Monday, June 30, 2014

Thủ Tướng VN lên án TQ, yêu cầu chính phủ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Thủ Tướng VN lên án TQ, yêu cầu chính phủ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
CỠ CHỮ 
Phát biểu vừa kể được đưa ra hôm nay vào lúc Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 6, 2014.
Theo báo chí Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tố cáo Bắc Kinh “đã bất chấp đạo lý, pháp lý, và quan hệ hữu nghị Việt-Trung” khi cho hạ đặt giàn khoan một cách trái phép để thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đây là phát biểu mới nhất của nhà lãnh đạo Việt Nam về vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Ông Nguyễn Tấn Dũng nói hành động của Trung Quốc từ đầu tháng 5 tới nay không những xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, mà còn “đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh của khu vực.”
Ông Dũng cũng yêu cầu chính phủ dồn mọi nỗ lực sử dụng các giải pháp phù hợp với luật quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, song song với các giải pháp phù hợp để giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trật tự để xây dựng và phát triển đất nước.
Hội Nhà Báo Việt Nam hôm qua ra thông cáo, yêu cầu Trung Quốc ngưng mọi hành vi vũ lực và rút giàn khoan cùng các tàu hộ tống và máy bay bảo vệ ra khỏi các vùng biển Việt Nam.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm nay tường thuật rằng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế  Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Hội Nhà Báo Toàn Trung Quốc để phản đối hành động của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm qua triển khai từ 116 tới 122 tàu vào các vùng biển Việt Nam để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 mà nước này đã hạ đặt tại đây từ đầu tháng Năm, theo báo cáo của Cục Kiểm Ngư Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đưa tin rằng các tàu Trung Quốc đưa vào vùng biển của Việt Nam gồm từ 45 tới 47 tàu tuần duyên, từ 14 tới 16 tàu vận tải, 17 tới 19 tàu kéo, 34 tàu sắt và 6 tàu chiến.
Tờ Tuổi Trẻ tường trình rằng so với hôm thứ Bảy, có thêm 8 tàu mới của Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc được bố trí thành 2 vòng, vòng trong chỉ cách giàn khoan 981 từ 6 tới 8 hải lý.
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục tiến tới gần giàn khoan để đòi Trung Quốc rút tất cả các tàu và rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vẫn theo Cục Kiểm ngư, các tàu cá Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt cá ở các vùng biển họ vẫn đánh cá, cách giàn khoan khoảng hơn 40 hải lý.
Tờ Wall Street Journal số ra hôm nay trích lời các bộ trưởng cao cấp của Australia nói việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông, gây quan ngại về vấn đề an ninh khu vực, đã đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á Châu gần tới giải pháp liên minh với Hoa Kỳ.
Trong một nhận định mà tờ báo này nói là bộc trực nhất tính cho tới nay về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Nội các Úc Malcolm Turnbull, cánh tay phải của Thủ Tướng Tony Abbott, nói rằng những xung đột giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines “không có lợi ích gì” trong việc củng cố sự tin tưởng vào an ninh khu vực.

Việt Nam tiếp tục tố cáo TQ về giàn khoan

Việt Nam tiếp tục tố cáo TQ về giàn khoan

Cập nhật: 09:17 GMT - thứ hai, 30 tháng 6, 2014
Căng thẳng quanh giàn khoan 981 kéo dài gần hai tháng nay
Thủ tướng Việt Nam, trong phát biểu mới nhất về căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, gọi hành động của Bắc Kinh là "bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc".
Trong phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 6/2014 theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 63 địa phương trên cả nước hôm thứ Hai 30/6, ông Dũng nói "phiên họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt", website Chính phủ Việt Nam tường thuật.
"... từ ngày 2/5 tới nay, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam."
Ông thủ tướng được dẫn lời nói: "Việc làm này của Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam- Trung Quốc mà còn de dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực".
Ông Nguyễn Tấn Dũng nói với đại diện các tỉnh thành rằng nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo Việt Nam hiện nay là "vừa phải nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, vừa phải bằng mọi giải pháp phù hợp để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước".
Ông khẳng định "không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho 2014".
Đây là lần đầu tiên chủ đề Biển Đông được mang ra thảo luận tại một phiên họp Chính phủ.

'Tiếp tục gây hấn'

Trong khi đó, Cục Kiểm ngư Việt Nam tỗ cáo Trung Quốc đưa thêm khoảng tám tàu đến hiện trường giàn khoan 981 nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Theo Cục này, "Trung Quốc hiện đang có khoảng 116 - 122 tàu gồm các loại tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo, 34 tàu vỏ sắt và sáu tàu quân sự".
Các báo trong nước dẫn lời Cục Kiểm ngư nói tàu Trung Quốc sử dụng 'chiến thuật' chia thành hai lớp ngăn chặn hướng di chuyển của tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chịu thiệt hại khá lớn trong quá trình căng thẳng xung quanh giàn khoan ở khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa, với phía Việt Nam cáo buộc tàu kiểm ngư số 951 bị tới 5 tàu Trung Quốc vây đuổi và đâm hỏng hôm 23/6.
Tàu này đã về tới Đà Nẵng để sửa chữa vào Chủ nhật 29/6.
Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi thư phản đối điều mà hội này gọi là "hành động gây hấn của Trung Quốc".
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã gửi thư tới Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc... và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương-981 và các phương tiện hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam".

Thêm về tin này

Quảng Đông gửi VN '16 việc cần làm'

Quảng Đông gửi VN '16 việc cần làm'

Cập nhật: 09:35 GMT - thứ hai, 30 tháng 6, 2014
Ông Hồ Xuân Hoa (thứ hai từ trái) là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc
Chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc được cho là đã gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam một bản danh mục ‘Các việc cần làm’ sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của ông Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh này.
Đây là các công việc mà Bí thư Hồ Xuân Hoa triển khai cho công chức thuộc quyền của mình, và được Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công văn yêu cầu các bộ ngành và các tỉnh thành trong nước tham khảo thực hiện.
Hiện tại công văn này, có số hiệu 1832/BNG đề ngày 3/6 năm 2014, đang được lan truyền trên các diễn đàn mạng.
BBC hiện chưa có điều kiện kiểm chứng văn bản này, tuy nhiên nó có đóng dấu Bộ Ngoại giao và có chữ ký của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.

16 'việc cần làm'

Văn bản này, nếu xác thực, được phát đi chỉ một tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ, gây căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước.
“Để triển khai tốt các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương ta với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Bộ Ngoại giao xin chuyển đến quý cơ quan danh mục này để tham khảo, đưa vào chương trình hợp tác của quý cơ quan với tỉnh Quảng Đông,” công văn viết.
Tổng cộng có 16 công việc mà các sở ngành thuộc tỉnh Quảng Đông được Bí thư họ Hồ yêu cầu thực hiện đính kèm theo công văn của Bộ Ngoại giao.
Trong đó, việc cần làm số một là xúc tiến các chuyến công du Quảng Đông của bí thư Thành ủy Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Phạm Quang Nghị và Lê Thanh Hải.
Ông Nghị là người đứng đầu phía Việt Nam hội đàm với ông Hồ Xuân Hoa trong chuyến công du của ông Hồ hồi tháng Tư. Bí thư Quảng Đông sau đó cũng đã có cuộc tiếp xúc với ông Lê Thanh Hải khi đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc cần làm quan trọng thứ hai là xúc tiến việc nhờ tỉnh Quảng Đông đào tạo cán bộ cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ chương trình đào tạo đã được Đảng Cộng sản hai nước thỏa thuận.
Theo đó, kế hoạch đề ra là Quảng Đông sẽ giúp đào tạo 300 cán bộ cho phía Việt Nam trong 5 năm, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi nơi có 100 cán bộ còn 100 người còn lại đến từ các tỉnh thành có quan hệ chặt chẽ với Quảng Đông như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Quảng Nam.
Quan hệ Việt-Trung đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm
Ngoài ra tỉnh Quảng Đông cũng đề nghị các hoạt động kinh tế thương mại như nâng cao kim ngạch thương mại giữa tỉnh này với Việt Nam, thúc đẩy đầu tư của họ vào Việt Nam ‘đặc biệt là ở những ngành cho có lợi cho kinh tế và tạo việc làm ở địa phương’.
Danh mục còn có các công việc hợp tác về thương mại, du lịch, nghiên cứu lý luận giữa tỉnh Quảng Đông với các tỉnh, thành của Việt Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Quảng Đông còn muốn phối hợp với Việt Nam tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tỉnh này ‘hoạt động cách mạng’.

‘Vượt thẩm quyền’

Trao đổi với BBC, ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nhận xét rằng việc chính quyền Quảng Đông gửi bản danh mục này cho Bộ Ngoại giao Việt Nam là ‘vượt quá thẩm quyền một tỉnh’.
Theo ý ông thì chính quyền Quảng Đông nên thông qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong việc liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Dy cho biết tỉnh Quảng Đông ‘gìn giữ cẩn thận và nghiêm chỉnh’ các di tích có liên quan đến hoạt động của ông Hồ Chí Minh ở tỉnh này.
Tỉnh Quảng Đông hiện là một trong những địa phương giàu có và năng động nhất của Trung Quốc, là đầu tàu trong công cuộc cải cách mở cửa của nước này. Tỉnh này có lợi thế gần gũi về mặt địa lý trong giao thương với Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư, ngoài cuộc hội đàm với ông Phạm Quang Nghị, ông Hồ Xuân Hoa còn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tiếp.

Thêm về tin này

Mỹ - Philippines tập trận tái chiếm đảo bị xâm lấn

Mỹ - Philippines tập trận tái chiếm đảo bị xâm lấn

Tư lệnh hạm đội Philippines Jaime Bernardino với chuẩn đô đốc Mỹ Stuart Munsch - REUTERS /Erik De Castro
Tư lệnh hạm đội Philippines Jaime Bernardino với chuẩn đô đốc Mỹ Stuart Munsch - REUTERS /Erik De Castro

Tú Anh
Một ngàn quân Mỹ và Philippines thực hiện một cuộc đổ bộ tái chiếm một mục tiêu ở biển Đông bị đối phương cướp đoạt. Chiến dịch hỗn hợp khai diễn từ tuần trước với mục đích trắc nghiệm hai tàu quân sự vừa được Mỹ chuyển giao và nâng cao khả năng bảo vệ biển đảo của hải quân Philippines.

Theo hãng tin AFP, trong cơn mưa và biển động mạnh, hàng trăm Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines được chiến xa lội nước và năm chiến hạm trong đó có một khu trục hạm Mỹ yểm trợ, đã đổ bộ lên một hải đảo nằm trong vùng bị Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền.
Cuộc tập trận đổ bộ nằm trong khuôn khổ chương trình huấn luyện hàng năm giữa quân đội Hoa Kỳ và đồng minh Philippines để tăng cường an ninh biển. Địa điểm đổ bộ hôm nay 30/06 là bãi biển Antonio, một đảo không người ở, cách không xa một tiền đồn của hải quân Philippines trấn giữ ngoài khơi tỉnh Zambales, phía tây bãi đá ngầm Scarborough mà Trung Quốc lấn chiếm bằng vũ lực hồi năm 2012.
Tư lệnh hạm đội Philippines, tướng Jaime Bernardino tuyên bố với báo chí quốc tế rằng cuộc tập trận này được hoạch định để cải tiến khả năng của hải quân Philippines trong việc phát hiện, ngăn chận và vô hiệu hóa tàu chiến nước ngoài xâm nhập biển đảo của Phillipines.
Theo bản đồ hình lưỡi bò của Bắc Kinh thì toàn bộ 80% biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.
Còn theo Tân Hoa Xã, tàu ngầm khảo sát đáy biển của Trung Quốc có tên là Giao Long đã kết thúc chương trình thử nghiệm tại biển « Nam hải ».
Tàu ngầm này được báo cáo là có khả năng lặn sâu đến 7000 mét sẽ về lại Phúc Kiến vào ngày mai 01/07/2014.
Trong tương lai, tàu ngầm Giao Long sẽ đi ra biển tây Thái Bình dương để « nghiên cứu khoa học » tìm kiếm kim loại hiếm.

TAGS: PHILIPPINES - HOA KỲ - CHÂU Á - QUỐC TẾ - TẬP TRẬN


Trưng cầu dân ý Hồng Kông : Phe ủng hộ dân chủ tuyên bố thắng lợi

Trưng cầu dân ý Hồng Kông : Phe ủng hộ dân chủ tuyên bố thắng lợi

Gần 800.000 dân Hồng Kông tham gia cuộc trưng cầu dân ý - REUTERS /Tyrone Siu
Gần 800.000 dân Hồng Kông tham gia cuộc trưng cầu dân ý - REUTERS /Tyrone Siu

Đức Tâm
Cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do phong trào Chiếm lĩnh trung hoàn (Occupy Central) đã kết thúc vào lúc 10 giờ đêm ngày hôm qua, 29/06/2014. Theo ban tổ chức, cuộc tham khảo ý kiến người dân về cải cách dân chủ đã thành công và cho biết, nếu cần, sẽ lại tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để gây áp lực với chính quyền Hồng Kông.

Thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình tại chỗ :
« Trong số ba đề nghị về cách thức lựa chọn các ứng viên có thể trở thành lãnh đạo hành pháp đặc khu Hồng Kông, thì đề xuất của liên minh 26 đảng ủng hộ dân chủ đã giành được số phiếu cao nhất, 42%. Có 9% số phiếu không bày tỏ ý kiến.
Thực ra, cả ba đề nghị này đều hướng tới khả năng người dân được quyền lựa chọn trực tiếp các ứng viên. Nói một cách khác, người dân Hồng Kông không muốn là chỉ có thể lựa chọn người lãnh đạo của mình trong số các ứng viên do Bắc Kinh đề xuất.
Đây là cuộc tham khảo ý kiến chưa từng diễn ra trong lịch sử của Hồng Kông về tương lai chính trị của lãnh thổ này. Đã có gần 800 ngàn người tham gia bỏ phiếu, nhưng phải gạt bỏ 11 200 phiếu vì đó là những cử tri quá hăng hái, bỏ phiếu tới hai lần trên internet.
Mặt khác, có tới 88% số người tham gia bỏ phiếu ủng hộ ý kiến là Hội đồng lập pháp Hồng Kông cần phải ngăn chặn những đề xuất cải cách dân chủ không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Những người tổ chức trưng cầu dân ý sẽ đề nghị chính quyền Hồng Kông chú ý tới đề xuất được nhiều người ủng hộ nhất và nếu như chính quyền đưa ra một phản đề nghị không thể chấp nhận được thì họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc ý tưởng ban đầu của phong trào này là có nên phong tỏa khu trung tâm tài chính của Hồng Kông hay không ».
TAGS: CHÂU Á - HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC - TRƯNG CẦU DÂN Ý