Monday, September 30, 2013

Việt Nam nhắc lại yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí

Việt Nam nhắc lại yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 27/09/2013. Ảnh minh họa.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Khóa họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 27/09/2013. Ảnh minh họa.
REUTERS/Mary Altaffer/Pool

Trọng Nghĩa
Trong khuôn khổ chuyến ghé New York tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được hãng tin Mỹ Bloomberg phỏng vấn trong khoảng một tiếng đồng hồ. Bên cạnh các hồ sơ kinh tế, người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn nhắc lại một yêu cầu của Hà Nội đối với Washington trong lãnh vực quân sự : bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Theo bản tin của hãng Bloomberg ngày 28/09, trả lời nhà báo Al Hunt ông Nguyễn Tấn Dũng đã xác định rằng Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á. Theo ông Dũng : “Hoa Kỳ là một cường quốc toàn cầu và cũng là một cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một sự hiện diện thích hợp của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải.”
Trong bối cảnh quan hệ quân sự, quốc phòng Mỹ-Việt phát triển đồng thời với quan hệ kinh tế, thương mại, Thủ tướng Việt Nam cho rằng Washington nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, vì cấm vận này vừa “không hợp lý” vừa mang tính chất “phân biệt đối xử”.
Phát biểu với nhà báo Mỹ, ông Nguyễn Tấn Dũng thẩm định : “Điều đó thể hiện một thái độ thiếu tin tưởng… Nói thật với quý vị, ngay cả khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này, chưa chắc là chúng tôi sẽ mua vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng điều đó (bãi bỏ cấm vận) là một vấn đề thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau.”
Theo hãng Bloomberg, đà tăng cường quan hệ quân sự Mỹ-Việt vào năm ngoái đã được nêu bật với sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào khi ấy là ông Leon Panetta đã trở thành quan chức chính phủ cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhân một chuyến thăm vào tháng Sáu năm 2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Việt Nam năm 2014
Đà thắt chặt quan hệ giữa hai nước cựu thù sẽ được tiếp tục với chuyến công du Việt Nam vào năm tới 2014 của đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Nhân một cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh cuối tháng Tám 2013 tại Brunei, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), ông Chuck Hagel đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam vào năm tới.
Trong bản thông cáo báo chí ngày 28/08/2013, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ George Little cho biết thêm là Bộ trưởng Hagel còn nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương Mỹ-Việt, và nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam với năm nước khác trong đó có Trung Quốc.
Theo Bloomberg, trong một bản nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ công bố tháng Bảy vừa qua, ông Mark Manyin, một chuyên gia về châu Á đã ghi nhận rằng các quan chức trong chính quyền Obama từng xác định Việt Nam là một trong những đối tác mới mà Hoa Kỳ cần tranh thủ trong khuôn khổ chủ trương tái cân bằng chiến lược và kinh tế qua vùng châu Á.
Đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam rất hoan nghênh khả năng đó : “Chúng ta từng là kẻ thù, nhưng bây giờ chúng ta là bạn hữu… Chúng tôi sẵn sàng gác lại quá khứ và cùng nhau làm việc hướng tới tương lai vì mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở bình đẳng để hai bên cùng có lợi và cùng phát triển.”
TAGS: CHUCK HAGEL - HOA KỲ - NGOẠI GIAO - NGUYỄN TẤN DŨNG - QUÂN SỰ - QUỐC PHÒNG - VIỆT NAM

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ ở New York, ngày 27/9/2013.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn tại Đại hội đồng LHQ ở New York, ngày 27/9/2013.
CỠ CHỮ 
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói lệnh cấm vận của Mỹ là "vô lý và mang tính phân biệt".

Phát biểu của Thủ tướng Dũng được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News ngày 27/9 khi tới New York để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Ông Dũng cho rằng lệnh cấm này biểu hiện sự thiếu tin cậy. Ông nói chưa chắc là Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ cho dù Hoa Kỳ có dỡ bỏ lệnh cấm vận này đi chăng nữa, nhưng đây là vấn đề lòng tin lẫn nhau. 

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh hai nước cựu thù Việt-Mỹ giờ đây đã là bạn. Vẫn theo lời ông, hai bên sẵn sàng xếp lại quá khứ, cùng bắt tay hướng tới tương lai vì mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác vì lợi ích và sự phát triển của cả đôi bên.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự tán đồng về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương giữa bối cảnh tranh chấp biển đảo căng thẳng trong khu vực và các chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Ông Dũng nói Hoa Kỳ là cường quốc thế giới và cũng là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương, vì vậy sự hiện diện thích hợp của Mỹ trong vùng sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng  hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam vào năm tới. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ông Hagel tỏ cam kết thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ và đề cao tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Theo chuyên gia về các vấn đề Châu Á Mark Manyin trong mắt các giới chức chính quyền Tổng thống Barack Obama, Việt Nam là một trong những mối quan hệ đối tác mới mà Washington đang nuôi dưỡng trong khuôn khổ chính sách tái cân bằng kinh tế và chiến lược hướng về Châu Á.

Bang giao Việt-Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi đôi bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.

Từ năm 2006, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam.

Tuy nhiên, dù Việt Nam nhiều lần yêu cầu, Washington nhất định không bán vũ khí sát thương cho Hà Nội chừng nào  tình hình nhân quyền của Việt Nam chưa được cải thiện.

Thành tích nhân quyền Việt Nam mấy năm gần đây tiếp tục bị quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, chỉ trích mạnh mẽ với số án tù ngày càng gia tăng mà Hà Nội dành cho những người bất đồng chính kiến, các blogger, hay các nhà hoạt động xã hội.

TQ nên xử lý biển đảo 'như với bạn bè'

TQ nên xử lý biển đảo 'như với bạn bè'

Cập nhật: 11:38 GMT - thứ hai, 30 tháng 9, 2013
Philippines và Việt Nam đi đầu Asean trong việc phản đối TQ về biển đảo
Malaysia nói TQ cần giải quyết vấn đề biển đảo với Đông Nam Á “như giữa những người bạn”, chứ không nên coi đây là “xung đột giữa bên này với bên kia”.
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak lên tiếng trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến Malaysia và sau đó là tới Indonesia tuần này, cho rằng Trung Quốc “không nên đẩy các nước ra xa”.
Báo Malaysia, tờ The Star đăng tin hôm 28/9 vừa qua rằng ông Najib Razak đã nêu vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và một số quốc gia Asean.
Ông nói “Trung Quốc cần xử lý vấn đề về tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng như một vấn đề giữa những người bạn chứ không phải là một cuộc xung đột giữa bên này với bên kia”.
Thủ tướng Najib Razak cũng nói “vì quyền lợi của chính mình, Trung Quốc cần hiểu rằng quan điểm của họ nên được làm mềm đi bởi nhu cầu kết bạn với các nước láng giềng”.

Chỉ Trung Quốc đúng?

"Và nếu TQ có vấn đề lãnh thổ với cả Malaysia nữa thì thế giới thế đặt câu hỏi liệu có thể nào tất cả các nước đều sai"
Thủ tướng Malaysia Najib Razak
Thủ tướng nước hiện cũng nêu chủ quyền ở một phần của quần đảo Trường Sa cũng nói về cách ứng xử của Trung Quốc với các quốc gia Đông Bắc Á và Asean:
“Tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ hiểu ra rằng họ cần bạn bè, và không thể đẩy các nước ra xa. Họ đã có vấn đề với Hàn Quốc, với Nhật Bản, và họ cũng đang có vấn đề với Việt Nam và Philippines.”
“Và nếu họ có vấn đề với cả Malaysia nữa thì thế giới thế đặt câu hỏi liệu có thể nào tất cả các nước này đều sai,” ông Najib Razak nói trong cuộc hội đàm với viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại Council of Foreign Relations của Mỹ, được người dẫn chương trình cho CNN, ông Fareed Zakaria chủ trì.
Sự kiện này được tổ chức với sự tham gia của chừng 200 quan khách thuộc Council of Foreign Relations.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn duy trì quan điểm rằng chủ quyền của họ chiếm gần trọn vùng biển Đông Nam Á và từ chối đối thoại đa phương với Asean.
Ông Najib nói sự trỗi dậy của Trung Quốc mở ra cho hàng hóa Malaysia một thị trường lớn, và nước này cũng nhận đầu tư từ Trung Quốc nhưng cùng lúc, các quốc gia Asean “đặt câu hỏi rằng Trung Quốc sẽ trở nên hung dữ hay tự tin hơn vì sự trỗi dậy đó”.
Ông cho rằng Asean muốn đối thoại với Trung Quốc và giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển “như những người bạn với nhau”.
Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Malaysia trước khi sang Indonesia với chuyến thăm chính thức để rồi dự hội nghị APEC năm nay tại Bali.
Báo chí Trung Quốc đã chú ý tập trung bài về chuyến thăm của ông Tập sang hai nước "trọng yếu thuộc Asean" từ 2 đến 8/10 này, theo trang China Daily hôm 30/9.
Báo này trích lời các nhà bình luận Trung Quốc nói ông Tập Cận Bình sẽ "xoá đi lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Lãnh đạo Nhật và Philippines có quan hệ ngày càng nồng thắm
Nhưng có vẻ như Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và làm nhẹ đi tranh chấp biển đảo với Asean và gọi "vấn đề biển Nam Trung Hoa chỉ là một phần của ngoại giao khu vực", theo China Daily.
Hiện trao đổi thương mại của riêng Trung Quốc với Malaysia đã vượt 94 tỷ USD trong năm 2012.
Nhưng căng thẳng lãnh thổ và lãnh hải có thể sẽ vẫn là một chủ đề phủ bóng lên quan hệ của Trung Quốc với các nước dự APEC.
Báo chí Nhật trích nguồn ngoại giao của họ ở Trung Quốc đã nói ông Tập sẽ không có cuộc gặp bên lề APEC với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe.
Hôm 29/9, Thứ trưởng ngoại giao Lý Bảo Đông của Trung Quốc đã nói Bắc Kinh “không có kế hoạch dàn xếp cho một cuộc gặp như vậy” với lãnh đạo Nhật Bản.
Lý do là hai bên không đồng nhất được cách tiếp cận tranh chấp về nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật nắm mà Trung Quốc cũng coi là của mình và gọi là Điếu Ngư.
Hội nghị APEC dự kiến khai mạc ngày 7/10 tại đảo Bali của Indonesia.

Thêm về tin này

'Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền'

'Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền'

Cập nhật: 11:25 GMT - thứ hai, 30 tháng 9, 2013
Cựu Đại sứ Anh ở VN Derek Tonkin
Ông Derek Tonkin là Đại sứ Anh tại Việt Nam từ năm 1980-1982
Mặc dù tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là phức tạp, không dễ giải quyết ngày một, ngày hai, Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền của mình, theo lời khuyên của cựu Đại sứ Anh từng làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn 1980-1982.
Cựu Đại sứ Derek Tonkin cho rằng Anh quốc không ủng hộ bất cứ hành động quân sự hoặc xâm lược nào mà một quốc gia tranh chấp chủ quyền tiến hành với quốc gia khác.
"Nó có chiều hướng làm tăng nhiệt căng thẳng và có xu thế dẫn tới có thêm các cuộc giao tranh và các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu", nhà ngoại giao bình luận về cuộc cưỡng chiếm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Về con đường cải tổ dân chủ của Việt Nam hiện nay, cựu Đại sứ Anh cho rằng mọi việc hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của nhân dân Việt Nam, vì theo ông mỗi quốc gia cần tự tìm kiếm một giải phảp riêng.
"Phần lớn những quy ước quốc tế, tôi nghĩ Việt Nam đều đã tham gia, nhưng điều mà tôi đặc biệt quan ngại là về tự do tôn giáo và tự do ngôn luận," ông Tonkin nói.
"Tôi nhớ là đã được thông báo rằng tôi cần luôn chuẩn bị để rời tòa đại sứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ... trong trường hợp quân đội Trung Quốc tràn xuống"
Trao đổi với BBC nhân dịp đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ giữa London và Hà Nội, cựu Đại sứ Anh cũng thuật lại kinh nghiệm của mình với tư cách nhà ngoại giao khi đặt chân tới Việt Nam vào thời điểm nước này vừa chịu cuộc tấn công của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào năm 1979.
Ông cũng đưa ra nhận xét cá nhân về một số một số chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở đầu thập niên 1980 như các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Cơ Thạch...
Derek Tonkin: Tôi là đại sứ thứ năm của Anh quốc tại Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1973. Vài đồng nghiệp của tôi trước đó chỉ đảm nhiệm 6 tháng. Nhưng một đồng nghiệp khác của tôi đã ở đó trong 2 năm, nên tôi quyết định là tôi cũng sẽ ở lại trong hai năm.
Tất nhiên tôi tới Việt Nam trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn, những năm của thập niên 1980. Lúc đó Việt Nam đã chiếm đóng Campuchia với lý do mà tôi nghĩ là tôi hiểu rất rõ, dù có thể ở phương Tây một số người đã chưa rõ lắm.
Chiến tranh biên giới Trung - Việt 1979
Ông Tonkin tới Việt Nam vào lúc Trung Quốc vừa tiến hành chiến tranh ở biên giới phía Bắc
Trung Quốc như quý vị biết trong năm 1979 đã tấn công Việt Nam, họ gọi đó là sự trừng phạt, nhưng đúng ra có thể coi là một cuộc tấn công xâm lược, dù Trung Quốc có giải thích theo cách khác được hiểu như là chiến thuật quân sự của họ.
Khi tôi tới nơi, một trong những điều đầu tiên tôi nhớ là đã được thông báo rằng tôi cần luôn chuẩn bị để rời tòa đại sứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, và thông báo này cũng đã được đưa ra cho những người nước ngoài ở Việt Nam, trong trường hợp quân đội Trung Quốc tràn xuống.
Tôi đã rất vui để nói rằng việc đó đã không xảy ra, thế nhưng ít nhất nó lại làm cho tôi ngay lập tức liên hệ với vấn đề mà Việt Nam khi đó đang đối diện.
Và vấn đề Campuchia đã thực sự bao trùm nhiệm kỳ hai năm của tôi ở Việt Nam, lúc đó có rất ít quan hệ thương mại song phương. Tôi cũng gặp rất ít khách thăm.
Nhưng ít nhất Anh quốc đã không tham gia ở phe của người Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi đã luôn cố gắng giữ một mức độ độc lập có thể được, mặc dù cũng có bằng chứng rằng một vài cá nhân người Anh có thể đã tham dự ở phía của người Mỹ.
Hòa đàm Paris
Nhiều quan chức chính phủ Hà Nội cho rằng VN đang ở 'đỉnh cao của thế giới' sau nhiều chiến thắng
"Cáo buộc" duy nhất về sự tham gia của người Anh trong cuộc chiến Việt Nam là một lần tôi trò chuyện thân tình với Ngoại trưởng Việt Nam ông Nguyễn Cơ Thạch rằng lá cờ của Anh quốc đã được đưa vào cùng với các lá cờ của một liên minh trong một bảo tàng ở Hà Nội, tôi nghĩ là Bảo tàng Cách mạng.
Đó là các lá cờ của liên minh các nước phương Tây được cho là giúp đỡ cho chính quyền "bù nhìn" Nam Việt Nam. Tôi nói rằng thực tế là chúng tôi đã không tham gia. Và tôi nói thêm rằng sẽ là một điều tốt nếu tên tuổi của nước Anh có thể được bỏ ra khỏi đó.
Bốn ngày sau đó, Nguyễn Cơ Thạch trở lại gặp tôi và nói: "Ông có thể nhận ra là chúng tôi đã gỡ bỏ lá cờ. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng có một thời điểm vào năm 1968, chúng tôi tin rằng các ông đã gửi một số chó nghiệp vụ cảnh sát để huấn luyện ở Việt Nam."
Và ông ta nói: "Tôi có thể cho ông biết đó có lẽ là lý do vì sao mà chúng đã có mặt ở đó." Ông Thạch cũng cho tôi biết là có lẽ lá cờ đã được lấy ra từ tòa lãnh sự của Sứ quán Anh ở Sài Gòn.
Trên thực tế mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam luôn được đặt trên cơ sở lợi ích song phương và đặc biệt là tính độc lập. Điều duy nhất đặc biệt giữa Anh quốc và Việt Nam là giữa hai bên không bao giờ xảy ra chiến tranh. Không có bất cứ một cơ hội nào trong lịch sử mà trong đó quân đội của Việt Nam đụng đầu với quân lực Anh.
"Vì sao ư? chúng tôi đã đánh thắng Trung Quốc, chúng tôi đã chiến thắng người Pháp và chúng tôi đã chiến thắng người Mỹ, cho nên chúng tôi thực sự cảm thấy rằng chúng tôi ở đỉnh cao của Thế giới"
"Một điều khác nữa mà tôi nhớ về thời gian tôi ở Việt Nam là cuộc sống không dễ dàng gì. Lúc đó vẫn còn cấm vận toàn phần của Hoa Kỳ. Hàng hóa rất thiếu. Qua các mùa, chúng tôi có kha khá thực phẩm và rau quả, nhưng chúng tôi phải nhập khẩu rất nhiều thực phẩm từ Bangkok. Người dân sống rất khó khăn.
Nhưng có một điều mà tôi ấn tượng nhất là dù cuộc sống khó khăn thế nào, người dân vẫn luôn giữ một nụ cười.
Cuộc sống rất khó khăn, thiếu thuốc men, hầu như thiếu thốn đủ thứ, nhưng nếu bạn nhìn vào những gương mặt của họ, thì ở đâu họ cũng mỉm cười.
Những hình ảnh ấy gợi cho tôi nhớ lại thời kỳ chiến tranh ở nước Anh. Khi đó sức khỏe mọi người lành mạnh hơn bây giờ vì chế độ ăn uống của mọi người tốt hơn vì mọi người không bỏ nhiều tiền vào sô-cô-la và những thứ khác.
Trở lại với Việt Nam, lúc đó chiến tranh đã kết thúc, bốn năm sau khi đất nước thống nhất, tôi nghĩ mọi người cảm thấy hạnh phúc.
Và nhìn chung lúc đó trong chính phủ Việt Nam, mọi người có cảm nghĩ là Việt Nam đã chiến thắng: "Vì sao ư? chúng tôi đã đánh thắng Trung Quốc, chúng tôi đã chiến thắng người Pháp và chúng tôi đã chiến thắng người Mỹ, cho nên chúng tôi thực sự cảm thấy rằng chúng tôi ở đỉnh cao của thế giới."

'Sai lầm ở Campuchia'

BBC: Ông có còn giữ quan điểm cho rằng sau khi can thiệp vào Campuchia, quân đội Việt Nam ở lại Campuchia khoảng 10 năm và đó là một sai lầm lớn của chính quyền Việt Nam? Lúc đó, các đoàn ngoại giao ở Hà Nội khi gặp gỡ, có bình luận gì về việc này không?
Một trong những lý do mà tôi được cử tới Hà Nội làm Đại sứ là vì tôi có kinh nghiệm ở Campuchia, tôi đã từng ở đó trong ba năm hồi thập niên 1960. Và tôi cũng có thời gian ở Thái Lan. Do đó tôi có một sự hiểu biết rộng về khu vực.
Tôi nghĩ tôi hiểu khá rõ lý do của việc vì sao Việt Nam cảm thấy họ không còn có thể chịu đựng được hơn nữa mối đe dọa từ phía Khmer Đỏ. Các vị có thể nhớ rằng về gốc gác, lúc đầu Khmer Đỏ là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cái tên Khmer Đỏ cũng là do Hoàng thân Sihanouk đặt, chỉ những người khuynh tả. Nhưng rồi Khmer Đỏ trở thành một phe chạy theo ý thức hệ mà tôi gọi là rất tàn ác. Họ có khát vọng trả thù Việt Nam, đặc biệt với những vùng đất mà trước đó 200-300 năm từng là lãnh thổ của người Khmer, điều gợi cho tôi nhớ tới cái được gọi là Khmer Krom.
"Thật đáng tiếc là họ đã ở lại quá lâu, trong 10 năm, và họ ở lại trong một thế như là sự thể này không thể đảo ngược. Tuy nhiên, Việt Nam đã rời khỏi Campuchia. Họ rời đi dưới áp lực, đặc biệt của các quốc gia còn lại ở Asean"
Nhưng còn đi xa hơn thế nữa, Khmer Đỏ muốn khích động việc lấy lại toàn bộ miền Nam Việt Nam, thậm chí cả Sài Gòn, mà theo họ chính đó cũng là một thành phố cũ của Campuchia, Pren Kor, hay là Thành phố ở trong rừng. Và đã có rất nhiều vụ khiêu khích ở dọc biên giới mà phía Việt Nam nghĩ là họ không còn có thể tha thứ được nữa.
Quý vị cũng có thể nhớ rằng khi Việt Nam xâm lược Campuchia, họ tiến vào với một nhóm người Campuchia khác mà về nguồn gốc cũng là Khmer Đỏ, được gọi là phe Tư lệnh cánh Đông của Pol Pot. Phe này cũng rất cứng rắn, nhưng không cực đoan quá khích như chính quyền Pol Pot ở phần còn lại của Campuchia, và cánh này biết họ là mục tiêu của việc bị Khmer Đỏ loại trừ.
Do đó, Thủ tướng hiện nay của Campuchia, Hun Sen và những người khác như các ông Heng Samrin, Chea Sim cũng đã phải chạy trốn thực sự để thoát hiểm. Trở lại thì ý định của Việt Nam là chấm dứt các hành động khiêu khích mà Việt Nam phải chịu đựng tới lúc đó. Tất nhiên, khi bạn xâm lược một quốc gia khác, sẽ có những hệ lụy quốc tế.
Và vào thời điểm đó chúng ta có thể nhớ rằng đã có quan ngại quốc tế về cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan vào năm 1981, chúng tôi cũng quan ngại về cuộc xâm lược của Argentina ở quần đảo Falkland vào năm 1982. Do đó ý niệm rằng một nước có thể xâm lược một nước khác rất nhạy cảm đối với phương Tây. Do đó chúng tôi chỉ trích rất mạnh.
Nhưng đồng thời, nếu tôi có thể trở lại với Hoàng thân Sihanouk, chính ông nói rằng nếu Việt Nam rút khỏi Campuchia sau 12 tháng và để cho Campuchia tự giải quyết vấn đề của họ, thì họ đã rất được hoan nghênh, bởi vì đó chính xác là ý định ban đầu của cuộc can thiệp, vì dẫu sao một chế độ như của Khmer Đỏ là không thể chấp nhận được.
Tất nhiên, tôi không quá ngây thơ để tin rằng đó là lý do duy nhất Việt Nam đưa quân vào Campuchia, họ cũng có những lý do quan ngại về an ninh, về bất ổn định, và họ cũng luôn tự xem mình là quốc gia đứng đầu ở Đông Dương với Lào và Campuchia. Và nhìn lại từ góc độ này, tôi có thể hiểu vì sao họ tiến vào Campuchia.
Thật đáng tiếc là họ đã ở lại quá lâu, trong 10 năm, và họ ở lại trong một thế như là sự thể này không thể đảo ngược. Tuy nhiên, Việt Nam đã rời khỏi Campuchia. Họ phải đi dưới áp lực, mà đặc biệt từ các quốc gia còn lại ở khối Asean.

Thêm về tin này

Sunday, September 29, 2013

Trung Quốc thúc giục cải thiện quan hệ với Việt Nam

Trung Quốc thúc giục cải thiện quan hệ với Việt Nam

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.
CỠ CHỮ 
Ngoại trưởng Trung Quốc thúc giục cải thiện toàn diện các mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc khi gặp người đồng nhiệm phía Việt Nam tại trụ sở Liên hiệp quốc hôm 26/9.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương Nghị nhấn mạnh với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị.

Vẫn theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc, chính quyền mới ở Bắc Kinh rất coi trọng các mối quan hệ với Việt Nam và sẵn sàng cùng với Việt Nam tạo ra các mối liên hệ cao cấp song phương gần gũi hơn, đẩy mạnh hợp tác, kiểm soát các vấn đề nhạy cảm, tăng cường hợp tác-phối hợp trong các vấn đề của khu vực và quốc tế, cũng như nâng cao hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Dịp này, Ngoại trưởng Việt Nam chúc mừng kỷ niệm 64 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10 tới đây và mong Trung Quốc đạt thêm nhiều thành tựu lớn hơn trong phát triển kinh tế.

Ông Phạm Bình Minh nói là một nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng củng cố hợp tác mọi mặt với Trung Quốc trong các lĩnh vực kể cả chính trị và kinh tế để giải quyết thỏa đáng các bất đồng, tranh chấp và đẩy quan hệ đối tác song phương lên các tầm cao mới.

Cam kết giữa Ngoại trưởng hai nước được đưa ra giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông căng thẳng trong khi các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam đang tìm cách đạt một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc.

Bắc Kinh chưa chịu thảo luận trực tiếp về bộ quy tắc này, vẫn một mực đòi thương lượng tay đôi với từng nước một có liên quan trong lúc tiếp tục các hành động khiêu khích khẳng định chủ quyền tại Biển Đông.

Các chính sách của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề đối ngoại và chủ quyền đang gây tranh cãi và bức xúc công luận.

Các vụ bắt bớ những tiếng nói mạnh mẽ chống Trung Quốc tại Việt Nam vẫn tiếp diễn kể từ năm 2007 tới nay trong khi các cuộc tuần hành chống Trung Quốc luôn nhanh chóng bị nhà nước trấn dẹp.

Nguồn: Xinhua/Global Times