Tuesday, September 10, 2013

‘Nếu Mỹ tấn công, các chiến hạm Nga sẽ chìm trong 20 phút'

‘Nếu Mỹ tấn công, các chiến hạm Nga sẽ chìm trong 20 phút'

Nga đã điều vài tàu chiến tới gần bờ biển Syria, nhưng nếu Mỹ quyết định tiến công, những chiến hạm này sẽ bị tiêu diệt trong vòng 20 phút, một chuyên gia quân sự Nga thừa nhận.
Trong phiên điều trần tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ tuần trước, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey nhấn mạnh, kho vũ khí hạt nhân của Nga cho phép quốc gia này khẳng định vị trí siêu cường, nhưng trong lĩnh vực vũ khí thông thường Nga không được liệt vào tầm cỡ đó,
“Nước Nga vẫn có một số nhân tố giúp khẳng định mình là một siêu cường, chẳng hạn như kho vũ khí hạt nhân nước này đang giữ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực vũ khí thông thường, tôi không cho rằng, nước Nga thực sự mạnh”.
Chiến hạm Moskva của Nga. Ảnh: RIA Novosti.
Phó giám đốc thứ nhất Học viện các vấn đề địa chính trị Konsstantin Sivkov thừa nhận tuyên bố trên của tướng Dempsey về tiềm lực quân sự của nước Nga trong lĩnh vực vũ khí thông thường là có cơ sở. “Có thể nói nước Nga chưa được liệt vào hàng những quốc gia trung bình. Nếu xét về tương quan tiềm lực quân sự, Nga chỉ ở mức độ ngang với Bỉ”, ông Sivkov phát biểu với phóng viên báo Vzgliad.
Theo ông Sivkov, với biên chế lực lượng vũ trang hiện tại Nga chỉ có khả năng giải quyết những nhiệm vụ tối đa trong 2 cuộc xung đột vũ trang quy mô tương tự như ở Chechnya. Đối với một cuộc chiến tranh khu vực phải có lực lượng ít nhất với quân số nửa triệu người. Ông nói: “Cuộc chiến tranh khu vực dạng như “Bão táp sa mạc” chỉ là những chiến dịch bình thường mà Mỹ đã tiến hành nhiều lần. Trong chiến tranh tại Việt Nam, lực lượng quân sự của Mỹ có tới 1,5 triệu quân. Hiện nay nước Nga nếu tổng động viên cũng chỉ có thể thành lập cụm quân không quá 250.000 người”.
So sánh lực lượng hải quân giữa Nga và Mỹ, ông Sivkov nhận định hạm đội Phương Bắc chỉ có thể giải quyết hiệu quả nhiệm vụ đối đầu với một cụm không quân xung kích Mỹ. Vị chuyên gia này phân tích: “Người Mỹ sẽ có ít nhất 4 cụm như thế trong trường hợp xung đột xảy ra. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cùng lắm chỉ có khả năng giải quyết các nhiệm vụ đối phó với 1-2 cụm tàu sân bay, trong khi Mỹ có tới 11 cụm như thế”.
Theo nhận định của Sivkov, hạm đội Biển Đen có biên chế tương đương một cụm chiến hạm xung kích, mà chỉ riêng hạm đội 6 Mỹ có tới 10 cụm như thế. “Chỉ trong lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã có gần 30 tàu ngầm, còn hạm đội Biển Đen của Nga chỉ có một chiếc”, chuyên gia phân tích nhận xét và nhấn mạnh nước Nga hiện nay “chỉ giữ được kèo trên về vũ khí hạt nhân”.
Sivkov nhìn nhận, tàu tuần dương hạm cùng 2 chiến hạm yểm trợ hộ tống được Nga phái tới gần bờ biển Syria, nếu Mỹ quyết định tiến công chúng “những chiến hạm này sẽ bị tiêu diệt trong vòng 20 phút”. “Hải đoàn 5 của Liên Xô cũ trong điều kiện thông thường đã từng có khoảng 30 chiến hạm, và lực lượng như vậy đã từng có khả năng đương đầu với một cuộc xâm lược", ông Sivcov bình luận vẻ tiếc nuối.
Nhưng Tổng biên tập tạp chí Phòng thủ đất nước Igor Kortchenko lại cho rằng nước Nga không xây dựng quân đội kiểu Mỹ, và “chúng ta có những nhiệm vụ khác”. Kortchenko nói: “Thời gian tới tất cả 4 quân khu của nước Nga sẽ được kiện toàn đồng bộ trong lĩnh vực trang bị kỹ thuật, để mỗi một quân khu có thể đẩy lùi các mối đe dọa phát sinh trong khu vực nhiệm vụ của mình”.
Ông lưu ý trong những năm gần đây nước Nga quan tâm đáng kể tới việc phát huy những khả năng của mình trong lĩnh vực vũ khí phi hạt nhân. Các khoản chi phí ngân sách đầu tư vào “Chương trình vũ trang quốc gia” cho phép tới năm 2020 kiện toàn cho quân đội các vũ khí, trang bị kỹ thuật mới ở mức độ 70%. “Đây sẽ là một chỉ số không tồi. Hiện chúng ta đang sử dụng phần lớn vũ khí trang bị cũ từ thời Xô viết nhưng tiến bộ đang diễn ra nhanh chóng”- ông Kortchenko nói và chỉ rõ Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu đặc biệt quan tâm tới việc đưa vũ khí trang bị mới vào các đơn vị quân đội.
Theo lời chuyên gia nghiên cứu này, gần đây quân đội Nga đã tiếp nhận đồng bộ một lữ đoàn tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander-M. Sự quan tâm lớn lao cũng được dành cho việc đưa các máy bay không người lái vào trang bị, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã bắt đầu được đặt mua hàng loạt. “Trong lĩnh vực vũ khí thông thường cần phải ghi nhận việc cung cấp các loại xe bọc thép mới và kỹ thuật ô tô. Dự kiến năm 2015 chiếc xe tăng thế hệ thứ 5 Armata đầu tiên sẽ ra đời. 2.200 xe tăng loại này sẽ được đặt mua. Về không quân, đang đặt mua hàng loạt máy bay cường kích tiền phương Su-34 và máy bay tiêm kích Su-35. Dự kiến sẽ cung cấp cho quân đội hơn 1.200 trực thăng các loại. Tất cả những điều này chứng tỏ, vấn đề nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và trang bị vũ khí mới cho quân đội được quan tâm đặc biệt”, vị chuyên gia kết luận.
Kortchenko cũng nhấn mạnh trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, nước Nga vẫn là một siêu cường, có thể bù lại sự yếu thế tạm thời về vũ khí thông thường bằng cách dựa vào vũ khí hạt nhân. Ông Igor Korotchenko tuyên bố: “Bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào cũng phải hiểu rằng, nếu gây ra những hành động quân sự chống lại nước Nga, chúng ta có thể sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Điều này trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ cân bằng mọi cơ hội và làm bình ổn tình hình quân sự - chính trị thế giới xung quanh đường biên giới nước Nga”.
Theo Tiền Phong

No comments:

Post a Comment