Hội hữu nghị VN – Campuchia đòi TQ rút giàn khoan
Tại Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức và xây dựng Hội ở cơ sở của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia hồi ngày 24/6, tại TP Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 tại vùng biển của Việt Nam.
Phản đối hành động phi pháp của TQ
Trước hành động của Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2/5 vừa qua, đồng thời huy động một lượng lớn tàu hộ tống các loại, bao gồm cả tàu quân sự, có máy bay yểm trợ, liên tục tấn công tàu cảnh sát biển, đâm va làm hư hỏng nặng các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm một số người Việt Nam bị thương, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã cực lực phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc.
Tuyên bố đã lên án các hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với các thỏa thuận cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, trái với Tuyên bố chung năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), mà còn nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người, đe dọa an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Chúng tôi cũng hi vọng và mong được giữa hai nước ta Trung Quốc – Việt Nam có đường lối đối thoại tốt, quan hệ tốt để tìm ra những cái giải pháp tốt để giúp giải quyết tình hình biển Đông cho nó tốt.
-Nguyễn Văn Hùng
Tuyên bố nêu rõ, tiếp theo vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, chiều 23/6, các tàu của Trung Quốc lại tiếp tục chủ động đâm va hết sức thô bạo, làm hỏng nặng tàu kiểm ngư 951 đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam.
Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt ngay các hành động thô bạo trên biển chống các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia phát biểu với RFA ngày 26/6: “Lúc nào chúng tôi cũng coi chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và bảo vệ. Nhưng ngược lại, chúng tôi cũng hi vọng và mong được giữa hai nước ta Trung Quốc – Việt Nam có đường lối đối thoại tốt, quan hệ tốt để tìm ra những cái giải pháp tốt để giúp giải quyết tình hình biển Đông cho nó tốt. Chúng tôi cũng bày tỏ quan điểm của mình theo Đảng, Nhà nước cũng như đối với dân tộc Việt Nam của chúng tôi mong muốn chủ quyền độc lập toàn vẹn của chúng tôi được tôn trọng.”
Trước đó, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã có công hàm phúc đáp, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia gửi công hàm thông báo về tình hình trên biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Campuchia bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những diễn biến và các sự cố xảy ra trên biển Đông. Công hàm nêu rõ với tư cách là nước khởi xướng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Campuchia đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông.
Campuchia không can thiệp nội bộ nước khác
Chiều ngày 25/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gặp gỡ và nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh tại thủ đô Phnom Penh. Thủ tướng Hun Sen lập lại lập trường của Campuchia không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác sau khi ông Phạm Quang Vinh thông báo về tình hình căng thảng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Hun Sen khẳng định chính phủ Campuchia cũng như các nước thành viên trong khối ASEAN luôn có lập trường rõ ràng, cho rằng tranh chấp nên thảo luận trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc; thực thi toàn diện về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nhanh chóng để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); thứ ba, ông Hun Sen thúc giục các bên tiếp tục đàm phán, giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Đối với Campuchia, Trung Quốc là một quốc gia có mối quan hệ, hợp tác tốt. Đặc biệt Trung Quốc đã giúp Campuchia có được nền kinh tế độc lập để tiến tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2015.
-Ông Phay Siphan
Người phát ngôn chính phủ Campuchia là ông Phay Siphan cho biết thêm: “Campuchia không can thiệp về việc Việt Nam có đưa tranh chấp ra tòa án hay không nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ họ giải quyết theo cơ chế DOC và tiến tới COC.
Đối với Campuchia, Trung Quốc là một quốc gia có mối quan hệ, hợp tác tốt. Đặc biệt Trung Quốc đã giúp Campuchia có được nền kinh tế độc lập để tiến tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2015.”
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin chính phủ nước này lại cáo buộc Việt Nam đang vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, tàu cá Đà Nẵng bị lật sau khi quấy nhiễu và đâm vào một tàu cá Trung Quốc.
Người phat ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương còn nói rằng hoạt động của công ty dầu khí Trung Quốc nằm trong vùng lãnh hải không thể tranh cãi của Trung Quốc, đồng thời họ kêu gọi phía Việt Nam ngừng ngay các hoạt động phá hoại đối với Trung Quốc.
Song, Trung Quốc cũng chính thức phát hành bản đồ 10 đoạn khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Bản đồ mới 10 đoạn do nhà xuất bản Hồ Nam phát hành đã gần như đưa toàn bộ biển Đông kể cả Trường Sa, Hoàng Sa vào bản đồ này.
Tiến sĩ Kem Ley, nhà phân tích kinh tế, chính trị tại Campuchia nói rằng tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ khiến Campuchia rơi vào thế khó xử nhưng cuối cùng Campuchia vẫn ủng hộ Trung Quốc vì Bắc Kinh là nước tài trợ lớn nhất cho Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ ngân sách…v.v.
Tiến sĩ Kem Ley nói: “Giải quyết vấn đề biển Đông trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc là cơ chế tốt nhất. Dù Campuchia không còn ủng hộ Việt Nam nhưng nhiều nước còn lại sẽ thấy rõ sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể kiện Bắc Kinh ra tòa. Dù Bắc Kinh muốn hay không, nhưng các tài liệu lịch sử, chứng cứ mà phía Việt Nam đưa ra cùng những bằng chứng vi phạm luật pháp của Trung Quốc hiện tại cho thấy Bắc Kinh lộ rõ mưu đồ thôn tính không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa mà toàn bộ biển Đông.”
Giới luật gia và các nhà phân tích chính trị Campuchia cho rằng giải pháp hòa bình, an ninh vẫn phụ thuộc vào đường ngoại giao nhưng Việt Nam cũng không nên bỏ qua ý định kiện Trung Quốc ra tòa vì đây sẽ cho thế giới thấy Việt Nam mong muốn có một giải pháp hòa bình và công bằng.
No comments:
Post a Comment