Saturday, June 25, 2016

Elizabeth Phù – Nữ cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ

Elizabeth Phù – Nữ cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ

Anh Minh, phóng viên RFA
2016-06-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
13483353_10154342321174571_8830500485820642368_622.jpg
Nữ cố vấn gốc Việt Elizabeth Phù và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong xe riêng của ông trên đường tới một sự kiện về người tị nạn tại Malaysia vào tháng 11 năm 2015.
Hình do Bà Elizabeth Phù gửi tặng RFA
Là một trong những thế hệ thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, Elizabeth Phù và ba mẹ cùng người em gái một lần nữa bước xuống tàu sau lần vượt biên đầu tiên thất bại và bị giam cầm nhiều tháng trong trải cải tạo. Chiếc tàu nhỏ bé chứa hơn 250 người chết máy ngay khi ra khỏi hải phận. Sau bảy ngày  trôi dật dờ giữa biển cả và đụng độ cướp biển hai lần, họ đã may mắn được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Hoa Kỳ. Giờ đây, cô bé ấy đã trở thành nữ cố vấn cho Tổng thống Obama, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc tại tòa Bạch Ốc giữ chức vụ Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Đài Á Châu Tự Do vinh dự có buổi phỏng vấn bà Elizabeth Phù tại tư gia.

Thành công từ những thử thách

Anh Minh: Xin chào Elizabeth, rất vinh dự cho tôi khi được gặp bà hôm nay để thực hiện buổi phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên của tôi dành cho bà như sau: Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc ở Nhà Trắng trong vai trò Giám đốc phụ trách an ninh khu vực Đông Nam Á, Châu Đại Dương và Đông Á. Xuất thân từ một cô bé tị nạn Việt Nam thì thử thách nào là khó khăn nhất mà bà đã phải vượt qua trong sự nghiệp của mình?
Elizabeth Phù: Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn vì đã giúp tôi tham gia trong chương trình này. Tôi đã làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ, cụ thể là bộ quốc phòng khi tôi 24 tuổi. Là một người phụ nữ, một phần thiểu số, một nhân viên dân sự, nên đã có rất nhiều lần trong các buổi họp ở Bộ Quốc phòng hay là ở nước ngoài thì rõ ràng tôi là người trẻ nhất, là người phụ nữ duy nhất, là phần thiểu số, là thường dân trong phòng họp đó.
Điều quan trọng cho một người như tôi hoặc bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị thật tốt, làm việc chăm chỉ, sẵn sàng đóng góp khả năng của mình và làm tròn bổn phận được giao phó.
-Elizabeth Phù
Vì vậy tôi cảm thấy rằng tôi thực sự cần phải chứng minh bản thân mình. Sau nhiều năm thì tôi khám phá ra rằng mọi người chẳng hề bận tâm tới vấn đề này lắm. Từ đó tới giờ tôi cũng đã từng thấy có những trường hợp rõ ràng là người ta bận tâm về vấn đề này. Nhưng đa phần thì mọi người chỉ muốn biết là tôi có làm được việc hay không.  Điều này đã giúp tôi tích lũy thêm kiến thức, tự trao dồi bản thân để trở nên tự tin hơn trong công việc. Đó là những thử thách khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất.
Anh Minh: Bài học quan trọng nhất mà bà học được là gì?
Elizabeth Phù: Bởi vì mọi người muốn biết liệu rằng bạn có làm được việc? Nên tôi thực sự nghĩ rằng điều quan trọng cho một người như tôi hoặc bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị thật tốt, làm việc chăm chỉ, sẵn sàng đóng góp khả năng của mình và làm tròn bổn phận được giao phó.
Anh Minh: Trở lại quãng thời gian mà gia đình bà mới đặt chân tới nước Mỹ, bà có từng cảm thấy nhớ nhà hay cảm thấy cực khổ không? Và điều gì hay những sự kiện nào đã làm cho bà cảm thấy khá hơn?
Elizabeth Phù: Thật đáng tiếc là lúc đó tôi quá nhỏ. Tôi tới đây lúc mới được 4 tuổi nên khi còn nhỏ như vậy thì mình chỉ cần sự che chở của bố mẹ và chẳng để ý lắm tới cảm xúc. Nhưng tôi biết ba mẹ của tôi đã có những lúc khó khăn lắm. Họ bắt buộc phải rời bỏ quê hương. Họ rất biết ơn khi được đến nước Mỹ nhưng chắc chắn họ đã những có những khoảng thời gian rất khó khăn. Họ đã làm việc vô cùng vất vả. Tôi nhớ ba của tôi ngoài công việc chính còn phải làm thêm bán thời gian mà cũng chỉ đủ để nuôi sống gia đình thôi. Cũng có những lúc ba mẹ tôi bị kỳ thị và gặp nhiều chuyện cực nhọc khác. Nhưng cá nhân tôi thì không như vậy. Tôi đã rất may mắn.
13483347_10154348743819571_4945553802749075268_400.jpg
Nữ cố vấn gốc Việt Elizabeth Phù trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục Nhà Trắng, với các giới chức cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Denis R. McDonough, Phát ngôn viên của Tổng thống Jay Carney... (Photo: White House)
Anh Minh: Nói về công việc của bà ở Nhà Trắng , vấn đề nào mà bà thấy yêu thích nhất cũng như không thích cho lắm?
Elizabeth Phù: Đầu tiên thì tôi phải nói rằng đó là một công việc rất tuyệt vời. Tôi đã rất may mắn khi có nó. Một phần bởi vì thành tích cá nhân của tôi, nhưng một phần cũng vì tôi có cơ hội được làm việc ở cấp bậc cao nhất liên quan tới những quốc gia mà tôi quan tâm tới. Có những phần việc tốt và cũng có những phần việc rất khó. Tôi sẽ nói rằng không có phần việc nào khiến tôi ghét cả. Mọi thứ thì nó cứ xảy ra và mình thì không biết được cái gì sẽ tới. Ví dụ như có thiên tai ở đằng này, đằng kia thì lại có bầu cử. Mọi thứ cứ tiến triển rất là sôi động, và mình phải chuyển từ vấn đề này sang vấn đề tiếp theo một cách rất nhanh chóng.

Công việc và gia đình

Anh Minh: Những người làm việc trong Nhà Trắng và có vị trí như bà thì thường rất là bận rộn. Họ thậm chí không có thời gian dành cho gia đình họ nữa. Bà có từng phải làm việc như vậy không? Làm sao mà bà thu xếp được thời gian cho cả công việc và gia đình?
Elizabeth Phù: Chúng tôi làm việc rất vất vả ở Nhà Trắng. Tất cả mọi người đều như vậy. Họ là những đồng nghiệp rất tận tuỵ. Tôi đã rất may mắn. Tôi không bao giờ đòi hỏi thêm sự tận tuỵ ở họ cả. Lúc mới vào làm việc ở Nhà Trắng, chúng tôi không hề nghe về chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bây giờ thì chúng ta nghe chuyện này rất nhiều. Nhưng thành thật mà nói thì rất là khó khăn để cân bằng cuộc sống với công việc ở Nhà Trắng. Thời gian làm việc rất dài, nhiều áp lực và căng thẳng. Riêng tôi thì rất may mắn vì chồng của tôi rất ủng hộ và sẵn sàng làm việc nhà khi tôi phải bận rộn với công việc mỗi ngày.
Anh Minh: Khi rảnh rỗi thì bà thường hay làm gì?
Thời gian làm việc rất dài, nhiều áp lực và căng thẳng. Riêng tôi thì rất may mắn vì chồng của tôi rất ủng hộ và sẵn sàng làm việc nhà khi tôi phải bận rộn với công việc mỗi ngày.
-Elizabeth Phù
Elizabeth Phù: Tôi có một đứa con trai còn nhỏ nên mỗi khi có thời gian rảnh tôi đều dành thời gian cho bé và chồng của tôi. Chúng tôi không có quá nhiều thời gian nhưng đều chắc chắn là làm sao giữ liên lạc được với bạn bè và gia đình.
Anh Minh: Một vài người nói là Tổng thống Obama nhìn có vẻ già đi rất nhiều sau 8 năm nắm giữ công việc khó nhất thế giới. Đã từng làm việc chung với ông ta thì bà có bao giờ cảm thấy e ngại rằng mình sẽ giống ông ta một lúc nào đó không?
Elizabeth Phù: (cười) Đầu tiên thì phải nói là tôi không có nắm giữ công việc khó nhất thế giới như Tổng thống Obama. Và tôi nghĩ rằng ông ta đã làm công việc đó rất tuyệt vời. Ông ta trông có tuổi hơn nhưng mà vẫn rất khoẻ mạnh trong khi phải làm nhiều công việc rất táo bạo và nhiều căng thẳng.
Tôi đã có mặt ở Malaysia với Tổng thống Obama vào tháng 11 năm ngoái khi ông có buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo trẻ Á Châu. Và ông đã đùa rằng ông không có nhuộm tóc đâu. Ông ấy có khá nhiều tóc bạc sau 7 năm rưỡi làm Tổng thống, nhưng ông đã làm việc rất tuyệt vời. Còn tôi thì rất may mắn vì chưa bao giờ phải chịu đựng những căng thẳng như vậy.
Anh Minh: Ví dụ như nếu bà vẫn còn làm việc ở nhà trắng và sau cuộc bầu cử vào tháng 11 này thì có thể bà sẽ có những thay đổi về công việc nếu nước Mỹ có một tổng thống mới thuộc đảng cộng hoà. Nhưng hiện giờ bà đang làm việc cho bộ quốc phòng, vậy bà sẽ làm gì nếu chúng ta có một tổng thống thuộc đảng cộng hòa vào tháng Giêng năm sau?
Elizabeth Phù: Tôi là một công chức nên công việc của tôi không bó buộc vào các chu kỳ bầu cử. Tôi đã bắt đầu sự nghiệp của mình dưới thời Tổng thống Bill Clinton, tiếp đến là Tổng thống George W.  Bush và tất nhiên là Tổng thống Obama ở nhà trắng. Tôi không biết rõ tương lai như thế nào, nhưng công việc của tôi sẽ không bị bó buộc vào các chu kỳ bầu cử.
Anh Minh: Bà đã từng bao giờ trở về thăm Việt Nam chưa?
Elizabeth Phù: Tôi đã từng. Tôi trở lại Việt Nam vì công việc chuyên môn cũng như có những chuyến viếng thăm riêng tư.
Anh Minh: Bà đã đi thăm những nơi nào?
Elizabeth Phù: Tôi đã đến Hà Nội vào năm ngoái trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm việc với các đồng nghiệp ở chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm đó. Tôi đã ở Hà Nội cho chuyện này. Tuy nhiên trước đó tôi đã viếng thăm Sài Gòn nơi tôi được sinh ra, và ra Phú Quốc nơi cha tôi lớn lên, và một vài nơi khác ở Việt Nam.
Anh Minh: Món ăn nào mà bà đã thưởng thức ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam?
Elizabeth Phù: Món ăn Việt Nam tôi thích nhất là Phở nên mỗi khi mà có cơ hội thì tôi đều thưởng thức nó. Ngay cả ở đây thì tôi vẫn rất thích, và tôi mới ăn Phở ngay tối hôm qua đây.
Anh Minh: Nếu có thể chia sẻ một điều để khích lệ giới trẻ Việt Nam, thì bà sẽ nói gì?
Elizabeth Phù: Chắc chắn rồi. Đối với những bạn trẻ ở Việt Nam, tôi sẽ nói rằng các bạn có một người bạn ở Hoa Kỳ. Chúng tôi quan tâm đến những vấn đề mà các bạn cũng đang quan tâm như sức khoẻ, giáo dục, phát triển quốc gia, biến đổi khí hậu, sự phồn thịnh và an ninh quốc gia. Việt Nam có một cộng sự thân thiết ở Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước trẻ, nên giới trẻ cần thiết phải chủ động và họ sẽ trở thành người thực hiện chuyển tiếp mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Anh Minh: Cảm ơn bà rất nhiều.

Friday, June 24, 2016

Chú chó mỗi ngày đến nhà thờ ngồi bên cạnh thánh đàn. Lý do khiến nhiều người rơi nước mắt

Chú chó mỗi ngày đến nhà thờ ngồi bên cạnh thánh đàn. Lý do khiến nhiều người rơi nước mắt

 
01/06/2016 08:08:10
Chú chó mỗi ngày đến nhà thờ ngồi bên cạnh thánh đàn. Lý do khiến nhiều người rơi nước mắt
Chúng ta không thể hàng ngày đều nhìn thấy con chó trong nhà thờ. Nhưng ở thị trấn nhỏ San Donaci, Italia, chuyện này vẫn thường xảy ra. Tommy là một chú chó Shepherd Đức, hàng ngày đều đi đến nhà thờ và kiên nhẫn ngồi bên cạnh thánh đàn. Nó đang chờ đợi chủ nhân của nó. Nhưng khi biết được câu chuyện đằng sau, bạn sẽ thật sự đau lòng.
Tommy chờ đợi ở trong nhà thờ vì đây là nơi cuối cùng nó nhìn thấy chủ nhân của mình
Tang lễ của chủ nhân được tổ chức tại đây
Cho đến bây giờ nó vẫn đang cố gắng chờ đợi chủ nhân về, nó cuộn mình trước thánh đàn cầu nguyện

Tommy mỗi ngày đều ở đây, trong sự kiên nhẫn và chờ đợi, tham dự tất cả các hoạt động của nhà thờ và giữ im lặng. Nhưng nó không biết, chủ nhân đã không thể quay trở về nữa rồi
Tình cảm trung thành của chú chó Tommy đối với chủ nhân thật là có một không hai. Thật cảm động! Chỉ mong chủ nhân trên trời có thể biết được tấm lòng của chú chó tội nghiệp. Nếu bạn thấy thương Tommy, hãy chia sẻ với bạn bè nhé!
Nguồn ảnh: Bomb01

Thursday, June 23, 2016

‘Tàu vũ trang Trung Quốc hộ tống tàu cá ở Biển Đông’

‘Tàu vũ trang Trung Quốc hộ tống tàu cá ở Biển Đông’

Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ hôm qua cho biết rằng Trung Quốc đang sử dụng đội tàu cá với sự yểm trợ của tàu hộ tống vũ trang, ra khơi đánh bắt ở những vùng lãnh hải tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ không muốn nêu danh tính nói rằng đây là một xu hướng “đáng ngại”.
Nhà ngoại giao này nói rằng việc các tàu tuần duyên hộ tống tàu cá cho thấy “sự vươn rộng của các lực lượng quân sự và bán quân sự” Trung Quốc, và điều đó có thể “gây hấn” và “gây bất ổn”.
Trước bước đi của Trung Quốc, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là việc Việt Nam “tất yếu phải làm”. Ông nói thêm:
“Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung Quốc nói đi đâu là có hải quân Trung Quốc đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ”.
Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung Quốc nói đi đâu là có hải quân Trung Quốc đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ.
Quan chức Mỹ trên cho biết rằng Washington hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/7 về vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông sẽ “buộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải đàm phán” để tìm giải pháp.
Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói: “Vì quyền lợi của mình, Bắc Kinh không nên có bất kỳ hành động gây hấn, trái với phán quyết”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Tổng thống đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, hôm 21/6 cho biết rằng mới đây ông đã hỏi Đại sứ Mỹ tại nước ông rằng liệu Washington có hỗ trợ Philippines nếu xảy ra một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông hay không. Và ông Philip Goldberg đã trả lời rằng “chỉ khi nào các ngài bị tấn công”.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/6 nói rằng bằng việc giải quyết hợp lý các vấn đề liên quan, Bắc Kinh và Minila “có thể đưa quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trở lại”.
Philippines đâm đơn kiện tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc tại tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2013.

Anh Quốc : Ở lại hay rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ?

Anh Quốc : Ở lại hay rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ?

mediaFile d'attente devant un bureau de vote londonien, le 23 juin 2016.REUTERS/Neil Hall
Cuộc trưng cầu dân ý ở lại hay rời khỏi châu Âu ở Anh Quốc, cuộc biểu tình đòi rút luật lao động ở Pháp, lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu chính quyền Trung Quốc làm sáng tỏ việc một nhân viên nhà sách bị bắt, Rio bên bờ phá sản trước thềm Olympic, Ấn Độ đối mặt với thách thức về dân số ở các thành thị, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippine về vấn đề Biển Đông, hệ thống giáo dục Pháp mất điểm. Trên đây là một số nội dung nổi bật trên các nhật báo Pháp ra ngày thứ Năm 23/06/2016.
Hôm nay ngày 23/06/16 là ngày nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý. 46.500.000 cử tri Anh Quốc đi bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại hoặc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ đề Brexit xuất hiện trên trang nhất và chiếm nhiều trang trên các báo Pháp như Le Monde, Les Echos, La Croix, Le Figaro. Nhật báo Libération dành 16 trang cho hồ sơ Brexit. Tờ báo này phân tích 5 lý do nước Anh nên ở lại châu Âu và 5 lý do nước Anh nên rời khỏi châu Âu.
Theo Bruxelles, nước Anh cần ở lại châu Âu để đảm bảo sự cân bằng kinh tế cho khu vực đồng euro và cho cả nước Anh và tránh hiệu ứng domino trưng cầu dân ý sang các nước châu Âu khác đang mất niềm tin vào Liên Hiệp như Thụy Điển, Đan Mạch, Hungary, Phần Lan và tránh gây ra tâm lý e ngại châu Âu cho người dân các nước Pháp, Đức,Ý.
Lý do đầu tiên nước Anh nên ở lại châu Âu là để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị lớn trong bối cảnh từ năm 2008 tới nay, các cuộc khủng hoảng cứ nối tiếp nhau ở châu Âu mà chưa tìm ra giải pháp lâu dài : khủng hoảng ngân hàng, kinh tế, khủng hoảng về khu vực đồng euro, khủng hoảng di dân, … Người ta e ngại về một tương lai không chắc chắn của châu Âu, mối quan hệ giữa Anh Quốc và Liên Hiệp, đầu tư bị đóng băng, thị trường tài chính và tiền tệ bị xáo động,….
Lý do thứ hai là để tránh làm suy yếu sức mạnh điạ chính trị và thương mại của châu Âu.
Lý do thứ ba là nhằm buộc châu Âu phải cải cách. Hiện nay, Anh Quốc đang ở thế « một chân trong, một chân ngoài » Liên Hiệp mà rất nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc mơ ước : nước Anh không phải là thành viên khu vực đồng euro, không nằm trong khối Schengen, không tham gia chính sách an ninh và nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, chỉ đóng góp một phần vào ngân sách chung, … Tại sao Anh Quốc được hưởng những điều này mà các nước khác lại không ?
Lý do thứ tư : tránh cho châu Âu trở thành một khu vực khép kín. Không có nước Anh thì châu Âu đã không trở thành một châu lục theo chủ trương tự do mậu dịch. Anh đã tìm thấy các đồng minh trung thành trong Ủy ban châu Âu, các nước Bắc và Đông Âu để mở rộng biên giới châu Âu. Anh cũng là nước rất tích cực trong việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu sang khu vực Đông Âu. Nếu không có nước Anh thì đã không có việc mở rộng Liên Hiệp năm 2004. Và không phải vô cớ mà các nước Balcan đều muốn gia nhập Liên Hiệp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn duy trì vị trí của mình trong Liên Hiệp Châu Âu.
Và lý do thứ năm, Libération nói một cách hài hước là để « thêm gia vị » cho mối quan hệ giữa Anh và Pháp. Trên thực tế, một cách kín đáo, nhiều người Pháp muốn Anh Quốc rời khỏi châu Âu để Pháp lấy lại vị thế trung tâm trong Liên Hiệp Châu Âu. Nước Anh ở lại sẽ làm tiêu tan giấc mơ của người Pháp : sẽ không có châu Âu theo đường lối xã hội và đánh thuế cao, không có chính sách công nghiệp chung, không tăng ngân sách chung và sẽ có chính sách cạnh tranh tự do. Nước Anh ở lại cũng sẽ khiến các nước không muốn Pháp – Đức thống trị Liên hiệp thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên Brexit cũng không khiến Bruxelles giận dữ vì khi thoát khỏi những cản trở thường xuyên từ Londres, Bruxelles sẽ đưa Liên Hiệp Châu Âu.
Lý do đầu tiên Anh Quốc nên rời châu Âu là để không gây nguy hiểm cho Liên hiệp : không một nước Đông Âu, Tây Âu nào muốn rời châu Âu và các cuộc trưng cầu dân ý xuất phát từ ý tưởng của người dân về việc ở lại hay rời châu Âu cũng không được phép diễn ra ở bất cứ nước nào. Các nước Trung Âu vốn hoài nghi cũng sẽ muốn ở lại không muốn từ bỏ khoản tiền nhận hàng năm từ ngân quỹ châu Âu tương đương với 4% Tổng sản phẩm quốc nội của mỗi nước.
Lý do thứ hai là những khó khăn, thiệt hại mà nước Anh sẽ phải đối mặt sau Brexit sẽ là bài học nhãn tiền cho các nước không muốn ở lại Liên Hiệp Châu Âu.
Lý do thứ ba : Brexit sẽ cho phép phát triển Liên Hiệp. Các chính phủ sẽ phải thỏa hiệp và hoàn thành việc xây dựng khu vực đồng euro, cung cấp cho khu vực này các phương tiện để tự vận hành và thiết lập sự kiểm soát của Quốc hội đối với các quyết định của khu vực này. Sau Brexit, Liên Hiệp cũng sẽ thoát khỏi sự kìm kẹp của Londres khiến các việc thay đổi hiệp ước 28 nước về các vấn đề thách thức của thế kỷ XXI như quốc phòng, chính sách ngoại giao, nhập cư, an ninh Liên Hiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Lý do thứ tư là Brexit sẽ cho phép Bruxelles nhìn nhận lại vấn đề mở rộng châu Âu. Thời kỳ ký kết các hiệp ước tự do mậu dịch với mọi quốc gia và việc mở rộng Liên hiệp mà thiếu sự chuẩn bị kỹ càng đã qua.
Và lý do cuối cùng là để các công dân châu Âu xích lại gần nhau hơn : trên thực tế, rất nhiều vấn đề của châu Âu khi đưa ra thảo luận đã bị Londres phản đối. Sau Brexit, châu Âu sẽ tiến xa hơn nữa vì không phải lo ngại sẽ vấp phải sự bác bỏ lần thứ n từ Londres.
Thông tin rối loạn từ phía chính phủ Pháp trong việc cấm rồi lại cho phép biểu tình
Ngoài cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc nước này ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả các báo chí Pháp ngày hôm nay đều đưa lên trang nhất cuộc biểu tình đòi rút luật lao động và thông tin rối loạn từ phía chính phủ trong việc cấm rồi lại cho phép biểu tình.
Báo Le Monde ra từ chiều qua, chưa thể cập nhật, chạy tựa « Cấm biểu tình : (thủ tướng) Valls lựa chọn giải pháp đọ sức ». Quả thực là sáng hôm qua, sở cảnh sát Paris đã thông báo cho giới công đoàn lệnh cấm biểu tình vào hôm nay, với lý do an ninh. Ngay lập tức, lãnh đạo hai công đoàn lớn là CGT và Force Ouvrière đã yêu cầu được gặp bộ trưởng Nội Vụ để thương lượng.
Và sau cuộc gặp này, chính phủ lại cho phép biểu tình, nhưng rút ngắn hành trình tuần hành tại Paris.
Thái độ chập chờn, không dứt khoát này của chính phủ đã bị tờ báo thiên tả Liberation mỉa mai : « Một bước tiến hai bước lùi » và nhận định, cuối cùng thì những người chống lại luật lao động đã thoát được lệnh cấm biểu tình : Hôm nay, tại Paris, họ được phép đi biểu tình và tuần hành, nhưng chỉ xung quanh khu vực quảng trường Bastille mà thôi. Tuy giữ được thể diện nhờ có thỏa hiệp của bộ trưởng Nội Vụ, nhưng uy tín của chính phủ không hề gia tăng. Gần như dưới dạng sự ký, trong bài « Tám ngày để tự hủy hoại », Liberation đã tường trình lại những các sự kiện và cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ trong việc cấm hay cho phép biểu tình phản đối luật lao động.
Theo phân tích của Liberation trong bài : « Hollande lưỡng lự lúng túng », thì việc tổng thống Pháp François Hollande thay đổi thái độ, lúc đầu ủng hộ cấm biểu tình, sau lại cho phép, minh họa cho những mâu thuẫn về chính trị và tâm lý của ông.
Trước tiên, tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi : Ông Hollande đang chơi trò gì vậy, ông muốn gì ? Ông muốn chia rẽ cánh tả hay lại muốn tái đắc cử vào năm 2017. Tối thứ Ba, 21/06, ông đã đồng ý về nguyên tắc cho phép sở cảnh sát Paris cấm biểu tình phản đối luật lao động vào hôm thứ Năm và nếu như vậy, ông sẽ đi vào lịch sử với tư cách là tổng thống Pháp đầu tiên, kể từ năm 1948, ra lệnh cấm một cuộc biểu tình do giới công đoàn tổ chức. Thế nhưng, vào trưa hôm qua, ông lại lùi bước và chấp nhận để cho bộ trưởng Nội Vụ thỏa hiệp với giới công đoàn, cho phép biểu tình tại Paris.
Liberation nhận định, những gì xẩy ra trong hai ngày qua đã phản ánh rõ tính chất khập khiễng hoặc chập chờn trong thái độ, suy nghĩ của ông Hollande. Vào gần cuối nhiệm kỳ tổng thống, ông Hollande đã vướng mắc vào hai mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất là về mặt tâm lý, thần kinh. Trong các cuộc nói chuyện riêng tư, ông luôn đề cập đến sự cần thiết phải thể hiện uy quyền Nhà nước trong công luận, nhưng ông lại bất lực, không thực hiện nổi. Tờ báo nêu ra mối quan hệ giữa tổng thống với thủ tướng. Nhiều người thân cận khuyên nhủ tổng thống Hollande phải giữ một khoảng cách nhất định với thủ tướng Valls, thế nhưng, ông Hollande không làm nổi. Ông dường như lúc nào cũng dính chặt với thủ tướng và tạo cảm giác là trong nhiều vấn đề, tổng thống Pháp bám theo lập trường của thủ tướng, thay vì phải là người chỉ đạo, đi trước để dẫn dắt chính phủ. Một cố vấn thân cận thừa nhận : đó là điểm yếu của ông Hollande. Ông sợ nếu có bất đồng thì thủ tướng từ chức. Trong khi đó, thủ tướng lại liên tục nhấn mạnh là ông trung thành với tổng thống, do vậy ông Hollande rơi vào thế kẹt.
Mâu thuẫn thứ hai của ông Hollande, theo Liberation, đó là quan hệ của ông với cánh tả, hay đúng hơn là với các phe phái trong cánh tả. Hiện nay, các phe phái này mâu thuẫn với nhau và ngay cả trong nội bộ đảng Xã Hội. Để có cơ may tái đắc cử, ông Hollande cần có được sự ủng hộ của toàn bộ cánh tả. Thế nhưng, ông lại đi theo « thuyết » của thủ tướng Valls, cho rằng có hai phe trong cánh tả không thể dung hòa được với nhau. Câu hỏi đặt ra là cần xát định biên giới giữa hai phe cánh tả này. Thủ tướng Valls cho rằng đường biên giới ngăn cách này nằm trong đảng Xã Hội, còn ông Hollande thì muốn đặt đường biên giới ở bên ngoài, tức là muốn tập hợp đảng Xã Hội. Và cho đến này, thái độ của ông Hollande cũng chưa rõ ràng trong vấn đề này.
Vẫn liên quan đến thái độ chập chờ của chính phủ đối với cuộc biểu tình của giới công đoàn, báo Le Figaro, thiên hữu, đương nhiên chạy trên trang nhất tố cáo tổng thống « Hollande : biểu hiện yếu kém ». Việc chính phủ quay ngoắt 180 độ, cấm rồi lại cho phép biểu tình đã gây ra nhiều điều khó hiểu và những lời diễu cợt.
Chủ đề kinh tế trong cuộc vận động tranh cử ở Hoa Kỳ
Nhật báo Les Echos có bài phân tích về năng lực điều hành kinh tế của hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump. Theo kết quả của một cuộc khảo sát mới nhất, người Mỹ đánh giá ông Donald Trump có năng lực hơn bà Hillary Clinton trong các vấn đề kinh tế. Họ cho rằng nếu bà ứng viên Đảng Dân Chủ thắng cử, bà sẽ mang lại « thảm họa » và « suy thoái ». Người Mỹ cũng đặt nhiều niềm tin vào ông Donald Trump hơn trong việc tạo công ăn việc làm. Bà Clinton gặp bất lợi vì hình ảnh của bà gắn với những năm cầm quyền của ông Obama và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ diễn ra năm 2008.
Thứ Tư 22/06/16, ông Donald Trump đã có một phát ngôn gây sốc : « Bà Hillary Clinton giàu lên bằng cách làm cho các bạn nghèo đi ». Ông đã nói tới sự bùng nổ số người nghèo, nợ công và sự suy giảm thu nhập bình quân của các hộ dân. Lo sợ kết quả bất lợi các cuộc khảo sát, bà Clinton tìm cách cho người dân Mỹ thấy « sự điên rồ » trong các chương trình kinh tế của ông Donald Trump. Bà nói rằng dự án về ngân sách của ông Donal Trump (giảm các loại thuế, tăng trợ cấp cho các cựu binh, củng cố các phương tiện kiểm soát biên giới, … sẽ khiến nợ công tăng thêm 30.000 tỉ USD trong vòng 20 năm tới. Theo một báo cáo mới đây, nếu ông Donald Trump thực sự theo đuổi chương trình kinh tế mà ông đề ra, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và 3.5 triệu người có thể sẽ mất việc làm.
Cùng chủ đề

Biển Đông : Có 8 hay trên 40 nước ủng hộ Trung Quốc ?

Biển Đông : Có 8 hay trên 40 nước ủng hộ Trung Quốc ?

mediaBản đồ Biển Đông trên quả địa cầu bày bán tại một quầy sách ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/06/2016GREG BAKER / AFP
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 23/06/2016 cố biện hộ trước những nghi ngờ về số các quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vụ Philippines kiện tại tòa quốc tế và nói rằng con số đang gia tăng mỗi ngày.
Reuters nhận định, Bắc Kinh đang tăng cường tài hùng biện trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Trung Quốc từ chối tham dự, nói rằng mọi bất đồng phải được giải quyết qua thương lượng song phương.
Theo Bắc Kinh, có trên 40 quốc gia ủng hộ quan điểm của mình, và mới nhất là Zimbabwe và Sri Lanka.
Tuy nhiên theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ, trong đó có những nước không hề có biển như Niger hay Afghanistan. Hôm qua, một quan chức cao cấp Mỹ cho biết rất nghi ngờ về con số do Bắc Kinh đưa ra.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng có ít nhất 47 nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, tuy nhiên một số nước chưa chính thức công bố. Bà nói : « Số quốc gia ủng hộ Trung Quốc tăng lên mỗi ngày, vì vậy tôi không thể đưa ra con số cụ thể cho quý vị ».
Hoa Xuân Oánh nói thêm : « Miễn là có quan điểm khách quan và công bằng, miễn là hiểu được các điểm chính trong lịch sử Biển Đông và bản chất của cái gọi là ‘‘vụ kiện ở tòa trọng tài’’, bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào không thiên vị đều sẽ không ngần ngại chọn lựa quan điểm đúng đắn của Trung Quốc ».
Tuy nhiên Reuters cho biết, các viên chức và nhà phân tích đều có cùng nhận định là phán quyết sẽ rất bất lợi đối với Bắc Kinh.
Cùng chủ đề