Saturday, June 18, 2016

Kinh tế Pháp qua cơn bĩ cực

Kinh tế Pháp qua cơn bĩ cực

mediaTổng thống Pháp François Hollande thăm công xưởng đóng tầu STX France tại Saint-Nazaire, ngày 13/10/2015.REUTERS/David Vincent/Pool
Tăng trưởng kinh tế Pháp khả quan hơn dự báo, NATO tăng cường lực lượng ở biên giới Nga, ngoại giao Pháp-Nga căng thẳng vì hooligan, Daech đánh ván bài tự sát, nữ dân biểu Anh Jo Cox, nạn nhân đầu tiên của Brexit là những chủ đề thời sự nóng trên báo chí Pháp ngày 17/06/2016.
Giữa cúp bóng đá châu Âu 2016, tăng trưởng kinh tế Pháp, chiến thuật ve vãn Tây phương của tổng thống Nga Putin có liên quan nhân quả gì không ?
Tổng thống và thủ tướng Pháp đối diện với sự « nổi giận của dân chúng ». Dưới tựa chính trên trang nhất, Le Monde giải thích là hành pháp kỳ vọng vào cúp bóng đá châu Âu và kinh tế hồi sinh mở ra một thời kỳ khả quan hơn. Nhưng niềm hy vọng này bị « tình hình căng thẳng xã hội » làm hao mòn. Le Monde nhấn mạnh là cho dù kinh tế khởi sắc vào lúc nước Pháp chỉ còn một năm là đến mùa bầu cử tổng thống, nhưng tổng thống Hollande vẫn phải đương đầu với khủng hoảng xã hội và phản kháng. Cho dù « Quốc hội biểu quyết thêm 6 tuần hay 7 tuần nghỉ ngơi được trả lương, thì vẫn còn người xuống đường biểu tình ». Nhận định của dân biểu Razzy Hammadi vùng dân nghèo Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris nói lên được nguyên nhân sâu xa của tâm trạng bất an này.
Không xem nặng hệ quả chính trị, Les Echos tập trung vào « những động cơ » thúc đẩy kinh tế Pháp đi lên ngoài dự báo : tăng trưởng 1,6% trong năm nay. Với 210.000 công ăn việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp sẽ xuống còn 9,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2012, khi tổng thống Hollande kế vị người tiền nhiệm. Điểm phấn khởi là động cơ tăng trưởng này không đến từ yếu tố thuận lợi bên ngoài như giá dầu và đồng euro mà xuất phát từ sức mạnh của nội lực, từ doanh nghiệp và đầu tư trong nước.
Tuy nhiên nếu đồng nghiệp Le Figaro phấn khởi với tựa « chân trời tươi sáng » cho Pháp và vùng euro thì nhật báo kinh tế Les Echos thận trọng cảnh báo : xuất khẩu của Pháp vẫn còn yếu. Do vậy, không có gì chắc chắn là tương lai chính trị của tổng thống Pháp, có lẽ sẽ ra tranh nhiệm kỳ thứ hai, được bảo đảm nhưng có thể dự báo là số phận của 2.900.000 người thất nghiệp sẽ được cải thiện.
Châu Mỹ La tinh lâm vào cảnh nghèo
Ngọn gió hy vọng ở châu Âu làm nổi bật tình hình đáng lo ở châu Mỹ La tinh. Theo Les Echos, một phần ba dân số Nam và Trung Mỹ có thể rơi trở lại vào tình trạng nghèo khó. Từ một năm nay, hơn 3 triệu dân đã rơi vào cảnh nghèo và 20 triệu người nữa sẽ theo chân theo dự báo của Liên Hiệp Quốc.
Nguyên nhân thì có rất nhiều : hoạt động kinh tế sụt giảm, nước ngoài bớt đầu tư đúng vào lúc kinh tế trì trệ và nhiên liệu và nguyên liệu xuất khẩu xuống giá. Vấn đề của châu Mỹ La tinh, theo Les Echos, là chính quyền các nước này không cải cách cấu trúc kinh tế vào lúc hưng thịnh mà phải chờ « nước đến chân mới nhảy ». Túng thế, tân tổng thống Achentina tìm cách tận thu thuế bằng biện pháp « ân xá » cho những nhà giầu trốn thuế với hy vọng thu hồi ít ra khoảng 20 tỷ đô la, tuy không là bao, nhưng để Nhà nước có thể tài trợ cho một số biện pháp xã hội xoa dịu dân nghèo.
« Sự cố ngoại giao » giữa Paris và Matxcơva
Trong khi NATO tăng cường quân lực tại biên giới phía đông thì chính quyền Putin mở chiến dịch ve vãn Tây phương bỏ cấm vận. Trong bối cảnh này thì xảy ra « sự cố ngoại giao » giữa Paris và Matxcơva vì hooligan Nga tham gia vào các vụ bạo động tại Pháp trong mùa bóng đá Euro 2016.
« Ở Saint- Petersbourg, Putin chiêu dụ Tây phương », tựa của Le Figaro. Sau phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lợi, khách mời danh dự của hội nghị kinh tế quốc tế do Nga tổ chức hàng năm vào năm 2016 là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
Theo nhật báo cánh hữu, sau khi tìm cách chứng tỏ với Tây phương là « xoay trục » về châu Á, năm nay tổng thống Putin mở chiến dịch xoa dịu Tây phương. Tuy nhiên, trước mặt tổng thống Nga, chủ tịch ủy ban hành pháp châu Âu xác định là lệnh trừng phạt sẽ được triển hạn. Theo các nhà phân tích Nga thân cận của điện Kremlin thì ông Putin không ngạc nhiên trước quyết định của châu Âu nhưng ông biết rằng « nước Nga là một đối tác rất quan trọng nên không bị cô lập hoàn toàn ».
Chiến dịch « xoa dịu » Tây phương, đúng hơn là gây áp lực hành lang với giới doanh nhân và chính trị gia, kinh tế gia nằm trong chiều hướng này, theo Le Monde. Trong mối quan hệ đầy thăng trầm này, lại có thêm hai sự kiện có thể làm tăng căng thẳng hơn là xoa dịu. Một là NATO tăng cường quân ở Ba Lan và ba nước Baltic. Matxcơva cho đây là hành động bao vây. Vào lúc Paris tìm cách giảm bớt căng thẳng qua tuyên bố tăng thêm « bốn tiểu đoàn » là« hợp tình hợp lý » thì Ba Lan, Roumani và Bulgari đòi thêm.
Cho dù Pháp tỏ ra hoà dịu nhưng không tránh xảy ra xung khắc ngoại giao với Nga. Matxcơva, qua thái độ giận dữ của ngoại trưởng Serguei Lavrov và biện pháp triệu đại sứ Pháp ở Matxcơva lên bộ Ngoại Giao, đã không ngần ngại lên án Pháp cư xử theo lối bên trọng bên khinh, kết án tù ủng hộ viên bóng đá Nga trong khi không đụng đến hooligan Anh.
Dĩ nhiên các tuyên bố này không đúng với sự thật vì toà án Pháp đã xử tù nhiều công dân Pháp và Anh trong vụ xung đột bạo động tại Marseille.
Còn Les Echos, với tin Pháp, Nga lên giọng về vụ Hooligan, cho biết là trong khi ngoại trưởng Nga và các quan chức tiếp tục luận điểm lên án nào là Pháp « chính trị hóa » các vụ bạo động bên lề Cúp bóng đá châu Âu, nào là Tây phương không bỏ lở cơ hội bêu xấu Nga thì một doanh nhân Pháp tham dự diễn đàn kinh tế Saint-Patersbourg đặt câu hỏi : Chính quyền Nga sẽ xử lý ra sao nếu vào năm 2018, khi Cúp bóng đá thế giới tổ chức tại Nga cũng bị hooligan Nga gây rối như ở Pháp ?
Theo Le Monde, tổng thống Putin cố tránh tham gia vào chuyện tranh cãi này. Ông chỉ tuyên bố là « với tư cách là nước tổ chức Cúp thế giới 2018, Nga sẽ rút kinh nghiệm từ bài học của Pháp ».
Về phần La Croix, nhật báo công giáo nhìn thấy một hệ quả tích cực, cho kinh tế Nga, qua các biện pháp trừng phạt của Tây phương : trừng phạt mở ra cơ hội mới cho doanh nhân Nga. Cấm vận nông phẩm Tây phương đã giúp cho công nghiệp thực phẩm của Nga hồi sinh với những sản phẩm « Made in Russia ».
Tuy vậy, mặt tiêu cực thì nhiều lắm : Nhà nước tăng thu giảm chi, cắt bớt ngân sách quốc phòng 5% vào năm 2017, tăng tuổi hồi hưu, tiết giảm ngân sách giáo dục và y tế. Cho dù một số doanh nhân làm giàu nhưng đại đa số dân chúng không đủ tiền sống trọn tháng.
« Giành từng thước đất của Daech »
Tây phương đang đẩy lui được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech nhưng đụng phải chiến thuật « xả láng bất chấp máu xương » của thánh chiến từ Irak, Syria cho đến Libya. Chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, chiến tranh từng thước đất, tựa trên trang nhất của Libération.
Các cơ quan tình báo châu Âu truy tìm sáu thương thuyền chở vũ khí cho Daech « đã rời một cảng của Thổ Nhĩ Kỳ » và đang trên đường sang Libya, mọi tín hiệu định vị đều tắt, theo tiết lộ của Le Figaro. Tình báo Tây phương « không rõ » ai đứng sau vụ chở vũ khí này, chính phủ Ankara hay mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều chắc chắn là cuộc chiến chống Daech trên chiến trường không dễ kết thúc nhanh chóng.
Nữ đặc phái viên Maryline Dumas ở thành phố Syrte cho biết lực lượng của chính phủ thống nhất Libya do Tây phương hậu thuẫn đụng phải sự kháng cự của Deach đang cố thủ ở trung tâm thành phố, đánh lại bằng bom tự sát và bắn tỉa.
Hai phóng viên của Libération ở Irak và Syria cũng gửi về bài tường thuật với nội dung tương tự : Daech phản ứng rất tàn bạo. Bị thua nhưng lực lượng thánh chiến tổ chức kháng cự ở Fallouja, Irak hay ở Manbij, Syria một cách phi nhân : vừa bất chấp sinh mạng của chính họ vừa bắt thường dân làm bia đỡ đạn.
Trong bài xã luận với tựa « Cuồng Tín », nhật báo cánh tả tỏ ý lo ngại : trong cuộc chiến không nguyên tắc này, liên minh quốc tế phải oanh kích đối phương. Cho dù có lựa chọn mục tiêu nhưng không thể tránh thiệt hại cho thường dân. Nhưng kẻ thù bất chấp nguyên tắc nhân đạo, hy sinh một cách cuồng tín và bắt dân làm bia đỡ đạn thì công nghệ vũ khí cao cấp không bảo đảm được tinh thần đạo lý tôn trọng thường dân.
Theo lý thuyết, thì trước sức mạnh áp đảo của lực lượng chống Daech, các thành phố bị bao vây sẽ thất thủ dễ dàng. Thế nhưng, với chiến thuật tàn bạo gài mìn bẫy ở từng thước đất, bắt dân làm con tin, trà trộn trong dân để tránh bom, Daech buộc đối phương phải tiến chậm, giành giựt từng thước đất. Cơn ác mộng Daech sẽ còn kéo dài, theo kết luận của Libération.
Brexit : châu Âu nín thở chờ tin
Sự kiện nữ dân biểu Anh Jo Cox, thuộc xu hướng muốn Anh Quốc tiếp tục làm thành viên Liên Hiệp Châu Âu bị ám sát gây bất bình trong công luận và báo chí Pháp chia sẻ. Les Echos và Libération nhắc lại tiểu sử của « ngôi sao chính trị sáng chói », một nhà hoạt động xã hội dấn thân, trước khi đắc cử dân biểu hồi năm 2015, đã tích cực trong các chiến dịch chống nghèo khó và phân biệt sắc tộc trên khắp thế giới. Các báo nhấn mạnh thông tin chiến dịch vận động được đình hoãn.
Jo Cox bị một người đàn ông 52 tuổi bắn và đâm khi bà đi vận động trưng cầu dân ý.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment