Friday, November 30, 2012

Chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông lại bị phê phán


Chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông lại bị phê phán

Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà giàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp năm 1995.
Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà giàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu chụp năm 1995.
REUTERS/Stringer/Files

Trọng Nghĩa
Với âm mưu áp đặt chủ quyền bằng con đường hộ chiếu bị vạch trần, đòi hỏi chủ quyền quá bao quát của Trung Quốc tại vùng Biển Đông trong những ngày gần đây đã nổi cộm trên dòng thời sự quốc tế, với rất nhiều phân tích phê phán.

Trả lời hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 29/11/2012, giáo sư Pháp Jean Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Baptist ở Hồng Kông, đã nhấn mạnh đến tính chất« khả nghi » trong lập luận của Bắc Kinh cho rằng họ có chủ quyền « lịch sử » trên Biển Đông. Giáo sư Cabestan đồng thời nêu bật thực tế là quyền kiểm soát mà Trung Quốc hiện có trên một số hòn đảo trong khu vực đều có được nhờ hành vi dùng võ lực đánh chiếm.
Theo ghi nhận của AFP, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng có những hành động quyết đoán hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển hay hải đảo trong khu vực, ngay cả đối với với những nơi đang do nước khác kiểm soát, nằm cách Trung Quốc hàng trăm cây số, nhưng lại sát bờ biển đối thủ tranh chấp.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã được gói ghém trong một tấm bản đồ hình chữ U được chính phủ Quốc Dân Đảng vẽ ra từ năm 1947, sau đó được Bắc Kinh lấy lại và trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2009. Trung Quốc như thế đã thâu tóm từ quần đảo Hoàng Sa phía đông Việt Nam, quần đảo Trường Sa phía tây Philippines cũng như một số bãi không người ở như bãi Scarborough Shoal.
Các quan chức ở Bắc Kinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn biện minh cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh đến các thực tế lịch sử và chứng cớ cho thấy là vùng Biển Đông là của Trung Quốc từ xưa đến nay. Nhưng các nguồn tin này vẫn mơ hồ khi phải nói cụ thể về các bằng chứng đó.
Để cung cấp cơ sở khoa học cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (cũng như Đài Loan), một nhóm 10 học giả Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 10 vừa qua, đã bắt tay vào nghiên cứu để cung cấp « một lời giải thích pháp lý về đường chữ U » trong thời hạn một năm. Bắc Kinh hy vọng rằng các bản đồ cổ và các ghi chép lịch sử sẽ chứng minh rõ ràng tính đúng đắn của đường lưỡi bò.
Thế nhưng, theo các phân tích gia ngoại quốc, cố gắng của Trung Quốc trong việc dùng kết quả nghiên cứu khoa học để thuyết phục các nước khác có thể là sẽ hoàn toàn vô hiệu.
Đối với giáo sư Jean-Pierre Cabestan : « Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc rất đáng ngờ vì ai cũng có thể giải thích các bản đồ cũ theo ý của riêng mình ».
Trả lời AFP, ông Cabestan còn nói thêm là trong khoảng 40 năm gần đây, bất kỳ hòn đảo nào mà Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát, đều là thông qua các vụ đụng độ trên biển.
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau một trận hải chiến ngắn với lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, và một số đảo ở vùng Trường Sa vào năm 1988 sau trận Hải chiến Trường Sa (quốc tế quen gọi là Johnson South Reef Skirmish) đã khiến cho 70 chiến sĩ Việt Nam tử trận.
Vào giữa thập niên 1990, Bắc Kinh cũng đã giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn (Mischief Reef) tại quần đảo Trường Sa từ tay Philippines, khi cho xây dựng cơ sở trên đảo lấy cớ là để cho ngư dân Trung Quốc trú ẩn. Philippines cực lực phản đối nhưng sau đó đã phải chịu thua. Đến tháng tư năm nay, kịch bản tranh chấp Trung Quốc – Philippines tại Mischief Reef có nguy cơ tái diễn với việc Trung Quốc cho tàu tiến vào bãi Scarborough, rồi trụ lại đó cho đến nay, trong lúc tàu của Philippines đã phải rút đi.
Cuộc tranh chấp này theo AFP cho thấy là Bắc Kinh ngày nay không ngần ngại đòi chủ quyền tại nhưng nơi xa xôi, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đối phương. Thật vậy, bãi Scarborough mà Manila đòi chủ quyền rất xa bờ biển Trung Quốc nhưng lại nằm sâu trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Philippines.
Các « chuyên gia » Trung Quốc lẽ dĩ nhiên đã cố biện minh cho các hành vi này khi nhấn mạnh rằng khoảng cách địa lý không quan trọng trong vấn đề chủ quyền. Ông Trương Hải Văn, phó giám đốc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc gần đây khẳng định công khai là khoảng cách « hoàn toàn không có cơ sở nào trong luật pháp cũng như thông lệ quốc tế ». Nhân vật này đưa ra ví dụ là quần đảo Channel Islands của Anh chỉ cách bờ biển Pháp không đầy 12 hải lý.
Còn ông Cổ Khánh Quốc, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, thì xác định là Trung Quốc chỉ đơn thuần làm theo gương của phương Tây : « Mỹ có đảo Guam ở châu Á, vốn rất xa Hoa Kỳ, và Pháp cũng có đảo ở miền Nam Thái Bình Dương, do vậy, chẳng có gì mới lạ cả ». Trả lời AFP, vị giáo sư này khẳng định : « Vị trí địa lý của hòn đảo không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy nó thuộc về nước nào ».
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - LÃNH HẢI - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

Philippines lại tố cáo Trung Quốc bội ước trên vấn đề bãi Scarborough


Philippines lại tố cáo Trung Quốc bội ước trên vấn đề bãi Scarborough

Các tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở bãi Scarborough ở cách đảo Luzon của Philippines 124 hải lý, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Ảnh chụp ngày 10/04/2012.
Các tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở bãi Scarborough ở cách đảo Luzon của Philippines 124 hải lý, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Ảnh chụp ngày 10/04/2012.
REUTERS/Philippine Army Handout

Trọng Nghĩa
Phát biểu trên đài truyền hình Philippines ABS-CBN vào hôm nay, 29/11/2012, Ngoại trưởng Philippines cho biết là Manila vẫn kiên trì đòi Bắc Kinh rút ba chiếc tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Scarborough, gần sáu tháng sau khi Trung Quốc hứa là sẽ rút đi. Theo ông Albert Del Rosario, trong vụ này, Manila đã tôn trọng cam kết, trong khi Bắc Kinh lại nuốt lời hứa.

Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên chủ quyền bãi Scarborough (mà người Philippines đặt tên là Panatag, trong lúc Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) đã bùng lên vào tháng Tư, với tàu của hai bên trực diện nhau tại khu vực tranh chấp.
Theo Ngoại trưởng Philippines, để giảm bớt căng thẳng, vào ngày 04/06, hai nước đã đồng ý cùng triệt thoái lực lượng ra khỏi khu vực, Philippines đã rút tàu của mình ra khỏi khu vực bãi Scarborough hôm 04/06, đúng theo cam kết, nhưng ba chiếc tàu của Trung Quốc vẫn trụ lại tại chỗ.
Ông Del Rosario cho biết là hồi tháng Sáu, một quan chức sứ quán Trung Quốc thoạt đầu giải thích là vì thời tiết quá xấu cho nên họ không thể dời tàu đi nơi khác được, nhưng không cho biết khi nào họ sẽ thực hiện việc này. Theo hãng tin Pháp AFP, họ không liên lạc được với sứ quán Trung Quốc tại Manila để hỏi rõ về vụ việc trên.
Trung Quốc và Philippines, cùng với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam, có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Manila ngày càng lên tiếng quyết liệt chống lại các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, công khai nêu bật vấn đề này trong các hội nghị quốc tế, bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Del Rosario vào hôm nay, Trung Quốc không muốn Philippines đề cập đến vấn đề Biển Đông với các nước khác, kể cả với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, thậm chí cả với nhà báo.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - LÃNH HẢI - PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Đài Loan chuẩn bị «thủy lôi thông minh» chống Trung Quốc


Đài Loan chuẩn bị «thủy lôi thông minh» chống Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ trong cuộc họp báo tại Đài Bắc ngày 21/09/2011.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ trong cuộc họp báo tại Đài Bắc ngày 21/09/2011.
REUTERS/Pichi Chuang

Anh Vũ
AFP dẫn nguồn từ báo chí Đài Loan hôm nay 29/11/2012 cho biết, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ trong trường hợp bị Trung Quốc xâm chiếm, đảo quốc này có kế hoạch chế tạo một loại thủy lôi «thông minh» thế hệ mới có thể được đặt ở tầng nước nông.

Trang báo điện tử United Daily News, dẫn nguồn tin quân sự của Đài Loan cho biết, khác với loại mìn của hải quân trước đây chỉ có thể đặt được ở tầng nước sâu, loại thủy lôi thế hệ mới có thể được triển khai ở ven bờ trong những vùng nước nông và rất có hiệu quả trong việc đẩy lùi các chiến dịch đổ bộ của đối phương.
Phía bờ tây của đảo Đài Loan có rất nhiều bãi cạn cửa sông và là những yếu điểm để đối phương có thể đổ bộ nhanh chóng và tiến sâu vào bên trong đảo.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan từ chối bình luận về chương trình chế tạo mìn thế hệ mới. Từ những năm 1980, Đài Loan đã cho triển khai tới ba loại thủy lôi, chủ yếu được cài trong vùng nước sâu và đối tượng nhằm tới là các tàu ngầm của đối phương. Tuy nhiên những loại thủy lôi này đều không linh hoạt bằng các loại thủy lôi được đặt ở tầng nước nông.
Bộ Quốc phòng Đài Loan được cấp ngân sách để triển khai loại mìn mới trong năm tới, tuy nhiên chi phí cho chương trình vũ khí mới này không được tiết lộ cụ thể.
Bắc Kinh vẫn luôn coi Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và chỉ chờ có dịp thuận lợi để hợp nhất hòn đảo về với đại lục. Đã không ít lần Bắc Kinh đe dọa tấn công "giải phóng" Đài Loan. Trong khi đó Đài Bắc luôn cảnh giác với mưu đồ thôn tính của Bắc Kinh, và thường xuyên củng cố khả năng phòng thủ của mình bằng cách phát triển bên trong nước hoặc mua sắm thêm từ bên ngoài các loại vũ khí hiện đại.
TAGS: CHÂU Á - QUỐC PHÒNG - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Indonesia : Hộ chiếu "lưỡi bò" của Trung Quốc «là phản tác dụng»


Indonesia : Hộ chiếu "lưỡi bò" của Trung Quốc «là phản tác dụng»

Hộ chiếu mới in bản đồ hình lưỡi bò chiếm gần hết Biển Đông của Trung Quốc khiến nhiều nước phản ứng.
Hộ chiếu mới in bản đồ hình lưỡi bò chiếm gần hết Biển Đông của Trung Quốc khiến nhiều nước phản ứng.
REUTERS/Stringer

Anh Vũ
Loại hộ chiếu in đường « lưỡi bò » nhằm thể hiện chủ quyền bao trùm hầu hết vùng Biển Đông của Trung Quốc tiếp tục vấp phải những phản ứng mới. Hãng tin AFP cho hay, trong một cuộc phỏng vấn hôm nay 29/11/2012 Ngoại trưởng Indonesia nhận định, loại hộ chiếu mới của Trung Quốc là « phản tác dụng » trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng với tiềm lực kinh tế khá mạnh của mình trong khu vực, Jakarta có thiện chí làm trung gian giải quyết bất đồng về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước có liên quan trong khối ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo hộ chiếu mới của Trung Quốc sẽ có thể càng làm cho những tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông vốn đang căng thẳng càng trở nên trở nên trầm trọng hơn. Trả lời phỏng vấn nhật báo Jakarta Post, ông Natalegawa nói « Việc làm này là phản tác dụng, không giúp gì cho việc giải quyết các bất đồng ». Ông cũng nhận xét thêm : « Chúng tôi nhận thấy hành động của Trung Quốc là không đàng hoàng khi làm như thế để thăm dò phản ứng của các nước láng giềng ».
Một lần nữa Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh đến việc ASEAN phải tập trung hoàn thiện Bộ luật ứng xử trên biển, được coi là bước đầu tiên nhằm làm giảm căng thẳng trong các tranh chấp lãnh thổ.
Xin nhắc lại việc Bắc Kinh cho in trên hộ chiếu công dân bản đồ đường cắt khúc 9 đoạn thể hiện những đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông đã gây những phản ứng gay gắt từ những nước có liên quan đặc biệt là Việt Nam, Philippines.
Manila đã quyết định từ chối đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu mới của Trung Quốc. Lo ngại vụ hộ chiếu lưỡi bò sẽ gây những hệ lụy lan rộng về mặt ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố gắng lý giải rằng bản đồ in trên hộ chiếu mới « không nhắm vào quốc gia cụ thể nào ».
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - INDONESIA - LÃNH HẢI - TRUNG QUỐC

Trung Quốc tự cho quyền chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông


Trung Quốc tự cho quyền chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông

Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam)
Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam)
Reuters/Petrovietnam

Trọng Nghĩa
Mối lo ngại về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị tham vọng chủ quyền của Trung Quốc giới hạn như vừa được chính nước này xác nhận. Theo báo chí Trung Quốc, vào hôm nay, 29/11/2012, tỉnh Hải Nam, địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, vừa thông qua các quy định mới cho phép cảnh sát biên phòng quyền « lên tàu, tịch thu giữ và trục xuất các tàu ngoại quốc xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh ». Quyết định này bị coi là một động thái mới của Trung Quốc trong mưu toan độc chiếm Biển Đông.

Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, sau khi được tỉnh Hải Nam thông qua vào hôm thứ Ba, 27/11, hệ thống quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Sắp tới, tỉnh Hải Nam sẽ công bố toàn bộ các quy định.
Trước mắt, báo chí Trung Quốc tiết lộ, trong số các hoạt động bị coi là trái phép, có việc xâm nhập vùng biển của tỉnh mà không có phép, dừng lại hay thả neo bất hợp pháp, phá hoại các hệ thống bảo vệ bờ biển… và « thực hiện các chiến dịch quảng cáo gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc ».
Bình thường ra, các quy định trên đây không có gì đáng nói. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tỉnh Hải Nam chính là địa phương nơi chính quyền Trung Quốc vừa cho thành lập đơn vị hành chánh «Thành phố Tam Sa », có trách nhiệm quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền sở hữu của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Nói cách khác, phạm vi hoạt động của cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam bao trùm một diện tích khoảng 2 triệu cây số vuông biển đảo, bao trùm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa.
Khi được hỏi về sự kiện này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã khẳng định : « Đó là quyền hợp pháp của một Nhà nước có chủ quyền để thực hiện công việc quản lý hàng hải ».
Còn Hoàn cầu Thời báo thì dẫn lời ông Lý Triệu Kiệt (Li Zhaojie), một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), dự đoán rằng các quy định mới được thông qua có thể dẫn đến việc thực thi chặt chẽ quyền trục xuất tàu ngoại quốc bị cho là thâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo vị giáo sư này, đó là các quyền được một công ước Liên Hiệp Quốc thừa nhận : « Trong quá khứ, khi tàu nước ngoài vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc, điều tốt nhất mà lực lượng tuần tra có thể làm là đuổi họ ra khỏi vùng biển của Trung Quốc. Quy định mới sẽ thay đổi tình trạng này, và cung cấp cho lực lượng tuần tra phương tiện pháp lý để thực sự làm công việc của mình ».
Báo China Daily còn tiết lộ là Lực lượng Hải giám Trung Quốc có kế hoạch cử thêm tàu tuần tra xuống Biển Đông.
Theo giới quan sát, quyết định tự cho quyền chận bắt các tàu ngoại quốc đi vào vùng lưỡi bò mà Bắc Kinh đòi chủ quyền là một hành động leo thang mới của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ làm tình hình căng thẳng thêm lên.
Động thái này nối tiếp theo một hành đông bị coi là khiêu khích khác : Thể hiện các yêu sách chủ quyền trong hộ chiếu mới, trong đó có việc in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn. Hành vi này ngày càng bị nhiều nước phản đối.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - TRUNG QUỐC

Tuesday, November 27, 2012

Công an cửa khẩu Việt Nam không đóng dấu hộ chiếu «lưỡi bò» TQ


Công an cửa khẩu Việt Nam không đóng dấu hộ chiếu «lưỡi bò» TQ

Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò tóm gọn gần như toàn bộ Biển Đông.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ hình lưỡi bò tóm gọn gần như toàn bộ Biển Đông.
REUTERS/Stringer

Tú Anh
Công an cửa khẩu Việt Nam, ngày 27/11/2012 cho biết từ chối đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu mới của Trung Quốc trên đó có in bản đồ hình chữ U ôm trọn 80% Biển Đông làm lãnh hải của láng giềng phương Bắc. Hà Nội vẫn chưa loan báo phương án xử lý như thế nào cho tương xứng trước hành động mà công luận Việt Nam gọi là « âm mưu thâm độc của kẻ thù ».

Trả lời phỏng vấn của AFP với tư cách ẩn danh, một sĩ quan công an cửa khẩu tại phi trường quốc tế Nội Bài cho biết:«Chúng tôi không đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc ». Du khách Trung Quốc được cấp một « visa rời » để nhập cảnh Việt Nam.
Một công an cửa khẩu ở Lạng Sơn cũng giải thích tương tự : dù mang hộ chiếu mới công dân Trung Quốc vẫn có thể đi qua biên giới Việt Nam một cách bình thường. Hải quan Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu nhưng cho họ một visa rời.
Trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, hiệu lực kể từ tháng năm 2012 nhưng mới được truyền thông quốc tế phát hiện cách nay một tuần, có đường chữ U chín đoạn hình lưỡi bò tóm thu gần như toàn bộ lãnh hải và biển đảo của bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaisia và Brunei. Ở phía đông, bản đồ Trung Quốc « gậm nhấm » hai danh lam của Đài Loan, còn ở phía tây thì nuốt trọn hai bang của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã âm thầm phản ứng lại ngay từ đầu theo lối « ăn miếng trả miếng » : cấp visa cho công dân Trung Quốc in hình bản đồ Ấn Độ với biên cương rõ ràng.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - LÃNH THỔ - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Hoa Kỳ không công nhận hộ chiếu «lưỡi bò» của Trung Quốc


Hoa Kỳ không công nhận hộ chiếu «lưỡi bò» của Trung Quốc

Hộ chiếu mới của Trung Quốc với bản đồ “hình lưỡi bò”.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc với bản đồ “hình lưỡi bò”.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương
Hoa Kỳ tuyên bố không chấp nhận bản đồ « gây tranh cãi » in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, mà hiện đang bị nhiều nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam phản đối kịch liệt. Bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, được sử dụng từ tháng 5 vừa qua, bao gồm nhiều vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt là có phần bản đồ đường « lưỡi bò », bao phủ gần như toàn bộ khu vực Biển Đông.

Từ nhiều ngày qua, để tỏ thái độ phản đối, công an Việt Nam ở một số cửa khẩu quốc tế đã từ chối đóng dấu visa vào hộ chiếu mới của các du khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, mà chỉ cấp giấy thị thực rời cho họ. Chính quyền New Delhi cũng đã trả đũa bằng cách đóng dấu bản đồ của Ấn Độ lên hộ chiếu của khách Trung Quốc. Việt Nam cũng như những nước khác có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh sợ rằng đóng dấu visa lên hộ chiếu Trung Quốc chẳng khác gì công nhận bản đồ in trên đó. Nhưng Hoa Kỳ hôm qua đã trấn an các nước này là Washington không công nhận bản đồ đó, cho dù đối với họ, về mặt kỹ thuật pháp lý, hộ chiếu mới của Trung Quốc vẫn có giá trị.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/11/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland tuyên bố rằng bản đồ « sai lạc » in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không được Hoa Kỳ chấp nhận. Bà Nuland nhắc lại lập trường của Washington rằng Biển Đông là vấn đề « cần được đàm phán giữa các bên có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc, và một hình ảnh trên hộ chiếu không thay đổi lập trường đó ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng có những chuẩn mực quốc tế căn bản cần phải được đáp ứng trong một tấm hộ chiếu và những tấm bản đồ « sai lạc » không thuộc các chuẩn mực đó. Theo bà Nuland, « xét về mặt kỹ thuật pháp lý, bản đồ này không có ảnh hưởng gì đến tính hợp lệ của hộ chiếu trong việc cấp visa nhập cảnh vào Mỹ ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố : "Tôi không chắc là chúng tôi sẽ có dịp thảo luận với phía Trung Quốc hay không. Thành thực mà nói, chúng tôi chỉ bắt đầu chú ý đến vấn đề này từ cuối tuần qua, khi hộ chiếu đó bị nhiều nước phản đối. Xuất phát từ quan điểm một số nước coi hộ chiếu mới của Trung Quốc là hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ trao đổi ( với Trung Quốc ) về việc này, nhưng chỉ là nói về yếu tố kỹ thuật trên hộ chiếu ».
Cho tới nay, lập trường của Hoa Kỳ vẫn là không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mà chỉ chú trọng đến việc bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này, xem đây là vấn đề quyền lợi quốc gia đối với Mỹ. Washington cũng chủ trương là tranh chấp Biển Đông phải được thảo luận tại các diễn đàn đa phương, trong khi Bắc Kinh không chấp nhận « quốc tế hóa » vấn đề này, mà chỉ muốn giải quyết trên cơ sở song phương với các nước có liên quan. Trong cuộc họp thượng đỉnh Đông Á vừa qua tại Phnom Penh, bất chấp phản đối của Trung Quốc, Tổng thống Obama đã nêu lên vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên giảm căng thẳng ở khu vực này.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - HOA KỲ - LÃNH THỔ - PHÂN TÍCH - QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

Saturday, November 24, 2012

Tranh chấp Biển Đông cũng lan đến một hội nghị tại thủ đô Azerbaijan


Tranh chấp Biển Đông cũng lan đến một hội nghị tại thủ đô Azerbaijan

Logo đại hội ICAPP tại Baku (Azerbaijan) ngày 22-23/11/2012
Logo đại hội ICAPP tại Baku (Azerbaijan) ngày 22-23/11/2012
DR

Trọng Nghĩa
Trong hai ngày 22-23/11/2012, tại Baku, thủ đô cộng hòa Trung Á Azerbaijan, đã diễn ra đại hội lần thứ 7 của tổ chức Hội nghị Quốc tế các Chính đảng Châu Á ICAPP. Như thông lệ, một bản Tuyên bố chung đúc kết hội nghị được thông qua. Thế nhưng, theo nhật báo Philippine Daily Inquirer ngày 24/11/2012, trước lúc bỏ phiếu, Việt Nam và Philippines đã thành công trong việc yêu cầu xóa bỏ một đoạn trong bản dự thảo, bị xem là có hại cho hai nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông.

ICAPP là một tổ chức tập hợp hơn 300 đảng chính tri - cầm quyền cũng như đối lập - tại hơn 50 nước Á châu hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm cả vùng Trung Á. Đại hội ở Baku lần này có 230 đại biểu, đại diện cho khoảng 60 đảng chính trị đến từ nhiều nước, bao gồm cả những người từ Trung Quốc và Việt Nam, Philippines…
Trong quá trình thảo luận, một đại biểu Việt Nam và hai dân biểu Philippines đã phản đối bản dự thảo Tuyên bố chung vốn không đề cập đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) như là một cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các thành viên Đông Nam Á ASEAN.
Nhờ khéo phối hợp, Việt Nam và Philippines đã thành công trong việc yêu cầu xóa bỏ khỏi bản dự thảo đề nghị cùng với Trung Quốc đồng thăm dò và khai thác Biển Đông. Đề nghị này đã được đại hội nhất trí thông qua.
Trong bản dự thảo phần gây tranh cãi được viết như sau : « Chúng tôi ủng hộ hòa bình và ngoại giao, và cách tiếp cận thực tế như cùng nhau thăm dò và phát triển để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở một số vùng của châu Á, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, mà không cần phải dùng đến cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Sự khác biệt chính trị về các tranh chấp lãnh thổ không được trở thành cản lực cho quan hệ kinh tế và văn hóa bình thường, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. »
Vào tối thứ Sáu, bản Tuyên bố Baku cùng đã được thông qua, và phần Việt Nam và Philippines không đồng ý đã được xóa bỏ : « Chúng tôi cũng ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở một số vùng của châu Á, dựa trên các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiêp Quốc, chứ không phải là bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Sự khác biệt chính trị về các tranh chấp lãnh thổ không được trở thành cản lực cho quan hệ kinh tế và văn hóa bình thường, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. »
Theo báo Philippine Daily Inquirer, ngay từ hôm thứ Năm 22/11/2012, tức ngày đầu tiên của đại hội ICAPP tại Baku, một viên chức thuộc một đảng chính trị Việt Nam đã tiếp xúc với dân biểu Philippines Rufus Rodriguez, đơn vị Cagayan de Oro, và Mel Senen Sarmiento, đơn vị Tây Samar, để thảo luận về bản dự thảo Tuyên bố đã được lưu hành trước lúc được chính thức thông qua tối thứ Sáu.
Dân biểu Rodriguez không nêu tên viên chức Việt Nam, mà chỉ nói chung : « Việt Nam đến gặp tôi – và đó cũng là ý tưởng của chính tôi - bởi vì chúng tôi không thể chấp nhận hợp tác khai thác với Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, vì vùng này thuộc chủ quyền của chúng tôi (Philippines và Việt Nam) ». Dân biểu Philippines nói tiếp : « Do đó tôi đã đòi xoá bỏ điều đó ».
Dân biểu Sarmiento cũng chia sẻ mối quan ngại của ông Rodriguez : « Tôi rất muốn làm việc với Trung Quốc và với bất kỳ quốc gia nào khác trên vấn đề đó để mang lại tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải là để bị nói rằng chúng tôi đã bán đứng vùng biển đảo đó ».
Trước đó, nhật báo Philippines Inquirer Daily đã trích lời cựu chủ tịch Quốc hội Philippines Jose de Venecia Jr, sáng lập viên tố chức ICAPP, và chính nhân vật này là người ủng hộ phương án cùng thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông.
TAGS: AZERBAIJAN - BIỂN ĐÔNG - PHILIPPINES - TRANH CHẤP - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Việt Nam và Ấn Độ chống lại hộ chiếu "áp đặt chủ quyền" của Trung Quốc


Việt Nam và Ấn Độ chống lại hộ chiếu "áp đặt chủ quyền" của Trung Quốc

Hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (Reuters)
Hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh (Reuters)

Trọng Nghĩa
Đóng dấu « hủy » vào hộ chiếu, cấp giấy thông hành rời, cấp thị thực in bản đồ chủ quyền của nước mình… : Bên cạnh các tuyên bố phản đối theo con đường ngoại giao, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đầu tiên được cho là đã áp dụng các biện pháp cụ thể để chống lại mưu toan của Trung Quốc, dùng hộ chiếu có in « yêu sách chủ quyền » của Bắc Kinh để áp đặt các đòi hỏi lãnh thổ đơn phương của họ.

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày hôm nay, nhân viên biên phòng tại một số cửa khẩu miền Bắc Việt Nam đã có một số hành động cụ thể nhắm vào những hộ chiếu mới của Trung Quốc có in chìm tấm bản đồ hình lưỡi bò khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo nguồn tin trên, ngày hôm qua 23/11 chẳng hạn, tại cửa khẩu Lào Cai, bốn hộ chiếu « lưỡi bò » của du khách Trung Quốc đã bị đóng dấu « hủy », nâng số hộ chiếu bị biện pháp này lên thành hơn 100 chiếc trong những ngày gần đây. Thay cho các visa nhập cảnh bị hủy đó, du khách Trung Quốc đã được cấp ngay một giấy thông hành rời để tiếp tục vào Việt Nam.
Việc cấp thị thực nhập cảnh rời cho những người mang hộ chiếu lưỡi bò Trung Quốc cũng được áp dụng tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (đồn biên phòng số 7). Theo báo Tuổi trẻ, nhân vật chịu trách nhiệm cửa khẩu này giải thích : « Khi cấp thị thực rời, các cơ quan chức năng sẽ không phải đóng dấu chứng thực vào hộ chiếu và qua đó khẳng định không công nhận bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào ».
Viên chức này hy vọng là : « Về lâu dài người Trung Quốc sẽ thấy bất tiện khi nhập cảnh bằng thị thực rời và họ sẽ phản ứng với loại hộ chiếu này để các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thay đổi ».
Việt Nam phòng thủ - Ấn Độ tiến công
Nếu Việt Nam chỉ dùng biện pháp có thể gọi là mang tính chất phòng thủ để chống lại mưu toan của Trung Quốc in yêu sách chủ quyền của họ ngay trên hộ chiếu để buộc các nước khác phải đóng dấu xác nhận, Ấn Độ đã chọn một giải pháp mang tính chất tiến công.
Trước việc hộ chiếu mới của Trung Quốc có in bản đồ cho thấy hai vùng lãnh thổ Ấn Độ là Arunachal Pradesh và Aksai Chin thuộc chủ quyền của Bắc Kinh, chính quyền New Dehli đã bắt đầu cấp visa cho người Trung Quốc, bên trên in hình bản đồ Ấn Độ theo ý của Ấn.
Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu, chính phủ Ấn Độ đã biết về vụ việc này từ nhiều tuần lễ nay khi phát hiện ra tấm bản đồ về hai vùng đất tranh chấp trên hộ chiếu của công dân Trung Quốc đến Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi đã quyết định không vội phản đối chính thức mà chủ trương phản ứng bằng hành động cụ thể : phát hành thị thực nhập cảnh bên trên có in bản đồ theo ý Ấn Độ.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh đã nêu vấn đề này lên với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời thông báo cho Bắc Kinh biết quyết định của New Delhi về việc cấp visa bên trên có in bản đồ thể hiện chủ quyền của Ấn Độ.
Do việc in những tờ visa mới theo đúng các chuẩn mực về an toàn, chống giả mạo đòi hỏi thời gian, Ấn Độ đã quyết định trước mắt là đóng dấu bản đồ Ấn trên các tờ thị thực.
Nếu hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã có biện pháp trả đũa cụ thể, cho đến trưa nay, chưa thấy Philippines có động tĩnh trên vấn đề này. Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, nước này tiếp tục cấp thị thực nhập cảnh bình thường cho các công dân Trung Quốc có hộ chiếu mới.
TAGS: ẤN ĐỘ - CHÂU Á - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Trung Quốc chính thức phát hành bản đồ đầu tiên của "Thành phố Tam Sa" ngoài Biển Đông


Trung Quốc chính thức phát hành bản đồ đầu tiên của "Thành phố Tam Sa" ngoài Biển Đông

Ảnh minh họa (DR)
Ảnh minh họa (DR)

Trọng Nghĩa
Kể từ hôm nay, 24/11/2012, các hiệu sách lớn tại Trung Quốc bắt đầu bày bán bản đồ của thực thể mà họ gọi là thành phố Tam Sa. Đây đơn vị hành chánh mà Bắc Kinh mới thành lập, để cai quản hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974 – cũng bị Đài Loan đòi chủ quyền - và quần đảo Trường Sa hiện tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Tờ Nhân dân Nhật báo, trích tin từ Tân Hoa Xã, cho biết đây là tấm bản đồ đầu tiên cung cấp các thông tin địa chất của thành phố Tam Sa và các đảo ở Biển Đông một cách toàn diện, chính xác và cụ thể.
Do một đơn vị chuyên trách của quân đội Trung Quốc thực hiện, và được Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc phê duyệt, bản đồ bao gồm các hình ảnh vệ tinh, các không ảnh, bản đồ hình thể và bản đồ hành chính của thành phố và các đảo, xuất bản với tỷ lệ xích từ 1:30.000.000 đến 1:360.000.
Theo truyền thông Trung Quốc thì bản đồ này nhấn mạnh đến đảo Vĩnh Hưng, nơi đặt trụ sở chinh quyền thành phố Tam Sa, cũng như là 38 đảo chính và bãi đá trong vùng. Đảo này, tên quốc tế là Woody Island - Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm – là đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam vào năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng tìm cách áp đặt tình trạng đã rồi do chính họ tạo nên.
Việc công bố bản đồ Tam Sa là hành vi mới nhất theo chiếu hướng cưỡng đoạt đó, nối tiếp theo các hành động như là cho thành lập cơ quan hành chính, bầu người vào cơ quan này, thậm chí đặt đơn vị quân đội đồn trú ngay tại đấy. Không những thế, Bắc Kinh còn xúc tiến việc xây dựng hạ tầng cơ sở để đưa du khách đến thăm quần đảo Hoàng Sa.
Đây cũng là một hành động khiêu khích mới sau khi Bắc Kinh cho lưu hành hộ chiếu điện tử mới có in hình đường lưỡi bò thể hiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Friday, November 23, 2012


Trung Quốc tiếp tục ngang ngược vẽ bản đồ “Tam Sa”

Thứ sáu 23/11/2012 15:40
Khi tình hình căng thẳng liên quan đến Biển Đông còn chưa lắng xuống, hôm nay Trung Quốc lại cho in tập bản đồ chi tiết về cái gọi là thành phố “Tam Sa” và phát hành rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 24/11/2012.
Sau khi được các cơ quan hữu quân phê duyệt, Trung Quốc đã cho xuất bản tấm bản đồ khá toàn diện, chi tiết về vị trí địa lý của cái gọi là thành phố Tam Sa, trong đó cố tình liệt kê cả những hòn đảo thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Hình ảnh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tập bản đồ mới của Trung Quốc
Bên cạnh đó, tại tấm bản đồ này, Trung Quốc còn thể hiện khá rõ địa hình của các đảo tại biển Đông.Trung Quốc sự định sẽ phát hành rộng rãi trên toàn quốc tấm “Bản đồ thành phố Tam Sa tỉnh Hải Nam” này từ ngày 24/11/2012.
Bản đồ này là bản tổng hợp những hình ảnh về cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc được lập với tỉ xích 1/30.000.000, 1/6000000, 1/30000000, 1/1500000 và 1/360000, thể hiện toàn bộ vị trí đại lý các đảo trong biển Đông, địa hình biển Đông, tài nguyên thiên nhiên, giao thông hàng hải, cảng và sân vay, khu vực hành chính tại các đảo trên biển Đông.
Trước đó, ngày 21/6/2012, Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa”, một hành động bị nhiều nước trong khu vực phản đối. Việc Trung Quốc gần đây đưa hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào hộ chiếu cho các  công dân của mình bị Việt Nam, Philippines phản đối kịch liệt. Việc lập bản đồ này của Trung Quốc chắc chắn cũng không được các nước ủng hộ.

Trung Quốc và chiến lược bao vây kinh tế Bắc Triều Tiên


Trung Quốc và chiến lược bao vây kinh tế Bắc Triều Tiên

Cây cầu ở Dandong nối liền Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.
Cây cầu ở Dandong nối liền Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.
DR

Thanh Hà
Trang nhất các tờ báo lớn của Paris hôm này hầu hết dành để nói về thời sự chính trị của Pháp với cuộc chiến « huynh đệ tương tàn » trong hàng ngũ đảng đối lập cánh hữu UMP. Về thời sự quốc tế, cuộc đọ sức giữa 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu về dự thảo ngân sách châu Âu 2014-2020 tại Bruxelles, thỏa thuận ngưng bắn mong manh ở Gaza là hai chủ đề chiếm nhiều trang trên các tờ báo Pháp. Liên quan đến khu vực châu Á, chỉ có tờ Le Figaro chú ý đến chiến lược « bao vây » kinh tế Bắc Triều Tiên của Trung Quốc.
 

Trong bài báo mang tựa đề « Trung Quốc cập bến Bắc Triều Tiên » đặc phái viên báo Le Figaro, Sébastien Faletti từ Dandong, thành phố sát biên giới hai nước cho biết Bắc Kinh đã có hẳn một chiến lược để « nhảy vào » Bắc Triều Tiên một khi đất nước còn khép kín này bắt đầu mở cửa. Cách Dandong 10 cây số, những tòa cao ốc vô cùng hiện đại đã mọc lên như nấm. Cả một thành phố với khả năng đón đến 400.000 dân đã được dựng lên. Đó là một thành phố có cây xanh, có trường học, có dịch vụ ngân hàng, phòng tập thể dục … rất đầy đủ tiện nghi. Chính quyền địa phương và trung ương Trung Quốc đã âm thầm chi ra 3,7 tỉ euro để tài trợ công trình xây dựng khổng lồ này. Nhiều người đầu tư vào khu vực này, nhưng thực tế đây hãy còn là thành phố ma, chưa có mấy ai đến ở. Giới đầu tư chôn tiền vào đây để giữ chỗ trước đợi khi Dandong « cất cánh ».
Theo lời một trong những người phương Tây hiếm hoi đến định cư trong vùng, thì « Trung Quốc đang kín đáo chuẩn bị kiểm soát kinh tế Bắc Triều Tiên với mục tiêu trở thành một vùng trái độn giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ và Hàn Quốc ». Lại cũng Trung Quốc đang xây cây cầu nối liền Dandong với thành phố Sinuiju để thay thế cho những hạ tầng cơ sở đã quá cũ kỹ nhưng đấy lại nơi 70 % hàng Trung Quốc nhập vào Bắc Triều Tiên phải đi qua. Cách Dandong 800 km về phía đông bắc, cũng Trung Quốc trong một dự án đầu tư khác đã được cấp giấy phép khai thác cảng Chongjin, mở ra Thái Bình Dương.
Giáo sư Jo Dongho thuộc đại học Ewha, Seoul nhận xét : lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un coi việc cải thiện đời sống cho người dân là một ưu tiên và để đạt được mục tiêu đó, Bình Nhưỡng bắt buộc phải hướng về Bắc Kinh hay Matxcơva. Theo chuyên gia này thì Kim Jong Un « cần có tiền mặt và nếu muốn nắm được quyền lực một cách lâu dài lãnh đạo họ Kim bắt buộc phải đổi mới kinh tế ». Trong quý 1/2012 kim ngạch mậu dịch giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc tăng 24 %. Bắc Kinh đang nhòm ngó các nguồn tài nguyên, như than đá, khoáng sản của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý độc giả rằng, người dân Bắc Triều Tiên không quên 2000 năm từng bị Trung Quốc đô hộ không muốn trở thành một chư hầu của Bắc Kinh trong nay mai. Một người am hiểu về tình hình khu vực được tờ báo trích dẫn lo ngại một khi chính quyền của dòng họ Kim sụp đổ, Bắc Kinh sẽ « Tây Tạng hóa Bắc Triều Tiên : sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên một ngày nào đó sẽ cho phép Bắc Kinh can thiệp quân sự » vào quê hương Kim Nhật Thành. Đây là kịch bản đang khiến các chiến lược gia của cả Washington lẫn Seoul cùng rất lo ngại.
Luân Đôn bắt bí Liên Hiệp Châu Âu
Thượng đỉnh Bruxelles trong hai ngày 22 và 23/11/2012 để thảo luận về ngân sách chung cho toàn khối 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu trong thời gian từ năm 2014 đến 2020 là chủ đề bao phủ lên nhiều trang báo. « Ngân sách châu Âu, một cuộc thương lượng đầy rủi ro », tựa của tờ báo kinh tế Les Echos. « Luân Đôn đọ sức với châu Âu », tít của tờ Le Figaro. « Anh Quốc bắt bí châu Âu », tựa trên trang nhất báo Le Monde. Tờ báo thậm chí còn cho rằng « khả năng Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu không còn là điều cấm kỵ ». Libération cho biết vào năm 2015 Anh Quốc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc nên hay không trụ lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại có tới 56 % người được tham khảo ý kiến muốn Anh Quốc rút khỏi đại gia đình châu Âu này.
Vấn đề xoay quanh việc Thủ tướng Anh, David Cameron đòi Liên Hiệp Châu Âu cắt giảm chi tiệu giảm ngân sách chung của Liên Hiệp xuống dưới ngưỡng 1 % GDP của toàn khối. La Croix nhấn mạnh : Đài Loan đặc biệt muốn giảm mức đóng góp vào ngân sách chung của châu Âu.
Cứ 7 năm một lần các thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp lại để bàn thảo về ngân sách chung. Le Figaro cho biết : ngân sách đó ước tính vào khoảng 1000 tỉ euro. Bruxelles phân phát lại khoản tiền này cho các thành viên, giúp các quốc gia trong khối cùng phát triển. Nhìn chung thì ngân sách của đại gia đình châu Âu được coi là ổn định và từ trước đến nay, Liên Hiệp Châu Âu thường vẫn « thu nhiều hơn chi ». Dựa trên tinh thần liên đới giữa các thành viên, các nước Tây Âu phát triển như Anh, Pháp, Đức hay Ý … đóng góp nhiều hơn so với những khoản trợ cấp họ nhận được từ Bruxelles. Ngược lại thì những thành viên yếu kém nhất, đặc biệt là các thành viên mới ở Đông Âu, như Ba Lan, Roumania … lại được hưởng nhiều lợi lộc. Cụ thể trong trường hợp của Pháp chẳng hạn Paris đóng góp 18,1 tỉ euro và nhận lại được từ Bruxelles 13,2 tỉ. Còn Anh Quốc đóng góp 11,3 tỉ và nhận lại trợ cấp của châu Âu là 6,6 tỉ euro.
Trong số những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Liên Hiệp Châu Âu thì đứng đầu bảng là Đức, kế tới là Pháp và Ý. Anh Quốc chỉ đứng hàng thứ tư.
Khúc mắc trong thượng đỉnh lần này là nước Anh của Thủ tướng Cameron như tất cả 26 thành viên còn lại của châu Âu -đang gặp khó khăn kinh tế cho nên Luân Đôn đòi Liên Hiệp Châu Âu giảm ngân sách chung xuống dưới ngưỡng 1.000 tỉ chủ yếu là cắt giảm các khoản tài trợ cho ngành nông nghiệp của châu Âu. Pháp là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu. Đâu đó cuộc đọ sức sắp diễn ra ở Bruxelles hôm nay và ngày mai là một cuộc đối đầu giữa Luân Đôn với Paris và theo như nhận xét của Les Echos có nhiều khả năng, nước Đức của bà Thủ tướng Merkel lại phải đứng ra làm trọng tài.
Các tờ báo Pháp không quên lên án thái độ « ích kỷ » vốn có của Anh Quốc từ xưa tới nay. Điều được thể hiện qua câu nói đã đi vào huyền thoại của cựu Thủ tướng M. Thatcher « I want my money back » : dù đóng góp ít hơn Đức, Pháp và Ý nhưng Luân Đôn lại đòi hưởng nhiều trợ cấp của Bruxelles nhiều hơn những nước bạn !
Pháp : Trò hề trong hàng ngũ đảng đối lập UMP
Trở lại với chủ đề được các tờ báo Pháp bình luận nhiều nhất trong ngày : cuộc chiến không hồi kết giữa hai ông Fillon và Copé để tranh chiếc ghế chủ tịch đảng đối lập cánh hữu UMP.
« Hỗn loạn, bi kịch, thảm hại, nhục nhã » đó là những từ ngữ mà báo chí Pháp thuộc cả hai khuynh hướng tả và hữu dành để nói về cuộc đọ sức « huynh đệ tương tàn » giữa hai ông Jean François Copé và François Fillon.
Copé là Tổng thư ký đảng UMP còn Fillon, cựu Thủ tướng Pháp. Cả hai cùng tranh một chiếc ghế chủ tịch đảng. Sau cuộc bỏ phiếu hôm 18/11/2012 và phải mất 48 giờ sau đó, kết quả kiểm phiếu mới được công bố. Phần thắng nghiêng về phía ông Copé nhưng ông này chỉ hơn đối thủ của mình chưa đầy 100 lá phiếu. Thắng lợi trong đường tơ kẽ tóc báo trước cơn bão tố trong nội bộ đảng UMP. Le Monde số ra từ chiều hôm qua đưa tựa « Fillon chưa buông vũ khí » như một lời tiên tri trước khi cánh Fillon phản công.
Nhật báo Le Figaro thiên hữu chẳng đặng đừng đã phải chạy tựa trên trang nhất : « Đảng UMP lại rơi vào tình trạng hỗn loạn ». Tờ L'Humanité coi đây là « bế tắc » hoàn toàn. Libération thiên tả có bài xã luận mang nhan đề « thảm hại » và gọi cuộc đấu đá giữa hai anh em một nhà này là « một trò hề dở khóc dở cười » trên sân khấu chính trị Pháp. Trong quá khứ, cánh hữu của Pháp đã từng chứng kiến nhiều cuộc đối đầu giữa các nhân vật lãnh đạo nhưng chưa bao giờ các đảng viên lại bị bắt làm con tin như trong cuộc tranh giành quyền lực của đảng UMP lần này.
« Dở khóc, dở cười » cũng là cụm từ Le Figaro dùng trong bài xã luận. Tác giả cho rằng « người ta có thể cười trước trò hề và những cuộc tranh cãi nội bộ, người ta có thể chế diễu cuộc kiểm phiếu vừa qua … nhưng thực tế đã làm cho nhiều người muốn khóc : thật là xấu hổ và oan uổng cho phe đối lập. Đảng cầm quyền và François Hollande đang mất điểm tín nhiệm, kinh tế Pháp đình đốn và nước Pháp ngập đầu vì nợ công và vừa bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm ». Vậy mà « mấy ông trong đảng UMP lại bị chiếc ghế chủ tịch đảng làm lóa mắt ». Bị chi phối như vậy, đảng UMP không khác nào đang « mở ra cho đảng xã hội cả một con đường rộng thênh thang ».
Tác giả bài xã luận của Le Figaro không khoan nhượng khi cho rằng những người đang đánh nhau vì chiếc ghế chủ tịch đảng đã quên mất một điều cơ bản đó là họ chỉ có thể ngồi được vào chiếc ghế ấy khi được các đảng viên, được cử tri tín nhiệm mà thôi.
Cử tri muốn gì ? Họ không màng tới các cuộc tranh cãi giữa mấy ông lãnh đạo. Họ chỉ muốn đảng UMP đấu tranh vì những ý tưởng để đem lại những gì tốt đẹp cho đất nước. Nhân danh thành phần này Le Figaro kêu gọi cả hai phe Fillon và Copé nhanh chóng đóng lại bộ phim dài nhiều tập với quá nhiều ê chề đã làm các hoạt động chính trị xuống cấp nghiêm trọng.
TAGS: BẮC TRIỀU TIÊN - CHÂU Á - KINH TẾ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Bắc Cực sẽ bị ô uế hàng thế kỷ vì chất thải phóng xạ


Bắc Cực sẽ bị ô uế hàng thế kỷ vì chất thải phóng xạ

Hình ảnh về Bắc Cực của vệ tinh NASA
Hình ảnh về Bắc Cực của vệ tinh NASA
@NASA

Minh Anh
Báo Le Monde hôm nay có bài : « Bắc Cực bị ô uế vì chất thải hạt nhân đến hàng trăm năm nữa ». Tổ chức bảo vệ môi trường « Robin hiệp sĩ rừng sâu » (Robin des bois) liệt kê 90 địa điểm bị nhiễm chất phóng xạ tại vùng Bắc cực. Theo tổ chức này, chính các hoạt động công nghiệp và quân sự từ thời chiến tranh lạnh cùng với các hoạt động khai thác quặng mỏ hiện nay đang biến vùng Bắc cực thành một nghĩa địa hạt nhân khổng lồ, để lại những tác động nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe con người trong khu vực.
 

Khác với bản điều tra thực hiện vào năm 2009, chỉ liệt kê tổng cộng 2750 địa điểm bị nhiễm chất hóa học, lần này, tổ chức ONG của Pháp quan tâm đến các vấn đề hóc búa và có tính bền vững hơn. Sau hai năm điều tra và thu thập dữ liệu, với sự hợp tác của các hiệp hội bảo vệ môi trường, các nhà khoa học và các chính phủ, tổ chức « Robin des bois » ghi nhận 90 địa điểm bị nhiễm chất phóng xạ do các hoạt động công nghiệp và quân sự. Các điểm này nằm rải rác ở các nước xung quanh vùng Bắc cực, bao gồm Canada, Thụy Điển, Na Uy, Alaska, vùng Greenland của Đan Mạch, và đứng đầu danh sách đen là nước Nga.
Theo giải thích của tổ chức, đây chính là hậu quả để lại từ thời chiến tranh lạnh. Trong giai đoạn 1955 và 1990, Nga đã tiến hành đến 138 vụ thử hạt nhân trên không, trên mặt đất và dưới biển. Nhất là, vào ngày 30/10/1961, Nga đã cho nổ thử bom được mệnh danh là « Bom Sa hoàng », quả bom H siêu mạnh nhất trong lịch sử (với sức công phá lên đến 50 triệu tấn).
Vùng biển Barent và Kara thuộc quần đảo Novaya Zemlya là một nghĩa địa hạt nhân của ngành công nghiệp và hạt nhân Nga. Theo các nhà bảo vệ môi trường, nằm sâu dưới lòng biển các chiến tàu ngầm hạt nhân, tàu phá băng chạy bằng hạt nhân, trong số đó có nhiều chiếc chứa các chất phóng xạ, hàng trăm vật dụng bị nhiễm xạ và hàng chục ngàn conteneur chất thải phóng xạ.
Không những thế, trong những năm 1960, Liên Xô đã cho xây dựng trên vùng bán đảo Kola ba bể làm lạnh các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ các chiếc tàu ngầm hạt nhân hay các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân. Hai trong số ba bể chứa đó đã làm rò rỉ các chất phóng xạ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Không chỉ có Nga là tác nhân chính, mà còn phải kể đến Hoa Kỳ. Cũng trong những năm 1960 đó, hai lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 và 20 megawatts đã được xây dựng, để cung cấp điện cho các khu căn cứ quân sự tại Alaska và vùng tây bắc Greenland. Một loạt các sự cố hạt nhân tại lò thứ nhất đã làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước. Hậu quả là các nhà khoa học ghi nhận nhiều ca bệnh ung thư máu, bất chấp các phủ nhận của chính phủ Mỹ. Trong khi đó, việc khai thác lò phản ứng thứ hai có lẽ đã để lại trong lòng đất băng giá « ít nhất 200 tấn chất thải lỏng ».
Cuối cùng, tổ chức này còn chỉ đích danh đến Canada. Từ năm 1930 cho đến năm 1962, xung quanh khu vực hồ Gấu lớn, chính quyền Canada đã cho tiến hành khai thác các mỏ radium và uranium, mà một phần khai thác được xuất khẩu qua Hoa K ỳ để sản xuất vũ khí nguyên tử. Hơn 900 ngàn tấn chất thải uranium đã được để lại khu vực khai thác, trong đó có 740 ngàn tấn là nằm sâu dưới lòng hồ. Đó là chưa kể đến các vụ tai nạn, như vụ rơi vệ tinh do thám Cosmos – 954 của Liên Xô năm 1978 hay vụ rớt máy bay B-52 của Mỹ có mang các đầu đạn hạt nhân tại Greenland năm 1968.
Đối với các chuyên gia của tổ chức Robin des bois, Bắc Cực không những phải trả giá đắt cho các hoạt động của con người trong quá khứ mà sẽ còn tiếp tục trả giá cho các hoạt động hiện tại. Việc khai thác dầu khí cũng như là quặng mỏ đang làm phát sinh ra các chất thải phóng xạ tự nhiên.
Với lượng ô nhiễm nghiêm trọng như thế, tổ chức ONG của Pháp đánh giá rằng các chiến dịch tẩy nhiễm sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém do ô nhiễm đã bị phát tán lan ra trên một vùng diện tích quá rộng lớn. Có lẽ là cũng nên liệt kê vùng Bắc Băng Dương vào diện khu vực cần được bảo tồn như là vùng Nam Cực.

Tiến gần đến Cận Đông : Trung Quốc muốn khẳng định vị thế cường quốc ?

Liên quan đến thời sự quốc tế, Le Monde có bài nhận định đề tựa « Trung Quốc, Syria và thời buổi chao đảo ». Đối với tổng thống tái đắc cử Hoa K ỳ - Barack Obama, nhiệm kỳ hai của ông sẽ đánh dấu bằng việc chuyển trọng tâm chiến lược về phía châu Á. Ngược lại, Trung Quốc đang âm thầm tiến gần đến vùng Cận Đông. Phải chăng hành động này cho thấy mưu đồ của Trung Quốc là muốn khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên chính trường quốc tế ?
« Để quên Cận Đông, Obama chạy lánh nạn sang châu Á ? » là câu hỏi mà giới truyền thông Mỹ đặt ra. Tuy nhiên, theo họ, chủ trương này đã có những hạn chế của nó. Hoa Kỳ - với tư cách là « cường quốc » không thể nào trốn tránh trách nhiệm của mình. Chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, say sưa với chiến thắng của Aung San Suu Kyi – nữ anh hùng chiến đấu vì nhân quyền tại Miến Điện là màn mở đầu trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Thế nhưng, những loạt đạn và việc triển khai chiến xa tại dải Gaza đã nhanh chóng kéo ông về với thực tại.
Tuy nhiên, một hiện tượng đang xảy ra mà không ai nhìn thấy rõ : vào thời điểm Hoa kỳ đang xích lại gần với châu Á, thì ngược lại Trung Qu ốc đang âm thầm tiến về Trung Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra bản kế hoạch 4 điểm để giải quyết khủng hoảng Syria trước Liên Hiệp Quốc và đặc phái viên của Liên Đoàn Ả Rập. Nhìn chung, nội dung không có gì khác lạ so với những ý tưởng đang được lưu hành từ nhiều tháng nay. Quan trọng hơn hết : đấy là bản kế hoạch do chính Trung Quốc đề xướng cho người Syria, chứ không phải là bản kế hoạch chung Nga – Trung.
Thông thường, Nga – Trung thường bắt tay nhau trên các hồ sơ an ninh quốc tế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng lần này, Bắc Kinh bất thình lình có thái độ lạnh nhạt với Matxcơva. Hành động này cho thấy Trung Quốc muốn đánh tiếng cho thế giới biết đến vai trò của mình. Và cũng vì một lẽ khác nữa là không giống như Nga, trên thực tế khủng hoảng Syria không có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.
Quả thật, Bắc Kinh có đến 4 đại sứ chuyên trách về khu vực. Bên cạnh đó Trung Quốc còn có tham vọng trở thành viên của Bộ Tứ (Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp châu Âu), hiện đang phải xử lý hồ sơ Israel-Palestine. Do đó, kế hoạch hòa bình cho Syria là bước đi đầu tiên.
Trên phương diện chính sách đối nội về an ninh quốc gia, Bắc Kinh theo dõi sát sao hồ sơ Syria. Chủ trương của họ rất rõ ràng : không can thiệp quân sự nào vào nội bộ các nước khác và không kích động tinh thần dân tộc tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, thế giới đang đối mặt với hiện tượng chuyển hướng đôi : Mỹ đi về hướng châu Á và Trung Quốc đi về Trung Đông, nhưng phương tiện để triển khai thực hiện lại không tương đồng với nhau.
Tác giả trích nhận định của nhà chính trị học người Mỹ, ông Robert Kagan, cho rằng, nếu như Hoa Kỳ không bảo vệ được vai trò lãnh đạo hàng đầu, thì thế giới đa cực có thể làm lung lay mọi nền tảng của một « trật tự thế giới » mà dù ít hay nhiều, nó cũng đã đảm bảo phần nào thời kỳ an bình tương đối và thời kỳ thịnh vượng kể từ năm 1945.
Và nếu sự suy tàn của Hoa K ỳ được khẳng định, không có gì chắc chắn rằng sẽ có các cường quốc khác có đủ khả năng, hay mong muốn nhận lấy trách nhiệm đảm bảo dàn xếp các mối quan hệ quốc tế mà nó đã từng góp phần phát triển nền dân chủ và kinh tế từ nhiều thập niên nay. Giả như trong thế giới này, Trung Quốc nắm giữ vai trò hàng đầu và có đầy đủ các phương tiện để áp đặt trật tự đó, thì không lấy gì làm chắc là các phong trào « mùa xuân Ả Rập » lại nhận được sự ủng hộ đồng tình từ bên ngoài như hiện nay. Theo ông Robert Kagan, Trung Quốc, theo kiểu cơ hội, đang tìm cách khẳng định vai trò mà họ nghĩ rằng có thể tạo ra được trong thế kỷ XXI này. Nhất là, khi Hoa Kỳ và các đồng minh của mình vẫn không có khả năng giải quyết các vấn đề nghiêm trọng.
Nga : các tổ chức phi chính trong tầm ngắm của Putin
Trong bài viết đề tựa « Các tổ chức phi chính phủ trong tầm ngắm của Putin », Libération nhận định rằng việc một đạo luật mới ban hành, yêu cầu các hiệp hội trong nước phải tự công bố là « cơ quan của nước ngoài » nếu các tổ chức này có nhận tiền tài trợ từ các quỹ bên ngoài, cho thấy chính quyền đang tăng cường trấn áp các phe đối lập.
Theo thông báo của chính phủ Nga, tất cả các tổ chức phi chính phủ nào có nhận tiền tài trợ của nước ngoài và có tham gia các « hoạt động chính trị » với mục đích làm « thay đổi dư luận công chúng », phải tự nguyện công khai là « cơ quan của nước ngoài » và phải đến đăng ký tại Bộ tư pháp và đóng dấu chứng thực tất cả các bài đăng với ghi chú là « cơ quan nước ngoài ». Đồng thời, các hoạt động tài chính cũng bị kiểm soát chặt chẽ và phải công khai từng quý.
Đạo luật có hiệu lực ngay từ hôm thứ ba vừa qua, nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hiệp hội, cho rằng « luật này không do các nhà tư pháp soạn thảo, tất cả các quy định quá mập mờ ». Như vậy, chính phủ có thể khép bất kỳ một hiệp hội vào một tội danh nào, nếu như tổ chức đó nằm trong tầm ngắm của chính quyền.
Libération cho biết tại Nga hiện nay có đến hơn 220 ngàn hiệp hội, nhưng chỉ có khoảng 1/3 là hoạt động thật sự và khoảng 10% trong số đó là nhận tiền tài trợ từ nước ngoài. Theo quy định của đạo luật mới này, chủ yếu các tổ chức trợ giúp xã hội hay giáo dục hay các tổ chức nhân quyền, vốn chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Putin, dường như bị nhắm đến là chính.
Đối với các nhà đấu tranh, đạo luật ban hành đi ngược lại với Hiến pháp và phân biệt đối xử, và chỉ nhằm đe dọa các tổ chức và các nhà hảo tâm chuyên làm việc trong các lãnh vực nhạy cảm.
Trang nhất các báo Pháp
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn của đảng cánh hữu UMP Pháp vẫn là tâm điểm trên trang nhất các báo Pháp hôm nay. « UMP : lời tuyên chiến » là hàng tựa trên trang nhất báo Le Monde. « UMP ngã nhào, cánh hữu đo ván ? » là câu hỏi của báo cộng sản l’Humanité. Libération thì cho rằng « Cánh hữu không đầu », trong khi cả hai ông Jean- François Copé – tân lãnh đạo đảng UMP và ông François Fillon – cựu thủ tướng Pháp vẫn đang tiếp tục cấu xé lẫn nhau, thì cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị tra hỏi trong suốt 12 giờ liền ngày hôm qua, do bị nghi ngờ đã nhận tiền tài trợ bất chính từ nữ tỷ phú Bettencourt trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007. Tờ báo thiên hữu Le Figaro đưa tin nhẹ nhàng hơn với hàng tít « tại UMP, Juppé : cơ hội hòa giải cuối cùng ». Cuối cùng thì cả hai ông Copé và Fillon đều chấp nhận lời đề nghị của thị trưởng thành phố Bordeaux để giải quyết khủng hoảng nội bộ.
TAGS: MÔI TRƯỜNG - QUỐC TẾ - ĐIỂM BÁO

Hộ chiếu lưỡi bò : Mưu toan mới của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông


Hộ chiếu lưỡi bò : Mưu toan mới của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov

Trọng Nghĩa
Vào hôm nay, 22/11/2012, như vậy là cả Việt Nam lẫn Philippines đều lên tiếng công khai phản đối việc Trung Quốc cho lưu hành hộ chiếu mới có in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn - còn gọi là lưỡi bò - thể hiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Hành động này được cho là một bước leo thang mới trong chiến lược của Trung Quốc, dùng mọi thủ đoạn để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, bất chấp luật lệ quốc tế hay các tuyên bố ngược lại của các láng giềng Đông Nam Á.

Theo giới phân tích, sự kiện Hà Nội hay Manila cực lực phản đối hành động của Trung Quốc không phải là không có lý. Nhật báo Anh Financial Times, cơ quan truyền thông đầu tiên lên tiếng về vụ việc này ngay từ hôm qua, 21/11 đã cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể nào hài lòng trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ đều bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.
Báo Financial Times đã trích lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Hà Nội cho rằng : "Theo tôi, đây là một bước đi rất hiểm độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động thâm độc khác. Khi người Trung Quốc muốn thăm Việt Nam, chúng tôi buộc phải chấp nhận họ và đóng dấu hộ chiếu của họ”. Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, không chỉ là người Việt Nam, mà tất cả mọi người trên thế giới phải lên tiếng ngay bây giờ để phản đối hành động sai trái đó của Bắc Kinh.
Khi đưa tin về việc Việt Nam và Philippines đồng thời lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ này, hãng AFP vào hôm nay đã nêu bật tuyên bố đầy quan ngại của ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines : “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.
Như vậy, Trung Quốc đã tung ra thêm một thủ đoạn nhằm gián tiếp quảng bá cho chủ quyền của Bắc Kinh ngoài Biển Đông, bên cạnh các hành vi cụ thể thô bạo như tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chận bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình, mời thầu dầu khí quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đó là chưa kể đến các hành vi nhằm củng cố tình trạng đã rồi tại những vùng mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng như thành lập “thành phố Tam Sa” ngay tại quần đảo Hoàng Sa để cai quản ba quần đảo mà họ đòi chủ quyền là Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa; xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), cử đơn vị quân đội đồn trú tại đấy, phát triển hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, du lịch trên một số đảo…
Theo một nhà ngoại giao cao cấp công tác tại Bắc Kinh xin giấu tên, được báo Financial Times trích dẫn thì việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là “một sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm ». Đối với nhà quan sát này, sự kiện trên nghiêm trọng vì lẽ nếu sau này mà Bắc Kinh thay đổi ý kiến, thì họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây.
Đối với báo Financial Times, việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu “lưỡi bò” là dấu hiệu cho thấy là Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông.
Nhận định trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh mới đây, tại các Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN tại Phnom Penh – kết thúc hôm 20/11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc một lần nữa lại lớn tiếng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, không phải là ai cũng đồng ý với quyết định dùng hộ chiếu để áp đặt chủ quyền của chính quyền Trung Quốc. Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu có thể « chứng minh chủ quyền quốc gia » nhưng cũng có thể làm cho vấn đề « vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm”.
Đối với Giáo sư Hoằng, quyết định cho phát hành này có lẽ đã được cấp bộ đưa ra chứ không phải là cấp Nhà nước Trung Quốc.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - LÃNH HẢI - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

Hộ chiếu «lưỡi bò» Trung Quốc: Đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn


Hộ chiếu «lưỡi bò» Trung Quốc: Đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn

Hộ chiếu mới của Trung Quốc (trái) và hộ chiếu cũ (DR)
Hộ chiếu mới của Trung Quốc (trái) và hộ chiếu cũ (DR)
DR

Thụy My
Nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa cho phát hành loại hộ chiếu điện tử mới, trong đó có in bản đồ có hình lưỡi bò, biểu thị yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Ấn Độ đã nhanh chóng lên tiếng phản đối với các mức độ khác nhau.
 

Về phía người dân Việt Nam, thủ đoạn mới của Trung Quốc cũng đã làm cho dư luận hết sức xôn xao. Vừa trở về từ Ấn Độ và Nepal hôm nay 23/11/2012, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ về vấn đề này, với tư cách một công dân Việt.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - TP Hồ Chí Minh
 
23/11/2012
by Thụy My
 
 
RFI Kính chào ông Nguyễn Văn Mỹ, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn. Thưa ông, ông có cảm nghĩ như thế nào về hành động Trung Quốc in bản đồ có hình lưỡi bò lên hộ chiếu ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ : Tôi vừa đi công tác ở Ấn Độ và Népal, nên chỉ mới nắm thông tin một cách tổng quát thôi. Nhưng điều đó thì bản thân tôi không hề ngạc nhiên, chỉ có điều họ đưa ra như vậy là rất sớm. Tức là chuyện đó trước sau gì cũng làm thôi. Mà phải chăng đây là cái món quà đầu tiên ra mắt thế giới của Tập Cận Bình.
Tại sao tôi không ngạc nhiên ? Bởi vì thật ra tham vọng của Trung Quốc thể hiện rẩt là rõ. Một mặt thì họ nói rằng họ không gây chiến, họ hết sức ôn hòa và tôn trọng các nước khác ; mà họ luôn luôn làm ngược lại. Tức là trong khi những tranh chấp đó chưa hề được giải quyết thì họ đơn phương tuyên bố là cái đó của họ. Mà điều này là trái với thông lệ ngoại giao, thể hiện tinh thần nước lớn. Người Việt mình dùng cái từ là « cả vú lấp miệng em » đó. Cái này gần như là bản chất của Trung Quốc.
Tháng trước tôi vừa đi Quảng Châu và Hải Nam về. Thì phải nói rằng là Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế cũng như quản lý. Nhưng mà bên cạnh đó thì cũng đó những điều mà người nước ngoài họ rất là khó chịu.
Cái tinh thần bài Nhật, được hiểu ngầm gần như được sự hậu thuẫn của chính quyền, rất là quyết liệt. Hướng dẫn viên địa phương khuyến cáo chúng tôi không nên vào các nhà hàng Nhật để ăn, không vào các cửa hàng của Nhật để mua bán, bởi vì có thể bị hiểu lầm là người Nhật, và có thể bị hành hung. Một cái đất nước nếu mà có tinh thần tôn trọng nhau thì không thể giải quyết bằng cái kiểu đó được !
Việc thứ hai, tại sao tôi bảo là không ngạc nhiên. Bởi vì chúng tôi đi làm việc, khi vào các cơ quan nhà nước của Trung Quốc thì thấy một điều rất là rõ. Sau lưng bàn làm việc của nhân viên họ, và đặc biệt lãnh đạo của họ, luôn luôn có cái bản đồ hình lưỡi bò to đùng ! Và trên tất cả các tài liệu do họ phát hành, từ du lịch cho tới kinh tế…luôn luôn có hình lưỡi bò.
Họ kêu gọi đàm phán nhưng bản thân họ không thèm đàm phán, họ xem như cái đó đương nhiên là của họ rồi. Và tôi cho rằng đó là thái độ thách thức không chỉ Việt Nam, mà thách thức cả thế giới, khó mà chấp nhận được.
Trung Quốc có rất nhiều mặt mạnh, và thật ra nếu họ ôn hòa, thật lòng tôn trọng các nước khác một chút, thì họ có thể làm bá chủ thế giới, thay vì cái thái độ mà mình gọi là hung hăng, hiếu chiến hiện nay. Thái độ của họ rất thiếu tôn trọng các nước khác, kể cả những nước láng giềng có bề dày truyền thống hữu nghị như Việt Nam thì họ cũng chẳng thèm tôn trọng.
Cho nên đó là thách thức của cả thế giới. Và Trung Quốc họ làm là có ý đồ rõ ràng, bài bản từ đầu tới cuối. Một cái chiến lược có thể nói là trong vòng bao nhiêu năm, chứ không phải là làm một cách tự phát, theo nhiệm kỳ hoặc là theo một cá nhân nào đó.
RFI Như vậy theo ông Việt Nam phải đối phó như thế nào ?
Trong những năm kháng chiến chống Pháp trước đây, Hồ Chí Minh có nói một ý rất hay, là « Chúng ta càng nhu nhược thì kẻ thù càng lấn tới ». Hiện nay mình chưa nói Trung Quốc là kẻ thù, nhưng rõ ràng trong quan hệ đối ngoại song phương cũng vậy. Mình càng nhu nhược thì đối phương họ càng lấn tới. Và cha ông mình cũng thường nói là « Mềm nắm, rắn buông ».
Thì tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc mình phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Bởi vì mình là người đụng chạm trực tiếp nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất, chứ còn các nước khác không bị trực tiếp như mình. Cho nên coi như mình là nạn nhân đi, mà mình không lên tiếng mạnh mẽ, mình phản ứng một cách yếu ớt, hoặc là chấp nhận chuyện đó là bình thường, thì khó mà đòi hỏi thế giới, bạn bè đồng tình ủng hộ mình. Và nhân dân sẽ trách Nhà nước là tại sao những việc như thế mà chúng ta lại không có cách gì hành xử.
Thật ra mình làm cái này không phải chỉ cho mình không thôi, mà cả cho những nước đang bị Trung Quốc o ép, cho cả bạn bè thế giới, và thậm chí giúp đỡ nhân dân Trung Quốc. Bởi vì suy nghĩ thật lòng, tôi cũng có qua Trung Quốc, có tiếp xúc thì không phải là người Trung Quốc nào cũng nghĩ như thế đâu. Họ cũng muốn hòa bình, hữu nghị anh em. Nếu càng sa vào những tranh chấp quyết liệt như thế, thì tất cả đều bị thiệt hại. Và điều đó là mình cũng giúp cho nhân dân Trung Quốc tránh khỏi những chuyện bị đầu độc, bị nhồi nhét những điều không có thực của lịch sử.
RFI : Về mặt cụ thể, không biết lượng khách du lịch Trung Quốc mỗi năm vào Việt Nam là bao nhiêu, chẳng lẽ không cho họ vào ? Còn nếu cho thì coi như mặc nhiên chấp nhận bản đồ hình lưỡi bò của họ, có phải không thưa ông?
Cái đó thì vì mình không phải là Nhà nước, mình chỉ có ý kiến thôi. Còn Nhà nước chắc họ cũng có những phương án đối phó, chưa biết là thế nào, và dựa trên cơ sở nào thôi. Nhưng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay đông nhất là đường bộ, đi qua ngõ các cửa khẩu bằng giấy thông hành. Và lượng khách này thật ra là khách đi chơi qua Việt Nam, thì không phải là khách quan trọng đâu.
Lượng khách đi bằng đường hàng không qua Việt Nam cũng không phải là nguồn khách lớn tới mức mà chúng ta sợ bị ảnh hưởng, và chi tiêu của họ cũng không phải là nhiều. Khách Trung Quốc đi đến đâu thì ồn ào, và xin lỗi là, khách châu Âu họ cũng ngại, họ tránh ra. Thậm chí giả sử khách Trung Quốc mà có đông tới mức có thể áp đảo chăng nữa, thì cũng không phải vì cái chuyện đó mà chúng ta có thể bán rẻ chủ quyền lãnh thổ, cũng như uy tín của cả đất nước.
Cho nên theo tôi, mình không phải là Nhà nước, thì mình không thể đề ra chủ trương, nhưng nếu với tư cách công dân thì mình có quyền kiến nghị. Còn nghe hay không là chuyện quản lý của Nhà nước, đó là chuyện khác nữa. Tổ tiên mình đã dạy rồi, mềm nắm rắn buông. Khi có tranh chấp thì chúng ta mềm mỏng, kiên nhẫn nhưng mà không nhu nhược. Và chúng ta càng nhún nhường thì có khi đối thủ lại càng lấn tới – đây là quy luật của cuộc sống rồi, và nó chỉ bất lợi cho mình thôi.
Bản thân tôi trước hết với tư cách công dân, tôi nghĩ rằng có mấy biện pháp mình có thể thực hiện. Một là, việc đầu tiên về phía Nhà nước, mình sẽ gởi công hàm phản đối – chuyện đó là đương nhiên rồi – và thông báo lộ trình cho họ. Nếu trong vòng bao lâu mà anh vẫn sử dụng cái hộ chiếu đó, thì tôi sẽ không cấp nhập cảnh cho anh. Cái thứ hai, trong lúc chờ thay đổi hộ chiếu, mình có thể sẽ thu hồi cái hộ chiếu đó không cho sử dụng, cấp tạm cho một cái giấy thông hành gì đó, rồi về mình trả lại.
Tôi nghĩ rằng từ chối khách Trung Quốc cũng không có gì ghê gớm cả. Chính cái thái độ hung hăng của Trung Quốc đã làm cho một lượng khách du lịch Việt Nam cũng không muốn đi Trung Quốc. Người Trung Quốc tự làm cô lập mình - mất một lượng khách khá lớn đến Trung Quốc, mất một lượng bạn bè lâu nay có tình cảm với nhân dân Trung Quốc, qua những thành tựu mà họ đạt được về quản lý, về kinh tế…
Mất một lượng khách khá lớn từ Việt Nam và từ các nước có mâu thuẫn trực tiếp, với lại cả những người bình thường nữa. Bây giờ làn sóng không thích người Trung Quốc không phải chỉ có ở Việt Nam và Đông Nam Á không đâu, mà nó lan ra cả châu Phi ! Cả châu Âu, cả Mỹ. Thì cái đó lợi bất cập hại.
Cho nên tôi nhắc lại là đã đến lúc mình cần có thái độ mạnh mẽ và dứt khoát hơn, để khẳng định chủ quyền. Chúng ta không hung hăng, mình hết sức là kiên nhẫn, nhưng không có nghĩa là bạc nhược. Anh nói một đằng làm một nẻo thì dù tôi là nước nhỏ hơn, nhưng mà về mặt pháp luật tôi bình đẳng. Sau lưng Việt Nam có cả nhân dân thế giới nữa mà. Ở cái thời đại hiện nay, không phải như hồi xưa mà muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
RFI : Tóm lại là theo ông, chính quyền Việt Nam cần có thái độ dứt khoát và căn cơ hơn ?
Đã đến lúc mà chúng ta, về phía Nhà nước, cũng cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc giáo dục. Đền Preah Vihear tranh chấp với Thái Lan, thì tôi đi qua Campuchia tôi thấy tất cả trên toàn lãnh thổ Campuchia họ trương một cái pa-nô « Preah Vihear là của chúng ta ! ». Thì tại sao mình không dám trương một cái bảng to đùng « Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam » trên khắp cả nước Việt Nam ?
Mình có chứng minh lịch sử, thì tại sao Trung Quốc họ làm như thế mà mình không làm ngược lại cho nhân dân mình biết cái chuyện đó là chuyện không đúng. Và không chỉ làm với nhân dân trong nước mà còn với nhân dân thế giới biết rằng, chuyện đó là người Trung Quốc sai. Chứ không thể bây giờ Trung Quốc muốn làm gì thì làm, còn ta thì cứ im lặng. Im lặng ở đây không phải là vàng nữa, mà có nghĩa sẽ là bùn !
Với tư cách công dân thì tôi muốn là có thái độ mạnh mẽ, dứt khoát hơn, chứ không thể làm theo kiểu đối phó hiện nay. Từ trong tài liệu sách giáo khoa, trong các văn bản gởi ra nước ngoài, tất cả mọi cái…nếu Trung Quốc họ không đưa vào, ta tranh chấp thì ta tôn trọng. Nhưng vì Trung Quốc đã làm như thế bao nhiêu năm nay rồi.
Thậm chí tôi nhớ là trong một lần vào Việt Nam để giới thiệu chương trình du lịch Trung Quốc tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh, thì người Trung Quốc đưa ngay tài liệu có đường lưỡi bò vào trong đó luôn. Không ai để ý, nhưng tới lúc về nhà mình mở tài liệu ra mới hết hồn. Thì phải nói là họ ngang ngược không còn chỗ nào mà nói nữa cả !
Nhân dân Việt Nam sẽ có những phán xét đối với những chính sách của Nhà nước trong việc đối phó. Mà đừng hy vọng rằng Trung Quốc thay đổi. Rất khó, cực kỳ khó !
Hồi nãy tôi có nói mình sẽ thông báo cho họ một thời hạn để họ thay đổi. Đó là về mặt pháp lý mình phải làm cho đúng thủ tục, chứ không phải đùng một cái mình ngưng không cho người ta vô, và để người ta không trách mình sau đó. Chúng tôi đã có thời hạn cho anh rồi, mà anh vẫn khăng khăng như thế thì thôi.
Anh vô nhà tôi mà anh lại bảo là nhà của anh thì ai mà chấp nhận. Ai mà lại đi tiếp một cái người, mà xin lỗi, phải dùng cái từ hơi nặng là, ai mà đi tiếp kẻ cướp bao giờ !
RFI : Xin rất cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - LÃNH HẢI - NGOẠI GIAO - PHỎNG VẤN - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM