Friday, July 22, 2016

Indonesia thúc đẩy thảo luận về Biển Đông tại ASEAN

Indonesia thúc đẩy thảo luận về Biển Đông tại ASEAN

mediaNgoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, trong một cuộc họp báo tại Jarkarta, Indonesia, ngày 11/07/2016.REUTERS/Iqro Rinaldi
Hội nghị ngoại trưởng tại Lào cuối tuần là cuộc họp lớn đầu tiên của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á - ASEAN - kể từ sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc. Theo báo Indonesia ngày 22/07/2016, Jakarta đang nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung.
Báo The Jakarta Post dẫn lời ông Derry Aman - giám đốc hợp tác liên khu vực và đối thoại ASEAN thuộc bộ Ngoại Giao Indonesia : « Điều quan trọng là chúng ta cần đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận trong cuộc họp này, đặc biệt là về cách thức để duy trì tình hòa bình, ổn định và có lợi (cho hòa bình và ổn định) ». Ông Derry Aman cũng nhấn mạnh : « Điều chủ yếu là có phần nói về Biển Đông trong bản thông cáo chung ».
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Lào và nhiều phiên họp giữa 10 thành viên ASEAN với các đối tác lớn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…, diễn ra từ ngày 23 đến 26/07. Đây là một dịp quan trọng để các bên tìm kiếm tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề lớn, đặc biệt là an ninh khu vực.
Theo các nhà quan sát, phán quyết của Tòa Trọng Tài được coi là rất có lợi cho các quốc gia ven bờ Biển Đông, như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei và kể cả Indonesia trong thế đối đầu với các tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này. Tuy nhiên, một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, như Cam Bốt và Lào, có thể sẽ không hưởng ứng. Năm 2012, thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt rút cục đã không ra được thông cáo chung về Biển Đông.
Trong một thông cáo chính thức hôm nay, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tân ngoại trưởng Perfecto Yasay dự kiến sẽ nêu các bất đồng tại Biển Đông ra hội nghị ASEAN và trong các phiên họp khác. Lãnh đạo ngoại giao Philippines bày tỏ hy vọng các bên tôn trọng phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài. Trước đó, ngay sau khi Tòa ra phán quyết, ngoại trưởng Yasay đã từng kêu gọi ASEAN ra thông cáo chung ủng hộ quyết định của Tòa.
Liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Cam Bốt, theo hãng tin AP ngày 22/07, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Bắc Kinh viện trợ 600 triệu đô la cho Phnom Penh để đánh đổi việc Cam Bốt ủng hộ trong một số vấn đề chính trị và ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á muốn đưa các tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc ra hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Lào.
Còn về hợp tác Mỹ-Philippines, ngày 22/07, Hải Quân Philippines chính thức thông báo sẽ có thêm một tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ ba. Tàu Hamilton là chiến hạm hiện đại nhất của tuần duyên Mỹ trước khi lực lượng này được trang bị loại tàu mới NSC (Legend-class National Security). Tàu Hamilton dự kiến sẽ tới Philippines vào tháng 11/2016. Hải quân Philippines rất thiếu phương tiện để đối phó với các hoạt động lấn lướt của tàu thuyền Trung Quốc tại nhiều khu vực ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment