Saturday, March 31, 2012

Ông André Menras : Chúng tôi không đơn độc trong « cuộc chiến bị kiểm duyệt » tại Biển Đông


Ông André Menras : Chúng tôi không đơn độc trong « cuộc chiến bị kiểm duyệt » tại Biển Đông

Áp phích phim "Hoàng Sa, nỗi đau mất mát" cho buổi chiếu phim tại Toulouse.
Áp phích phim "Hoàng Sa, nỗi đau mất mát" cho buổi chiếu phim tại Toulouse.
DR

Thụy My
Bộ phim tài liệu về ngư dân miền Trung Việt Nam mang tên « Hoàng Sa, nỗi đau mất mát » của ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, người Pháp đồng thời cũng mang quốc tịch Việt Nam, trước đây khi trình chiếu tại Saigon đã từng bị chính quyền địa phương ngăn trở. Ông đã mang bộ phim sang Pháp và chiếu tại một số nơi. Nhưng vừa rồi tại Montpellier, ông André Menras cũng gặp một số trở ngại vì Montpellier vốn kết nghĩa với Thành Đô, Trung Quốc, nên chính quyền địa phương ngại đụng chạm. Đã có ba tờ báo địa phương lên tiếng về sự kiện này.

RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông André Menras để trao đổi thêm về vấn đề trên.
RFI : Kính chào ông André Menras. Ông đã gặp khó khăn khi giới thiệu bộ phim tại Montpellier ?

Ông André Menras - Pháp
 
24/02/2012
 
 
André Menras : Vâng, tôi đã gặp một số vấn đề tại Montpellier, cũng như đã gặp phải tại Saigon. Tại Montpellier thì ít thô bạo hơn, nhưng vẫn là điều không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận được. Tòa Thị chính Montpellier ban đầu vào hôm 2/2 đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng phòng quan hệ quốc tế để chiếu phim, và sau đó hội thảo về vấn đề này. Nhưng hôm thứ Sáu vừa rồi, tức là 10 ngày sau, vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là trình chiếu bộ phim, thì tôi được biết là phòng này không được phép sử dụng nữa. Sau đó họ chỉ định cho chúng tôi một phòng họp khác trong khu vực, do một hiệp hội quản lý.
Tôi đã phản ứng lại, vì cách xử sự chính quyền qua việc thay đổi địa điểm này là không thể chấp nhận được. Sự kiện này diễn ra vào lúc thành phố Montpellier tổ chức một diễn đàn lớn về rượu vang, và Trung Quốc là khách hàng quan trọng.
Lý do được chính quyền Montpellier đưa ra là – trước hết, Đó là bộ phim có quan điểm văn hóa, tạo ra tranh cãi, có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa thành phố Montpellier và Trung Quốc, đặc biệt là với Thành Đô, thành phố kết nghĩa với Montpellier. Trong thông báo họ còn nói bộ phim là một sự khiêu khích.
Có nghĩa là những người có quyền quyết định ở Montpellier khi ngăn trở bộ phim đã hành xử theo mục đích chính trị. Không phải là ngẫu nhiên, mà đã có suy nghĩ tính toán, và đây là một sự phân biệt đối xử. Trước hết là với gia đình các ngư dân, và đối với những người đánh cá hàng ngày phải chịu đựng áp lực của phía Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Montpellier đã ngăn trở tiếng nói của ngư dân Việt, trong khi bộ phim là để nói lên tiếng nói của họ. Hơn nữa, đây còn là một sự xâm phạm đến quyền tự do thông tin của các công dân Pháp. Điều này không thể chấp nhận được, nhất là trong một đất nước hiện đang có chiến dịch tranh cử tổng thống, đang nói nhiều đến tự do, dân chủ và quyền thông tin.
Vì lẽ đó đương nhiên là chúng tôi phản đối biện pháp này. Chúng tôi sẽ thuê tại Montpellier một phòng chiếu phim tư nhân để cho các ngư dân Quảng Ngãi có thể nói lên tiếng nói của mình.
RFI : Tòa Thị chính Montpellier đã có trả lời cho ông bằng văn bản hay không? Có gì khác nhau giữa hai địa điểm chiếu phim này, thưa ông ?
André Menras : Tòa Thị chính đã gởi một thông báo vì phải trả lời cho ba bài báo của các tờ Marsellaise, L’Hérault du Jour, tờ Midi Libre. Ngày mai sẽ có một tờ báo khác - tôi nghĩ là của Montpellier, nhưng lần này là báo mạng. Họ đã trả lời với những lý lẽ mà tôi đã nói với quý vị ở trên. Có nghĩa là : « Chúng tôi muốn trung dung, đây là một sự khác biệt về văn hóa, và chúng tôi không muốn có sự khiêu khích ».
Chính quyền Montpellier chưa bao giờ đối thoại trực tiếp với tôi, họ nói với người bạn Việt Nam đứng ra tổ chức buổi chiếu phim. Đó là một người sinh sống tại Montpellier, thường làm việc với tòa Thị chính và cho đến nay chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc xin sử dụng các phòng họp. Mỗi lần yêu cầu ông đều nhận được sự đồng ý. Ông nói với tôi, đây là lần đầu tiên gặp phải trắc trở như thế.
Phòng họp thứ hai được đề nghị là một phòng họp trong khu phố nằm cách xa hơn so với phòng kia, và người đến dự khó tập trung lại được.
RFI : Như vậy có lẽ đây là một sự kiện bất ngờ đối với ông, vì các ngư dân Việt Nam phải im tiếng hai lần, ở Việt Nam và lần này thì ở Pháp…
André Menras : Tôi thì tôi đã biết từ lâu, đồng tiền thực sự là quyền lực, và thường che khuất đi dân chủ. Ở Việt Nam thì lại là một vấn đề khác. Có thể là một số nhà lãnh đạo hay những giới nào đó ở Việt Nam cần phải làm ăn với Trung Quốc. Vì là nước láng giềng lớn ở ngay bên cạnh, nên một số người lo sợ hậu quả khi đưa những thông tin thực sự về ngư dân miền Trung Việt Nam. Họ sợ các phản ứng chính trị, nhất là sau đợt biểu tình diễn ra do vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 cách đây không lâu. Cho dù không thể nào chấp nhận được, nhưng tôi cũng hiểu hơn một chút về phản ứng của phía Việt Nam.
Nhưng tại Pháp, thì việc những người là đại biểu dân cử của Pháp lại quỵ lụy trước đồng nhân dân tệ Trung Quốc, là không thể chấp nhận được. Nước Pháp là một quốc gia độc lập, chúng ta có những bộ luật về quyền tự do thông tin, quyền công dân… Các đại biểu của công dân Pháp ngay trong thời điểm vận động tranh cử tổng thống mà lại tự cho phép hành động như thế ! Trong khi Pháp là một đất nước hào hiệp, thường sát cánh với những kẻ yếu bị bức hiếp, và là một đất nước pháp trị.
Vấn đề ở đây là quyền của các ngư dân Việt Nam và gia đình họ, được tự kiếm sống tại vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Chính cái quyền mưu sinh này đã bị nhạo báng. Nhạo báng bởi các đại biểu dân cử Pháp. Điều đó thật khó thể chấp nhận được.
Tại Montpellier ngay từ hôm đầu tiên, đã có phản ứng của tờ L’Hérault du Jour, La Marseillaise, và hôm sau tờ báo đó đã cho đăng bài báo của tôi. Đồng thời một tờ báo khác là tờ Midi Libre đã viết một bài dài. Những bài báo này tôi có gởi về Việt Nam và được dịch ra ngay, đăng toàn văn trên trang Bauxite Việt Nam.
Tôi nghĩ là vụ này sẽ còn gây tiếng vang. Tôi đã trả lời đài phát thanh địa phương, và cũng đã đề cập đến sự việc trên.

Tờ Midi Libre nói về sự kiệnTòa Thị chính Montpellier không tạo điều kiện cho việc chiếu bộ phim của ông André Menras. Ảnh chụp tại một kiosque bán báo.
RFI : Ông có dự định chiếu phim tại Paris ?
André Menras : Tôi sẽ đến Paris. Hiệp hội của chúng tôi đã được các đại diện nghiệp đoàn, các tổ chức nhân đạo cùng với tòa Thị chính mời trình bày ở Bobigny, tại Làng Tương trợ Quốc tế. Chúng tôi sẽ trình chiếu bộ phim tại gian hàng của mình trong vòng một, hai ngày. Tại Paris tôi đã từng giới thiệu bộ phim ngày 19/1, và tại Lyon ngày 5/2. Sau đó tôi đi Berlin, phim sẽ được chiếu ngày 24/3. Trước đó thì chiếu ở Toulouse ngày 2/3, tại Bézier ngày 13/3, tại Bobigny ngày 21 và 22/3, Berlin ngày 4/3, Cologne ngày 25/3, Praha ngày 27 hay 28/3, và tại Varsovie ngày 29 và 30/3.
Bắt đầu là như thế, tôi nghĩ rằng sẽ không dừng lại ở đây.
RFI : Có nhiều người đến tham dự các buổi chiếu phim không thưa ông ?
André Menras : Theo tôi thì không nhiều, nhưng vấn đề là chúng tôi phải tự làm hết mọi thứ, không có sự trợ giúp nào cả. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp không hề làm gì để hỗ trợ chúng tôi. Hoàn toàn không ! Ngược lại, tôi còn nghe nói là họ gây áp lực trong cộng đồng người Việt để họ không đến tham gia hội thảo. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến đấu mà tôi cảm thấy là hơi có phần cô đơn.
Nhưng những người đến tham gia là những người tốt bụng. Chúng tôi đã bắt đầu lập ra một quỹ liên đới với các ngư dân, nhờ đó có thể giúp đỡ họ về mặt vật chất. Giúp những người vợ góa, những trẻ em mồ côi để họ mua thuốc men, để có thể đến trường, trả được một phần nợ nần vì không mưu sinh được, do những kẻ gây hấn Trung Quốc tạo ra. Tôi nghĩ đây chỉ mới là khởi đầu, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các hoạt động loại này. Càng bị cấm đoán thì chúng tôi càng thêm quyết tâm tiếp tục, họ chỉ quảng cáo cho công việc của chúng tôi thôi.
RFI : Những người đến xem phim là người Pháp hay người Việt ?
André Menras Đại đa số là người Pháp. Tôi có nói rằng dường như đối với những người Việt thân cận với đại sứ quán, có một chỉ thị nào đó khiến họ tránh né tham gia, tôi tin là như vậy. Cũng có một số người Việt đến dự hội thảo nhưng không nhiều, để nhắc lại quá khứ và đả kích chế độ, mà điều đó tôi cũng không chấp nhận được. Mỗi người đều có quan niệm riêng, tôi tôn trọng, nhưng bộ phim nhằm giúp ngư dân Việt nói lên tiếng nói trong thời điểm này, chứ không phải bốn mươi năm về trước.
RFI : Ông có vẻ đơn độc trong cuộc chiến này ?
André Menras Không, tôi không hề cảm thấy đơn độc, vì tôi biết có hàng trăm người bạn tại Việt Nam biết rõ những gì xảy ra. Họ cũng không muốn im lặng không muốn khoanh tay ngồi nhìn, trong đó có cả các nhà báo.
Tôi cũng nhận thấy có nhiều người bạn Pháp bắt đầu biết đến sự việc. Họ khám phá một vấn đề chưa bao giờ nói đến, một vấn đề phức tạp. Cuộc chiến tranh này tại Biển Đông là một cuộc chiến trong im lặng. Một cuộc chiến bị kiểm duyệt, bị cấm nói đến. Vì vậy họ mới bắt đầu phát hiện vấn đề, và đây chỉ mới là khởi đầu. Nhưng tôi không đơn độc, không hề !
Tôi cảm nhận được phản ứng của người xem, họ tức tối, muốn giúp đỡ, sẵn sàng tham gia vào một hoạt động tương trợ. Điều đó rất tốt, và tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn cả.
RFI : Xin phép được hỏi thêm, ông lấy tiền đâu ra để tài trợ cho những chuyến đi này ?
André Menras : Để đi đây đó giới thiệu bộ phim, tôi đã nói với những người bạn đã mời tôi là tôi không có phương tiện. Tôi chỉ là một giáo viên hưu trí, tôi không thể trả tiền vé xe tàu cũng như khách sạn. Những nơi tôi đến là do được mời, trả tiền tàu xe, được các gia đình cho tạm trú và mời ăn uống. Tôi không trọ tại khách sạn vì đắt đỏ.
Việc này làm tôi nhớ lại hồi mới ra tù vào năm 1973, tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới để nói về các nhà tù mà tôi đã trải qua. Tôi đã được mời đi nhiều nơi với cùng các điều kiện như vậy. Nhờ làm « đại sứ lưu động » cho ngư dân Việt Nam qua bộ phim này mà tôi cảm thấy như trẻ lại. Ở tuổi 60 tuổi, tôi như quay lại thời 20 tuổi.
RFI : Ông có các bạn bè trong giới báo chí giúp đỡ không?
André Menras Báo chí ? Vâng, nhưng dư luận là chủ yếu. Các nhà báo góp phần vào việc nuôi dưỡng dư luận, nhưng nếu chỉ có 50 người đến xem phim thôi và cảm thấy thuyết phục, thì dần dần sẽ có nhiều người xung quanh họ quan tâm đến. Ta bắt đầu bằng số ít, và ta sẽ kết thúc với số đông.
Chính bộ phim tự nó nói lên tất cả, không cần phải giải thích gì nhiều. Đó là lời kể của các ngư dân, của những người vợ góa. Những trạng huống trong phim ngồn ngộn tư liệu, đó thật sự là một bộ phim tài liệu đích thực. Tôi không làm điện ảnh, một bộ phim tài liệu như vậy dễ thuyết phục hơn. Những người đã xem phim này rồi đều cảm thấy xúc động. Họ xúc động vì tình cảnh của ngư dân thật là kinh khủng.
RFI : Xin chân thành cảm ơn ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ.
 
TAGS: BIỂN ĐÔNG - NÔNG NGHIỆP - NGƯ NGHIỆP - PHÁP - PHỎNG VẤN - VIỆT NAM - ĐIỆN ẢNH

Mỹ hối thúc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, thực tế


Mỹ hối thúc giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, thực tế

Trọng Nghĩa
Các tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông đang gây trở ngại cho việc khai thác nguồn dầu khí dồi dào mà các quốc gia châu Á đang rất cần. Do vậy, các nước có liên can cần giải quyết tranh chấp dựa theo luật lệ quốc tế hay tìm kiếm những thỏa hiệp mang tính chất thực tế để tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay. Trên đây là quan điểm vừa được một thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tuyên bố vào hôm nay 21/03/2012 tại Hà Nội.

Phát biểu với báo chí bên lề một hội nghị cấp cao về năng lượng vùng Thái Bình Dương, ông Robert Hormats, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng, và môi trường, đã tỏ ý rất bức xúc trước thực tế là các nước trong vùng Biển Đông đang ngồi trên một nguồn dự trữ dầu khí có thể cực lớn, nhưng lại không phát huy được vì các tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Đây là một điều rất đáng tiếc, trong bối cảnh châu Á rất cần năng lượng để phát triển, nhưng không sản xuất tại chỗ được, mà chủ yếu phải đi nhập từ bên ngoài. Toàn cảnh nói trên đã được ông Hormats tóm lược như sau : « Đây là khu vực của thế giới mà nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất, nhưng có lẽ cũng là khu vực có tranh chấp lãnh thổ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác... và điều đó đã hạn chế năng lực sản xuất chính nguồn năng lượng mà khu vực cần đến để nuôi dưỡng đà tăng trưởng kinh tế của mình ».
Đối với thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, toàn thể khu vực cần phải tìm cách giải quyết các tranh chấp một cách vừa nhanh chóng, vừa hòa bình : « Nhanh chóng vì các nước đang rất cần năng lượng, và hòa bình vì mọi bất ổn trong khu vực đều có thể cản trở việc sản xuất và làm giới đầu tư dài hạn nản chí… ».
Theo ông Hormats, đầu tư trong lãnh vực khai thác dầu khí đòi hỏi một thời gian rất dài mới mang lại thành quả, do đó, nếu muốn có được dầu khí lấy từ Biển Đông trong vòng 10 năm sắp tới, thì các nước phải cho khởi động công việc khai thác ngay từ bây giờ.
Lời thúc giục được quan chức Mỹ đứa ra trong bối cảnh Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, cũng như Brunei, Indonesia, Malaysia và Đài Loan đang có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên nhau tại vùng Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, cả Hà Nội, Bắc Kinh lẫn Manila đều đã có kế hoạch phân lô vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền, để mời các tập đoàn quốc tế đến đấu thầu khai thác. Vấn đề là quyết định nào cũng bị các nước khác có tranh chấp phản đối.
Hai ví dụ gần đây nhất là vụ Trung Quốc phản đối Philippines đã cho đấu thầu một số lô ngoài khơi đảo Palawan gần Trường Sa, được cho là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, hay là sự kiện Việt Nam vào tuần trước, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của minh khi Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc cho đấu thầu khai thác dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa.
Các tranh chấp này khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng vì lợi ích của toàn khu vực, Hoa Kỳ, theo lời thứ trưởng Hormats, khuyến khích các nước tìm ra giải pháp ổn thỏa : « Vai trò của Hoa Kỳ... là khuyến khích các bên liên quan tìm ra giải pháp trong tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc không cưỡng chế nhau và hợp tác thực tiễn».
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOA KỲ (MỸ) - PHÂN TÍCH

Philippines sẽ đưa hồ sơ Biển Đông ra Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh


Philippines sẽ đưa hồ sơ Biển Đông ra Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh

Thủ đô Phnompenh chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Asean, ảnh chụp ngày 21/03/2012
Thủ đô Phnompenh chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Asean, ảnh chụp ngày 21/03/2012
REUTERS/Samrang Pring

Trọng Nghĩa
Lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á sẽ họp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại thủ đô Cam Bốt trong hai ngày 03/04 và 04/04. Trong một bản thông cáo công bố hôm nay, 29/03/2012, Bộ Ngoại giao Philippines đã tiết lộ các vấn đề sẽ được Tổng thống nước này đề cập đến với các đồng nhiệm, trong đó hồ sơ Biển Đông là một trong những ưu tiên.

Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Philippines nói rõ : “Tổng thống sẽ thúc đẩy các vấn đề an ninh hàng hải và biển Tây Philippines (tên mà Manila đặt cho vùng Biển Đông), biến đổi khí hậu và phương thức giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bảo vệ và chăm lo phúc lợi cho những người lao động nhập cư, phát huy các doanh nghiệp vừa và nhỏ để củng cố việc thực thi bản Hiến chương ASEAN và góp phần vào nỗ lực của khu vực nhằm tiến tới việc thành lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”.
Một cách cụ thể, theo tiết lộ của bà Teresita Barsana, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, trong buổi họp kín ngày 04/04, Tổng thống Aquino sẽ yêu cầu các lãnh đạo ASEAN ủng hộ sáng kiến thành lập Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác tại vùng biển Tây Philippines.
Theo bà Barsana, các buổi họp kín trong khuôn khổ các hội nghị ASEAN (thuật ngữ ASEAN gọi là “retreat”) là “môi trường không chính thức để các lãnh đạo tự do thảo luận về những vấn đề chung của khối cũng như những vấn đề thời sự nóng bỏng”. Tại Phom Penh lần này, các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ trao đổi quan điểm về các hồ sơ quốc tế và khu vực, và đặc biệt là việc thực thi bản Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC.
Hồ sơ Biển Đông trong thời gian gần đây đã nổi cộm lên trong quan hệ giữa Trung Quốc với hai láng giềng Đông Nam Á là Philippines và Việt Nam, với việc Bắc Kinh liên tiếp bị tố cáo là đã dùng các biện pháp thô bạo nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên những khu vực mà họ tranh chấp, đặc biệt là với Manila và Hà Nội tại Biển Đông.
Vào năm ngoái, Philippines đã tố cáo Trung Quốc xâm nhập vào "vùng thuộc thẩm quyền hàng hải" của mình sau khi tàu Trung Quốc bị phát hiện tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Mới đây, hồ sơ Biển Đông lại nóng lên trong quan hệ Manila – Bắc Kinh với việc Philippines chuẩn bị cấp giấy phép cho thăm dò dầu khí tại một số lô ngoài khơi đảo Palawan của họ, nhưng lại bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines đã bác bỏ lập luận cho rằng Cam Bốt, đồng minh của Trung Quốc, sẽ tìm cách cản trở các cuộc thảo luận về Biển Đông tại Hội nghị ASEAN, ghi nhận là chính Cam Bốt đã « khuyến khích việc xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử COC tương ứng với việc thực thi bản Tuyên bố ứng xử DOC ».
Theo bà Barsana, chính quyền Phnom Penh « rất muốn thấy rằng Bộ Quy tắc Ứng xử hình thành trong lúc Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, vì chính bản Tuyên bố về các Quy tắc Ứng xử đã được ký kết cách nay 10 năm tại Phnom Penh ».
TAGS: ASEAN - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHILIPPINES

Philippines và Việt Nam thảo luận hợp tác ở quần đảo Trường Sa


Philippines và Việt Nam thảo luận hợp tác ở quần đảo Trường Sa

Tàu tuần tra của Việt Nam gần một đảo của Trường Sa
Tàu tuần tra của Việt Nam gần một đảo của Trường Sa
Reuters

Thanh Phương
Theo báo chí Philippines, hôm qua, 21/02/2012, Uỷ ban hỗn hợp Philippines - Việt Nam cấp thứ trưởng về các vấn đề biển và đại dương (JCMOC) đã họp phiên đầu tiên tại Manila. Trưởng phái đoàn Việt Nam là thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Trong số các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên này là đề nghị của Manila thiết lập một Vùng Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác cũng như Bộ quy tắc ứng xử cho các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Trong số các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên này là đề nghị của Manila thiết lập một Vùng Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác cũng như Bộ quy tắc ứng xử cho các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Philippines không đưa ra chi tiết nào về cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp, mà chỉ nói cuộc họp này nhằm « đạt đến một cơ chế hiệu quả cho hợp tác song phương trên các vấn đề biển và đại dương ».
Vào tháng trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã một lần nữa kêu gọi Việt Nam và 8 quốc gia thành viên khác trong ASEAN triệu tập một cuộc họp giữa các nước tranh chấp chủ quyền Trường Sa. Ông del Rosiario đã đưa ra lời kêu gọi nói trên nhân cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN ở Siem Reap, Cam Bốt.
Ngoại trưởng Philippines cho rằng ASEAN phải đóng « vai trò trọng yếu » trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông ( mà Manila nay gọi là Biển Tây Philippines ) trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS ).
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHILIPPINES - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Biển Đông : Diều hâu Trung Quốc lại khiêu khích với đề nghị thành lập Đặc khu Nam Hải


Biển Đông : Diều hâu Trung Quốc lại khiêu khích với đề nghị thành lập Đặc khu Nam Hải
Dân Việt Nam từng xuống đường chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, như cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 19/06/2011.
Dân Việt Nam từng xuống đường chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, như cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 19/06/2011.
REUTERS
Trọng Nghĩa
Đúng vào thời điểm Quốc hội Trung Quốc mở khóa họp thường niên, ngày 05/03/2012, một viên tướng thường xuyên được truyền thông nước này trích dẫn, đã đề xuất một loạt biện pháp mà Bắc Kinh cần phải áp dụng để bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.Điểm nổi bật trong các đề nghị đó là sát nhập ba quần đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát hay đòi chủ quyền, thành một đặc khu hành chánh, và trên cơ sở đó, đưa người đến khai thác và đưa quân đến canh giữ. Theo giới phân tích, đây là một thủ đoạn khiêu khích mới của giới tướng lãnh diều hâu tại Trung Quốc, luôn chờ dịp để phô trương thanh thế.
Người nêu lên đề nghị thiết lập Đặc khu Nam Hải là Thiếu tướng La Viện, Ủy viên cơ chế gọi là Toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc (gần giống như Mặt trận Tổ quốc tại Việt Nam), nguyên Phó Phòng nghiên cứu quân sự thế giới thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, hiện là Giám đốc điều hành Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Là một người từng công khai tự nhận mình là diều hâu, trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc hôm 05/03/2012, tướng La Viện đã cho rằng Trung Quốc cần phải thành lập một đặc khu hành chánh trên vùng Nam Hải (tức Biển Đông) để xác lập chủ quyền chủ quyền Trung Quốc trên các quần đảo và vùng biển trong khu vực, trong đó có Nam Sa (tức Trường Sa) và Tây Sa (tức Hoàng Sa) đang tranh chấp với Việt Nam.

Theo báo Anh ngữ China Daily ngày 06/03/2012, tướng La Viện đã đề xuất các biện pháp bao trùm năm lãnh vực chính : hành chính, pháp lý, kinh tế, quân sự và truyền thông. Các phương tiện ngoại giao, kinh tế và pháp lý nên được sử dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, còn quân sự là biện pháp dự phòng.

Tuy nhiên, quan điểm diều hâu của viên tướng này bộc lộ rõ qua đề nghị là Trung Quốc phải cho đóng quân trên các hòn đảo, cho hải quân đến tuần tra trong khu vực và dùng cờ Trung Quốc để đánh dấu chủ quyền. Chính quyền cũng nên khuyến khích ngư dân đến đánh cá trong khu vực và thúc giục hai tập đoàn dầu khi Nhà nước Trung Quốc CNOOC và CNPC đến thăm dò dầu khí.

Tướng La Viện còn đề nghị chính quyền Bắc Kinh công bố một quyển sách trắng về Biển Đông để chứng minh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo và vùng biển tại khu vực này. Viên tướng này còn đề nghị hợp nhất các lực lượng trên biển của Trung Quốc thành một lực lượng tuần duyên duy nhất.

Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra sau các đề nghị của tướng La Viện là quan điểm của nhân vật này có trọng lượng như thế nào tại Trung Quốc, đó có phải là quả bóng thăm dò mà Bắc Kinh tung ra để thử phản ứng dư luận trước khi áp dụng hay không ? Hay đó chỉ là những luận điểm hung hăng của phe diều hâu đang phô trương lực lượng để giành thế thượng phong trên chính trường Trung Quốc vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị đại hội vào cuối năm nay ?

Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters, ông La Viện không phải là phát ngôn viên chính thức của quân đội Trung Quốc, và nổi tiếng là người thường có những phát biểu bạo dạn hơn đường lối chính thống của Bắc Kinh. Tuy vậy, quan điểm hung hăng của ông lại được sự tán đồng của một số tướng lãnh quân đội, cũng như của một bộ phận quần chúng có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ hơn.

Hãng Reuters đã dẫn chứng cho nhận xét này bằng sự kiện phát biểu của tướng La Viện đã được tờ Giải phóng quân báo, cơ quan ngôn luận của Quân đội Trung Quốc, dành cho một vị trí trang trọng trên trang web của mình ngày 07/03/2012.

Một ý tưởng vừa « khiêu khích », vừa « bất khả thi » (Carl Thayer)

Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Trường Đại học New South Wales) trước tiên cho rằng ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải của ông La Viện là một hành vi vừa khiêu khích, vừa bất khả thi :

Việc thành lập một Đặc khu Nam Hải sẽ là một động thái vô cùng khiêu khích và là một hành động vi phạm bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
 
Đề nghị này không khả thi vì Việt Nam đang nắm giữ phần lớn các hòn đảo và thực thể địa dư khác ở quần đảo Trường Sa. Để hành xử quyền tài phán của mình, Trung Quốc sẽ phải đánh bật Việt Nam ra khỏi những nơi đó. 
 
Về hai vùng còn lại, thì Trung Quốc đã chiếm đóng và áp dụng quyền tài phán trên quần đảo Hoàng Sa, còn quần đảo Trung Sa (Bãi Macclesfield) là một nhóm đá ngầm, Trung Quốc có thể hành xử thẩm quyền của họ trên vùng biển chung quanh.

Tuy nhiên, theo ông Thayer, khái niệm “Đặc khu Nam Hải” là một động thái “hâm lại” một quyết định được cho là đã được ban hành trước đây, nhưng sau đó ít được nhắc tới :

Ngay từ năm 1953, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thiết lập tại tỉnh Quảng Đông cơ quan quản lý các quần đảo Hoàng sa, Trường Sa, và Trung Sa – được điều hành từ đảo Phú Lâm (Woody Island) ở Hoàng Sa. Qua năm 1984, trách nhiệm quản lý nhóm quần đảo này được chuyển qua cho Khu Hành chánh Hải Nam,  và đến năm 1988 thì giao cho tỉnh Hải Nam, và chính thức đặt tên Cơ quan đặc trách quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam.
 
Vào tháng 11 năm 2007, một tờ báo Hồng Kông cho biết là một đơn vị hành chánh mới đã được Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập, đặt tên là Tam Sa, một đơn vị cấp huyện. Cho dù Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối, quyết định thành lập đơn vị hành chánh được giao trách nhiệm quản lý ba quần đảo này đến nay vẫn chưa được xác nhận chính thức.
 
Đề nghị của tướng La Viện có dáng dấp của một hành động xem xét lại và nâng cấp cơ chế quản lý hành chánh hiện hữu (tức là Cơ quan phụ trách quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam.

Thiết lập Đặc khu Nam Hải sẽ dẫn đến một liên minh chống Trung Quốc

Đối với Giáo sư Thayer, ngày nào mà Trung Quốc còn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước láng giềng, thì ngày đó những ý kiến “cực đoan” như của ông La Viện sẽ bị gạt qua một bên :

Trung Quốc sẽ không thực hiện đề nghị của tướng La Viện chừng nào mà họ vẫn muốn chơi trò ngoại giao với các quốc gia ASEAN khi thương thuyết về cách áp dụng Bản Hướng dẫn Thực thi Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC ký kết vào năm ngoái. 
 
Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng không có quốc gia nào đòi hỏi chủ quyền của toàn thể Biển Đông. Điều đó khiến người ta suy luận ra rằng Trung Quốc không đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, mà chỉ đòi các đảo, bãi đá và vùng biển chung quanh các thực thể này.
 
Đề nghị của tướng La Viện phản ánh xu hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc, và thái độ cao ngạo đi kèm theo đà phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Sau cùng, chuyên gia Thayer cho rằng nếu cứ quyết tâm theo đuổi ý tưởng thiết lập Đặc khu Nam Hải, Bắc Kinh sẽ vấp phải một liên minh chống Trung Quốc được Hoa Kỳ và quốc tế hậu thuẫn :

Trung Quốc chỉ có thể biến Biển Đông thành một đặc khu nếu chiếm đóng được tất cả các hòn đảo và mỏm đá ở Trường Sa. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực thì điều đó sẽ phản tác dụng vì sẽ khuyến khích một liên minh của các nước chống lại Trung Quốc, với hậu thuẫn của Hoa Kỳ cũng như các cường quốc khác. Tàu chiến Trung Quốc khi ấy sẽ phải hoạt động ở những địa bàn xa xôi cách trở, liên lạc khó khăn, khiến cho lực lượng Trung Quốc tại những đảo mới chiếm được dễ bị nguy hiểm.
 
Trung Quốc có thể tuyên bố Biển Đông là đặc khu và tìm cách áp đặt quyền kiẻm soát. Làm như thế, Bắc Kinh sẽ đảo ngược thời gian trở về năm 2011, khi một chiến hạm Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines, và khi tàu bán quân sự của Trung Quốc làm gián đoạn việc thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp với Philippines và Việt Nam. 
 
Nếu Trung Quốc không có hành động nào để khẳng định chủ quyền thì mọi tuyên bố Biển Đông là một đặc khu chỉ là một màn kịch chính trị mà thôi.

Diều hâu Trung Quốc hung hăng vì mưu đồ chính trị nội bộ (Ngô Nhân Dụng)
Ngô Nhân Dụng, nhà bình luận báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ)
 
12/03/2012
by Trọng Nghĩa
 
 
Về phần mình, nhà báo Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Nguời Việt tại California Hoa Kỳ, đã lồng các đề nghị của tuớng La Viện vào trong bối cảnh cuộc đua tranh giành ưu thế trong chính truờng Trung Quốc hiện nay truớc lúc mở ra Đại hội Đảng Cộng sản.

Theo ông, trong các đề xuất của viên tuớng Trung Quốc, có một số điểm có thể gọi là mới theo chiều hướng áp đặt mạnh mẽ hơn chủ quyền của Bắc Kinh trên ba quần đảo mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.

« Phải nói là nó mới vì trước đây chính phủ Trung Quốc lập ra một huyện Tam Sa ở tỉnh (đảo) Hải Nam, để phụ trách hành chánh ba quần đảo, Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và Trung Sa của họ. Từ lúc báo Hồng Kông loan tin đó đến nay, không thấy huyện Tam Sa đó có hoạt động hay không, và hoạt động như thế nào.
Bây giờ có lẽ ông La Viện nêu vấn đề lập ra đặc khu hành chánh trông coi cả 3 quần đảo đó cùng với vùng biển chung quanh, nằm trong khu vực gọi là đường lưỡi bò, thì đây là một đề nghị có thể coi là mới.
Điều mới hơn nữa là ông La Viện đề nghị là Trung Quốc phải tìm cách để chứng tỏ cho thế giới biết, phải khoe sức mạnh bằng cách đưa quân đến có mặt tại 3 vùng quần đảo đó, phải cắm cờ Trung Quốc để chứng tỏ chủ quyền. Không những thế, ông La Viện còn muốn động viên dân chúng Trung Hoa quan tâm và tham gia việc khai thác các quần đảo đó. Ông ấy đã nói thẳng ra là phải khuyến khích ngư phủ Trung Quốc đi vào đánh cá trong khu vực, khuyến khích các hãng dầu của nhà nước đến khai thác dầu ở vùng đó. Đấy là đề nghị rất cụ thể mà ông La Viện muốn nêu ra để tăng cường vai trò của quân đội Trung Quốc trong việc kiểm soát quần đảo.
Từ trước đến nay, chúng ta biết là trong guồng máy quân sự Trung Quốc, không có một lực lượng riêng như là Tuần duyên bên Mỹ (Coast Guards). Và việc cai quản tất cả các vấn đề ở những quần đảo mà họ đã chiếm, như là Hoàng Sa của ta, cũng như là Trung Sa của họ, thì quyền đó được chia ra đến 6 bộ phận khác nhau ở trong chính quyền Trung Quốc.
Việc phối hợp 6 bộ phận đó lẽ ra là công việc của huyện Tam Sa. Nhưng mà cấp huyện chắc không thể làm được việc đó, cho nên ông La Viện đưa ra đề nghị này. Đối với người Trung Quốc, đó là một đề nghị rất hợp lý. Nếu họ đã coi cái vùng ‘lưỡi bò’ là một lợi ích quan trọng của họ, thì họ phải phối hợp tất cả các hoạt động, về kinh tế, chính trị, quân sự ở trong khu vực vào một đầu mối quản lý duy nhất. Lập ra một đặc khu hành chánh có thể là nhằm đạt mục đích đó.
RFI : Tại sao ý tưởng về « Đặc khu Nam Hải » được đưa ra vào lúc này, trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc luôn tỏ thái độ hòa dịu ?
Ngô Nhân Dụng : Quả thật là những lãnh đạo Trung Quốc, từ ông Hồ Cẩm Đào cho đến ông Tập Cận Bình gần đây có sang Mỹ, lúc nào cũng đưa ra một cái bộ mặt rất hòa hiếu. Đặc biệt về Biển Đông, họ thường nhấn mạnh là muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình, qua thương thảo, và họ còn chỉ trích Mỹ đã nhắm mục đích bao vây Trung Quốc.
Thế nhưng trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, chắc chắn có phe gọi là diều hâu. Ông La Viện là một người đã tự nhận là ‘Người ta bảo tôi là diều hâu thì tôi là diều hâu thật đó !'
Phe diều hâu đó gồm những ông tướng trong quân đội Trung Quốc đang tại ngũ, mà được tự do nói lên những ý kiến rất ‘diều hâu’, mà lại được đăng trên tờ báo Giải phóng quân, coi như là tiếng nói chính thức của quân đội Trung Quốc, thì điều đó chứng tỏ là họ đã được những lãnh tụ cấp cao hơn bảo trợ, để cho họ nói lên những điều mà các lãnh đạo cấp cao đó muốn dân chúng Trung Hoa phải chú ý đến, và do đó ảnh hưởng đến chính sách chung của cả Bộ Chính trị.
Thì chúng ta biết là trong năm nay, Trung Quốc sẽ thay đổi lãnh đạo, sẽ có tổng bí thư đảng mới, và tất nhiên là lãnh đạo mới này sẽ có bộ tham mưu hoàn toàn mới để điều khiển Trung Quốc trong vòng 8 - 10 năm sắp tới.

Có lẽ trước kỳ Đại hội Đảng, phe diều hâu - có lẽ tập trung trong giới tướng lãnh của Trung Quốc - muốn có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Bộ Chính trị sắp tới. Họ không thể chỉ vận động trong nội bộ Trung ương đảng mà thôi, mà họ còn muốn vận động ra ngoài dân chúng nữa. Như thế họ đã cho phép và có lẽ đã khuyến khích những viên tướng diều hâu, như ông La Viện, hay ông Dương Nghị, ông Bành Quang Khiêm, đó là những người gần đây đã luôn luôn lên tiếng…
Thứ nhất là đả kích chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, có ý muốn bao vây và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, thứ hai là đề cao vai trò quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ. La Viện là người không những bàn chuyện đường lưỡi bò ở Biển Đông, mà cũng rất hay lên tiếng về vấn đề eo biển Đài Loan.
Đặc biệt năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Obama sang Bali (Indonesia), và nêu ý kiến về việc người Mỹ đã trở lại vùng Đông Nam Á, vùng Đông Á, và người Mỹ sẽ ở lại đó, ông La Viện ngay lập tức đã viết một lời chỉ trích rất mạnh mẽ đối với chính phủ Mỹ. Ông ấy nói là Trung Quốc không làm gì Mỹ cả mà tại sao Mỹ cứ nhắm vào việc ngăn chặn Trung Quốc. Đó là những lời khích động nhắm vào quần chúng.
Tất cả những điều đó đưa đến mục đích là phải gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc, gia tăng ngân sách quốc phòng. Chính ông La Viện là một trong những người luôn luôn đề cao việc ngân sách quốc phòng phải được tăng mạnh hơn nữa. Và trong thực tế, chuyện đó đã xẩy ra, chứng tỏ rằng áp lực của phe quân sự lên giới lãnh đạo Trung Quốc rất mạnh.
Tiếng nói của ông La Viện đưa ra lần này là nhắm cái mục đích thúc đẩy vai trò của giới tướng lãnh trong Bộ Chính trị sắp tới, và cụ thể hơn là phải gia tăng ngân sách Quốc phòng để các vị đó có thể kiểm soát số tiền lớn hơn.
Có lẽ từ đây đến cuối năm, thì những tướng khác như Dương Nghị, Bành Quang Khiêm… sẽ còn lên tiếng tương tự như vậy trước lúc Đại hội Đảng Trung Quốc mở ra.
RFI : Trọng lượng của cánh diều hâu tại Trung Quốc như thế nào ?
Ngô Nhân Dụng : Họ có ảnh hưởng rất mạnh trên vấn đề ngân sách. Bằng cớ là ngân sách Quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều trong những năm gần đây. Trong 3 năm tới, đến năm 2015, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ gia tăng gần 19%. Đến năm 2015, chi phí quân sự sẽ lên tới gần 240 tỷ Mỹ kim.
Con số đó phải so sánh với số liệu chi phí quốc phòng của tất cả các nước khác ở trong vùng Á Đông gộp lại, từ Nam Hàn, Nhật Bản, đến Việt Nam, Singapore v.v.... Tất cả những nước khác chỉ chi có khoảng 230 tỷ mà thôi. Riêng Trung Quốc đã chi 240 tỷ rồi. Chi tiêu của Trung Quốc lớn gấp 4 lần ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là nước thứ nhì ở Á Đông. Điều đó cho thấy rằng ảnh hưởng của giới quân sự Trung Quốc càng ngày càng lớn.
Chúng ta có thể tưởng tượng là có một cái gọi là sự kết hợp giữa giới quân sự với những công ty sản xuất vũ khí cũng như là nghiên cứu quốc phòng, giống như là ngày xưa, Tổng thống Eisenhower đã báo động với dân chúng Mỹ là có một sự liên kết giữa giới quân sự với giới kỹ nghệ quốc phòng, mà ông gọi là « military industrial complex ». Họ tìm cách thúc đẩy việc sản xuất vũ khí thật nhiều để bên quốc phòng có quyền hơn, và bên kỹ nghệ thì có lợi hơn.
Thì có thể ở bên Trung Quốc cũng có một cái thứ liên kết giữa kỹ nghệ Quốc phòng với các vị tướng lãnh, và họ thúc đẩy để ngân sách càng ngày càng gia tăng, tuy rằng ngân sách Trung Quốc, hiện giờ đứng thứ nhì về phương diện quốc phòng, chi tiêu chỉ còn thua nước Mỹ mà thôi. Nhưng cho đến nay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 ngân sách mà người Mỹ chi phí về quân sự.
Ngân sách của Trung Quốc được sử dụng có thể là tiết kiệm hơn là Mỹ, bởi vì chi phí về nhân viên cũng như về công nhân của họ rất rẻ so với Mỹ. Nhưng lợi thế về nhân viên, về nhân công đó, trong thời gian sắp tới sẽ không còn giá trị là bao nhiêu. Khi làm súng hay tàu thủy nhỏ chẳng hạn, người ta cần dùng đến nhiều nhân lực, thì nơi nào có lợi thế nhân lực, sẽ có thể với số tiền ít mà sản xuất nhiều. Nhưng khi đi tới phạm vi quốc phòng có tính cách tinh vi, tiến bộ về phương diện khoa học kỹ thuật hơn, thì lúc đó chi phí về nhân viên không phải là chi phí quan trọng. Khi đó lợi thế về nhân lực giá rẻ của Trung Quốc sẽ không còn nữa.
Cho nên mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều nhưng hiện nay, lực lượng thực sự của họ còn rất kém so với nước Mỹ. Và trong tương lai, khi họ tiến tới những kỹ nghệ cao cấp hơn, sản xuất những máy bay lớn hơn, những vệ tinh nhân tạo tinh vi hơn, thì họ còn lâu lắm mới đuổi kịp tiến bộ về kỹ thuật khoa học, về quốc phòng của Mỹ.
RFI : Phải chăng đề nghị về đặc khu hành chánh đã có phần được thực hiện ở Hoàng Sa ?
Ngô Nhân Dụng : Trong thực tế Trung Quốc đã khai thác đảo Hoàng Sa rất nhiều. Họ làm những phi trường lớn, đưa các đoàn du lịch tới, đưa báo chí tới, chỉ còn thiếu tổ chức đại nhạc hội ở đó mà thôi !
Thế nhưng, từ trước đến giờ hoạt động đó nằm trong huyện Tam Sa, không mang nặng tính cách quân sự. Trong thực tế, tất cả những tàu hải giám của Trung Quốc đi tuần tiễu trong vùng không thuộc bộ Quốc phòng, mà thuộc về Ủy ban Nhà nước phụ trách đại dương. Ủy ban đó trên nguyên tắc là một tổ chức dân sự.
Cho nên là từ trước đến nay, mỗi lần xảy ra các vụ cướp phá tàu bè, ngư phủ Việt Nam - như mới đây, Việt Nam đã phản đối một cuộc tấn công thuyền đánh cá của Việt Nam - thì Trung Quốc chối bay chối biến, và thường họ chối một cách dễ dàng khi bảo rằng quân đội của họ, hải quân của họ, không hề có mặt ở đó. Đứng về danh nghĩa, điều đó là thật bởi vì tàu hải giám trên nguyên tắc không phải là tàu quân sự, mà thuộc về cơ quan hành chánh về hải dương.
Thành ra nếu xẩy ra những vụ cướp tàu đánh cá của Việt Nam, họ có thể nói theo kiểu như là Việt Nam thường dùng, bảo rằng « vì nhân dân Trung Quốc bức xúc cho nên đã tự động làm điều đó ». Thì đấy là cái cách mà họ vẫn trình bày từ trước đến giờ.
Nếu bây giờ mà Trung Quốc thiết lập một Đặc khu Hành chánh Nam Hải, cai quản cả 3 vùng quần đảo, với tất cả những đề nghị của ông La Viện được áp dụng, thì khi đó về phương diện ngoại giao, Việt Nam sẽ có cơ hội để phản đối một cách chính thức hơn, và Trung Quốc không thể nào chối cãi được là mình không hề đưa hải quân đến để quấy nhiễu tàu đánh cá Việt Nam được.
Nếu Việt Nam làm mạnh hơn thì có thể nói thẳng với Trung Quốc là : « nếu các ông không canh chừng, để xẩy ra các vụ cướp tàu đánh cá của nước tôi, thì hải quân của nước tôi có thể giúp các ông để ra làm công việc canh chừng đó ». Và lúc đó có lý do để đưa hải quân Việt Nam đi bảo vệ tàu đánh cá Việt Nam…
Nếu Trung Quốc đặt ra Đặc khu Hành chánh Nam Hải, lúc đó Việt Nam sẽ có thể nói chuyện thẳng với đặc khu hành chánh đó về quyền đưa Hải quân ra bảo vệ tàu đánh cá của mình !

Trung Quốc lại gây sự cố trên biển với Nhật Bản


Trung Quốc lại gây sự cố trên biển với Nhật Bản

Tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 16/03/ 2012 và bị lực lượng Tuần duyên Nhật Bản chụp hình.
Tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 16/03/ 2012 và bị lực lượng Tuần duyên Nhật Bản chụp hình.
REUTERS/Japan Coast Guard

Trọng Nghĩa
Mới đây, Trung Quốc lần lượt có những động thái quyết đoán trong chiều hướng áp đặt chủ quyền, không chỉ với Việt Nam tại vùng Hoàng Sa, mà cả với Hàn Quốc trong vụ bãi đá ngầm Ieodo trên biển Hoa Đông. Mới hôm qua, Bắc Kinh lại bị Tokyo tố cáo là đã cho tàu áp sát một quần đảo nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Vụ việc xảy ra tại vùng biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo bộ Ngoại giao Nhật Bản, tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng biển thuộc khu vực quần đảo Senkaku bất chấp những lời « cảnh cáo liên tiếp » của lực lượng tuần duyên Nhật. Theo Tokyo, đây là một sự cố « cực kỳ nghiêm trọng », và bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên để phản đối.
Theo các nhà quan sát, dù Trung Quốc vẫn thường xuyên lên tiếng đòi chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng hôm qua là lần đầu tiên từ tháng Tám năm ngoái đến nay, Bắc Kinh lại cho tàu hải giám thâm nhập vào khu vực này.
Không những thế, lần này, Trung Quốc lại có một động thái quyết đoán hơn khi công bố hoạt động của tàu hải giám của họ thông qua một thông cáo của chính Cục Quản lý Đại dương, một cơ quan cấp bộ phụ trách vùng biển.
Theo bản thông cáo đăng trên trang web của Cục Quản lý Đại dương Trung Quốc thì hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 05:00 giờ, giờ địa phương hôm qua. Bản thông cáo xác định « Chuyến tuần tra đó thể hiện lập trường trước sau như một của chính quyền Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư ».
Sau đó ít lâu, cũng vào hôm qua, cơ quan này lại ra một thông cáo thứ hai, kể lại chi tiết sự cố với tàu tuần duyên Nhật. Theo bản tin này thì sau khi phát hiện chiếc tàu Nhật Bản, phía Trung Quốc đã tự xưng danh, rồi yêu phía Nhật xác định danh tánh. Thế nhưng « con tàu Nhật Bản đã không trả lời và tiếp tục bám theo chúng tôi ».
Sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xẩy ra vào lúc Bắc Kinh liên tiếp có động thái khẳng định chủ quyền của họ trên tất cả các vùng biển đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Ngày 12/3 vừa qua chẳng hạn, chính quyền Seoul đã phải triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc lên để phản đối vụ một quan chức cao cấp thuộc Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc tuyên bố là một bãi đá ngầm nằm trong khu vực hải phận chồng lấn giữa hai nước là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, và cần phải cho tàu và máy bay đến đó để tuần tra.
Đó là bãi đá ngầm Socotra nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, nhưng gần Hàn Quốc hơn, được Seoul đặt tên là Ieodo, trong lúc Bắc Kinh gọi đó là Tô Nham Tiêu. Hàn Quốc đã giành quyền kiểm soát vùng đó từ lâu và đã cho xây trên đó môt trạm khảo sát đại dương và bị phía Trung Quốc phản đối.
Đối với Việt Nam cũng thế, bất chấp những lời hứa hòa dịu, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có một loạt động thái quyết đoán trong việc xác lập chủ quyền của họ trên vùng Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974, như cho tập đoàn dầu khí ngoài khơi CNOOC gọi thầu thăm dò dầu khí tại khu vực đảo Cù Mộc, mà Trung Quốc gọi là đảo Triệu Thuật, hay thúc đẩy chương trình đưa du khách đến Hoàng Sa.
Các động thái này đã buộc phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng ngày 15/03, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Theo giới quan sát, càng gần đến Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, các sự cố hay động thái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng tranh chấp với các láng giềng, lại càng có điều kiện sinh sôi nẩy nở. Lý do là vì phe cánh diều hâu muốn lợi dụng thời cơ, kích động tinh thần dân tộc để giành ưu thế trên chính trường trong nước.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHỦ QUYỀN - HÀN QUỐC - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa


Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa

Giàn khoan của Tập đoàn Dầu hỏa Trung Quốc CNOOC.
Giàn khoan của Tập đoàn Dầu hỏa Trung Quốc CNOOC.
REUTERS

Tú Anh
Theo Hà Nội thì trong những ngày gần đây Bắc Kinh có một loạt hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa : tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC gọi thầu thăm dò dầu khí, tập trận bắn đạn thật và đua thuyền. Bắc Kinh đã lập tức kêu gọi Việt Nam « tôn trọng chủ quyền » của Trung Quốc.

Theo bản tuyên bố trên mạng của Bộ Ngoại giao Việt nam vào ngày 15/03/2012 thì Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa.
Điển hình là tập đoàn dầu khí khai thác ngoài khơi mời gọi thầu thăm dò dầu khí tại 19 lô cách đảo Cây, hay đảo Cù Mộc, mà Trung Quốc đặt tên là đảo Triệu Thuật.
Ngày 02/03/2012, tàu hộ tống Trung Quốc tập bắn đạn thật và năm ngày sau, Tổng cục Du lịch Trung Quốc đề cập đến chương trình tổ chức du lịch tại Hoàng Sa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản tin của hãng Bloomberg cho biết, Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức. Trong cuộc gặp gỡ báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân đã bác bỏ yêu cầu của Việt Nam và kêu gọi Hà Nội « tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ » của Trung Quốc.
Theo chuyên gia dầu khí Tony Regan tại Singapore thì Việt Nam và Trung Quốc sẽ « đôi co » như đã từng xảy ra trong quá khứ. Theo nhà tư vấn này thì không một công ty quan trọng nào « chấp nhận rủi ro » tham gia lời mời của phía Trung Quốc « trước khi có tín hiệu rõ ràng là chính quyền hai bên giải quyết tranh chấp ».
Đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc đánh chiếm sau trận hải chiến ngày 19/01/1974 với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Mười bốn năm sau, ngày 14/03/1988 Trung quốc chiếm đảo Gạc Ma, của quần đảo Trường Sa.
Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam không đề cập đến một hành động khiêu khích khác của Hải quân Trung Quốc. Theo bản tin của Bauxite Việt Nam kèm theo hình ảnh chứng minh, thì vào 3 giờ chiều ngày 09/03/2012, một tàu hải giám của Trung Quốc áp sát kho nổi chứa dầu thô của Việt Nam đang neo tại giàn khoan mỏ Chim Sáo, thềm lục địa Việt Nam. Chiếc tàu này không trả lời dù phía Việt Nam liên lạc qua các băng tần VHF 16,14,12,72 khi có sự cố. Mãi đến 40 phút sau khi tàu kéo mang tên Sapa của Việt Nam tiến gần thì tàu hải giám Trung Quốc mới bỏ đi.
Theo mạng Bauxite Việt Nam thì tin này không được loan báo.
Mặc khác, chương trình tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma được dự trù ngày 14/03/2012 tại Cam Ranh đã bị hủy bỏ vào giờ chót. Theo « blog Nguyễn Xuân Diện » thì lúc đầu có sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Hải quân nhưng không hiểu sao chương trình « vinh danh và tri ân » có sự phối hợp của báo Thanh Niên đã bị « cấp trên không cho phép ».
Trong khi đó, tổ chức « Nhóm thanh niên Yêu nước » cho biết đã âm thầm đến thành phố Hạ Long « thấp nến, thả hoa đăng » tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh « chống Trung Quốc xâm lược ».
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOÀNG SA - LÃNH HẢI - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Năm 2012, Biển Đông có tiếp tục dậy sóng?


Năm 2012, Biển Đông có tiếp tục dậy sóng?

Chặng đua thuyền buồm quốc tế nổi tiếng Volvo Ocean Race qua cảng Tam Á (đảo Hải Nam - Trung Quốc), 18/02/2012.  Ngày 15/03, Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi tổ chức đua thuyền từ Hải Nam ra Hoàng Sa, dự kiến vào ngày 28/03.
Chặng đua thuyền buồm quốc tế nổi tiếng Volvo Ocean Race qua cảng Tam Á (đảo Hải Nam - Trung Quốc), 18/02/2012. Ngày 15/03, Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi tổ chức đua thuyền từ Hải Nam ra Hoàng Sa, dự kiến vào ngày 28/03.
REUTERS/China Daily

Lê Phước
Mấy năm gần đây, Biển Đông không ngừng dậy sóng với việc Trung Quốc liên tiếp hiện đại hóa hải quân, và việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm địa chính trị từ Trung Đông sang Châu Á - Thái Bình Dương. Số ra thường niên cho năm 2012 của tạp chí quan hệ quốc tế Le Monde Diplomatique dành đến 3 bài để phân tích và từ đó vẽ ra viễn cảnh khu vực trong năm 2012. Bài viết thứ nhất chạy dòng tựa khá ấn tượng : « Căng thẳng dữ dội trên vùng biển Nam Trung Hoa ».

Tờ báo nhắc lại, từ những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu quá trình trỗi dậy của mình trên trường quốc tế. Cũng từ đó, Trung Quốc bắt đầu ứng xử cứng rắn dần với các nước quanh bờ Biển Đông mà mục tiêu là tìm kiếm nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, với chiến lược lấn dần từng bước một. Chẳng hạn như việc nước này bắt đầu tăng cường các hoạt động gây hấn ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi mà Nhật Bản kiểm soát từ năm 1895 và Trung Quốc bắt đầu đòi chủ quyền từ năm 1971. Những hành động này có thể tác động xấu đến sự cân bằng khu vực bởi đây là hai cường quốc của khu vực và thế giới.
Càng lấn lướt láng giềng, hình ảnh Trung Quốc càng bị oen ố
Tại Biển Đông, đây là khu vực đầy sôi động với nhiều tranh chấp chủ quyền, trong đó có tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mấy năm qua, Trung Quốc không ngừng củng cố hải quân, trong khi đó hải tặc dường như đã chuyển địa bàn hoạt động từ eo biển Malacca sang vùng biển Đông, tất cả điều đó đe dọa đến an ninh hàng hải và sự tự do lưu thông trên hải phận quốc tế. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã quay lại khu vực với lí lẽ  chính là để bảo vệ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải. Các nước quanh bờ Biển Đông có vẻ chưa lên tiếng ủng hộ một cách dứt khoát lập luận này của Hoa Kỳ, dù rằng họ thật sự quan ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh đã không ngần ngại chính thức hóa bản đồ bằng việc liệt gần hết Biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Thế nhưng, theo tờ báo, tất cả những hành động của Trung Quốc trong mấy năm qua đã « làm oen ố » hình ảnh của nước này, và tạo nên hình ảnh « một cường quốc bá quyền » chỉ biết quan tâm đến lợi ích riêng với tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà.
Mỹ - Trung tranh ghế bá chủ Biển Đông
Đi sâu hơn vào quan hệ Mỹ- Trung, Le Monde Diplomatique có bài nhận định : « Một sự hợp tác đầy sóng gió giữa Bắc Kinh và Washington ».
Bài viết nhìn về quan hệ Mỹ-Trung kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, với bao thăng trầm từ hợp tác đến cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ từ mặt đất lên tận vũ trụ với những dự án không gian khổng lồ. Thế nhưng rầm rộ hơn cả có lẽ là đấu trường Châu Á - Thái Bình Dương.
Tờ báo đi vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên biển phía nam và biển phía đông của nước này. Tờ báo nhắc lại, luật quốc gia ngày 25/2/1992 của Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền của nước này trên quần đảo Trường Sa ( khu vực có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines), quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan quản lí), đảo Điếu Ngư (do Nhật Bản kiểm soát).
Trung Quốc có sẵn sàng gây chiến hay không ? Tờ báo cho rằng, dù một số tướng lãnh quân đội Trung Quốc cho rằng đã đến lúc sử dụng biện pháp quân sự, thế nhưng dường như giải pháp này không phải là cách chọn lựa của nhà cầm quyền Trung Quốc. Vì sao ? Vì Bắc Kinh tốt bụng chăng ? Không phải thế, tờ báo cho rằng, đó là vì nếu khu vực này bất ổn thì Trung Quốc cũng chẳng có lợi ích gì.
Nắm được tâm lí lo ngại của các nước bên bờ Biển Đông đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã lập tức trở lại khu vực với những tuyên bố thẳng thừng về lợi ích không ngại làm mất lòng Bắc Kinh. Cuối năm 2011, tổng thống Barack Obama còn đề xuất xây dựng hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã làm lành lại với Miến Điện, tiếp tục làm thân với Ấn Độ, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ còn được sự thỏa thuận của nước này cho chiến hạm Mỹ cập cảng chiến lược Cam Ranh. Singapore thì không ngần ngại nhiều lần kêu gọi sự trở lại của Mỹ. Nhật Bản đã dịu giọng về việc hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ mình.
Tóm lại, một bên là Trung Quốc đang vươn lên cạnh tranh uy thế siêu cường với Mỹ, một bên là Mỹ đã chọn đúng thời cơ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Năm 2012 : Trung Quốc thay lãnh đạo, láng giềng vẫn âu lo
Đại hội lần thứ 18 đảng cộng sản Trung Quốc trong mùa thu tới không chỉ là mối quan tâm của riêng người Trung Quốc mà còn cho cả các nước láng giềng, bởi không ai chắc rằng dàn lãnh đạo kế tiếp chính thức được chọn từ đại hội này có thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc trong thập kỷ qua hay không ? Nhìn nhận sự việc, Le Monde Diplomatique có bài cảnh báo : « Sự kế thừa đáng quan ngại tại Trung Quốc ».
Tờ báo lược lại những thành công rực rỡ của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, với kết quả phi thường là đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Thế nhưng, năm rồng có thể gây bão tố cho Trung Quốc bởi nền kinh tế chạy theo tăng trưởng đã gây thiệt hại cho môi trường, đặc biệt là đẩy xã hội đến chân tường của sự bất bình với hàng loạt các vụ đình công, tấn công trụ sở chính quyền, chưa kể các bất ổn tại Tây Tạng. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công, Mỹ và Châu Âu buộc phải giảm lượng cầu, thế là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng bị giảm, bởi nền kinh tế này lệ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Tăng trưởng của nước này từ mức trên 10%/năm đã giảm xuống còn 9,2% trong năm 2011, và dự kiến còn khoảng trên dưới 8% cho năm 2012.
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc ra sức tăng cường ảnh hưởng. Là nước có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nước này đã tiến hành mua lại nợ công của Mỹ, vì thế dù sao đi nữa thì Mỹ cũng sẽ phải kiêng nể phần nào chủ nợ của mình. Trung Quốc cũng hướng đến Châu Âu như việc mua lại nhiều trái phiếu của một số nước, mua lại một số công ty để tìm nguồn tài nguyên, để tiếp cận với công nghệ cao, để chinh phục thị trường, để chiếm lĩnh những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Cánh tay của Bắc Kinh cũng đã vươn đến Châu Phi, châu Mỹ La Tinh và cả Nga. Còn tại Châu Á, Trung Quốc đã dựa vào thị trường rộng lớn và nguồn ngoại tệ khổng lồ của mình để chi phối các nền kinh tế trọng yếu trong ý đồ kéo theo sự chi phối về chính trị. Trong những năm 1990, nước này đã « dỗ dành » khối Asean và đến năm 2010 thỏa thuận tự do mậu dịch với khối này đã trở thành hiện thực. Trung Quốc đã giải quyết xong các tranh chấp lãnh thổ trên đất liền với các nước láng giềng, trừ Ấn Độ. Trung Quốc cũng tham gia tích cực trong hồ sơ Bắc Triều Tiên trong vòng đàm phán sáu bên có sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Trung Quốc đã thúc đẩy thành công quá trình thành lập Tổ chức hợp tác Thượng hải bao gồm Trung Quốc, Nga, các nước cộng hòa Trung Á, và hiện có các quan sát viên nặng kí như Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Những hành động này cùng với việc của Trung Quốc tăng cường hiện đại hải quân đã gây quan ngại cho cá nước láng giềng, nhất là những nước mà Trung Quốc tranh chấp lãnh hải như Việt Nam, Nhật Bản hay Philippines. Một câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có dùng vũ lực giải quyết tranh chấp không ? Tờ báo cho rằng, thế hệ lãnh đạo đăng quang trong đại hội 18 lần này của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách phát triển kinh tế mà thế hệ tiền nhiệm đã triển khai từ năm 2 000. Còn nói về tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng, tờ báo nhận định, ngoại trừ một bộ phận quân đội Trung Quốc muốn «diễu võ vươn oai», thì giới cầm quyền nước này sẽ không chọn giải pháp xung đột, bởi sự ổn định của các tuyến đường hàng hải là rất cần thiết cho trao đổi thương mại của Trung Quốc.
Lào có thể làm giàu bằng thủy điện ?
Ngày 9/12/2010, Lào đã chính thức khánh thành Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (Nậm Thun), một trong những đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Công trình được chính phủ Lào đặt nhiều hy vọng để tăng thu nhập ngân sách, nhưng lại gây quan ngại cho các nhà môi trường. Nhật báo The Straits Times của Singapore có bài phản ánh lợi hại của con đập khổng lồ này sau hai năm nhà máy đi vào hoạt động. Bài viết được Courrier International dẫn lại với dòng tít : “Một con đập được xây dựng khi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, có thể hay không?”.
Con đập bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2010, được xây dựng trên sông Nam Theun trên dòng Mekong thuộc Trung Lào bởi liên doanh Nam Theun 2 power company, một liên doanh của chính phủ Lào, Công ty Điện Lực Công Cộng Thái Lan và Công ty Điện lực Pháp Electricité de France. Để phục vụ cho công trình này, 1 600 người dân bản địa đã được cho di dời tái định cư trong khu vực gần đó. Nhà đầu tư đã xây dựng khá tốt các công trình dân sinh như nhà ở, trường học, đường xá… để đảm bảo cuộc sống cho người bị di dời.
Thế nhưng, bên cạnh lợi ích, thì ảnh hưởng tiêu cực cho người dân cũng không thể tránh khỏi. Một dân làng bộc bạch: “Trước kia, làng tôi bị lũ lụt triền miên, không hề có điện, thế nhưng khi ấy chúng tôi sống hoà mình với thiên nhiên, khi đói, chúng tôi có thể và rừng kiếm thức ăn. Chứ còn bây giờ, cuộc sống có tốt hơn, thế nhưng chúng tôi lại phải có tiền thì mới có cái ăn”. Trong khi đó, về phần mình, nhà máy điện này mang đến nhiều lợi ích trong việc xuất khẩu điện với ước tính mỗi năm là 80 triệu đô la suốt 24 năm tới. Đi sâu vào vấn đề, tờ báo cho hay, nhà máy Nậm Thun 2 được xây dựng là để đáp ứng nhu cầu điện từ anh bạn láng giềng Thái Lan, bởi 90% lượng điện do nhà máy này sản suất được xuất vào đất Thái.
Lợi ích kinh tế là vậy, nhưng thiệt hại cũng không nhỏ. Một công trình như vậy sẽ làm thay đổi địa hình, dòng chảy, hệ sinh thái và khiến người dân phải di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đơn cử như việc đổi dòng chảy con sông Nam Theun vào con sông Nam Bang Fai khiến mức nước sông Nam Bang Fai dâng cao đến mức nguy hiểm còn lượng nước Nam Theun lại giảm đi đáng kể, đời sống của các nông-ngư dân dọc hai con sông trên dòng Mekong này vì thế bị đảo lộn.
Theo một tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ, công trình Nam Theun 2 không phải chỉ có thành công, bởi những vấn đề liên quan đến đời sống, môi trường và tái định cư sẽ khó có thể được giải quyết một cách dứt điểm.
Syria có thể giẫm lên vết xe đổ của Libya
Thực trạng hiện tại của Libya rất đang quan ngại, khiến không thể không lấy đó làm một tiền lệ nguy hiểm cho các nước Ả Rập khác. Chuyên mục Thời luận của tạp chí L’Express tuần này nhình nhận sự việc qua bài viết: “Tiếng vọng Libya vang đến tận Syria”.
Libya đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới, các lực lượng vũ trang cấu xé nhau, chính quyền hợp pháp được phương Tây công nhận tại Tripoli tỏ ra bất lực, bóng ma đất nước bị phân chia đang chập chờn. Kể từ khi hạ sát ông Kadhafi, Hội đồng chuyển tiếp Libya (CNT) vẫn chưa tái lập được hoà bình, chưa đưa ra được một quyết sách chính trị bền vững, cũng chưa thể tái kiến thiết đất nước.
Thật ra, cũng như tên gọi của mình, CNT không đủ quyền lực để có thể áp đặt được một chính sách tổng thể cho cả nước. Vì thế, đất nước đang trong hỗn loạn: các đơn vị quân đội thời chiến giờ đây không chịu buông vũ khí để sáp nhập vào một lực lượng quân đội quốc gia thống nhất, có kẻ thì bất chấp pháp luật hành động theo kiểu cát cứ.
Tệ nhất theo tác giả là vào ngày 06/03, các đại bộ tộc miền đông đã nhóm họp ở Benghazi và đòi qui chế tự trị cho vùng Cérénaique, đồng thời kêu gọi thành lập hiến pháp theo kiểu liên bang, tức đưa Libya trở lại tình trạng như trước năm 1963. Ngay lập tức CNT đã lên án những bộ tộc này là “nổi loạn”, tuy nhiên lại không đủ lực lượng để ngăn chặn. Đều đáng chú ý là vùng Cérénaique tập trung 4/5 các mỏ dầu và khí đốt của Libya.
Còn tại thủ đô Tripoli, thì quân đội vẫn dưới quyền lãnh đạo của ông Abdelharim Belhadj, một người suốt hàng chục năm từng có tên trong hồ sơ theo dõi của CIA về những hoạt động thánh chiến cực đoan từ Afghanistan đến Libya. Trong khi đó, miền nam có thể sẽ ủng hộ ý tưởng thành lập liên bang. Ý tưởng này cũng có thể quyến rũ cả những bộ tộc ở miền tây Libya, tức dọc theo ranh giới với Tunisia và Algeri.
Trong viễn cảnh chia năm xẻ bảy đó, tác giả lo ngại đến tình hình Syria, bởi theo ông, nguy cơ Syria giẫm lên vết xe đổ Libya là rất có khả năng, do lực lượng đối lập tại Syria ngày càng tăng cường quân sự hoá cuộc đấu tranh của họ. Tác giả lo ngại, cũng giống như Libya vừa qua, tại Syria vũ khí được phân phát cho các chiến binh nổi dậy, mà không hề có dự phòng một biện pháp thu hồi nào cả.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM - ĐIỂM BÁO