Thursday, November 8, 2012

Đảng CS Trung Quốc kêu gọi xây dựng mô hình tăng trưởng mới


Đảng CS Trung Quốc kêu gọi xây dựng mô hình tăng trưởng mới

Một khu phố cổ ở Thượng Hải đang bị phá hủy để xây dựng các tòa nhà chọc trời. Ảnh chụp ngày 17/10/2012.
Một khu phố cổ ở Thượng Hải đang bị phá hủy để xây dựng các tòa nhà chọc trời. Ảnh chụp ngày 17/10/2012.
REUTER/Aly Song

Đức Tâm
Trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào kêu gọi xây dựng « một mô hình tăng trưởng mới » cho Trung Quốc, giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
 

Ông Hồ Cẩm Đào, người sẽ chuyển giao chức tổng bí thư cho ông Tập Cận Bình trong Đại hội Đảng lần này, đề ra mục tiêu là trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng sản phẩm quốc nội (PIB) cũng như thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc phải tăng gấp đôi.
Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện nếu như Trung Quốc duy trì được nhịp độ tăng trưởng trung bình hàng năm cao hơn 7%. Thế nhưng, tăng trưởng trong quý 3 năm nay chỉ là 7,4%. Đây là quý thứ bẩy liên tiếp, PIB của Trung Quốc bị tụt giảm. Trong giai đoạn 2002-2010, tăng trưởng trung bình của Trung Quốc là 10,7% / năm.
Theo giới chuyên gia, nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, không chú ý tới mức tiêu thụ trong nước, trong lúc tỉ lệ tiết kiệm của người dân rất cao, nhưng bảo hiểm xã hội lại thấp kém.
Trước hơn 2.200 đại biểu tham dự Đại hội Đảng, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố : « Để đáp ứng các thay đổi kinh tế trên phạm vi quốc gia và quốc tế, cần phải nhanh chóng sáng tạo một mô hình tăng trưởng mới » dựa trên chất lượng và hiệu suất cao.
Sau khi nhắc lại bản tổng kết trong 10 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc từ vị trí thứ sáu đã lên đến hàng thứ hai trên thế giới, ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh là mục tiêu từ nay đến năm 2020, Trung Quốc phải xây dựng được một xã hội tương đối phong lưu và xóa bỏ được nạn nghèo khó. Theo chủ tịch Trung Quốc, vào cuối thập niên này, tất cả người dân Trung Quốc sẽ có bảo hiểm xã hội, được hưởng các dịch vụ cơ bản về sức khỏe và y tế.
Nếu đạt được mục tiêu xã hội này, mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc, hiện chiếm chưa đầy 40% PIB, sẽ tăng mạnh. Theo một nghiên cứu của tập đoàn Boston Consulting, được công bố vào tháng trước, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, tức là những người có thu nhập trong khoảng từ 7.300 đến 23.200 đô la mỗi năm, sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, và sẽ chiếm 50% tổng dân số Trung Quốc. Tỉ lệ này hiện nay chỉ là 28%.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng cần phải đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp của Nhà nước. Điều trớ trêu là chính dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, vai trò các doanh nghiệp Nhà nước đã được tăng lên, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ.
Theo ngân hàng HSBC, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc là thuộc lĩnh vực tư nhân, chiếm tới 65% PIB và sử dụng 80% nguồn nhân lực.
Việc điều chỉnh nền kinh tế, chú ý hơn đến tiêu thụ nội địa là một nội dung trong mô hình mới của Trung Quốc. Nhu cầu này càng trở nên cần thiết vào lúc đầu tư và xuất khẩu, vốn là hai động lực, đang gặp khó khăn.
Theo giới chuyên gia, chính phủ Trung Quốc không thể và không muốn đưa ra các chương trình tái thúc đẩy tăng trưởng, như kế hoạch 400 tỉ euro hồi năm 2008. Kế hoạch này đi kèm với chính sách mở van tín dụng đã cho phép thúc đẩy các dự án hạ tầng cơ sở, góp phần làm tăng mức tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, cái giá phải trả là lạm phát gia tăng, lên tới 6,5% hồi tháng 7/2011.
Tăng trưởng ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu chỉ là 10% trong năm nay, thay vì 20% trong năm 2011, do tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, đặc biệt là do cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của châu Âu - thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc.
Trong bài diễn văn của ông Hồ Cẩm Đào, lời kêu gọi cải cách chính trị rất chung chung, khác hẳn với nội dung cải cách kinh tế cần tiến hành. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh ý thức được rằng tính chính đáng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo đất nước phụ thuộc vào sự thành công kinh tế.
TAGS: CẢI CÁCH - CHÂU Á - KINH TẾ - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment