Thủ tướng Đức đòi Trung Quốc mở rộng thị trường cho đầu tư
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế và Công nghệ, Bắc Kinh, ngày 13/06/2016.REUTERS/How Hwee Young/Pool
Đang có mặt tại Bắc Kinh, thủ tướng Angela Merkel không ngần ngại đề cập đến những hồ sơ nhạy cảm trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương với đồng nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang) và yêu cầu Bắc Kinh mở rộng thị trường Trung Quốc với các nhà đầu tư ngoại quốc.
Trong buổi họp báo sáng nay, 13/06/2016 thủ tướng Lý Khắc Cường yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng công nhận Trung Quốc là một « nền kinh tế thị trường ». Đây là một trong những điều kiện để Bruxelles giảm thuế đánh vào thép do Trung Quốc sản xuất nhập vào châu Âu.
Lập tức thủ tướng Đức đáp lại, để thỏa mãn đòi hỏi nói trên, Bắc Kinh cần chấm dứt chính sách trợ giá cho khu vực sản xuất sắt thép để tạo một sân chơi bình đẳng. Trong quan hệ thuần túy giữa Đức với Trung Quốc, bà Merkel chủ trương đây phải là một đối tác « đôi bên cùng có lợi ».
Thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết thêm về bối cảnh chuyến công du Trung Quốc lần thứ 9 của thủ tướng Đức, Angela Merkel :
« ‘Không ai có lợi để nổ ra chiến tranh thương mại ở quy mô lớn. Tránh để kịch bản này xảy ra, chúng ta bắt buộc phải thẳng thắn đề cập đến những vấn đề đang tồn đọng’. Phát biểu tại Đại học Nam Kinh ngày hôm qua (12/06/2016) thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố như trên và bà đã đề cập đến dự án tập đoàn Trung Quốc Midea muốn mua lại hãng chế tạo Robo Kuka của Đức.
Phó thủ tướng Đức kiêm bộ trưởng Kinh Tế Sigmar Gabriel công khai phản đối dự án này. Trước cử tọa tại Nam Kinh, lãnh đạo Đức đã nhấn mạnh đến mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Nói cách khác, bà quan niệm Trung Quốc cần mở rộng thị trường hơn nữa cho các doanh nhân nước ngoài vào hoạt động. Năm ngoái tổng cộng Trung Quốc đã mua lại 32 hãng của Đức và tổng kim ngạch đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này đã tăng lên gấp ba lần trong một chục năm qua.
Công luận Đức, cả trong giới sản xuất lẫn công đoàn đón nhận một cách tích cực việc Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp nước này đang gặp khó khăn nhưng mọi người thận trọng hơn khi các hãng Trung Quốc muốn chen chân vào những lĩnh vực chiến lược trong mạng lưới công nghiệp của Đức. Hiện tại, những nỗ lực của chính phủ Đức để tìm kiếm một đối tác có thể cứu hãng robo Kuka chưa đem lại kết quả mong đợi ».
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment