban công một nhà hàng ở trung tâm La Habana, ngày 19/03/2016.REUTERS/Enrique De La Osa
Sự kiện cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro vĩnh viễn ra đi tạo điều kiện cho người em Raul, kế nghiệp từ năm 2008, rộng tay cải cách kinh tế. Tuy nhiên, Cuba có chuyển mình hay không, điều này cũng tùy thuộc vào thái độ của chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump, trong bốn năm tới đây, theo phân tích của Reuters.
Từ khi lên thay Fidel Castro làm chủ tịch Cuba năm 2008, Raul Castro đã hé mở cửa đất nước theo kinh tế thị trường. Nhưng theo nhận xét của nhiều người dân Cuba thì nhịp độ cải cách bị Fidel Castro ngăn chặn qua lớp cán bộ thuộc thế hệ già nua cố tình bám trụ.
Cách đây hai năm, trong khi Fidel Castro nằm dưỡng lão thì Raul kín đáo thương lượng và hòa giải với nước Mỹ thông qua tổng thống Barack Obama. Các chuyến bay thương mại được tái lập giữa hai nước, du khách và đô la Mỹ tràn vào Cuba.
Những thay đổi này có thể tan biến một sớm một chiều nếu tổng thống mới tại Mỹ áp dụng một đường lối cứng rắn như ông đã tuyên bố trong lúc vận động tranh cử, nhất là để chinh phục cử tri gốc tị nạn Cuba, tập trung tại bang Florida.
Khi được tin Fidel Castro qua đời, tổng thống Barack Obama tuyên bố : « Lịch sử sẽ phán xét tác động lớn lao của Fidel Castro ». Còn ông Donald Trump bình luận không chút thương tiếc : « Đó là một kẻ độc tài tàn bạo một thời áp bức dân Cuba. Cho dù mọi thảm kịch,những cái chết và khổ đau của người dân Cuba do Fidel Castro không thể phai mờ, chính phủ mới tại Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để nhân dân Cuba cuối cùng trở lại con đường hướng tới thịnh vượng và tự do ».*
Từ khi đắc cử cho đến khi bình luận về cái chết của cố chủ tịch Cuba, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng hoàn toàn không để lộ chiến lược đối với « hải đảo bất trị » sát nách Hoa Kỳ. Do vậy không ai có thể đoán được toan tính của Donald Trump. Tổng thống mới của Mỹ sẽ « góp phần » như thế nào để đem lại « tự do cho Cuba » như ông cam kết trên Twitter, sau khi nhấn mạnh Fidel chỉ là bạo chúa.
Giải pháp thứ nhất, theo tính khí đơn giản của ông Trump là nhân cái chết của Fidel Castro, Washington sẽ thúc ép chính quyền La Habana nhượng bộ về chính trị, nhân quyền và mở rộng cửa kinh tế nhập hàng hóa Mỹ. Phương án này sẽ dẫn đến căng thẳng để Donald Trump chứng tỏ ông là « người hùng », theo phân tích của cựu đại sứ Anh tại Cuba, Paul Hare.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại tin vào khả năng thứ hai. Tức là nhà tỷ phú địa ốc sẽ nghiêng theo tiến trình hòa giải với Cuba, được đa số dân Mỹ và giới doanh nghiệp Mỹ hy vọng. Cạnh tranh với Nga và Trung Quốc tại Cuba sẽ phục vụ quyền lợi của Mỹ, theo nhận xét của Richard Feinberg, nguyên là cố vấn an ninh thời tổng thống Bill Clinton.
Cho dù cơ chế vận hành của chế độ Castro rất khó dự đoán, nhưng tình trạng kinh tế của Cuba hiện nay, do mất chỗ dựa Venezuela, cũng không cho phép Cuba quay lưng lại với Mỹ. David Joseph, cố vấn kinh tế, lạc quan : Thành phần bảo thủ già nua sẽ biến mất theo thời gian, nhường chỗ cho một thế hệ mới cải cách đất nước. Raul Castro tuyên bố rút lui vào năm 2018.
Cùng chủ đề

Fidel Castro ra đi, lịch sử Cuba sang trang

Fidel Castro ra đi, lịch sử Cuba sang trang

mediaẢnh kỷ niệm 50 năm Cách Mạng Cuba, ngày 01/01/2009, ở Santiago de Cuba.(Photo by Sven Creutzmann/Mambo photo/Getty Images)
Với việc cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời hôm qua, 25/11/2016, Cuba lật qua một trang sử mới, bởi vì lần đầu tiên chủ tịch Raul Castro thật sự nắm quyền một mình. Theo lời chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarçon nói vào cuối năm 2011, kể từ khi được chỉ định làm chủ tịch Cuba năm 2006, ông Raul Castro vẫn tham khảo ý kiến của người anh trước khi ra những quyết định quan trọng.
Tuy vậy, ông Raul Castro, năm nay 85 tuổi, từ 10 năm nay đã âm thầm thúc đẩy tiến trình xích lại gần Hoa Kỳ, được chính thức thông báo vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy ông có một đường lối rất thực dụng, khác hẳn với tư tưởng chống Mỹ đến cùng của người anh Fidel.
Theo nhận định của ông Michael Shifter, chủ tịch trung tâm Inter-American Dialogue, nói với hãng tin AFP hôm nay, 26/11/2016, sau cái chết của Fidel, tình hình kinh tế và chính trị của Cuba sẽ được cởi mở hơn. Nó sẽ trút đi một gánh nặng cho ông Raul Castro. Kể từ nay ông không còn sợ nói trái ý người anh nữa.
Tuy nhiên ông Shiffer cảnh báo rằng cái chết của Fidel chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xung đột, đấu đá giữa những người đang nắm quyền ở Cuba: “ Raul sẽ rộng tay hành động hơn, nhưng các đối thủ chính trị của ông cũng vậy.”
Chuyên gia về Cuba thuộc đại học Texas Arturo Lopez Levy thì không tin vào ảnh hưởng của ông Raul, người đã tuyên bố là sẽ rút lui vào năm 2018. Ông Levy dự đoán, sau cái chết của Fidel, việc mở cửa cho kinh tế thị trường và bãi bỏ những trói buộc của những quy định Cộng sản sẽ được thúc đẩy. Không còn sức hấp dẫn của Fidel nữa, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Cuba sẽ chỉ còn dựa trên thành quả kinh tế. Tuy vậy, tác động lên nhịp độ và bản chất các cải tổ của Raul Castro sẽ rất hạn chế.
Đối với nhà đối lập ôn hòa Miriam Leyvan, cái chết của Fidel Castro có thể giúp gạt sang một bên những thành phần thủ cựu của chế độ, vốn chống lại những thay đổi. Bà Leyvan tin rằng đây là cơ hội để Cuba mở cửa xã hội hơn nữa và tiến nhanh hơn trên con đường cải tổ.
Cùng chủ đề

Saturday, November 26, 2016

VN có thể 'cử các đoàn tiếp xúc' chính quyền Trump

VN có thể 'cử các đoàn tiếp xúc' chính quyền Trump

  • 24 tháng 11 2016
Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump (tráiImage copyrightAP
Image captionTổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump (trái) dành cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ tại Tòa soạn báo New York Times hôm 23/11/2016.
Việt Nam có thể có các động thái tiếp xúc sớm với 'tân chính quyền' Mỹ vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hoàn thiện bộ máy nhân sự và chính sách đối nội, đối ngoại của nội các sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng tới đây, các học giả và nhà quan sát bình luận với Bàn tròn thứ Năm.
Trao đổi với tọa đàm của BBC Việt ngữ từ Hà Nội hôm 24/11/2016, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nói:
"Việt Nam vừa rồi có thấy để cho ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam ở Washington D.C. nói vài câu, cũng có thể người ta sẽ cử nhóm này, nhóm kia đi, tiếp xúc với Mỹ, người nọ, người kia, cái đó không thể khẳng định được ở đây, thế nhưng có một điều chắc chắn mà tôi hiểu là người ta (Việt Nam) cũng chủ động.
"Và về lâu dài, trong thực hành mà nói, chính sách, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, bất kể ai làm gì, thời gian tới cũng không thay đổi nhiều, hai bên cùng cố gắng để phát triển nó tốt hơn."
Khi được hỏi nếu diễn ra các chuyến 'tiếp xúc' đó, đâu sẽ là những nội dung chính yếu mà phía Việt Nam cũng như hai bên sẽ quan tâm thảo luận, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói tiếp:
"Nếu mà có cái gì đó như thế, người ta sẽ thăm dò nhau, người ta sẽ muốn hai bên cùng khẳng định là không có thay đổi lớn gì trong chính sách đối ngoại, trong thực hành đối ngoại giữa hai bên.
"Đồng thời các vấn đề cùng quan tâm như là nếu TPP (Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương) rút, chuyện ấy để tính sau, nhưng còn các hợp tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, làm sao thúc đẩy cho nó có màu sắc chiến lược nhiều hơn, trong đó có các đối thoại về chính trị, an ninh, quân sự và nhân quyền, bốn thứ đó," người đồng thời là Chủ tịch Think Tank Viet Know nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Gặp ai, ai tiếp, tiếp thế nào?

PGS. TS. Jonathan LondonImage copyrightPHUONG NGO
Image captionPGS. TS. Jonathan London từ Đại học Leiden, Hà Lan nói ông sẽ 'bất ngờ' nếu ông Trump và bộ máy nhân sự đang chuyển giao quyền lực của ông sẽ gặp phái đoàn Việt Nam vào thời điểm hi nay.
Từ Đại học Leiden, Hà Lan, nhà nghiên cứu và bình luận thời sự, chính trị, PGS. TS Jonathan London, tiếp theo ý kiến của Tiến sỹ Hợp và trả lời câu hỏi của BBC về việc nếu có các chuyến tiếp xúc đó, thì phía Việt Nam sẽ gặp ai, về phía bộ máy đang chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, thì ai tiếp và tiếp thế nào, ông nói:
"Thực ra tôi sẽ hơi bất ngờ nếu ông Trump và đoàn của ông Trump gặp phía Việt Nam về việc này."
Và ông Jonathan London giải thích:
"Bởi vì tôi nghĩ hiện nay ông Trump vẫn đang quyết định những người sẽ làm trong chính phủ của mình và chưa phù hợp để nói về Việt Nam. Tôi nghĩ là ông Trump vẫn trong một giai đoạn mà chẳng biết làm gì, chỉ đang lo về vấn đề chọn ai.
"Và tôi muốn nói một điều là đối với châu Á, rất có khả năng ông Trump sẽ có một động thái mạnh, không nên giả định là ông Trump sẽ rút khỏi châu Á. Bởi vì những người (bộ máy nhân sự) của ông Trump đang nghe, đặc biệt những vấn đề quân sự, nhiều người, nhiều tên (tuổi) rất muốn có một vai trò mạnh của Mỹ trên chính trường quốc tế.
"Và chúng ta phải biết một điều là hiện nay ông Trump đang làm chính trị của Mỹ và toàn chính trị thế giới thành một chương trình truyền hình thực tế, bởi vì yếu tố đặc trưng, quan trọng nhất của ông Trump là gì?
"Đó là tạo ra một sự không chắc chắn và điều đó có thể được xem là một thế mạnh, nhưng cũng có thể được xem là một rủi ro lớn cho thế giới. Ông thực sự là một nhân vật rất lạ và chúng ta phải chờ xem là ông có động thái thế nào.
"Tôi hy vọng là người dân Việt Nam, người dân Mỹ và người dân các nước khác muốn có một trật tự quốc tế ổn định, hòa bình, bền vững, sẽ kết hợp cùng nhau để có (một nền) chính trị xác đáng với kỳ vọng của đại đa số người khác nhau," PGS. TS. Jonathan London nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

Một người 'thường đóng kịch'

Giáo sư Ngô Vĩnh LongImage copyrightFB NGO VINH LONG
Image captionGiáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ cho rằng ông Donald Trump là người thường hay 'đóng kịch' và rất khó đoán biết chính sách tương lai công.
Bình luận về ý kiến trên, từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà quan sát, phân tích chính trị, bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ, nói:
"Tôi đồng ý với Giáo sư London là chúng ta chưa biết rõ những gì xảy đến, là bởi vì Donald Trump là người thường đóng kịch, thành ra nếu chỉ nhìn Donald Trump không, thì mình không thể hiểu những gì sẽ xảy ra.
"Nhưng nếu nhìn ê-kíp mà ông thành lập, nếu nhìn vấn đề đối ngoại, thì đúng là ông đã bổ nhiệm những người mà muốn chứng tỏ Mỹ còn mạnh, nhưng những người này không có kinh nghiệm trong vấn đề đối ngoại.
"Và chỉ có kinh nghiệm 'đánh nhau' (chiến tranh) thôi, mà đánh nhau, trên phương diện bộ binh mà ở miền Trung Đông hiện nay, Mỹ vẫn còn đang nghĩ đến vấn đề làm sao dẹp các nhóm Hồi giáo (theo đạo Islam) cực tả, thành ra tôi thấy họ chưa có một đồng nhất gì hết trong vấn đề quan hệ quốc tế.
"Mà ngay cả ở trong nước cũng vậy, Donald Trump vừa đề cử hai bà, nhưng hai bà này tôi nghĩ cũng chỉ là 'show' (phô diễn) thôi, như một bà gốc Ấn Độ thì đưa ra trước khán giả quốc tế để cho thấy tôi có một người gốc Ấn Độ, trong khi bà kia 'không biết gì' về giáo dục.
"Bà lại muốn lấy tiền của chính phủ cho những cơ quan giáo dục tư, thành ra không biết khi bà lên làm Bộ trưởng thì ảnh hưởng thế nào đối với Mỹ?"
"Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng với người Mỹ rất quan trọng trong vấn đề Donald Trump sẽ làm trong những tháng năm tới, bởi vì nếu không thành công trong những lời hứa của ông, mà nếu chúng ta phân tích rõ ràng, (nếu) ông ta sẽ không thành công trong nhiều lĩnh vực, thì lúc đó sẽ có phản ứng mạnh trong người dân Mỹ," học giả Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói với BBC.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến, bình luận, phân tích của các khách mời tại cuộc Tọa đàm trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.
Quý vị có thể bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 24/11/2016 về chủ đề chuyển giao quyền lực, chính sách mới của chính quyền Tổng thống tân cử Donald Trump và tác động ảnh hưởng có thể có tới Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Tin liên quan