Friday, January 19, 2018

Trận hải chiến Hoàng Sa

Trận hải chiến Hoàng Sa
 
Ông Hồ Văn Kỳ Thoại (mang quân hàm trung tá) trên chiến hạm tại Hoàng Sa năm 1969
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã ra lệnh khai hỏa trước
Tuần vừa qua vẫn còn vang dư âm các cuộc biểu tình phản đối việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố hành chính Tam Sa để trực tiếp quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Nói tới Hoàng Sa, Trường Sa, không thể không nhắc tới những mất mát xương máu của người Việt Nam trên các quần đảo đó.
Năm 1974, trận hải chiến trên Hoàng Sa đã làm 50 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trước khi quần đảo này hoàn toàn về tay Trung Quốc.
Năm 1988, một cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc gần Trường Sa cũng khiến Việt Nam mất gần 70 thủy thủ.
Cựu phó đề đốc Hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại chính là người đã ra lệnh khai hỏa vào ngày 19/1/1974 trong trận hải chiến Hoàng Sa.
Nay sống tại Virginia, Hoa Kỳ, ông Hồ Văn Kỳ Thoại cũng đã cho ra một cuốn hồi ký có tên 'Can trường trong chiến bại', nói về cuộc đời quân ngũ của mình.
Trong phỏng vấn với BBC ông kể lại quyết định khó khăn khi ra lệnh khai hỏa, bắt đầu trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên các đảo thuộc Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Đau thương và oai hùng
Ông Thoại kể rằng trước khi lệnh khai hỏa được đưa ra, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã nhận thấy có sự gây hấn trong động thái của phía Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc đã không chịu rời khỏi lãnh hải của Việt Nam khi được yêu cầu trong những ngày trước đó và lính Trung Quốc đã chĩa súng về phía thuyền của Việt Nam.
"Lúc đầu chúng tôi làm đúng chỉ thị của tổng thống là mời họ ra khỏi lãnh hải một cách ôn hòa, thế nhưng họ nhất định không chịu ra."
Hộ tống hạm Nhật Tảo
Hộ tống hạm Nhật Tảo đã bị đánh chìm trong trận chiến
"Cho tới sáng 19/1, tình hình hai bên cùng chĩa súng không thể kéo dài hơn được nữa."
"Quân Việt Nam Cộng hòa phải dùng võ lực theo đúng chỉ thị của tổng thống và khai hỏa lúc khoảng 10 giờ sáng 19/1/1974."
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết tuy quân số hai bên không khác nhau nhiều, các chiến hạm của Trung Quốc tối tân hơn hẳn của Việt Nam Cộng hòa.
"Chúng tôi phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung Quốc đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam."
Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ đóng gần đó đã không có sự trợ giúp nào, ngay cả khi nghe cầu cứu.
Ông Thoại tin rằng Trung Quốc đã nổ súng giao tranh vì biết rằng Hoa Kỳ sẽ không tham dự trong trận chiến này.
Trong trận hải chiến 1974, khoảng trên 50 thủy thủ và biệt hải Việt Nam Cộng hòa đã thiệt mạng, đa số thuộc hộ tống hạm Nhật Tảo.

Teresa Tran, Saigon
Tôi trước đây rất ác cảm với VNCH nhưng thật sự tôi cũng rất ủng hộ hành động của ông Hồ Văn Kỳ Thoại. Dù hành động nổ súng vào quân giặc trước hay sau, cân bằng hay không, thì đó cũng đã thể hiện sự phản đối hành động xâm chiếm của kẻ thù. Giặc đến nhà mà không đánh thì không còn là tinh thần người Việt. Chúng ta là thế hệ đi sau, nhưng nếu phải đấu tranh để giành lại Hoàng Sa và Trường Sa thì chúng ta, không kể là người thuộc tầng lớp nào, chế độ nào, sẽ đứng lên bảo vệ Tổ Quốc. "Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc, hôm nay và mai sau".
Tran Trung
Thực sự ra thì đó cũng là quy luật tự nhiên thôi, muôn đời nay cũng vậy mạnh được yếu thua. thử nghĩ xem thử nghĩ xem thế kỉ XIII trở về trước từ đèo nam phần Việt Nam là đất của ai, và những dân tộc nào đã bị người An Nam diệt chủng (có dã man không vậy) Và hơn 96% người Việt ta bây giờ đều có mang trong mình dòng máu của Trung cộng đấy....
Phan Si, VN
Trước 1975 tôi cũng là lính hải quân, cấp bậc trung sĩ. Không nói đến việc xác định tư tưởng trước khi lên tàu (đã trải qua thử thách & huấn luyện), xin hỏi các bạn trẻ 7x, 8x, giả sử các bạn ở tình thế lúc ấy, bạn sẽ làm gi? Cầm súng bắn địch hay nhảy xuống biển bơi vào bờ ? Đội Thần Phong của Nhật hồi 1945 cũng vậy thôi, làm gì khi máy bay rụng hết chân mà mình thì mang đầy bom nổ? Một con đường: THÀ HY SINH CHỚ KHÔNG CHỊU CHẾT.
Nguyễn Văn Lộc, Germany
Lúc đó tôi ở Saigon và rất là bất mãn cho thái độ của Hoa Kỳ. Là đồng minh với nhau cùng một chiến tuyến, nhưng vẫn làm ngơ nhìn đồng minh của mình bị tấn công. Do đó ai còn trông mong Mỹ giúp giữ TS và HS thì trẻ con quá. Mỹ sẽ chỉ vì quyền lợi của họ mà thôi. Thời điểm 1974 Mỹ đã đi đêm "ngoại tình" với Trung cộng rồi. Tốt nhất là nên dùng chính sách ngoại giao mêm dẽo chờ cơ hội. Người xưa có câu: Quân tử trả thù 10 không muộn". Đối địch trực tiếp mình không đủ sức, nên chơi trò hòa hoãn, dùng nhu thắng cương chờ cơ hội là tốt nhất. Đợi khi Trung Cộng đụng độ trực tiếp với Mỹ Nhật, lúc đó ta thừa cơ chiếm lại. Và tôi tin rằng sự đụng độ này sẽ không còn xa...
Tu Bon, Sài Gòn
1974 tôi là một thanh niên miền Nam 20 tuổi. Trước sự kiện này, tôi cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Trung cộng, cùng tập hát với các bạn bè bài "hội nghị Diên Hồng". Lúc đó tôi cũng còn nhớ trên báo, đài cũng đầy dẫy các bài xả luận nói lên quan điểm chống Trung cộng của dân miền Nam. Các nơi trên các vách tường có nhiều khẩu hiệu như "đả đảo Trung cộng lấn chiếm Hoàng Sa"...đại khái là lúc đó lòng người người đều hướng về Hoàng Sa với lực bất tòng tâm.
Nhưng lúc đó là vậy, nội chiến đã làm cho sức mạnh dân tộc bị hao mòn, lực lượng không cân xứng. Tất cả phản kháng lúc ấy chỉ có vậy, nhưng dù sao từ chính quyền cho tới dân chúng đều đồng lòng và tỏ thái độ. Còn bây giờ thì sao? Đất nước hoà bình, kinh tế phát triển,Việt Nam có chân trong Liên Hợp quốc, tự hào là có tiếng nói trên trường quốc tế, thế mà để tỏ thái độ một cách rất bình thường trước một sự kiện không bình thường của thanh niên cả nước lại bị cấm đoán!
So sánh một sự việc với hai thời kỳ khác nhau, hai chế độ chính trị khác nhau để nhận ra nhiều mặt trái của chế độ hiện tại. Hơn lúc nào hết, quyền lợi của đảng trong sự kiện này được bảo đảm một cách rõ ràng nhất khi họ không dám đương đầu với sự việc. Mọi người hãy nhìn vào để biết rằng cộng sản có vì dân tộc không, có vì quyền lợi của đất nước không hay chỉ vì quyền lợi của đảng, của một thiểu số người.
Quang Trung, SG
Xin nghiêng mình kính cẩn biết ơn những người con VN đã ngã xuống để bảo vệ HS - 1 phần máu thịt của đất nước VN, dù họ là VNCH hay VNDCCH vì họ đều là người VN yêu nước dám xả thân vì nước, chứ không hèn nhát như những kẻ cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, tự nguyện dâng đất-biển cho giặc để đổi lấy lợi ích hẹp hòi cho cá nhân & phe Đảng của mình.
Thắng hay thua không quan trọng, cốt yếu là đã khiến kẻ thù phải chùn tay vì biết không dễ nuốt lãnh thổ VN này đâu. Xin các bạn nhớ cho : "Tổ Quốc muôn đời - Thể chế nhất thời" Lịch sử đấu tranh nhân loại đã chứng minh điều đó. Sau này nhất định những chiến sỹ ấy sẽ được vinh danh, họ sẽ là biểu tượng anh hùng của tuổi trẻ VN-những người tự hào về "Dòng máu Lạc Hồng" chảy trong huyết quản.
Vietboy, HN
Theo tôi việc phó đề đốc của hải quân VN cộng hòa cho khai hỏa trước trong điều kiện và hoàn cảnh lúc đó là rất đúng đắn. Việc hải quân Hoa Kỳ không tham gia là vì những tính toán vì quyền lợi riêng của đất nước họ. Việc hải quân VN cộng hòa tấn công trong khi lực lượng yếu hơn đã khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam.
Phuc Duc, San Jose
Ra lệnh khai hỏa trước là thái độ rất khôn ngoan và có tính toán của đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Biết đánh sẽ thua, nhưng vẫn phải đánh. Và nổ súng trước để xác định Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam. Bởi vì nếu có ai vào khiêu khích nhà mình thì người chủ phải đánh trước tiên.
Đọc hồi ký, tôi thấy đề đốc đã chỉ huy hết sức sáng suốt và bản lãnh. Tôi cũng chia sẻ nỗi cô đơn của đề đốc trong trận hải chiến này. Nếu tổng thống Thiệu không cho phép nổ súng thì giờ đây chúng ta không có bằng chứng để xác định chủ quyền. Chẳng lẽ giờ đây nhà nước và nhân dân ra ngồi xem ông anh mình đang ăn cướp của đàn em.
Ẩn danh
Trong trường hợp này, việc ra lệnh nổ súng trước quả là sai lầm của ông phó đề đốc. Biết mình sức yếu, lực mỏng hơn mà lại đi khiêu chiến trước là sai lầm lớn. Theo tôi, chính sai lầm này đã khiến hải quân Hoa kỳ không dám can thiệp.
Phuong Vu
Bạn Hoang Law đưa ra nhận định về cái ấu trĩ chính trị của VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa. Nếu chỉ nhận định một chiều thì không đủ đâu bạn ạ. Theo bạn, việc chiến hạm VNCH khai hỏa trước là non kém về chính trị và mắc mưu bọn Tàu Công. Thêm nữa, bạn còn nói rằng đây là có sự thỏa thuận trước giữa Mỹ và Trung Cộng để chúng chiếm cứ HS rồi. Xin hỏi là cứ như bạn lập luận, nếu phía chiến hạm VNCH không khai hỏa trước thì vẫn có thể giữ được Hoàng Sa hay sao? Nhận định một chiều có cái hạn chế của nó, và dĩ nhiên, không có tính thuyết phục, phải thế không bạn?
Xin bạn cho biết cao kiến của mình làm cách nào để bảo vệ được Hoàng Sa không rơi vào tay bọn bá quyền với sự chênh lệch về tuơng quan lực lượng quá xa giữa chiến hạm VNCH và bọn bành trướng Bắc Kinh, ngoài ra lại có sự bán đứt đồng minh VNCH về phía Mỹ cho bọn giặc Hán Bắc Kinh ? Những chiến sĩ VNCH quả cảm, biết là mình sẽ đi vào cõi chết nhưng không hề né tránh vì sứ mạng bảo về tổ quốc thực xứng đấng luôn luôn được tôn vinh là những anh hùng dân tộc
Hương Hà, HN
Trận chiến và mất mát đã xảy ra, dù tình hình có thay đổi như thế nào thì tinh thần của người Việt yêu nước vẫn không hề suy chuyển. Hành động duy nhất và thiết thực của VN lúc này là tiếp tục phát triển đất nước, nâng cao vị thế của dân tộc. Bên cạnh đó chúng ta cũng nên không ngừng tìm kiếm tài liệu lịch sử, ghi nhận lại quá khứ một cách chính xác, xác thực nhất để thế hẹ tương lai có cái nhìn chính xác về tình hình của đất nước, để không trở thành bù nhìn trong tay những nước lớn.
Ẩn danh
Đọc bài này tôi thấy đa số người dân Việt nam đều có chung quan điểm phản đối Trung quốc âm mưu thôn tính Trường sa sau khi đã ăn cướp Hoàng sa. Dã tâm của người Hán thì xưa nay vẫn vậy. Tuy nhiên không phải vì thế mà mượn gió bẻ măng bảo chính phủ là nhu nhược. Mọi chính sách và phản ứng ngoại giao đều có tính toán chiến lược, không vì giận mà mất khôn.
Phan
Mất Hoàng Sa, vì Mỹ hay không vì Mỹ bỏ rơi không quan trọng. Vấn đề là dân Việt Nam có đứng lên bảo vệ xứ sở mình trước TQ hay không, cho dù biết là sức yếu. Các chiến sĩ VNCH đã chứng minh lòng yêu nước dám hy sinh của mình. Thử hỏi những kẻ vỗ tay tán thưởng khi TQ chiếm được Hoàng Sa có phải là dân Việt Nam không?
Không nêu tên
Chúng ta mất Hoàng Sa và Trường Sa không phải do Trung Quốc mạnh và Việt Nam yếu mà là do tính đoàn kết trong dân tộc Việt Nam đang mất dần, nó sẽ trở thành thảm họa cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam, nếu tiếp tục chia rẽ thì sẽ đến một ngày nước Việt Nam sẽ không còn tồn tại nữa, nước Việt sẽ về tay ngoại bang. Đã đến lúc người Việt trong nước và trên toàn thế hãy đoàn kết lại với nhau thành một khối thống nhất, khôi phục lại tinh thần Đại Việt xưa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường xứng tầm với tổ tiên nước Việt ngàn năm để lại.
Ẩn danh
Chúng ta đã và đang thể hiện sự quan tâm đến an nguy, vận mệnh của đất nước và chúng ta không được phép quên rằng Hoàng Sa -Trường Sa mãi mãi là của người Việt Nam, đó là một chân lý không thể nào chối cãi. Vì Hoàng Sa, chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh để khẳng định chân lý đó dẫu có phải hi sinh xương máu.
Boy bt, Sài Gòn
Dân tộc Việt hoàn toàn không hèn nhát, nhất là trước bọn Tàu. Xin dành một sự kính trọng cho những người lính VNCH đã anh dũng ngã xuống vì bảo toàn máu thịt cho Việt Nam. Bọn tàu nghe đây: tôi cũng như bao người con của đất Việt không bao giờ hèn nhát, nhu nhược. Không bao giờ chịu để mất một tất đất. Chính phủ nhu nhược nhưng chúng tôi thì không. Sẽ có một ngày các người sẽ hối hận vì những hành động này. Sóng sau xô sóng trước, làn sóng căm thù của dân tộc Việt đối với Trung cộng không bao giờ ngừng cả.
Hoang Law
Khi nghe lại cuộc chiến năm 1974 ta mới thấy cái ấu trĩ về chính trị của VNCH, chính phủ này không hiểu gì về Mỹ. Lúc đó Mỹ đã quyết định bán rẻ Hoàng Sa của Việt nam cho TQ để đổi lấy việc TQ ngừng ủng hộ Bắc Việt trong cuộc kháng chiến chông Mỹ, đúng ra cách xử xự khôn ngoan là không nổ súng trước. Kịch bản này TQ đã thống nhất với Mỹ: Khiêu khích cho VNCH nổ súng trước để lấy cớ đánh chiếm. Trong khi các ông 3 sọc tưởng những người bạn Mỹ sẽ hỗ trợ (hạm đội Mỹ cách nơi xảy ra chiến sự có 30 dặm biển) nên đã khai hỏa, đó chính là cái bẫy.
Aloha 83, Hà Nội
Cho dù là VNCH hay VNDCCH đi nữa thì cũng đều là người VN. Tôi thật sự rất tôn trọng sự hy sinh cao cả của 50 chiến sỹ VNCH năm 1974 và 70 chiến sỹ VNDCCH năm 1988. Họ xứng đáng được được vinh danh vì lòng dũng cảm và yêu nước của mình.
Ka, Sài Gòn
Người Trung Quốc có câu " quân tử 10 năm , báo thù chưa muộn ". Vậy Trung Quốc hãy đợi đi , VN sẽ có ngày lấy lại tất cả những gì thuộc về VN.
Quang, California
Chú tôi là một trong 50 chiến sĩ VNCH đã ngã xuống tại Hòang Sa. Hôm nay đọc được bài nầy tôi cảm thấy rất buồn, và càng buồn hơn khi mà chính phủ Việt Nam "làm ngơ" chuyện nầy. Tôi rất vui khi biết nhiều bạn trẻ tại Việt Nam biểu tình đòi lại chủ quyền cho nước nhà.
Napoleon
Thế này mới sáng mắt những ai cổ xúy cho việc chơi với Mỹ. Tự lực tự cường vẫn là quan trọng nhất, quan hệ cũng chỉ có tác động trên mặt trận ngoại giao thôi chứ nếu không có quyền lợi thì Mỹ chả can thiệp vào như nhảy vào Kosovo đâu.
Vinh, Nghệ An
Các chiến hạm mà Hoa Kì trang bị cho VNCH đều là loại họ không còn sử dụng nữa (tất cả đều được hạ thuỷ trong những đầu thập niên 40)nên chêch lệch về lực lượng dẫn đến thất bại là không thể tránh khỏi. Qua những sự kiện như thế mới biết được dã tâm của Trung Quốc đối với nước ta ngày một rõ rệt. Đồng bào trong nước và hải ngoại cần phải đoàn kết với nhau, giúp cho dân giàu, nước mạnh và tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế thì mới mong bảo vệ được chủ quyền của nước ta trên biển Đông. Những gì mà CP Trung quốc tuyên bố vừa rồi cũng gay sự phẫn nộ cho nhân dân trong nước lắm chứ,đặc biệt là tầng lớp thanh niên.
Heo VN
Có ai biết rằng trong số hơn 50 người thiệt mạng đó có sự "góp phần" của 1 viên đạn phá "made in USA" không ? Có ai biết rằng trong 4 tàu của VNCH thì chỉ có 2 tàu bé chiến còn 2 tàu to đứng ngoài rồi chạy mất hút không ? Hạm đội 7 Hoa Kỳ đứng ngoài nhưng không tham chiến ?? Điều đó chứng tỏ cái gì ? Hoàng Sa mất không phải là ngẫu nhiên đâu !!!
Tuấn, HCMC
Đọc bài này tôi mới hiểu được tại sao Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta mất vào tay Trung Quốc. Trước 1975 Hoa Kỳ bỏ hộ quân đội VNCH nhưng đã ngấm ngầm nhường phần đất Hòang Sa cho Trung Quốc nên đã không có một động thái hộ trợ nào cả. Người Mỹ là vậy đó, có lợi ích mới tham gia, mới bảo hộ, còn khi đã không thấy lợi ích bỏ của chạy lấy người.
Pinochio
Mọi thứ đã được ngã ngũ từ khi Mỹ (thời TT Nixon) "đi đêm" với TC. Nếu nói chuyện bảo vệ miền Nam VN để chống sự bành trướng của CS thì chuyện TC tấn công lãnh thổ của VNCH không phải là bành trướng của CS hay sao? Đã là nước nhược tiểu thì phải chấp nhận chuyện bị nước lớn dùng làm con tốt trên bàn cờ chính trị, chiến lược của họ. Tôi còn nhớ rõ mồn một trong tâm trí của một đứa trẻ, khi Cha tôi ngồi nghe tin tức của BBC bình luận về trận chiến lúc đó. Ngay từ ngày đó, Cha tôi đã biết miền Nam VN đã bị bán đứng và Ông đã từ chối được cho di tản sang Mỹ để chấp nhận cái chết trên quê hương chữ S của mình. Chúng ta phải cố vươn lên để sao đất nước có tiềm lực thật sự thì mới mong được sống trong hoà bình thật sự và tránh bị nước lớn chèn ép nhiều.
Linh Hoa
Người Việt chúng ta ở khắp nơi đừng quên nhắc nhở con cháu sự kiện này. Xin được đốt một nén nhang để ghi ơn những anh hùng vị quốc vong thân.
My Motherland, Hà Nội
Dù thế nào đi chăng nữa chúng tôi vẫn luôn ghi nhận sự hy sinh cao cả của những người con đất Việt. Chúng ta phải đấu tranh đến cùng để đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa đã mất vào tay Trung Quốc. Hàng nghìn năm nay, TQ luôn có tư tưởng bành trướng xuống nước ta. Nhưng chúng ta không chịu mất nước. "Thà làm ma đất Việt chứ không chịu làm vương đất Bắc". Đó là câu nói của cha ông chúng ta.
Mọi người Việt trên toàn Thế giới hãy đoàn kết lại chống lại sự bành trướng của bè lũ Bắc Kinh. Cũng phải nói thêm rằng, mọi người hiểu sai về Công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng - ông chỉ công nhận sự mở rộng về lãnh hải 12 hải lý của TQ chứ không công nhận TS -HS là của TQ, vì vậy chúng ta không nên đổ lỗi cho Cố thủ tướng. Tôi biết rằng người Việt chúng ta sẽ luôn luôn phải đấu tranh không ngừng hơn nữa.
Nguyễn Hồng Hà, Ba Lan
Sự kiện Hoàng-Sa bị Trung-Quốc xâm lược năm 1974 là hệ quả của việc Mỹ và Tầu đã ngầm thỏa thuận với nhau trong chuyên Nixon đựơc Tầu mời tói thăm Bắc -Kinh từ năm 1972.Tầu thì thỏa thuận sẽ dừng viện trợ cho miền bắc Việt-Nam ,còn Mỹ thì bật đèn xanh cho Tầu xâm lược Hoàng-Sa và Mỹ sẽ không can thiệp.
Nỗi đau của chúng ta lúc đó là 2 miền còn đối kháng nhau. Còn việc Tầu xâm lược Trường-Sa năm 1988 là nằm trong âm mưu lâu dài của chủ nghĩa bành trướng Bắc-Kinh. Chúng sẽ còn thò vòi bạch tuộc bành trướng tới tân các vùng biển ĐÔNG NAM Á nếu các nước trong khu vưc không biết đoàn kết cùng nhau chặt đứt cái vòi bạch tuộc bẩn thỉu của chúng . Sự hy sinh của các chiến sỹ quân đội VNCH trước kia cũng như sự hy sinh của các chiến sỹ quân đội nhân dân VN năm 1988 đều vĩ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ-quốc Việt-Nam chúng ta!
Tôi nghĩ rằng tất cả họ phải được ghi tên trong bảng vàng Tổ-Quốc. Sự hy sinh của họ là tấm gương , là lời nhắn nhủ cho chúng ta hôm nay :"HÃY ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XIẾT CHẶT ĐỘI NGŨ ĐẬP TAN MỌI ÂM MƯU XÂM LƯỢC CỦA KẺ THÙ "!
Anh Khoa, Viet Nam
Năm 1974 tôi đã được nghe nhìn qua TV và đài báo, mặc dù thất trận và không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của đất nước, nhưng các chú ấy đã vì tổ quốc mà đã hy sinh, không có gì tuyệt vời hơn nhưng sau năm 1975 họ đã không hoặc ít được nhắc nhở tới , tôi nghỉ chúng ta nên tôn họ là những anh hùng dân tộc, và có một buổi lễ tưởng niệm tới họ, nếu trong nước vì kỳ thị ‎ thức hệ thì các bác ở hải ngoại nên làm.
Thanh Danh, TP HCMC
Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Vua Quang Trung đòi 2 tỉnh Quảng Đông Quảng Tây sau Chiến thắng. Nhưng sau đó thì Vua Gia Long lật đổ chiếm Ngai vàng. Cho tới giờ VN lại bị mất thêm 2 quần đảo. Thế giới chả lẽ lại im lặng chăng?
Nước nhược tiểu bao giờ cũng bị lép vế! Đòi chân lý ở đâu? Nước Mỹ xưa cũng xâm chiếm của dân da đỏ! Cho nên đòi hỏi công lý là 1 chuyện không bao giờ có! Ăn thua mình khôn khéo, cuốn theo chiều gió mới có thể tồn tại ở thế giới này! Người VN xưa tồn tại hơn 4000 năm là do đâu dù bị đô hộ cả 1000 năm? Dùng sức mạnh là không thể. Lão Tử nói: Nhu thắng cương, Nhược thắng cường!
Mr Mitdac
Năm 1974, trận hải chiến trên Hoàng Sa đã làm 50 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trước khi quần đảo này hoàn toàn về tay Trung Quốc. Họ là người thuộc phía nào nhưng vì chủ quyền Tổ quốc mà hy sinh anh dũng. Theo cá nhân tôi nhà nước nên truy phong họ là những người anh hùng của dân tộc.
Ngo Hung, Canada
Đây là một hành động can trường để bảo vệ Tổ quốc. Chính quyền VNCH đã bảo vệ tổ quốc. Nói đến đây, tôi đau lòng về những lá thư của Thủ tướng VN DCCH đã giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc quản lý. Vấn đề sai trái ở đây là năm 1958 hai hòn đảo này thuộc quyền quản lý của chinsh quyền VNCH mà ngớ ngẩn thay Thủ tướng VN DCCH Phạm Văn Đồng lại giao cho Trung Quốc. Tôi thiết tưởng những giấy tờ mà Thủ tướng VN DCCH Phạm Văn Đồng ký là không có giá trị.
Minh Bình Phước
Thật buồn khi đọc lại những dòng này! Hơn 30 năm trước, lúc còn nhỏ tôi đã biết tin trên TV, chiếc HQ10 bị đánh chìm, lúc đó tinh thần yêu nước của mọi người cũng lên rất cao. Nhưng lực bất tòng tâm! (Cũng như trong thể thao tại SEAGAME24 lần này vậy). Chúng ta quá yếu!!...
 
 
Diễn đàn BBC
Họ tên
Nơi gửi đi
Điện thư
Điện thoại (tùy ý)*
* không bắt buộc
Ý kiến (350 từ)
 
  
BBC có thể biên tập lại thư mà vẫn giữ đúng nội dung ý kiến và không bảo đảm đăng mọi thư gửi về.
 
CÁC BÀI LIÊN QUAN
Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông
16 Tháng 12, 2007 | Việt Nam
‘Biểu tình làm tổn hại quan hệ'
11 Tháng 12, 2007 | Việt Nam
'Chiến tranh!'
10 Tháng 12, 2007 | Việt Nam
VN lại lên tiếng về Trường Sa
03 Tháng 12, 2007 | Việt Nam
TRANG NGOÀI BBC
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.
 
 

Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1

Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1

Bản quyền hình ảnhNGUYEN THAI HOC FOUNDATION
Image captionNgười Việt ở hải ngoại biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974
Thấm thoắt đã 40 năm rồi.
Tôi còn nhớ như in đúng ngày mùng Ba Tết, tôi đang chúc Tết ở nhà Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tác giả tác phẩm Tư Tưởng Việt Nam, nguyên Khoa trưởng (Hiệu Trưởng) Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, thì nghe Đài phát Thanh Sài Gòn đưa tin Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, thú thật tôi thật sự xúc động.
Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại xúc động đến như thế, bởi một người nghiên cứu lịch sử như tôi đã được rèn luyện tinh thần khách quan khoa học về những biến cố lịch sử mới có thể tiếp cận được sự thật lịch sử.
Khi triệu tập một số người trong Ban biên tập thông qua ý kiến chuẩn bị một số Tập San Sử Địa đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa thì cũng đã có người nêu ý kiến rằng Tập San Sử Địa phải giữ tính khách quan khoa học, đừng đưa vấn đề thời sự chính trị vào Tập san nghiên cứu, nhất là lại đưa ra một số báo nói về vấn đề thời sự chính trị như thế. Có người viện dẫn các báo, đài đang hàng ngày nêu lên trang báo tít lớn vấn đến thời sự “hải chiến Hoàng Sa”.
Tôi cũng liên tưởng ngay đến có lần một vị giáo sư dạy tôi về phương pháp sử học, tuy có khen nội dung các số tập san đã xuất bản song đã phê bình lời lẽ thiếu khách quan trong Lá thư Tòa soạn mà chính tôi đã viết, mang tinh thân dân tộc, tinh thần yêu nước .
Tôi nghĩ vị giáo sư khả kính ấy rất có lý, nhất là trong không khí học thuật ở Miền Nam lúc bấy giờ, tính thần “phi chính trị” rất cao, song tôi không trả lời vị giáo sư ấy mà chỉ ậm ừ cho phải phép. Thật sự lúc bấy giờ tôi đã không”lý luận lý trí” mà chỉ “lý luận con tim”. Con tim có lý của nó, vậy thôi!
Trong buổi họp Ban Biên tập, tôi chỉ lắng nghe và tôi tuyên bố tôi sẽ suy nghĩ để quyết định như các số chủ đề khác, Lúc bấy giờ tôi cũng biết một số người thân thiết với “ Mặt Trận” trong đó có nhà biên khảo Đông Tùng, tên thật là Nguyễn Tư Hồng gốc Nghệ An, đã bị bắt đầy ra Côn Đảo; năm 1963 khi Chính quyền TT Ngô Đình Diệm bị đổ, ông mới được thả. Chính ông đã nhiều lần thuyết phục tôi rằng hiện Tập San Sử Địa rất có uy tín về học thuật, các cơ quan nhà nước từ Phủ quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thông Tin… đang nhập cuộc nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa, nếu Tập san ra số chủ đề không ra gì , sẽ mất uy tín.
Tôi cũng chỉ ậm ừ, không trả lời, song trong bụng tôi lại thấy tự ái dâng trào, tôi lại quyết làm để xem ai hơn ai. Và con tim tôi đã thắng lý trí, tôi đã âm thầm gửi thư riêng đến các học giả ở trong và ngoài nước. Thật không ngờ chỉ trong ba tháng, nội dung có thể tạm hoàn thành một số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa.
Song, lý trí của tôi lại buộc tôi suy nghĩ, tôi quyết định không ra ngay số đặc khảo để bị mang tiếng là tham gia vào thời sự chính trị, mà sẽ ấn hành vào dịp kỷ niệm một năm mất Hoàng Sa. Thế là được mọi người tán đồng, nhất là có thêm thời giờ để làm cẩn thận hơn.
Tôi có 4 bài viết trong đó có bài tham gia với tên Hoàng Việt Sơn trong bài Thư mục chú giải của Nhóm các anh Nguyễn Văn Hường, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Nhật Tấn, Trần Thế Đức (về chuyên môn phải để là thư tịch mới đúng).

Nhiều lần'rơi lệ'

Ngày 20 tháng 1 năm 1975, kỷ niệm 1 năm thất thủ chứ không phải kỷ niệm Chiến thắng ngày 19/1, khi Trung Quốc dùng võ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu giới thiệu GS Trần Văn Quế, đại diện 5 vị Quốc lão chủ tọa ( trong đó có Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải) phát biểu khai mạc Triển lãm Sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và ấn hành Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa tại Thư Viện Quốc Gia, tôi quá xúc động khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như Nhật Báo Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin.
Cũng từ đó, không biết bao lần, tôi cứ nghẹn ngào rơi lệ khi có ai nhắc đến ngày 19/1.
Ngay ngày 16/8/2012 khi tôi tham gia hội thảo tại Đại Học Harvard về Biển Đông do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vùng Boston mở rộng tổ chức, khi nghe một vị nữ tiến sĩ Việt Nam hỏi các diễn giả về sự kiện Hoàng Sa ngày 19/1, tôi đã xúc động mà trả lời rằng câu hỏi của bạn đã làm nhói trái tim tôi và sau tôi được đọc một bài viết của một bạn trẻ với bài “Một Tiến sĩ sử học đã rơi lệ trên đất nước Mỹ”. Bạn trẻ sinh viên du học ấy cũng nói rất cảm cảm động và tự thấy xấu hổ chưa làm được gì cho Đất nước.
Ngày 21/12/2013 vừa qua tôi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua Hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang đã được hoàn chỉnh mà chưa có phương tiện phổ biến trên thế giới tại Đại học Melbourne (Úc).
Ngay khi tôi mở đầu buổi nói chuyện rằng vừa rồi xem đoạn video clip về Hải chiến Hoàng Sa do Đài Đồng Nai ở trong nước vừa mới phát, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện kể trong một bàn ăn sau buổi nói chuyện về Hoàng Sa của Hội Kỹ thuật Kinh Tế Biển TP.HCM tổ chức, một sĩ quan hải quân có thuật lại rằng sau ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, có tổ chức một buổi liên hoan chào mừng “Chiến Thắng Tây Sa”, đã mời Đoàn hải quân VNDCCH lúc đó đang có mặt ở Hải Nam.
Đoàn có đánh điện về cấp trên rằng sẽ không tham dự. Cấp trên hỏi sao lại không tham dự thì Đoàn trả lời “không muốn vỗ tay”. Nhắc đến người Việt Nam bất cứ chính kiến nào cũng như thế, tôi lại nghẹn ngào rơi lệ. Cuối buổi nói chuyện một nữ du học sinh ở Úc cũng lên phát biểu nhận xét về không khí vừa sôi nổi vừa quá khích gay gắt của một số cử tọa và đã ôm lấy tôi mà khóc.
Và không hiểu tại sao ngay giờ này đây, viết đến đây nước mắt tôi cũng đang dàn dụa nghẹn ngào!
Rồi nghĩ nước mắt nghẹn ngào cho sự kiện ngày 19/1, ngày Hoàng Sa biết đâu sẽ làm cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ sẽ bừng tỉnh rằng suốt thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân của Thời cuộc quốc tế!

'Con tim của công dân Việt Nam'

Bản quyền hình ảnhHQVNCH
Image captionTàu chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa về đến Đà Nẵng
Có lẽ lý lẽ con tim của một người công dân Việt Nam như tôi đã được tôi trình bày vào ngày 18 tháng 1 năm 2003, khi tôi bảo vệ Luận án tiến sĩ:” Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", tôi đã phổ biến một văn bản: ”Thử đặt Vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật”. Tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu trên thế giới nhất là những nhà nghiên cứu, giới học thuật ở Trung Quốc cùng chia sẻ với tôi nguyện vọng đi tìm sự thật lịch sử.
Tôi cũng kêu gọi giới trẻ Việt Nam học suốt đời, góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chất lượng cao hầu xây dựng cho đất nước một nền kinh tế tri thức phát triển trong thế kỷ XXI.
Tôi cũng kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước không phân biệt chính kiến, sắc tộc, tôn giáo, địa phương hãy quên và bỏ qua những hận thù trong quá khứ, hãy hướng về tương lai.
Kế thừa truyền thống lấy chữ Tâm làm đầu, năm 1992 khi làm phim Thăng Long Hà Nội Xưa, tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đã khấn trước Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa rằng “xin Đức Vua phù hộ cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự”.
Tôi cũng nhắc qua một món nợ khác mà tôi phải trả là đem âm nhạc dân tộc, đem hát thơ vào trường học để giáo dục cho các thế hệ trẻ vừa để giữ hồn dân tộc, tạo lòng tự hào dân tộc, bỏ đi những xấu xí của người Việt Nam để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam hùng cường.
Nhân ngày kỷ niệm 40 năm Trận hải chiến Hoàng Sa 19/1, ngày Hoàng Sa của người Việt Nam bất cứ ở đâu, tôi xin thắp nén hương dâng lên các liệt sĩ đã bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 và cũng xin nhắc lại lời nói không bao giờ quên trong nói chuyện cùng với nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy tại trường Đại Học Ngoại Thương tại Hà Nội năm 2011, khi tôi nói bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc thì một nữ sinh viên đã phát biểu rằng “vậy thì bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”.

Tin liên quan