Friday, July 29, 2016

Hộ chiếu lưỡi bò : Mưu toan mới của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông

Hộ chiếu lưỡi bò : Mưu toan mới của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông

mediaBản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.eia.doe.gov
Vào hôm nay, 22/11/2012, như vậy là cả Việt Nam lẫn Philippines đều lên tiếng công khai phản đối việc Trung Quốc cho lưu hành hộ chiếu mới có in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn - còn gọi là lưỡi bò - thể hiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.
Hành động này được cho là một bước leo thang mới trong chiến lược của Trung Quốc, dùng mọi thủ đoạn để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, bất chấp luật lệ quốc tế hay các tuyên bố ngược lại của các láng giềng Đông Nam Á.
Theo giới phân tích, sự kiện Hà Nội hay Manila cực lực phản đối hành động của Trung Quốc không phải là không có lý. Nhật báo Anh Financial Times, cơ quan truyền thông đầu tiên lên tiếng về vụ việc này ngay từ hôm qua, 21/11 đã cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể nào hài lòng trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ đều bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.
Báo Financial Times đã trích lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Hà Nội cho rằng : "Theo tôi, đây là một bước đi rất hiểm độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động thâm độc khác. Khi người Trung Quốc muốn thăm Việt Nam, chúng tôi buộc phải chấp nhận họ và đóng dấu hộ chiếu của họ”. Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, không chỉ là người Việt Nam, mà tất cả mọi người trên thế giới phải lên tiếng ngay bây giờ để phản đối hành động sai trái đó của Bắc Kinh.
Khi đưa tin về việc Việt Nam và Philippines đồng thời lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ này, hãng AFP vào hôm nay đã nêu bật tuyên bố đầy quan ngại của ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines : “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.
Như vậy, Trung Quốc đã tung ra thêm một thủ đoạn nhằm gián tiếp quảng bá cho chủ quyền của Bắc Kinh ngoài Biển Đông, bên cạnh các hành vi cụ thể thô bạo như tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chận bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình, mời thầu dầu khí quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đó là chưa kể đến các hành vi nhằm củng cố tình trạng đã rồi tại những vùng mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng như thành lập “thành phố Tam Sa” ngay tại quần đảo Hoàng Sa để cai quản ba quần đảo mà họ đòi chủ quyền là Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa; xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), cử đơn vị quân đội đồn trú tại đấy, phát triển hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, du lịch trên một số đảo…
Theo một nhà ngoại giao cao cấp công tác tại Bắc Kinh xin giấu tên, được báo Financial Times trích dẫn thì việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là “một sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm ». Đối với nhà quan sát này, sự kiện trên nghiêm trọng vì lẽ nếu sau này mà Bắc Kinh thay đổi ý kiến, thì họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây.
Đối với báo Financial Times, việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu “lưỡi bò” là dấu hiệu cho thấy là Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông.
Nhận định trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh mới đây, tại các Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN tại Phnom Penh – kết thúc hôm 20/11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc một lần nữa lại lớn tiếng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, không phải là ai cũng đồng ý với quyết định dùng hộ chiếu để áp đặt chủ quyền của chính quyền Trung Quốc. Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu có thể « chứng minh chủ quyền quốc gia » nhưng cũng có thể làm cho vấn đề « vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm”.
Đối với Giáo sư Hoằng, quyết định cho phát hành này có lẽ đã được cấp bộ đưa ra chứ không phải là cấp Nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc đòi Việt Nam điều tra vụ hộ chiếu lưỡi bò bị bôi bẩn

Trung Quốc đòi Việt Nam điều tra vụ hộ chiếu lưỡi bò bị bôi bẩn

mediaTrang hộ chiếu Trung Quốc có in hình bản đồ "đường chín đoạn" ở Biển Đông Kunming (ảnh chụp ngày 23/11/2012)REUTERS/Stringer
Hãng tin AP hôm nay 28/07/2016 cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam điều tra về thông tin một nhân viên cửa khẩu ở sân bay Thành phố Hồ Chí Minh đã bôi bẩn lên hộ chiếu của một người Trung Quốc, sau khi báo chí đăng ảnh tấm hộ chiếu có bản đồ đường lưỡi bò bị ghi hai chữ « f***you » (có ý nghĩa thô tục).
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua đã ra thông cáo mạnh mẽ lên án hành động mà họ gọi là « đáng xấu hổ và hèn nhát », yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và trừng phạt nhân viên liên quan. Bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết cơ quan chức năng đang kiểm tra lại thông tin trên.
Sự cố này xảy ra trong lúc tình hình khu vực vẫn căng thẳng, hơn hai tuần sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye ra phán quyết cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn tự vẽ, thường gọi là « đường lưỡi bò », là không có cơ sở pháp lý.
Hà Nội đã hoan nghênh phán quyết, mặc dù thường ngần ngại trong việc chỉ trích Bắc Kinh.
Từ năm 2012, Trung Quốc bắt đầu phát hành các hộ chiếu có in hình tấm bản đồ có « đường lưỡi bò », bao trùm lên hầu hết Biển Đông. Philippines, Việt Nam đã phản ứng bằng cách cấp thị thực rời, từ chối đóng dấu lên các trang có in hình bản đổ này trong hộ chiếu, để chứng tỏ không công nhận « bản đồ lưỡi bò ».
Trung Quốc và Việt Nam từ lâu vẫn bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Căng thẳng tăng cao vào năm 2014, sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, gây ra những cuộc biểu tình hàng loạt phản đối.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung trong tuần đã nói với hãng tin AP là Hà Nội cũng muốn giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh thông qua đối thoại song phương. Đây là điều mà Trung Quốc muốn ép buộc ASEAN, cho dù không loại trừ việc áp dụng luật quốc tế.
Cùng chủ đề

Biển Đông: Bắc Kinh thuê biển quảng cáo ở Times Square (NY) để tuyên truyền


Biển Đông: Bắc Kinh thuê biển quảng cáo ở Times Square (NY) để tuyên truyền

mediaMàn hình quảng cáo tại Times Square, New York, ngày 19/11/2014. Ảnh minh họaREUTERS/Lucas Jackson
Theo một trang mạng Hồng Kông hôm nay, 27/07/2016, từ ngày 23/07 vừa qua, những ai đi qua quảng trường Times Square nổi tiếng ở New York đều không thể không để ý đến một đoạn video quảng bá lập trường Biển Đông của Trung Quốc, được chiếu liên tục trên một tấm biển quảng cáo điện tử khổng lồ tại nơi này. Đây được xem là chiêu mới nhất trong cuộc chiến tranh tuyên truyền do Bắc Kinh khởi động để chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo trang web ejinsight.com, đoạn video dài 3 phút 12 giây, mang nội dung giải thích lịch sử Biển Đông và tính đúng đắn của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Trong video, có những đoạn ghi lại phát biểu của một số chuyên gia bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và đả phá phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tấm biển quảng cáo rộng 240 mét vuông, đã được công ty Trung Quốc Xinhua Gallery Media (tại Bắc Kinh) thuê dài hạn. Video về Biển Đông được chiếu trên màn hình này cho đến ngày 03/08, với nhịp độ là 120 lần mỗi ngày.
Theo Tân Hoa Xã, đoạn video « làm rõ sự thật đằng sau những trò hề của thủ tục trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông », nhưng không cho biết công ty sản xuất là ai. Hãng tin chính thức của Trung Quốc không ngần ngại khoe rằng đoạn quảng cáo đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Theo trang mạng Hồng Kông, đoạn video tuyên truyền của Trung Quốc đã được phát ra sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye ra phán quyết ngày 12/07, cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông đều không có cơ sở pháp lý, và Bắc Kinh đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi xây dựng các hòn đảo nhân tạo và ngăn chặn hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp.
Cùng chủ đề

Biển Đông: Trung Quốc xuyên tạc lời nghị sĩ Anh để tuyên truyền

Biển Đông: Trung Quốc xuyên tạc lời nghị sĩ Anh để tuyên truyền

mediaQuảng cáo tuyên truyền về đòi hỏi chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc trên quảng trưởng Thời Đại-Times Square, New YorkStan Honda / AFP / Getty Images
Bị thất bại nặng nề vì phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA) La Haye bác bỏ yêu sách « đường lưỡi bò », Trung Quốc tiếp tục chiến dịch tuyên truyền rầm rộ về chủ quyền Biển Đông trên truyền thông phương Tây. Ngày 27/07/2016, một nghị sĩ Anh đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh xuyên tạc phát biểu của bà, trong một video được phát liên tục ở trung tâm thành phố New York, Hoa Kỳ.
Theo Tân Hoa Xã, video được chiếu đi chiếu lại 120 lần một ngày, từ 23/07 đến 03/08 trên một bảng quảng cáo khổng lồ tại Times Square, tức Quảng trường Thời Đại nổi tiếng ở trung tâm New York.
Trong video dài ba phút này có đoạn trích dẫn nghị sĩ Công Đảng Anh, bà Catherine West nói : « Tôi nghĩ rằng đàm phán là cốt yếu, vì vậy mà chúng ta phải thận trọng. Vâng, chúng ta cần giải quyết vấn đề chỉ trong phạm vi khu vực, và có cách tiếp cận chú trọng đến đối thoại ».
Nhưng ngay sau đó, bà Catherine West đã phản ứng trên mạng Twitter. Trên tài khoản cá nhân, bà viết : « Tôi luôn bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và cổ vũ các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ».
Bà còn dẫn chứng một đoạn chất vấn trước đó với ngoại trưởng Anh : « Ông có đồng ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tôn trọng, và bất kỳ hành động không tuân thủ nào của chính quyền Trung Quốc không chỉ làm tổn hại nặng nề cho uy tín của Bắc Kinh, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ? »
Trả lời trang mạng Buzz Feed News, nghị sĩ Catherine cho biết phát biểu của bà đã bị bóp méo, và bà rất bối rối, lo ngại khi bị cho xuất hiện trong video tuyên truyền này. Hơn nữa, bà còn bị giới thiệu nhầm là đang giữ một chức vụ trong đảng đối lập, mà khi Công Đảng nắm quyền sẽ trở thành ngoại trưởng.
Video này giải thích Trung Quốc « có chủ quyền không thể tranh cãi » tại Biển Đông, đưa các hình ảnh nhằm cố chứng minh Trung Hoa là nước đầu tiên đã phát hiện, đặt tên, khám phá, khai thác « Nam Hải » và các vùng biển xung quanh ; « liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình và hiệu quả » tại khu vực này.
Báo chí nhà nước Trung Quốc khoe khoang : « Video đã làm rõ sự thật đằng sau trò hề trọng tài, và nhắc nhở rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Nhiều chuyên gia và quan chức trên toàn thế giới ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông ».
Tuy nhiên trang mạng Buzz Feed News khẳng định với độc giả là « sẽ mất toi ba phút và mười hai giây trong cuộc đời » với video tuyên truyền của Trung Quốc. Nhiều tờ báo khác cũng chế giễu động thái quá đáng này. Theo New York Times, tiền thuê màn hình khổng lồ ở địa điểm sầm uất này từ 300.000 đến 400.000 đô la một tháng.
Tại Pháp trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cũng đã vung tiền ra mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để khẳng định « chủ quyền » Biển Đông.
Cùng chủ đề

Trung Quốc gia tăng thử nghiệm hệ thống lá chắn tên lửa

Trung Quốc gia tăng thử nghiệm hệ thống lá chắn tên lửa

mediaHệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa.REUTERS/U.S. Department of Defense
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 27/07/2016 xác nhận Bắc Kinh đang xúc tiến thiết lập hệ thống chống tên lửa sau khi có nhiều hình ảnh được phát đi trên các đài truyền hình Nhà nước.Đây là động thái được cho là phản ứng  của Trung Quốc trước quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Trong một buổi họp báo ngắn, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, ông Dương Vũ Quân (Yang Yu Jun) cho rằng việc phát triển các hệ thống tên lửa là cần thiết đối với Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Dương còn khẳng định : « Điều đó khẳng định khả năng tự vệ của Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào và sẽ không làm ảnh hưởng đến sự ổn định trên thế giới ».
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc thông báo trong tháng 07/2016 là sẽ triển khai hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD, với mục đích gia tăng các biện pháp cô lập Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sự việc đã khiến Bắc Kinh bất bình và lo ngại hệ thống chống tên lửa này sẽ gây bất ổn cho an ninh khu vực.
Thứ Ba, 26/07/2016, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, nhân chuyến công du Trung Quốc, đã trấn an là việc triển khai THAAD không nhằm đe dọa an ninh Trung Quốc.
Lời trấn an đó đã bị Bắc Kinh bác bỏ, đồng thời cho rằng : « Đó chẳng qua chỉ là lời bào chữa từ phía Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Các chuyên gia có thể thấy rõ một cách dễ dàng về độ tin cậy của hệ thống này như thế nào ».
Đây là lần thứ ba kể từ năm 2010, Trung Quốc công khai phát đi các hình ảnh cho thấy rõ đang thử nghiệm các dàn tên lửa của mình trên các đài truyền hình Nhà nước.
Cùng chủ đề

Tin tặc Trung Quốc tấn công hai sân bay lớn của Việt Nam

Tin tặc Trung Quốc tấn công hai sân bay lớn của Việt Nam

mediaSân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.wikipedia
Hãng tin AP hôm nay 29/07/2016 dẫn nguồn tin từ báo chí Việt Nam cho biết, hệ thống thông tin tại hai sân bay chính của nước này đã bị tin tặc xâm nhập để xuyên tạc về Biển Đông, lăng mạ Việt Nam và Philippines.
Hệ thống thông tin dữ liệu chuyến bay tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đồng loạt bị xáo trộn, khiến nhà chức trách buộc lòng phải tắt hệ thống check-in lên máy bay và âm thanh. Nhân viên phải làm thủ tục cho hành khách một cách thủ công. Một số sân bay khác trong hệ thống 21 sân bay của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Trang VnExpress dẫn lời thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng tin tặc chỉ xâm nhập được giao diện màn hình hiển thị, chứ không vào được hệ thống tra cứu, đặt vé.
Trang web của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng bị tin tặc xâm nhập một thời gian ngắn. Nội dung của trang chủ bị thay đổi hoàn toàn, xuất hiện các dòng chữ kích động, xưng tên nhóm hacker 1937cn.
Theo Vietnam Airlines, trang mạng của hãng bị chiếm tên miền, chuyển sang trang web xấu ở nước ngoài. Đến khoảng 17 giờ 45 đã khắc phục được, nhưng cuối website vẫn còn liên kết dẫn sang trang khác, với các tập tin chứa dữ liệu cá nhân của trên 400.000 tài khoản khách hàng Golden Lotus. Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo không nên vào các link này vì có thể hacker đã nhúng mã độc.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết nhóm 1937cn là tin tặc Trung Quốc, trước đây đã nhiều lần xâm nhập vào các hệ thống của Việt Nam. Năm 2014 hơn 200 website của chính phủ Việt Nam đã bị bọn chúng tấn công. Theo trang hack-cn.com xếp hạng các nhóm tin tặc Trung Quốc thì 1937cn là nhóm mạnh nhất, với thành tích 36.820 cuộc tấn công vào Việt Nam và các nước láng giềng trong năm 2014.
The Diplomat nhắc lại, tháng 5/2014 sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, dẫn đến phong trào biểu tình chống Bắc Kinh tại Việt Nam, tin tặc Trung Quốc đã thu thập được các thông tin nhạy cảm về chiến lược ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Đến tháng 10/2014 lại diễn ra đợt tấn công tương tự, có thể nhằm trả đũa việc Việt Nam mua vũ khí để tăng cường an ninh hàng hải.
Còn đối với Philippines, ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hôm 12/7 ra phán quyết có lợi cho nước này, trong hai ngày 15 và 16/7, hàng chục trang web của các cơ quan chính phủ Philippines đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công.
Báo chí trong nước cho biết Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành điều tra.
Cùng chủ đề