Monday, July 18, 2016

Biển Đông tại Asem: Truyền thông nói gì?

Biển Đông tại Asem: Truyền thông nói gì?

  • 18 tháng 7 2016
Image copyrightAFP
Image captionThủ tướng Trung Quốc nói với Thủ tướng Campuchia rằng Bắc Kinh sẽ làm việc với Asean để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như tự do đi lại ở Biển Đông, theo Tân Hoa Xã.
Tân Hoa Xã đưa tin Việt Nam "ủng hộ lập trường Trung Quốc" trong khi truyền thông Nhật nói Bắc Kinh và Tokyo bất đồng lớn về chủ đề Biển Đông.
Bản tin của cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc mô tả điều họ gọi là nỗ lực của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường quảng bá lập trường của Bắc Kinh về chủ đề Nam Hải (Biển Đông) tại Hội nghị Cấp cao Á - Âu (Asem) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, đã nhận sự "ủng hộ rộng lớn".
"Phát biểu trong một cuộc họp không chính thức tại hội nghị thượng đỉnh, ông Lý nói rằng chủ đề Nam Hải không nên phụ thuộc vào các cuộc thảo luận đa phương ngay từ đầu, hoặc được đưa vào nghị trình hội nghị.
"Nhưng vì một số nước đã bình luận về chủ đề này nên Trung Quốc thấy cần thiết phải làm rõ lập trường của mình và nói ra sự thật," Tân Hoa Xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc.
Bài viết khẳng định lập trường của Thủ tướng Lý rằng Trung Quốc không bao giờ tham gia vào phiên tòa do Philippines đâm đơn và nước ông không chấp nhận và cũng không thừa nhận cái gọi là phán quyết.
Tân Hoa Xã mô tả những tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc đã được đón nhận tích cực và giành sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo "nặng ký" tại châu Á và châu Âu.
Điểm đáng chú ý là bài của Tân Hoa Xã đề cập tới một cuộc họp giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc.
"Trong cuộc họp với ông Lý, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng nước ông tôn trọng lập trường của Trung Quốc về phiên tòa, và nói thêm rằng các tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán," Tân Hoa Xã viết.
Trong khi đó truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông trong cuộc họp ngày 14/07.
"Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông," Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin.
Việc có "độ vênh" trong cách đưa tin của cơ quan thông tấn chính thức của hai nhà nước gây bàn luận trên mạng.

Trung Nhật và Biển Đông

Image copyrightAFP
Image captionCuộc gặp song phương Trung Nhật tại ASEM được cho là do phía Nhật đề xuất.
Trong khi đó báo Yomiuri của Nhật đưa tin cuộc họp song phương Trung Nhật vào hôm 15/07 cho thấy Bắc Kinh và Tokyo "chia rẽ chưa từng có" về chủ đề Biển Đông.
Bài báo mô tả Thủ tướng Trung Quốc muốn đóng vai trò "chủ nhà" nhận lời đề nghị tiếp "khách" với việc đến phiên họp với thủ tướng Nhật muộn (để Thủ tướng Abe đứng chờ ngoài phòng họp) và đi vào phòng rồi sau đó mới mời ông Abe vào.
Báo này nhận định việc Thủ tướng Trung Quốc đồng ý gặp người tương nhiệm phía Nhật dường như là để cảnh báo Nhật trong vai trò vận động cho nỗ lực quốc tế nhằm kìm hãm Trung Quốc.
Tuy nhiên việc Trung Quốc chấp nhận có cuộc gặp này, theo Yomiuri, dường như cho thấy Trung Quốc cân nhắc rằng nếu không gặp Thủ tướng Nhật là điều không hay trong bối cảnh Trung Quốc muốn tuyên truyền về tương lai Biển Đông với cộng đồng quốc tế.
Hơn nữa Bắc Kinh cũng không muốn bị cô lập trước cộng đồng quốc tế sau phán quyến của tòa PCA về vụ Philippines kiện, báo này bình luận.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được dẫn lời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ bất bình lớn về phản ứng của chính phủ Nhật.
Trong bài diễn văn tại Asem trước cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Abe phát biểu rằng "nên nhất quán với nguyên tắc rằng không thể cho phép thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực".
Được biết ông Abe cũng đã họp với Thủ tướng Việt Nam và Ngoại trưởng Philippines và hai nước này xác nhận việc "hợp tác chặt chẽ".
Báo Yomiuri nhận định gần như không có khả năng Trung Quốc thỏa hiệp về chủ đề Biển Đông.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment