Saturday, November 26, 2016

Biển Đông : Việt Nam thách thức Trung Quốc

Biển Đông : Việt Nam thách thức Trung Quốc

mediaẢnh vệ tinh chụp nhà để máy bay mà Việt Nam đang xây ở Trường Sa.@csis/amti
Với việc nâng cấp phi đạo duy nhất của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và xây dựng các nhà để máy bay mới tại địa điểm này, Hà Nội đáp lại việc Trung Quốc trong thời gian qua đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực đang tranh chấp này ở Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố vào tuần trước cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.
Thật ra thì quy mô của công trình mở rộng phi đạo của Việt Nam chẳng thấm vào đâu so với các công trình của Trung Quốc ở Trường Sa, vì các chiến đấu cơ phản lực chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế phi đạo vừa được mở rộng. Nhưng theo ghi nhận của dự án Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc trung tâm CSIS, hành động nói trên cho thấy là ngay cả khi căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc giảm bớt, Việt Nam vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội và thắt chặt quan hệ an ninh với các nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ, để chuẩn bị đối phó với những hành động khác của Trung Quốc trong tương lai nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters tháng 8/2016 tiết lộ rằng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội đã không xác nhận thông tin này, nhưng theo nhận định của AMTI, hành động đó không có gì là đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy tiềm lực không quân rất mạnh mà Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ triển khai ở vùng Trường Sa.
Theo AMTI, Việt Nam có thể sử dụng phi đạo mở rộng và nhà để máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa. Cho dù tiềm lực quân sự của Việt Nam không thể so với của Trung Quốc, nhưng Hà Nội có vẻ quyết tâm nâng cao khả năng giám sát hoặc khả năng bảo vệ chủ quyền, nếu thông tin về việc triển khai tên lửa là đúng.
Hôm thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam ngưng xây dựng « trên lãnh thổ Trung Quốc », nhưng chắc là Hà Nội sẽ không làm theo yêu cầu này của Bắc Kinh.
Dầu sao thì với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, một mặt nâng cao khả năng sẳn sàng chiến đấu của quân đội, mặt khác đầu tư phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với việc mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau. 
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment