Tuesday, November 6, 2012

Nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra


Nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra

2012-11-06
Nói đến nữ Thủ Tướng đầy quyền lực, giàu có, xinh đẹp và tươi trẻ tại Á Châu, báo chí và dư luận đều chú ý đến nữ Thủ Tướng Thái Lan, Yingluck Shinawatra.
AFP photo
Nữ Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xinh đẹp và quyền lực

Sắc đẹp không là vũ khí duy nhất

Khi bà Yingluck Shinawatra trở thành Thủ Tướng, nhiều người lo ngại về khả năng của một phụ nữ trẻ đẹp chưa có kinh nghiệm chính trị lại nắm giữ chức vụ Thủ tướng trong thời điểm đất nước Thái Lan đang rối loạn.
Nhưng một năm qua, Yingluck đã chứng minh cho mọi người thấy, sắc đẹp không phải là vũ khí duy nhất của bà mà còn đòi hỏi khả năng lãnh đạo và sự thông minh, khôn khéo trong việc điều hành quốc gia. Hãng tin AP đánh giá rằng Thủ Tướng Yingluck Shinawatra có quyền tự hào về sự lãnh đạo của bà. Bởi lần đầu tiên sau 6 năm, đất nước Thái Lan đã có sự ổn định. Giáo sư Thitinan Pongsudhhirak của trường Đại Học Chulalongkorn ở Bangkok đã nói: “Bà là một người chưa có kinh nghiệm chính trị, song người đàn bà này đã làm được rất nhiều việc cho đất nước trong vòng một năm mà nhiều thủ tướng tiền nhiệm khác không thể làm nổi”.
Cách đây 2 năm, Thái Lan rơi vào tình trạng gần như không thể kiểm soát khi những người phe Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin Shinawatra, nguyên Thủ Tướng Thái Lan, cũng là anh ruột của bà, đã chiếm đóng trung tâm thủ đô. Cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng đầy bạo lực đã khiến 91 người thiệt mạng và hơn 1700 người bị thương. Tình hình nghiêm trọng đến mức quân đội đã phải vào cuộc để dẹp bạo loạn.
Bằng thứ vũ khí “lợi hại” là sắc đẹp, sự quyến rũ và tài thuyết phục, cũng như sự ủng hộ của người dân nghèo Thái Lan dành cho anh trai bà, Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thai đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với đài ABC, bà đã tuyên bố:
Tôi nghĩ vấn đề quan trọng đầu tiên là phải làm cho đất nước Thái Lan hùng mạnh ở hai mặt. Thứ nhất là phải chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế của đất nước và xây dựng sự đoàn kết cho tất cả mọi người. Thứ hai là xây dựng lại nền dân chủ. Chúng tôi phải trao đổi với tất cả các đảng phái chính trị khác nhau giữa phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng. Chúng tôi có thể ngồi lại cùng nhau để giải quyết cuộc xung đột vừa qua. Bởi tôi hiểu được mong ước của họ là muốn cho đất nước Thái Lan được hùng mạnh. Trong cuộc tranh cử vừa qua không có ai thắng và không có ai thua cuộc mà chỉ có đất nước Thái Lan là chiến thắng.”
Bà tiếp tục công bố quan điểm của Đảng Pheu Thai trong tất cả các cuộc phỏng vấn của truyền thông rằng: “Trong chiến dịch tranh cử của bà là vì lợi ích cho sự hoà giải giữa hai phe nhóm Áo Vàng và Áo Đỏ. Đảng Pheu Thai sẽ có lệnh ân xá chung cho tất cả mọi người và sẽ tiếp cận với tất cả các đảng phái chính trị, cũng như sẽ bỏ qua hết những gì đã xảy ra trong cuộc đảo chánh năm 2006."
Dòng tộc Thủ Tướng Yingluck Shinawatra là một người Trung Hoa di cư sang Thái Lan. Ông cố nội của bà là ông Seng Saekhu, một người Trung Hoa, nhập cư từ Quảng Đông đến Siam vào những năm 1860 và định cư tại Chiang Mai năm 1908. Con trai trưởng của ông là Chiang Saekhu, sinh ra ở tỉnh Chanthaburi vào năm 1890 và kết hôn với một phụ nữ Thái Lan, Saeng Somna. Và ông đã thay đổi thành họ Shinawatra, họ Thái được công nhận vào năm 1938. Saekhu Shinawatra thành lập công ty Vải sợi Shinawatra và sau đó kinh doanh vào ngành xây dựng, tài chính và phát triển bất động sản. Cha của Yingluck là ông Lert Shinawatra sinh ra tại Chiang Mai năm 1919, và kết hôn Yindi Ramingwong (con gái của công chúa Jantip Na Chiang Mai). Yingluck Shinawatra là con gái út trong chín người con của Lert và Yindee.

Nữ doanh nhân và chính trị gia

000_Hkg7387178-250.jpg
Thủ Tướng Yingluck Shinawatra và Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhân Diễn Đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 21 tổ chức tại Bangkok hôm 31/5/2012. AFP photo
Bà Yingluck Shinnawat sinh ngày 21 tháng 6 năm 1967, tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Bà là một nữ doanh nhân Thái Lan và là chính trị gia, thành viên của Đảng Pheu Thai. Yingluck Shinawatra đã tốt nghiệp cử nhân và bằng thạc sĩ từ trường Đại Học Kentucky State năm 1991. Bà đã trở thành giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp được thành lập bởi anh trai bà là ông Thaksin Shinawatra. Sau đó, bà trở thành Chủ Tịch của công ty bất động sản phát triển SC và là giám đốc quản lý của Advanced Info Service.
Trong tháng 5 năm 2011, Đảng Pheu Thai, đề cử Yingluck làm ứng cử viên Thủ tướng Chính phủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Bà vận động tranh cử trên một nền tảng của hòa giải dân tộc, xoá đói giảm nghèo, và giảm thuế cho doanh nghiệp.
Bà trở thành Thủ tướng thứ 44 của Thái Lan vào ngày 5 tháng 8 năm 2011 và là nữ Thủ Tướng trẻ nhất của Thái Lan trong hơn 60 năm qua.
Khi vừa nhậm chức, công việc quan trọng đầu tiên của bà Yingluck là phải đưa đất nước Thái Lan trở lại ổn định. Bà phải tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo, làm dịu sự chống đối và lôi kéo sự ủng hộ của những người dân trung lưu tại thành thị.
Thời gian đầu nhậm chức Thủ Tướng, nhiều người đã khinh thường bà vì cho rằng bà chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chính trị. Nhưng theo AP đưa tin, trong khoảng thời gian Yingluck nắm quyền, quân đội và tòa án đã có sự thay đổi. Họ tỏ ra khá rộng lượng và hòa nhã và không đối đầu với bà. Vào tháng trước, đảng Pheu Thai nỗ lực tìm cách thông qua một dự luật có thể giúp ông Thaksin về nước, tòa án hiến pháp Thái Lan chỉ khiển trách nhẹ nhàng và gạt dự luật này ra ngoài nhưng không phản ứng dữ dội như thường thấy.
Theo Wikipedia, một cuộc thăm dò ý kiến sau một năm nắm quyền Thủ Tướng, nội các của bà được xếp hạng cao nhất về năng lực kinh tế. Bên cạnh những ưu thế trên, bà cũng có một số mặt còn non kém về kinh nghiệm. Cuối năm 2011, khi thủ đô Bangkok và một số tỉnh bị nước lũ tràn về gây ngập lụt nghiêm trọng, chính phủ Thái Lan đã phản ứng rất chậm chạp, lúng túng và vụng về.
Chalidaporn Songsamphan, một chuyên gia khoa học chính trị của trường ĐH Thammasat (Bangkok) đã cho rằng bà chưa thực sự quan tâm các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt là ít phát biểu tại những phiên tranh luận tại Quốc hội. Ông Chalidaporn tiếp “bà Yingluck đã để người khác đại diện cho bà phát biểu hoặc hành động thay cho mình”.
Micheal Nelson, một giảng viên chuyên nghiên cứu về Thái Lan tại Đại Học Walailak nói: “Tôi vẫn thấy bà Yingluck giống như một diễn viên đóng vai thủ tướng hơn là một thủ tướng thực sự”.

Quan hệ với Việt Nam

000_Hkg7957655-250.jpg
Thủ Tướng Thái Yingluck Shinawatra được tiếp đón bởi hàng rào danh dự cùng Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp bà đến thăm VN hôm 27/10/2012. AFP photo
Thủ Tướng Yingluck Shinawatra đã viếng thăm nhiều nước Đông Nam Châu Á trong đó có Việt Nam. Năm nay, phái đoàn của Thủ Tướng Yingluck Shinawatra đã đến viếng thăm Việt Nam lần thứ hai vào ngày 27/10/2012, cùng với các bộ trưởng hàng đầu trong các ngành bao gồm: Bộ trưởng đặc trách Văn phòng Thủ tướng, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia và Tổng thư ký phủ Thủ tướng, Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Thương mại, Du lịch và Thể thao, và Phát triển Xã hội.
Báo chí Thái Lan đưa tin Thủ tướng Yingluck Shinawatra muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng tiến tới việc thành lập cộng đồng chung Asean vào năm 2015.
Chuyến viếng thăm của bà đã giúp được gì cho tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam? Những nhà quan sát thời cuộc đã đánh giá rằng cuộc viếng thăm của bà không phải đơn thuần về thương mại, kinh tế, văn hoá, mà bà còn đóng một vai trò trung gian trong việc giao thương có liên quan đến Trung quốc.và sự tranh chấp của các nước tại Biển Đông. Nhà báo, nhà văn Lê Mai Lĩnh, một người có gần 50 năm cầm bút, dày dặn kinh nghiệm và am hiểu thời cuộc đã đánh giá cuộc thăm viếng của Thủ Tướng Yingluck Shinawatra như sau:
"Theo tôi nghĩ trong vòng một năm bà Thủ Tướng thái lan qua Việt Nam hai lần. Như vậy mục đích của bà có những điều rất quan trọng. Có 3 vấn đề mà bà có thể làm việc với Hà Nội:
Thứ nhất là làm vai trò trung gian hoà giải để giảm bớt nhiệt độ nóng của vấn đề Biển Đông
Vấn đề thứ hai mà tôi cho rằng quan trọng nhất là vấn đề thương mại. Bà muốn thắt chặt giao thương giữa Thái Lan và Việt Nam. Nhưng đồng thời, bà muốn giúp đỡ cho Trung Quốc đưa hàng vào Việt Nam. Vì rằng trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay có phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc.Và người ta biết được rằng sau khi Trung Quốc bị thế giới tẩy chay hàng hoá như vậy thì Trung Quốc đã chuyển những nhà máy sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Châu Á trong đó Thái Lan là nhiều nhất. Do vậy hàng xuất khẩu đi những sang nơi khác mặc dù mang nhãn hiệu Thái Lan, nhưng thực chất đó là hàng của Trung Quốc. Vì vậy bà qua Việt Nam lần nầy là còn có vai trò là muốn tiêu thụ hàng hoá giùm Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba, điều nầy tôi không chắc chắn lắm nhưng tôi nghĩ rằng, có thể hiện nay lãnh đạo Hà Nội đang đấu đá nhau giữa hai phe, Trọng-Sang và Dũng. Mặc dù đấu đá nhau nhưng đều dựa dẫm vào Trung Quốc. Vì cho đến bây giờ chưa có phe nào tìm được hậu thuẫn khác ngoại trừ Trung Quốc. Theo tôi, nhân cơ hội này bà có thể khuyến khích, chiêu dụ một trong hai phe đang đấu đá nhau để đi theo dân chủ như nước Miến Điện."
Ngày 26 tháng 10, tạp chí New York (AP) cho biết, Thủ Tướng Yingluck, muốn trở thành một người liên lạc ngoại giao trong tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trong Hội Nghị Châu Á, bà Yingluck Shinawatra nói rằng bà có quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan. Bà nhấn mạnh đây là một trong những thách thức về vai trò của bà. Bà nói: "Tôi hy vọng có thể mang lại một chút liên lạc của một người phụ nữ để giải quyết cuộc xung đột này.” Đánh giá vai trò và năng lực của bà Yingluck trong vấn đề làm giảm nhiệt cuộc xung đột tại Biển Đông có liên quan đến Việt Nam, ông Lê Mai Lĩnh nhận định:
Theo tôi nghĩ trong vòng một năm bà Thủ Tướng thái lan qua Việt Nam hai lần. Như vậy mục đích của bà có những điều rất quan trọng.
Nhà báo Lê Mai Lĩnh
"Chúng ta thấy có phong trào những người trẻ chống lại Trung Quốc và những người đó bị nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp một cách dã man với những bản án rất nặng nề. Từ lâu, người ta nghĩ rằng chế độ Hà Nội đã lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều và xem chừng như Hà Nội sẵn sàng muốn biến Việt Nam thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Do vậy, Hà Nội đã thẳng tay đàn áp những người đó mặc dù những người đó chống Trung Quốc, và họ cho rằng họ nói chống Trung Cộng là chống Việt Nam. Như vậy Trung Cộng và Việt Nam là một. Điển hình là cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên, bị bắt cóc chỉ vì làm bài thơ chống Trung Cộng. Chính vì vậy, ở Sài Gòn đang dấy lên phong trào sinh viên tranh đấu có sự hậu thuẫn của những nhà trí thức.
Ông Lê Mai Lĩnh nhấn mạnh:
"Theo quan điểm của tôi thì qua Việt Nam để tìm sự hòa hoãn, để giảm nhiệt cho vấn đề biển đông thì quan điểm không hợp lý lắm vì có nhiệt thì ta nghĩ đến Nhật và Phi Luật Tân. Họ có sự chống đối mãnh liệt đối với Trung Quốc, còn Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn. Do đó, Việt Nam không có nhiệt để bà cần phải hạ nhiệt. Mọi vấn đề của Việt Nam, Trung Quốc đã quyết định hết rồi. Bà không phải là người có thể thay đổi quan điểm hay đường lối của Trung cộng.
Thủ Tướng Yingluck Shinawatra đã chinh phục được người dân Thái Lan, cũng như tạo được cảm tình của nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới. Thủ Tướng Yingluck Shinawatra, được tap chí Forbes đánh giá là một trong những phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.

Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment