Wednesday, July 30, 2014

Nga, lá bài chủ chốt trên bàn cơ năng lượng thế giới

Nga, lá bài chủ chốt trên bàn cơ năng lượng thế giới
REUTERS/Gleb Garanich/Files
Thanh Hà
Vì khủng hoảng Ukraina, Mỹ mạnh tay hơn châu Âu trong việc trừng phạt các tập đoàn dầu khí Nga. Bruxelles lúng túng do Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của châu Âu. Nhờ công nghệ khai thác dầu và khí đá phiến, thế giới không còn bị đe dọa cạn kiệt năng lượng hóa thạch, nhưng Nga vẫn là một đối tác hàng đầu trên bàn cờ năng lượng quốc tế, đặc biệt là đối với châu Âu.
Ngày 16/07/2014 Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga : hạn chế các hoạt động của các tập đoàn dầu khí như Rosneft, Gazprombank hay Novatek trên thị trường Mỹ. Cùng lúc, Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ tạm dừng các chương trình hợp tác của các doanh nghiệp Nga với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI), với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu BERD. Bruxelles nhẹ tay hơn Washington do châu Âu cần mua dầu khí và than đá của Nga.
Trong năm 2013 dầu hỏa và khí đốt chiếm 68 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. 50 % ngân sách của nhà nước liên bang tùy thuộc vào một lĩnh vực kinh tế duy nhất này. Bộ Năng lượng của Mỹ đã căn cứ vào dữ liệu thống kê của Hải quan Nga cho thấy : năm ngoái Nga xuất khẩu tới 174 tỷ đô la dầu hỏa và 73 tỷ khí hóa lỏng. Châu Âu là khách hàng số 1 của Nga. Chỉ một mình tập đoàn khí đốt Gazprom bảo đảm đến 30 % nhu cầu tiêu thụ tại 28 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu.
Liên hệ sống còn giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu
Tháng 4/2014 Âu Mỹ bắt đầu đưa ra những biện pháp cụ thể trừng phạt Matxcơva can thiệp vào Ukraina và thôn tính vùng Crimée của Ukraina. Cùng lúc bộ trưởng Tài chính và Năng lượng Đức, Sigmar Gabriel cảnh cáo : Châu Âu không thể quay lưng lại với các nhà cung cấp dầu khí của Nga và Matxcơva ít có khả năng khóa van với các khách hàng châu Âu.
Theo thẩm định của công ty tư vấn Mỹ, Sanford C. Berstein & Co, đóng cửa thị trường với khí đốt của Nga sẽ buộc Liên Hiệp Châu Âu phải hoặc là đầu tư thêm 215 tỷ đô la để nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp thay thế (năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, than đá, …tìm các nhà cung cấp khác để lấp vào chỗ trống của các tập đoàn Nga) hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ đến 15 tỷ mét khối /năm.
Năng lượng là một nhược điểm của ông khổng lồ châu Âu. Liên Hiệp nhập vào hơn 50 % năng lượng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp trong toàn khối. Bruxelles nhìn nhận nếu không nhanh chóng thúc đẩy chính sách năng lượng, chỉ 20 năm nữa mức độ lệ thuộc của khối này vào dầu khí nhập cảng sẽ lên tới 80 %.
Mỹ trong chiến lược năng lượng của châu Âu
Trong lúc Bruxelles lúng túng với Matxcơva về hồ sơ năng lượng, thì Hoa Kỳ nhân hội nghị thượng đỉnh Âu – Mỹ mùa xuân vừa qua đã đề nghị « sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Matxcơva ».
Dù luôn xem các nguồn dự trữ của mình là một yếu tố an ninh, chiến lược, nhưng Hoa Kỳ đã làm chủ được các kỹ thuật khai thác mới, hoàn thành một cuộc cách mạng về công nghệ nên đã bắt đầu xuất khẩu dầu đá phiến. Từ năm 2011 tới nay, hàng năm Mỹ sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu/ ngày. Như vậy so với ba năm trước đây, mỗi ngày Hoa Kỳ đã bơm thêm 3 triệu thùng dầu vào thị trường quốc tế. Nói cách khác trong ba năm qua, chỉ một mình nước Mỹ đã tung ra thị trường một khối lượng dầu hỏa tương đương với mức cung cấp của Irak trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa suông, khi biết rằng, đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không đơn giản.
Thứ nhất chính sách năng lượng của bản thân Hoa Kỳ vẫn chủ trương bảo vệ các nguồn dự trữ quốc gia, vì đó là một yếu tố an ninh của bản thân nước Mỹ. Thứ hai, việc đưa khí đốt từ Mỹ sang châu Âu đòi hỏi nhiều đầu tư tốn kém. Điều đó có nghĩa là dầu khí của Mỹ bán cho châu Âu sẽ đắt hơn so với giá mà châu Âu đang mua của Nga hiện nay.
Thêm vào đó là vấn đề thời gian : sớm nhất thì cũng phải vài ba năm nữa dầu khí của Hoa Kỳ mới chảy tới Châu Âu. Trả lời đài RFI Thierry Bros, chuyên gia về năng lượng trực thuộc Ủy ban châu Âu và là tác giả của cuốn « After the US shale gas revolution », nhà xuất bản Technip nhắc lại : chính nhờ kỹ thuật khai thác khí đá phiến mà Hoa Kỳ đang trở thành một nguồn cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu của thế giới :
« Trở lại với cuộc cách mạng khí đá phiến ở Hoa Kỳ, nhờ cuộc cách mạng này mà từ năm 2010, nước Mỹ đã trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Vào khoảng năm 2015-2016, tức là chỉ một hoặc hai năm nữa, nước Mỹ sẽ đứng đầu trong số các nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng bằng đường thủy. Và chỉ đến cuối thập niên này, Hoa Kỳ sẽ là nhà cung cấp khí đốt quan trọng thứ nhì hay thứ ba toàn cầu. Kèm theo đó là những hậu quả kinh tế hết sức quan trọng. 
Thứ nhất là nhân loại không còn sợ các nguồn năng lượng hóa thạch bị cạn kiệt. Điều đó cũng có nghĩa là giá dầu hỏa và khí đốt không thể tăng mãi. Qua đó các nước đang sống nhờ xuất khẩu dầu khí sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của họ. Giá dầu khí trong tương lai sẽ giảm đi chứ không còn là những cái giá ‘trên trời’ như trong 5-6 năm về trước nữa. Điển hình là vừa qua, Nga ký hợp đồng 400 tỷ đô la với Trung Quốc. Đôi bên đã thương lượng với nhau về giá cả trong suốt 10 năm trời. Trong thời gian qua, Nga cứ nghĩ là giá khí đốt sẽ còn tăng giá. Nhưng vào thời điểm này, phía Gazprom đã phải nhượng bộ vì ý thức được rằng, càng chờ lâu, giá thành càng có khuynh hướng giảm đi thêm nữa. Nhất là một khi khí đã phiến tràn ngập thị trường ».
Về phần mình, trả lời đài RFI giáo sư Samuele Furfari, chuyên gia về Địa chính trị, giảng dậy tại Đại học tự do Bruxelles ghi nhận thêm : không nhờ dầu khí đá phiến, với chiến sự tại Cận Đông, bất ổn ở Irak và khủng hoảng ở Ukraina hiện nay, giá một thùng dầu thô trên thế giới sẽ dao động ở mức trên dưới 200 đô la một thùng thay vì vẫn được duy trì ở dưới ngưỡng 110 đô la như hiện tại.

© AFP
Trong thông cáo mới nhất, Gazprom ghi nhận giá khí đốt trên thị trường quốc tế đang trên đà giảm sụt nhưng vẫn giao động từ 300 đến 400 đô la/1000 mét khối ít nhất là trong 5 năm tới. Riêng đối với thị trường châu Âu, theo hợp đồng dài hạn, vào năm 2017 giá khí đốt bán cho các đối tác châu Âu sẽ giảm 17 %, rơi xuống còn 320 đô la/1000 m3. Đây là hậu quả trực tiếp từ chính sách đa dạng hóa các nguồn cung cấp của Bruxelles.
Nga bỏ lỡ cuộc « cách mạng dầu khí »
Công nghệ khai thác dầu và khí đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới. Từ Achentina đến Pháp, từ Ba Lan đến Anh Quốc, từ Mêhicô đến Trung Quốc, tất cả đều đang làm chủ những khoản dự trữ dầu khí quan trọng. Chỉ riêng ở châu Mỹ, ngoài Hoa Kỳ và Achentina, thì cả Mêhico lẫn Canada đang bắt tay vào công nghệ khai thác dầu khí đá phiến. Thậm chí Canada đã bắt đầu đi chào hàng với khắp mọi nơi.
Trong lúc đó thì những quốc gia xuất khẩu truyền thống như Ả Rập Xê Út, Iran, Venezuela đều sẽ phải xét lại chiến lược phát triển của mình. Chuyên gia về năng lượng làm việc tại Ủy ban Châu Âu Thierry Bros lưu ý : Nga đang mất dần lợi thế trên thị trường khí đốt nhưng dồn nỗ lực vào ngành dầu hỏa. Còn các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thì đang tìm chìa khóa cho phép mở ra kho báu này :
« Trong trường hợp của Nga, quốc gia này đã hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội đối với ngành công nghệ khai thác khí đá phiến. Gazprom độc quyền xuất khẩu khí đốt sang châu Âu tới nay vẫn chưa thực sự tin tưởng vào nguồn năng lượng này. Nga không đầu tư vào khí đá phiến nhưng lại đầu tư vào đá phiến dầu, đặc biệt là tại vùng Barzanov. Chi nhánh Gazprom Neft bắt đầu khai thác dầu khí tại đây và điều thú vị là địa chất ở Barzanov rất giống với địa chất của vùng núi Montana ở Hoa Kỳ. Kỹ thuật khai thác cũng sẽ như nhau thôi. Điều đó giúp cho Gazprom Neft thu ngắn được thời gian.
Riêng Trung Quốc cũng có dầu và khí đá phiến nhưng vấn đề đặt ra là để khai thác được nguồn năng lượng này, thì phải bơm nước xuống lòng đất ở một độ sâu với sức ép cực mạnh. Kỹ thuật đó đòi hỏi phải có nhiều nước, mà đây lại là nhược điểm của Trung Quốc. Trước mắt Trung Quốc bị bó tay. Nhưng một khi giải quyết được vấn đề cung cấp nước, thì Trung Quốc sẽ giảm bớt được áp lực về năng lượng ».
Trong lĩnh vực năng lượng ảnh hưởng của các nước trong vùng Trung Đông, cũng như Nga đang bị thu hẹp dần. Nhưng trước mắt, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng theo chân Hoa Kỳ để « tiến hành một cuộc cách mạng » về dầu khí. Đành rằng châu Âu đang kiểm soát một nguồn dự trữ dầu và khí đá phiến quan trọng, nhưng việc khai thác đang vấp phải sự chống đối mãnh liệt của một phần công luận. Đặc biệt là trong trường hợp của Pháp.
Tuy nhiên, giới trong ngành cho rằng, Anh Quốc và Ba Lan sẽ tiên phong trong việc đẩy mạnh ngành công nghệ khai thác khí đá phiến để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Nga. Về phần Luân Đôn, chính phủ Anh xem đây là một nguồn thu nhập quý giá đối với ngân sách quốc gia.
Thách thức đặt ra đối với châu Âu chẳng hạn là cho tới nay chưa một công trình nghiên cứu đứng đắn nào cho biết nếu khai thác khí đá phiến, thì giá thành của 1000 mét khối là bao nhiêu. Cũng chưa ai xác định được một cách chính xác giá chuyên chở đưa khí đốt đến tay người tiêu dùng.
Đầu tư nhiều vào công nghệ gạn khí từ đá phiến chắc chắn là sẽ tốn kém và chưa chắc là sẽ có lợi cho người tiêu dùng trên Lục địa Già. Trong khi đó 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu biết chắc rằng họ đang nhập khí của Nga với giá chưa đầy 350 đô la/1000 mét khối.
Một yếu tố khác nữa cần được lưu ý đó là các đối tác Nga hoàn toàn có khả năng hạ giá khí đốt bán ra cho quốc tế xuống thấp tới một mức có thể đe dọa các đối thủ khác trên thế giới, bởi vì Nga đang làm chủ khoảng 48 ngàn tỷ de m3 khí đốt. Hiện nay 20 % khí đốt của thế giới xuất phát từ Nga. Trữ lượng nói trên cho phép Matxcơva liên tục sản xuất như hiện tại trong vòng 74 năm nữa.
Trữ lượng dầu hỏa và khí đốt của Nga cũng như Trung Đông còn rất lớn, nhưng không họ không còn trong thế độc quyền. Chẳng hạn như Iran kiểm soát 18 % trữ lượng khí đốt của thế giới, 10 % dự trữ dầu hỏa của toàn cầu. Téhéran ý thức được là một khi dầu và khí đá phiến trở nên phổ biến hơn, các khoản dự trữ của Iran không còn đủ trọng lượng cho phép nước này mặc cả với quốc tế về hồ sơ hạt nhân nữa.
Về phần các quốc gia trong khối OPEP nhóm này sẽ không thể tiếp tục duy trì các quota xuất khẩu dầu hỏa như hiện tại. Họ cũng phải xét lại giá thành. Chuyên gia về Địa chính trị giảng dậy tại Đại học Tự do Bruxelles, giáo sư Samuele Furfari lưu ý hiện nay giá thành một thùng dầu khai thác tại Trung Đông trung bình là vào khoảng 2 đô. Vậy mà dầu bán ra trên thị trường New York lên tới 108 đô la/thùng. Với sự cảnh tranh của đá phiến dầu, giá vàng đen trên thị trường quốc tế chắc chắn sẽ phải giảm xuống đáng kể.
Đối với Nga thì quốc gia này đã bị Hoa Kỳ qua mặt từ năm 2010 để trở thành nhà cung cấp khí đốt số 1 của thế giới, thành thử Matxcơva dàn sẵn các con cờ then chốt trong lĩnh vực dầu hỏa.
Nhiều nhà phân tích coi dầu và khí đá phiến là một ngõ thoát, nhất là đối với các quốc gia nghèo đang khát dầu khí. Nhưng trước mắt công nghệ khai thác hãy còn là một ưu đãi, mới do một số ít làm chủ. Sự dư thừa năng lượng hóa thạch hãy còn xa vời.
Các chính khách của châu Âu đủ thực tế để ý thức được rằng, mùa đông tới đây, Liên Hiệp sẽ vô cũng chật vật nếu không có khí đốt của Nga. Dù muốn hay không, Mỹ thì vẫn xa mà Nga thì gần. Khí đốt mà Washington hứa bán cho Bruxelles là chuyện của tương lai, còn khí đốt mà Nga đang bán cho châu Âu là chuyện của hiện tại.
TỪ KHÓA : TẠP CHÍ - KINH TẾ - NĂNG LƯỢNG - DẦU KHÍ - NGA - CHÂU ÂU


Cận Đông, thất bại lớn nhất của Obama ?

Cận Đông, thất bại lớn nhất của Obama ?

Gaza ngày 29/07/2014. Ảnh sau đợt oanh kích của không quân Israel.
Gaza ngày 29/07/2014. Ảnh sau đợt oanh kích của không quân Israel.
Reuters

Lê Vy
Chiến sự tại dải Gaza vẫn là đề làm tài hao tốn giấy mực của báo giới Pháp ra ngày hôm nay (29/07/2014). Các nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt xung đột giữa Israël và phe Hamas dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Vòng xoáy bạo lực và những sự kiện bi thảm lại tiếp tục tại dải Gaza, khiến Libération phải tự hỏi, phải chăng hồ sơ Cận Đông là một thất bại lớn của Tổng thống Mỹ Obama ?

 Theo tờ báo, dường như Washington « hơi thiếu kiên nhẫn » và « thật sự bực tức» trước thái độ cố chấp của cả hai phe Hamas và Israël, sau một tuần nỗ lực ngoại giao dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khu vực nhưng không mang lại kết quả gì.
Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Mỹ đã quyết định gọi điện cho Thủ tướng Israël Nétanyahou sau khi hay tin, kế hoạch ban đầu mà Washington đưa ra nhằm ngưng chiến trong vòng một tuần ít có cơ may được thực hiện. Libération nhận định, khủng hoảng hiện nay thực sự là thách thức cá nhân đối với Tổng thống Obama, vì ông đã không làm cho hồ sơ này tiến triển được sau sáu năm cầm quyền tại Nhà Trắng. Một nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc nhận định : « Cuộc khủng hoảng Israël-Palestine là thất bại lớn nhất của chính sách ngoại giao Obama. Hiện nay, ông Obama còn một ít thời gian để có thể gây ảnh hưởng lên xung đột này. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông cũng bị giới hạn, vì ông không có mối quan hệ tốt đẹp với Nétanyahou và sự việc càng ngày càng diễn biến phức tạp trên dải Gaza ».
Bài xã luận trên tờ Le Monde nhận thấy, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Israël, nhưng ngày càng bị chia rẽ hơn sau các vụ ném bom của Israël vào dải Gaza làm thiệt mạng nhiều thường dân vô tội. Nếu như 65% dân biểu thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ Israël, thì 31% dân biểu thuộc đảng Dân chủ chống. Theo Le Monde, hình ảnh của những nạn nhân Palestine, đặc biệt là 4 trẻ em bị trúng tên lửa khi đang chơi trên bãi biển, đã làm tiêu tan sự ủng hộ mà người Mỹ vốn dành cho Israël.
Ngày lễ kết thúc mùa chay đẫm máu
Những ngày cuối cùng của tuần lễ ăn chay ramadan bị các cuộc oanh kích, ném bom liên hồi trên dải Gaza phá hỏng, theo nhật báo Cộng sản L’Humanité chạy tựa trên trang nhất : « Ngày lễ Aïd ( kết thúc mùa chay ramadan ) mang hương vị tro tàn ». Người dân tại dải Gaza nhận định, ngày lễ kết thúc mùa chay ramadan đẫm máu. Trên các trang của nhật báo l’Humanité, đại sứ Palestine không giấu giếm thất vọng trước việc Pháp bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc về đơn kiện mà Bộ trưởng Tư pháp Palestine đệ trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế nhằm cáo buộc Israël phạm tội ác chiến tranh. Pháp cùng 17 quốc gia Châu Âu khác đã bỏ phiếu trắng về một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu tôn trọng luật quốc tế trên các lãnh thổ Palestine đang bị chiếm đóng, nhưng đồng thời tổ chức một ủy ban điều tra về tội ác chiến tranh trên dải Gaza. Tuy nhiên, đại sứ Palestine cũng vui mừng vì sự ủng hộ của người dân Pháp đối với nạn nhân đã bỏ mạng dưới bom đạn.
Tổng thống François Hollande và vụ rơi máy bay AH5017
Dĩ nhiên là các nhật báo vẫn tiếp tục bình luận về công tác điều tra sau vụ chuyến bay AH5017 rơi. Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu Le Figaro tập trung phân tích hành động Tổng thống François Hollande sau tai nạn này. Một tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 54 công dân Pháp và Tổng thống Pháp nhiệt tình lên tuyến đầu, phát biểu trước công chúng nhiều lần, làm che khuất đi vai trò của những nhân vật khác có liên quan như Thủ tướng Manuel Valls, Ngoại trưởng Laurent Fabius, mặc dù họ cũng không im lặng về thảm kịch này. Một bộ trưởng phân tích : « Ông Hollande làm như vậy để thể hiện vai trò của một vị tổng thống, một người đứng đầu quốc gia. Nếu ông không làm như vậy thì người ta sẽ trách ông ».
Các nhà tư vấn cho điện Elysée đã so sánh với các vị tiền nhiệm như sau : Jaques Chirac đã đến Fort-de-France để tưởng niệm 152 nạn nhân của vụ rơi máy bay hãng West Caribbean Airways tại Venezuela vào năm 2005 và đã yêu cầu treo cờ rủ. Nicolas Sarkozy cũng từng dự lễ tưởng niệm nạn nhân chuyến bay Paris-Rio sau khi bị mất tích vào năm 2009, nhưng không ra lệnh treo cờ rủ. Tổng thống François Hollande muốn chứng tỏ là mình không bị chê trách vào đâu được, cả về hành động lẫn cảm xúc.
Như một lãnh đạo quân đội, chính ông đã điều động phương tiện quân sự đến nơi xảy ra tai nạn tại Mali. Cũng chính ông đã ra lệnh treo cờ rủ trong ba ngày kể từ thứ hai. Ông cũng đã gặp gia đình các nạn nhân hôm thứ bảy tại Bộ Ngoại giao. Cuối cùng, chính ông đã chủ trì các cuộc họp về vụ tai nạn này 5 ngày gần đây.
Le Figaro mỉa mai, hành động thái quá của ông Hollande có lẽ cũng khơi dậy một số câu hỏi. Nhà xã hội học Denis Muzet phân tích, đây chính là một chiến lược của tổng thống mà có lẽ ông Hollande đã bắt chước từ người tiền nhiệm Sarkozy. Phản ứng của ông là không cân xứng. Thế nhưng, người Pháp cũng không ngốc nghếch tin vào động thái đó. Dân Pháp đang bị tác động bởi khủng hoảng và những khó khăn kinh tế, đó là mối bận tâm hàng đầu của họ. Theo đánh giá của chuyên gia về dư luận Jérôme Sainte-Marie, phản ứng của tổng thống về vụ tai nạn có thể gây nên một số suy luận tiêu cực trong công chúng như : tổng thống chẳng có điều gì cấp bách hơn để làm, ông đang muốn che mắt dân Pháp về con số thất nghiệp bằng cách cuống cuồng lo lắng điều tra tai nạn máy bay để đánh lạc hướng dân Pháp. Hơn nữa, thảm kịch AH5017 cũng không thuộc lĩnh vực chính trị.
Quân đội Ukraina chiếm lại khu vực gần nơi xảy ra tai nạn MH17
Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay quan tâm đến tình hình tại miền Đông Ukraina. Theo tờ báo, quân đội Kiev sẵn sàng bao vây Donetsk, tại khu vực hiện do phe ly khai kiểm soát. Các cuộc giao tranh đã cản trở các nhà điều tra vào nơi chiếc MH17 bị bắn rơi. Washington cáo buộc Nga đã oanh kích vùng này từ bên kia biên giới.
Mỹ ghi nhận, Nga đã gia tăng hoạt động quân sự. Hoa kỳ cho biết đang nắm trong tay chứng cứ về việc Nga cung cấp một lượng vũ khí lớn cho phiến quân. Hôm qua, họ đã công bố ảnh vệ tinh chụp được cho thấy Nga tham gia trực tiếp vào cuộc chiến bằng cách oanh kíck vào quân đội Ukraina từ bên kia biên giới.
Cáo buộc này cộng với những cáo buộc liên quan về việc bắn hạ chiếc MH17 càng cho thấy rõ khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Nga. Châu Âu sẽ thông báo vào ngày hôm nay danh sách những nhân vật Nga sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm visa nhập cảnh. Hiện danh sách này đã có 87 người.
Cuộc chiến đã làm 1 129 người thiệt mạng từ những ngày đầu nổ ra xung đột, theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Con số tử vong này bao gồm cả 298 nạn nhân của chuyến MH17 xấu số bị bắn rơi. Một số thi thể đã được hồi hương về Hà Lan, nhưng một số khác vẫn còn kẹt tại hiện trường tai nạn do giới điều tra không vào được địa điểm đang xảy ra xung đột.
La Croix nhận định, trong lúc quân đội Ukraina đang thắng thế tại miền Đông Ukraina thì đất nước lại rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Thủ tướng Arseni Iatseniouk đã từ chức hôm thứ sáu vừa qua.
Brazil: thu hoạch cà phê vụ mùa 2015 làm rung chuyển thị trường
Liên quan đến Châu Mỹ, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết : « Brazil: thu hoạch cà phê vụ mùa 2015 làm rung chuyển thị trường ». Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới dự kiến chỉ thu hoạch được 40 triệu bao cà phê (60 ký /bao), theo thông báo của Hội đồng cà phê hôm thứ sáu (CNC).
Les Echos cho biết, phía Đông-Nam Brazil, là vùng đất chuyên trồng để xuất khẩu cà phê arabica, lại gặp nạn hạn hán chưa từng thấy từ 80 năm nay, theo tổ chức dự báo thời tiết quốc gia. Gần ba tháng không có mưa nên tại một số vùng, cây suy yếu và khó có thể giữ được trái cho mùa tới. Sau đó, mưa lại rơi vào mùa xuân làm cho các chuyên gia lo ngại hoa trổ sớm. Hơn nữa, bệnh rỉ sắt lá, bệnh nấm tấn công vào lá, cũng có thể gây ra thiệt hại cho vụ mùa. Chủ tịch Hội đồng cà phê (CNC) nhận định : « Chúng tôi sẽ thu hoạch vừa đủ để cung ứng cho thị trường nhưng lượng dự trữ sẽ suy giảm đi, vì hai vụ mùa thất thu ».
Theo Les Echos, năm tới, lượng cung ứng cà phê arabica có thể thấp hơn nhu cầu ngày càng tăng khá nhanh của thế giới về loại thức uống này (tăng 5%/năm). Giới chuyên gia có những dự báo khác nhau về vụ mùa năm tới.
TAGS: QUỐC TẾ - ISRAEL - PALESTINE - HOA KỲ - ĐIỂM BÁO


Quyết định “đánh hổ” của Tập Cận Bình mang nhiều thông điệp

Quyết định “đánh hổ” của Tập Cận Bình mang nhiều thông điệp

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh chụp ngày 04/09/2013)
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh chụp ngày 04/09/2013)
REUTERS

Anh Vũ
Cuối cùng thì thông báo của đảng Cộng sản Trung Quốc mở điều tra Chu Vĩnh Khang vì những nghi vấn tham nhũng đã chính thức hoá các thông tin đồn đoán hay rò rỉ kéo dài hàng năm nay về số phận của nhân vật đầy quyền lực trong giới lãnh đạo Trung Quốc trong suốt một thập kỷ vừa qua.

Quyết định, có lẽ không mấy dễ dàng này, của ông Tập Cận Bình mang nhiều ý nghĩa đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận ở Trung Quốc cũng như giới quan sát chính trị quốc tế.
Thông báo ngắn gọn Ban Kỷ luật Trung ương quyết định mở điều tra về tham nhũng đối ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu Trưởng Ban Chính pháp Trung ương, cơ quan nắm toàn bộ an ninh nội chính và hệ thống tư pháp của chế độ Bắc Kinh, một người nắm giữ rất nhiều thông tin nội bộ và đầy quyền thế của Đảng từ năm 2002 đến 2012, đã gây sự chú ý của giới quan sát, bởi đây là một quyết định lớn và chưa từng có ở chế độ cộng sản Trung Quốc, nhưng lại mang nhiều thông điệp trong chính trường Trung Quốc.
Hôm nay, báo chí chính thức tại Trung Quốc đã nhất loạt ca ngợi quyết định dường như đã được mong đợi từ lâu nay. Tuy nhiên, xã luận nhật báo Anh ngữ China Daily viết : “Cho đến tận chiều tối thứ Ba, rất nhiều người còn nghi ngại ông Tập và các cộng sự của mình chưa chắc đã sẵn sàng đưa ra một quyết định chính trị mạo hiểm đến như vậy”.
Chu Vĩnh khang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”, hay nói một cách khác là có dính đến tham nhũng. Nội dung cơ bản của quyết định chỉ có thế, nhưng trong lịch sử của chế độ cộng sản Trung Quốc đầy biến động với các cuộc tranh giành quyền lực, đây là lần đầu tiên một cựu ủy viên Bộ Chính trị bị lôi ra điều tra vì tham nhũng. Vì thế, cú ngã ngựa, sau khi đã rút khỏi chính trường của Chu Vĩnh Khang, lần này mang nhiều ý nghĩa dưới mắt của giới quan sát chính trị Trung Quốc.
Ông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), chuyên gia chính trị Trung Quốc tại đại học Chinese University Hồng Kông nhận định, cú ngã này của ông Chu cho thấy “quyền lực của Tập Cận Bình đang được thiết lập vững vàng, vững tới mức mà ông ta có thể phá vỡ điều kiêng kỵ trong đảng, một thứ luật bất thành văn là không bao giờ động đến các cựu ủy viên Bộ Chính trị”.
Ông Tập Cận Bình bắt đầu lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc từ cuối năm 2012. Ngay sau đó, ông đã phát động một chiến dịch rộng lớn chống tham nhũng với khẩu hiệu “diệt cả ruồi lẫn hổ”, một cụm từ mà ông mượn ý của Mao Trạch Đông trong một cuộc thanh lọc nội bộ từ thời Cách mạng Văn hoá, để muốn nói lên quyết tâm sẽ loại trừ hết các cán bộ tham nhũng từ nhỏ đến lớn không kiêng nể một ai.
Theo chuyên gia Joseph Cheng, giáo sư đại học City University tại Hồng Kông, “Tập Cận Bình hiểu rằng chiến dịch chống tham nhũng rất được lòng dân và đánh mạnh vào các cán bộ tham nhũng sẽ giúp ông trở thành một lãnh đạo được quý mến mà không cần cải cách chính trị. Chắc hẳn đây là hướng đi mà ông đã chọn”.
Trong chính trường Trung Quốc, cho đến trước khi bị điều tra, quả thực Chu Vĩnh Khang là một “con hổ" lớn. Trong thời gian từ năm 2002 đến 2012, nhân vật này đã nắm trong tay toàn bộ hệ thống an ninh, công an và tư pháp của đất nước. Ông Chu còn được cho là người đỡ đầu đầu cho Bạc Hy Lai. Nhân vật cũng từng là ủy viên Bộ Chính trị. Đối thủ tiềm ẩn của Tập Cận Bình này đã bị loại khỏi chính trường bằng bản án chung thân sau khi bị kết tội tham nhũng, lạm quyền trong một phiên tòa gây trấn động dư luận hồi năm 2012, thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Bắc Kinh.
Trước khi ra quyết định điều tra con “hổ lớn”, hàng loạt các quan chức cộng sự cũ hiện còn đang nắm giữ các lĩnh vực quan trọng trong hệ thống và cả con trai của Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giữ.
Trong khi mà báo chí chính thức Trung Quốc như tờ Global Times hoan hỉ : “Giờ đây có thể dễ dàng tin được rằng luật pháp Trung Quốc sẽ không còn che chở bất kỳ ai vi phạm, cho dù người đó ở cấp bậc vị trí nào”, thì không ít nhà phân tích lại nhìn thấy ở đòn “đánh hổ” này của ông Tập một cuộc thanh lọc bè cánh để trở thành một nhân vật quyền uy nhất ở Trung Quốc.
Bà Marie Holzman, chuyên gia Pháp về Trung Quốc đương đại nhận định:
Chu Vĩnh Khang từng là người nắm an ninh, là cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong ê-kip của Hồ Cẩm Đào. Ê-kíp lãnh đạo này từ năm 2012 đã được Tập Cận Bình kế tục.
Người ta có cảm giác là Tập Cận Bình đang làm cuộc dọn dẹp lớn trong tất cả các phe nhóm không theo ông. Nếu ta đặt vấn đề logic đấu đá phe nhóm, trong đó Tập Cận Bình muốn bằng mọi giá thâu tóm quyền lực, thì rõ ràng ông ta phải loại bỏ Chu Vĩnh Khang. Đây là điều rất quan trọng. Ta hãy nhớ lại trường hợp trước đây của Staline và Beria. Nhân vật Beria khi đó là người đã nắm giữ rất nhiều thông tin bí mật về mọi người.
Từ giờ trở đi, có thể coi Chu Vĩnh Khang không còn tồn tại nữa thì sẽ đỡ đi rất nhiều lo lắng. Vậy vấn đề có phải thực sự là chống tham nhũng hay đây chỉ là một cuộc chiến phe cánh do một người chỉ đạo là Tập Cận Bình để giữ mọi quyền lực trước tất cả các phe khác?”.
Có một sự trùng hợp khá hài hước là ngày thông báo điều tra cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang rơi đúng vào “ngày quốc tế bảo vệ hổ”. Còn ở Trung Quốc, con hổ lớn của chế độ đang được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Giờ đây, dư luận đang chờ đợi hồi kết của cuộc chiến “diệt cả ruồi lẫn hổ ” của ông Tập Cận Bình.
TAGS: TRUNG QUỐC - PHÂN TÍCH - TẬP CẬN BÌNH - THAM NHŨNG - CHÍNH TRỊ - CHÂU Á


Bạo động Tân Cương : Cả trăm người chết và bị thương

Bạo động Tân Cương : Cả trăm người chết và bị thương

Tuần tra tăng cường tại Urumqi Tân Cương, sau vụ tấn công làm 30 người thiệt mạng ngày 22/05/2014
Tuần tra tăng cường tại Urumqi Tân Cương, sau vụ tấn công làm 30 người thiệt mạng ngày 22/05/2014
Reuters

Mai Vân
Vụ bạo động xẩy ra ở Tân Cương hôm thứ Hai 28/07/2014, có dấu hiệu rất nghiêm trọng. Trong lúc truyền thông nhà nước Trung Quốc vào hôm qua nêu lên con số « hàng chục » người chết và bị thương, tổ chức chính của người Duy Ngô Nhĩ ly khai, đặt trụ sở tại Đức, vào hôm nay 30/07/2014 đã nêu lên con sô khoảng « một trăm » trường hợp thương vong. Tổ chức này đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập.

Tối hôm qua, Tân Hoa Xã cho biết là một nhóm « khủng bố » võ trang bằng dao, đã xông vào tấn công một đồn công an và nhiều cơ quan chính quyền khác tại Huyện Toa Xa (hay Yarkand – theo thổ ngữ Duy Ngô Nhĩ), tỉnh Tân Cương. Lực lượng an ninh, theo nguồn tin trên, đã «hạ sát hàng chục kẻ tấn công vào thường dân và xe hơi ».
Vào hôm nay, theo ông Dilxat Raxit, phát ngôn viên của tổ chức ly khai Đại hội Thế giới Duy Ngô Nhĩ, trụ sở tại Đức, trích dẫn nguồn tin tại chỗ, thì có khoảng một trăm người chết và bị thương.
Người phát ngôn yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành vi « bóp méo sự thật » và trốn tránh trách nhiệm trong sự cố ở Huyện Toa Xa.
Theo ông Dilxat Raxit : « Vụ đàn áp bằng vũ trang của lực lượng an ninh Trung Quốc đã gây ra cảnh người chết và bị thương ở cả hai bên ». Ông Raxit còn đòi mở « một cuộc điều tra độc lập ».
Theo AFP, nhiều nhân viên khách sạn và nhà hàng ở Toa Xa, khi được hỏi về vụ « tấn công khủng bố » hôm 28/07, đều nói là họ không hay biết gì về sự cố kể trên.
TAGS: TRUNG QUỐC - XÃ HỘI - BẠO ĐỘNG - KHỦNG BỐ

Châu Âu đồng thuận trừng phạt kinh tế Nga

Châu Âu đồng thuận trừng phạt kinh tế Nga

Châu Âu quyết định trừng phạt lĩnh vực dầu lửa của Nga
Châu Âu quyết định trừng phạt lĩnh vực dầu lửa của Nga
REUTERS

RFI
Hôm qua, 29/07/2014, lần đầu tiên, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận chính trị cho phép tiến hành các trừng phạt kinh tế Nga. Cho đến nay, Châu Âu vẫn bị chia rẽ trong hồ sơ này. Vụ bắn rơi chiếc máy bay của hàng không Malaysia tại miền đông Ukraina đã làm cho lập trường của các nước xích lại gần nhau hơn.

Từ Bruxelles, thông tín viên Gregoire Lory gửi về bài tường trình :
« Thỏa thuận chính trị giữa các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đánh dấu sự thay đổi quan trọng về lập trường của khối này đối với Nga. Từ nay, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu thực hiện giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch trả đũa, trừng phạt Nga. Gói biện pháp này bao gồm các trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, thương mại và năng lượng.
Liên Hiệp Châu Âu quyết định đóng cửa thị trường của mình đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Nga. Các đối tác Châu Âu không được phép sử dụng, tiến hành các giao dịch về cổ phần hoặc công trái do các cơ sở này của Nga phát hành.
Châu Âu cũng cấm bán vũ khí cho Nga, thậm chí, ngừng mọi trợ giúp, kể cả trợ giúp kỹ thuật. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được áp dụng đối với các hợp đồng sẽ ký với Nga. Sự tách bạch này, do vậy, sẽ cho phép Pháp tiếp tục thực hiện hợp đồng giao hai chiếc tàu chiến loại Mistral cho Nga.
Châu Âu cũng ra tay trừng phạt Nga trong lĩnh vực năng lượng, nhưng chỉ giới hạn trong ngành dầu lửa, bởi vì một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga.
Với thỏa thuận chính trị này, các nước Châu Âu hy vọng sẽ thực hiện được các biện pháp trừng phạt cụ thể, nhanh chóng tác động đến nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt này sẽ được Châu Âu thông qua vào thứ Năm, 31/07 và có hiệu lực từ ngày 01/08 ».
TAGS: LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - NGA - UKRAINA - TRỪNG PHẠT - KINH TẾ - KHỦNG HOẢNG