Saturday, August 31, 2013

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam năm tới

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam năm tới

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ðại tướng Phùng Quang Thanh tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/8/2013.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ðại tướng Phùng Quang Thanh tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/8/2013.
CỠ CHỮ 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm thứ Tư đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Ðại tướng Phùng Quang Thanh, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ tại Brunei.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ông Hagel bày tỏ cam kết phát triển quan hệ quốc phòng song phương với Việt Nam và làm việc về các vấn đề như an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo thiên tai, và tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Ông Hagel cũng cam kết tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ năm 2011 về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.

Về vấn đề an ninh khu vực, bộ trưởng hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông và hoan nghênh những bước tiến tới việc phát triển một bộ quy tắc ứng xử chung của ASEAN.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gửi lời mời ông Hagel sang thăm Việt Nam vào năm sau, và ông Hagel đã nhận lời.

Hai bộ trưởng tiền nhiệm, ông Robert Gates và Leon Panetta, đều đã đến thăm Việt Nam trong nỗ lực vun xới cho mối quan hệ với Hà Nội và tăng cường quan hệ quân sự.

Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á, một phần là do hoạt động tăng cường quân sự của Trung Quốc và những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải rộng lớn của nước này đối với Biển Đông.

Chuyến thăm của ông Hagel đến Việt Nam năm sau đặc biệt mang tính biểu tượng. Ông Hagel và anh trai của mình, Tom Hagel, từng phục vụ một năm tại chiến trường Việt Nam vào năm 1968.

Báo Wall Street Journal trích lời ông Hagel nói ông rất mong đến Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam sau cuộc chiến là vào năm 1999, khi ông và anh trai được mời đến cắt băng khánh thành lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh.

Nguồn: US Department of Defense, blogs.wsj.com

Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về Biển Đông tại Brunei

Hội nghị ASEAN-Trung Quốc về Biển Đông tại Brunei

CỠ CHỮ 
Colin Lovett
Căng thẳng Biển Đông là bối cảnh chính của hội nghị trong tuần này giữa các vị ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc. Theo dự liệu, vấn đề này sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận tại Brunei, là nơi các vị bộ trưởng quốc phòng ASEAN đang họp với các vị tương nhiệm phía Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Colin Levett của đài VOA, hội nghị này có phần chắc sẽ không có đột phá nào về vấn đề Biển Đông.

Các nước ASEAN đang mong có được một giải pháp nhanh chóng cho cuộc thương thuyết về Bộ Qui tắc Hành xử Biển Đông và những cuộc đàm phán đa phương về những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở vùng này. Nhưng hai lập trường đó không phù hợp với lập trường của chính phủ Trung Quốc, là nước đã có những hành động táo bạo hơn trong vài năm gần đây để khẳng định những yêu sách chủ quyền biển đảo.

Sau cuộc họp không chính thức trong nửa ngày tại Thái Lan trong tháng này, các vị ngoại trưởng ASEAN cho biết họ đã sẵn sàng để lên tiếng với một tiếng nói đồng nhất về việc cần phải nhanh chóng tiến hành cuộc đàm phán về Bộ Qui tắc Hành xử, thường được gọi tắt là COC, để quản lý những hành vi trên biển và có thể dọn đường cho những cuộc đàm phán nhằm giải quyết những vụ tranh chấp chủ quyền.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông James Clad, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các tuyên bố của ASEAN có phần chắc sẽ không có tác dụng. Ông nói:

"Trước hết, tôi không tin ASEAN có một tiếng nói đồng nhất. Lấy thí dụ Campuchia, nơi mà các vị nguyên thủ quốc gia đã họp cách đây không lâu lắm. Campuchia đã làm hết sức mình để lấy lòng những người bạn của họ ở Bắc Kinh. Vì vậy ý tưởng cho rằng ASEAN có một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là chuyện mà cả trên lý thuyết lẫn trên thực tế đều không thể có được. Tuy vậy, việc đưa ra những tuyên bố như thế cũng là một việc có ích. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc này sẽ mang lại thành quả nào có thể đo lường được trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, là nước sẽ áp dụng chiến thuật trì hoãn như lâu nay họ vẫn làm."

Mối quan hệ chặt chẽ giữa Campuchia với Trung Quốc đã được mọi người chú tâm theo dõi hồi năm ngoái, khi vương quốc này tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Phnom Penh. Các vị bộ trưởng tại hội nghị, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, đã không đạt được đồng thuận về lời lẽ trong bản thông cáo chung – một dấu hiệu cho thấy sự tranh cãi giữa các nước ASEAN vẫn tiếp diễn.

Tuần trước, Ngoại trưởng Campuchia đã họp với Ngoại trưởng Trung Quốc và lên tiếng hô hào cho việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Lao Monghay, một nhà phân tích độc lập ở Campuchia, nói với đài VOA rằng đó chỉ là một phần của những thủ thuật của Bắc Kinh. Ông nói:

"Chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ ASEAN. Họ đã thành công tại hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia hồi năm ngoái."

Trung Quốc mới đây tuyên bố không nên vội vã đàm phán về Bộ Qui tắc Hành xử. Họ cũng tiếp tục phản đối việc tiến hành những cuộc đàm phán đa phương về những vụ tranh chấp chủ quyền và khẳng định là họ chỉ thảo luận với từng nước một.

Hoa Kỳ, là nước tuyên bố không ngã về bên nào trong những vụ tranh chấp lãnh thổ, đã gia tăng những hoạt động ngoại giao về vấn đề Biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear, cho biết có được một Bộ Qui tắc Hành xử là một bước tiến quan trọng cho khu vực:

"Chúng tôi tham gia một cuộc đối thoại rất năng động với Việt Nam về đề tài này và chúng tôi thảo luận tới nhiều việc khác nhau, trong đó có tình hình trên biển, về những việc liên quan tới cuộc thương thuyết có thể diễn ra với Trung Quốc về Bộ Qui tắc Hành xử. Chúng tôi tin rằng nếu bộ qui tắc được thương thuyết và thực thi thì điều đó sẽ làm cho những mối căng thẳng ở Biển Đông giảm đi rất nhiều."

Washington cũng đang ra sức tăng cường các mối quan hệ với đồng minh Philippines, trong đó có việc điều đình để gia tăng số binh sĩ Mỹ luân phiên trú đóng ở Philippines và bố trí những khí tài quân sự ở nước này.

Thứ hai vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ tăng 50% ngân khoản viện trợ quân sự cho các nước vùng Đông Nam Á.

‘Đất của Việt Nam’

‘Đất của Việt Nam’

Cập nhật: 08:39 GMT - thứ năm, 29 tháng 8, 2013
Mekong Delta
Người Việt đã khai khẩn vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400 năm nay
Trong một cuộc phỏng vấ́n mới đây với BBC, ông Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập Campuchia, cáo buộc Việt Nam đã sát nhập vào lãnh thổ của mình những vùng đất của người Khmer. BBC đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Đầu, một nhà nghiên cứu lâu năm về địa bạ cũng như lịch sử khai khẩn miền Nam, Việt Nam, để tìm hiểu về vấn đề này.
BBC: Thưa ông Nguyễn Đình Đầu, gần đây trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập Campuchia có tố cáo Việt Nam ‘chiếm đất của người Khmer’. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Có một phần Campuchia là vùng ngập nước có rất ít người ở. Người Campuchia ở trên cao tức là Angkor Wat. Miền Nam (Việt Nam) hồi xưa thuộc về một nước khác là Phù Nam. Đến thế kỷ thứ 8 người Campuchia mới lác đác đến đó. Đến thế kỷ 16, 17 người Việt tự động đến đó làm ăn sinh sống.
Ông Mạc Cửu là người chống Thanh (tức người Hán không chấp nhận sự cai trị của người Mãn Thanh nên chạy sang Việt Nam) đi tới miền Campuchia vào khoảng năm 1688 và được Campuchia thừa nhận là người mở đất khai phá. Mạc Cửu lấy bảy thôn có những người Việt Nam đã từng ở đấy và một số người Hoa, một ít người Khmer là Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá và Cà Mau (và thủ phủ là Hà Tiên). Tất cả các miền này là từ Cà Mau và một phần của Bạc Liêu đến tới Kam Pong Thom là thuộc về Hà Tiên của Mạc Cửu.
Đến năm 1708 thì Mạc Cửu xin với Chúa Nguyễn cho Hà Tiên thuộc về Đại Việt, thuộc về Đàng Trong. Như vậy là từ trên 300 năm nay tất cả các miền đó, tức là cả miền đáng lẽ lên đến Kam Pong Thom là thuộc về Việt Nam.
Trong các bản đồ, trong các tư liệu có tính cách quốc tế hoặc do người Việt Nam vẽ, hoặc do người ngoại quốc vẽ đều đã thừa nhận miền đất đó là của Việt Nam.
Đặc biệt ở những miền thí dụ như ở Phú Quốc thì ngày từ hồi đầu tiên không có người ta, không có người Khmer ở. Tôi là người nghiên cứu về địa bạ, tức là về đất và người ở những miền đó trên 200 năm nay, đã làm địa bạ ở Phú Quốc đấy thì (thấy) Phú Quốc đã gồm 10 xã thôn toàn là người Việt Nam cả. Riêng Phú Quốc đã ở trong Hà Tiên trên 300 năm nay vẫn làm ăn sinh sống bình thường và cư xử với người Khmer không có gì tranh chấp cả.
Tôi thấy bây giờ đòi lại thì chuyện ấy chẳng khác gì người Việt Nam đòi lại Quảng Đông, Quảng Tây cả vì câu chuyện đó đã xa xưa rồi, nay nó đã thay đổi rồi. Chẳng hạn như là Thế chiến thứ nhất bản đồ Âu châu đã vẽ lại. Đến Thế chiến thứ Hai thì cũng vẽ lại một phần. Đấy là những chuyện trong thời gian gần đây.
Còn đối với những miếng đất mà Campuchia cho là của mình đã thuộc về Việt Nam trên 300 năm nay không có tranh chấp gì cả suốt qua thời Pháp.
BBC: Theo như ông nói thì khi Mạc Cửu vào vùng Hà Tiên để mà khai pháp thì lúc này trên vùng đất này đã có người Khmer sinh sống rồi. Vậy nếu người Khmer lấy lập luận đấy mà bảo đấy là đất của họ thì có đúng không?
Người Khmer ở miền Tây Nam Bộ
Người Khmer là một sắc dân thiể̀u số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Đầu: Nói về dân số thì có người Khmer nhưng trong lịch sử cũng nói rõ ràng đó là trong bảy xã thôn thì đa số là người Việt Nam, rồi có nói rõ nữa là có một số người Hoa nữa, rồi một số người có lẽ là người Malay. Tất nhiên cũng có một số người Campuchia, nhưng không thể nói rằng vì có một số người Campuchia mà trong 300 năm nay thành ra đất của Việt Nam mà bây giờ đòi lại thì cái đó đứng về phương diện công pháp quốc tế tôi thấy không thích hợp, không chính đáng.
BBC: Lý do vì sao không chính đáng? Tại vì người Việt Nam chiếm số đông và người Việt Nam khai phá vùng đất này nên theo công pháp quốc tế là của Việt Nam?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Đúng là Việt Nam khai phá. Nếu ai mở bản đồ cổ ra thì thấy địa danh Hòn Đất (khác với địa danh Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay) ngày xưa là có một giám mục Công giáo lập một chủng viện, một trường cho học sinh ở đấy. Hòn Đất nó ở bên trên Hà Tiên khá nhiều, nó ở giữa Hà Tiên với Kam Pong Thom. Nếu mang những sách nghiên cứu về những người khám phá thời gian đó, đi thám hiểm đất đai thời đó, những bản đồ thời đó thì rõ ràng trên miền đất Campuchia bây giờ mà những bản đồ ấy còn ghi địa danh Việt Nam. Nếu đã là địa danh Việt Nam thì tất nhiên người Việt Nam ở đấy đa số.
BBC: Nhưng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những địa danh do người Khmer đặt theo tiếng của người Khmer như kênh Xà No chẳng hạn?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Cái đó thì có. Cái địa danh như Sài Gòn đó cũng là từ tiếng Khmer mà ra. Chúng ta biết rằng ngày xưa người Việt Nam dùng tiếng Việt Nam chứ ít khi dùng chữ Hán Việt. Khi viết thì tất nhiên dùng chữa Hán vì hồi đó ta chưa có chữ viết. Ngay cả những địa danh của người Champa ở miền Trung đến bây giờ vẫn để nguyên như Nha Trang chẳng hạn.
BBC:V ậy thì người Khmer lấy lý do là một số địa danh mang tiếng Khmer thì đấy là đất của họ. Lập luận đấy có đúng không?
Lãnh đạo đối lập Campuchia Sam Rainsy
Sam Rainsy đã lên án người Việt xâm lấn đất đai của người Khmer
Ông Nguyễn Đình Đầu: Nếu lấy lý do đấy thì người Champa phải phục hồi đất nước của họ à? Đất nước của họ rất mạnh từ thế kỷ thứ hai. Đất nước Việt Nam đến thế kỷ thứ 10 mới xuất hiện. Họ mạnh hơn nước Việt Nam hồi đó rất nhiều. Nhưng mà lấy lý do như vậy thì không còn đời sống bình thường của loài người nữa vì loài người có sự thay đổi, biến chuyển, lúc lên, lúc xuống, lúc mạnh bên này, yếu bên kia hay là thay đổi thế nào đó thì chúng ta bây giờ phải chấp nhận sự thực của lịch sử.
BBC: Theo như ông nói thì người Việt đã có công khai phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vậy thì trước khi người Việt đến thì người Khmer họ ở đây họ đã không khai phá vùng đất này nhiều à thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Theo sự nghiên cứu của tôi về ruộng đất, về địa bạ thì lúc bấy giờ không chỉ có người Khmer mà còn có người thiểu số... Đa số là họ chỉ ở trên các đồi gọi là trên các giồng thôi không quen lúa nước như người Việt Nam. Còn người Việt Nam thì ngay từ ngoài Bắc ở đồng bằng sông Hồng đã quen thói quen làm lúa nước. Cho nên gần như là trên 300 năm nay gần như có sự phân công tự nhiên: người Việt ở đồng bằng còn một số ít người Khmer hay người dân tộc thiểu số ở trên các giồng. Dần dần về sau thì họ rút lên miền Trung hoặc miền cao hơn.
BBC: Còn câu chuyện của người Pháp? Khi người Pháp đến Đông Dương thì họ vẽ bản đồ của ba nước Đông Dương có phải họ tự ý sát nhập vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Việt Nam mà việc này không được sự đồng ý của người Khmer hay không?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Nếu ta coi lại các bản đồ lịch sử tôi lấy ví dụ như bản đồ Việt Nam nhất thống toàn đồ hay bản đồ Taberd (do giám mục người Pháp Taberd vẽ) cũng năm 1838, hai bản đồ cùng năm 1838, thì thấy nước Việt Nam, tôi xin lỗi nhé, nó gần như to hơn Đông Dương của Pháp vì những nước ấy như nước Lào chưa được thống nhất còn nước Campuchia thì đương yếu thế bị nước Xiêm La (Thái Lan) xâm lấn. Nếu mà nước Việt Nam không tới thì có lẽ nước Campuchia đã bị Xiêm La đô hộ rồi. Sự tới sâu vào bên trong phía Campuchia cũng là do các vua chúa, chính quyền và chính người Campuchia yêu cầu Việt Nam đến để coi như là để giúp giữ được chính quyền đối với người Xiêm La. Tất nhiên mọi người đều viện lý do này lý do kia, thế này thế kia nhưng trong thực tế của thời đó chúng ta không thể lấy tư tưởng bây giờ mà nói được mà đấy là tình hình 300 năm về trước.
BBC: Thế còn bản đồ cổ của người Khmer thì như thế nào? Có bao giờ Vương quốc Khmer trong bản đồ họ có vẽ bao gồm luôn cả miền Nam Việt Nam hiện nay không?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Người Khmer về kiến trúc thì rất là giỏi, thế nhưng vẽ bản đồ thì không rõ ràng. Tôi chuyên nghiên cứu các địa danh thì các địa danh chính quyền thì bên phía Lục Chân Lạp chứ còn Thủy Chân Lạp địa danh rất là ít.
Chứng tỏ rằng Campuchia không có cai quản, cai trị một cách trực tiếp. Từ năm 1623 khi vua Chey Chettha II để cho Chúa Nguyễn lập Sài Gòn và Bến Nghé – hai địa điểm ấy từ thời đó đến nay đã là 400 năm rồi đã thuộc về Việt Nam. Không phải những đồn thu thuế ấy ở chỗ người Campuchia. Lúc bấy giờ đã có người Việt Nam đến làm ăn sinh sống nên lập đồn thu thuế là để lấy thuế của người Việt Nam và để giúp người Việt Nam sinh sống ở đó từ thời đó.
Điều tôi vừa nói ở trong Biên niên sử Khmer nói ra chứ không phải chính sử Việt Nam.

Thêm về tin này

Biển Đông là ‘vấn đề duy nhất’

Biển Đông là ‘vấn đề duy nhất’

Cập nhật: 10:56 GMT - thứ bảy, 31 tháng 8, 2013
Ngoại trưởng hai nước Việt - Trung
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Việt Nam đầu tháng Tám
Đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh ca ngợi quan hệ Việt – Trung và ngụ ý tranh chấp trên biển là ‘vấn đề duy nhất còn lại’.
Tối 30/8, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ tổ chức chiêu đãi, kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Tham dự có cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam.
Phát biểu trước 500 quan khách, đại sứ Việt Nam nói “một số vấn đề do lịch sử để lại đã từng bước được giải quyết”.
Ông cho biết: “Chúng tôi luôn có niềm tin rằng, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp thoả đáng cho vấn đề duy nhất còn lại trên cơ sở hiệp thương hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế.”
Tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giải thích thêm vấn đề được nhắc đến là tranh chấp Biển Đông.
Đại sứ Việt Nam cũng tiết lộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuần sau sẽ dự Hội chợ Triển lãm Trung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Nhân dịp này, ông Dũng sẽ hội đàm chính thức với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói thêm: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện đang sắp xếp chương trình cho chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Trung Quốc.”
Phát biểu tại bữa tiệc, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói “nay hai nước đã thực sự trở thành láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”.
Theo lịch, trong hai ngày 14 và 15/9 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, khối Asean và Trung Quốc sẽ họp về bộ Quy tác Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và khối Asean ký kết hồi năm 2002 thì COC nhằm giảm căng thẳng chính trị ở khu vực giàu trữ lượng tài nguyên này.
Trong cuộc họp tại Hua Hin, Thái Lan ngày 13/8-14/8, các ngoại trưởng Asean đã thống nhất sẽ thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Thêm về tin này

Chu Vĩnh Khang, phần hai của phim nhiều tập Bạc Hy Lai

Chu Vĩnh Khang, phần hai của phim nhiều tập Bạc Hy Lai

Ông Chu Vĩnh Khang, từng là Ủy viên thường trực của Bộ chính trị - REUTERS
Ông Chu Vĩnh Khang, từng là Ủy viên thường trực của Bộ chính trị - REUTERS

Minh Anh
Báo Le Figaro cũng có một bài khá hấp dẫn liên quan đến những biến động chính trị đang âm thầm diễn ra tại Trung Quốc. Phần I của vụ án Bạc Hy Lai sắp đến hồi hạ màn, thì người dân Trung Quốc sắp tới đây có lẽ sẽ được thưởng thức phần 2 của bộ phim dài nhiều tập này.

Báo Le Figaro hôm nay 31/08/2013 trích dẫn nguồn tin từ tờ South China Morning Post và tờ Post cho hay là trong bối cảnh chiến dịch « Bàn tay sạch » do Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa ra, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như buộc phải mở một cuộc điều tra về một qaun chức cao cấp khác. Tờ báo chạy tựa « Trung Quốc : một « con hổ » khác bị chiến dịch chống tham nhũng đe dọa ».
Tờ báo viết là vòng vây đang dần xiết chặt xung quanh Chu Vĩnh Khang, một trong những vị quan chức cao cấp đầy quyền lực nhất của Trung Quốc. Sở dĩ có nhận định như vậy là trong những ngày gần đây, bốn trong số các nhân vật thân cận của ông Chu Vĩnh Khang lần lượt bị bắt giữ vì tội « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng ». Cả bốn vị này đều bị dính đến tội kinh tế.
Ông Chu Vĩnh Khang, từng là Ủy viên thường trực của Bộ chính trị, kiêm phụ trách vấn đề an ninh trong nước, đã về hưu sau kỳ đại hội Đảng lần thứ 18 hồi mùa thu năm 2012. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn là vì quyết định mở điều tra ông Chu Vĩnh Khang lại trùng hợp với phiên xử ông Bạc Hy Lai về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, cũng là một kẻ thân cận với ông Chu.
Trước khi ông Bạc Hy Lai bị hạ bệ, chính ông Chu Vĩnh Khang đã đi vận động trong hậu trường sao cho viên cựu Bí thư Trùng Khánh được thế chân ông trong Bộ Chính trị. Giả như nguồn tin xác nhận rằng có điều tra về ông Chu Vĩnh Khang, đây có lẽ sẽ là lần đầu tiên kể từ Cách mạng Văn hóa, một thành viên cao cấp trong Ban thường vụ của Bộ chính trị đang tại vị hay về hưu, bị tình nghi ‘‘phạm tội’’, theo như quan sát của nhật báo Hồng Kông Post được Le Figaro trích dẫn. Cho đến giờ này, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì hiện trạng có từ những năm 1970, theo đó chín vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước được hưởng quy chế « miễn truy tố » hoàn toàn.
Tờ South China Morning Post cho rằng « Cú sốc điều tra chống lại ông Chu Vĩnh Khang có thể sẽ gây ra những chấn động chính trị còn mạnh hơn là trong vụ Bạc Hy Lai ». Một vụ cuộc điều tra như vậy khẳng định quyết tâm của dàn lãnh đạo mới chống tham nhũng. Ông Tập Cận Bình ngay khi lên nắm quyền vào tháng 11 năm 2012, đã cam kết là đập mạnh « từ con hổ cho đến con ruồi ».
Còn tờ Post trích các nguồn thạo tin từ các nhà điều tra, thì có lẽ chính khối tài sản mà gia đình ông Chu Vĩnh Khang gom góp đã gây phẫn nộ ngay trong nội bộ đảng đến mức dường như cựu chủ tịch Giang Trạch Dân buộc phải bỏ rơi « đứa con đỡ đầu » của mình.
Theo Le Figaro, nghi ngờ bắt đầu phủ lên ông Chu Vĩnh Khang vào cuối tháng 12 năm 2012, vào lúc các nhà điều tra của đảng cho bắt giữ một loạt các cán bộ và doanh nhân tại tỉnh Tứ Xuyên, địa bàn mà « con hổ » Chu Vĩnh Khang từng làm lãnh đạo đảng trong giai đoạn 1999-2002.
Theo tờ báo, ngoài ông Quách Vĩnh Tiên, phó thị trưởng Tứ Xuyên đang bị điều tra, chính phủ vừa cho mở một điều tra mới liên quan đến tập đoàn dầu khí Quốc gia CNPC. Ông Chu Vĩnh Khang cũng từng lãnh đạo tập đoàn này trong những năm 1990. Các nhà điều tra muốn biết ông Chu Vĩnh Khang và gia đình của ông có lợi dụng đặc quyền đặc lợi để làm giàu bất chính trên thị trường dầu khí hoặc là những lợi nhuận mà con trai của ông là Chu Bân thu được, do đầu cơ trong ngành địa ốc.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều từ chối đưa ra bình luận về lời đồn này. Hôm thứ tư vừa qua, tên ông Chu Vĩnh Khang vẫn xuất hiện chính thức trong danh mục các vị lãnh đạo cao cấp gởi vòng hoa phúng điếu đến tang lễ một nhà khoa học nổi tiếng. Le Figaro cho rằng kiểu « xuất hiện công khai » này thường là phương thức rất đặc trưng được Đảng sử dụng để gạt bỏ mọi tin đồn, như đối với ông Bạc Hy Lai trước khi ông này bị hạ bệ.
Tổng thống Pháp tham chiến bất chấp công luận
Syria vẫn là chủ đề thời sự chính trên các báo Pháp cuối tuần. Sau khi Anh Quốc rút ra khỏi liên minh, do không được Quốc hội thông qua, tổng thống Pháp François Hollande kiên quyết giữ vững lập trường làm đồng minh với Mỹ tham gia trừng phạt Syria. Đối với các báo Pháp, « Ông Hollande tham chiến bất chấp công luận ».
« Hollande kiên quyết đưa nước Pháp tham chiến tại Syria » là tựa đề bài viết trên Le Parisien. Bức ảnh chụp cho thấy tổng thống Pháp đã có trao đổi trực tiếp với Tổng thống Mỹ Barack Obama qua điện đàm, khẳng định Pháp sẽ là đồng minh của Mỹ trong trận chiến này, cho dù Anh quốc đã thoái lui. Le Parisien công bố kết quả một thăm dò do cơ quan thống kê BVA thực hiện cho đài truyền hình i-Télé cho biết gần 2/3 dân Pháp chống lại quyết định can thiệp quân sự tại Syria.
Libération chạy tít lớn trên trang nhất « Pháp-Mỹ : trục chiến tranh ». Bất chấp việc Anh quốc bỏ cuộc, Paris và Washington vẫn quyết định tấn công chế độ Syria. Tờ báo lợi dụng cơ hội này để đánh giá động cơ của một vị tổng thống trong « một giây phút hiếu chiến ». Bằng cách tham chiến, ông Hollande muốn chứng tỏ rằng nước Pháp sẽ chẳng mất mát gì cả dưới sự lãnh đạo của ông.
Ngoài tít lớn trên trang nhất « Không chỉ có chuyện lật đổ tên độc tài Syria », báo Le Monde trong mục Tranh luận, đưa ra nhiều quan điểm đối lập nhau. Giáo sư triết học tại Đại học Harvard, ông Sadik al-Azam cho rằng « nền chính trị, bị trưng thu bởi chế độ theo hệ phái alaouite, nghĩa là gia đình al-Assad, phải trao trả lại cho dân tộc Syria ».
Theo ông, đây chính là một chế độ quân sự nhẫn tâm, được một hệ phái thiểu số ủng hộ, hệ alawite, vì đã dùng loại vũ khí hiện đại nhất để tàn sát cuộc nổi dậy của những người theo hệ phái đa số sunni. Ông cho rằng « Cần phải hạ bệ triều đại al Assad tại Syria » để chấm dứt hành động sát hại những người theo hệ sunni.
Ngược lại, nhà nghiên cứu Chady Hage-Ali chuyên về Quan hệ quốc tế tại Đại học Valenciennes, lại phản đối một cuộc tấn công quân sự chống lại Damas. Ông e sợ rằng như vậy sẽ làm suy yếu Israel. Theo ông, phe Hezbollah, vốn ủng hộ chính quyền Damas rất có thể sẽ tận dụng cơ hội để trả đũa Israel « Họ (tức là Hezbollah) có thể tấn công Israel ở những mức độ chưa bao giờ đạt đến… Sự đi lên của phe khủng bố cũng có thể làm chao đảo Liban và Ai Cập, đưa các quốc gia này đi theo vết xe của Syria ». Đây sẽ là một kịch bản tồi tệ rất đáng sợ. Do đó, ông cho rằng « đã đến lúc tái đàm phán nghiêm túc và trong bí mật ».
Snowden lại khuấy động nước Mỹ
Trở lại với vụ Edward Snowden, thông tín viên nhật báo Libération tại Washington cho biết, ba tuần sau khi tổng thống Barack Obama cam kết « minh bạch » hơn nữa, viên cựu nhân viên tư vấn tình báo Edward Snowden lại tung thêm nhiều tiết lộ mới, khi vừa cung cấp cho tờ Washington Post một tập tài liệu dày 178 trang để trình báo cho Quốc hội Mỹ vào tháng 2/2012. Tập hồ sơ này ghi rõ tổng cộng 52,6 tỷ đô-la đã được chi ra cho 16 cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Libération cho rằng « Snowden tung tin về ngân sách các cơ quan tình báo ».
Theo nội dung tiết lộ, Cơ quan phản gián CIA đòi mức chi ngân sách cho năm nay là 14,7 tỷ đô-la, cao hơn mức yêu sách của Cơ quan an ninh Quốc gia NSA đến gần 4 tỷ, tức chỉ có 10,8 tỷ đô-la, bất chấp kết quả làm việc kém năng suất. Tiếp đến là National Reconnaissance Office, chuyên trách về gián điệp vệ tinh với ngân sách đòi hỏi là 10,3 tỷ đô-la. Cuối cùng là hàng trăm triệu đô-la còn lại được chia đều cho các tập đoàn viễn thông Hoa Kỳ nhằm yêu cầu họ cung cấp các dữ liệu khách hàng.
Libération cho biết một chi tiết hấp dẫn khác là danh sách các « lỗ đen » mà các cơ quan giám sát này thú nhận. Trong số các mục tiêu chưa xác định được, tài liệu Snowden cung cấp liên quan đến nhiều vấn đề : vũ khí hóa học và sinh học của Nga và Pakistan, nhất là quân khủng bố Hezbollah tại Liban, vận chuyển nguyên vật liệu hạt nhân của Pakistan, chiến đấu cơ thế hệ tới của Trung Quốc, phản ứng có thể có của Nga với các « sự kiện bất ổn », vấn đề Bắc Triều Tiên hay như mối đe dọa khủng bố ngay trên đất nhà (tức Hoa Kỳ)…
Libération trích dẫn kết luận của Washington cho rằng bất chấp « ngân sách » ngày càng phồng to lên sau sự kiện 11 tháng Chín 2001, các cơ quan trên vẫn không có khả năng cung cấp cho Tổng thống các thông tin chính yếu về một loạt các mối đe dọa cho an ninh quốc gia ».
Những bà nội trợ ngày nay là ai ?
Mục xã hội sẽ khép lại phần điểm báo hôm nay với chủ đề « Những bà nội trợ ngày nay là ai ? » của báo Le Parisien. Theo một kết quả thăm dò do Viện thống kê Pháp thực hiện, lượng các bà nội trợ ngày nay ít hơn cách đây 20 năm 1,4 triệu người. Họ không còn dành cả đời họ cho việc nhà như xưa và vị thế của họ vẫn bị xã hội nhìn không mấy thiện cảm.
Kết quả điều tra của Viện Thống kê quốc gia Pháp Insee cho biết hiện nay vẫn có đến 2,1 triệu quý cô, quý bà không có việc làm và cũng không muốn đi làm. Dĩ nhiên, trong số 2,1 triệu người đó, vẫn còn có rất nhiều người vẫn theo mô hình « cổ điển », thật sự là « những bà nội trợ » theo đúng nghĩa đen.
Như vậy số còn lại, theo nghiên cứu của Insee thì các bà nội trợ ngày nay không còn quanh quẩn trong bốn bức tường nhà nữa, mà họ « chân trong, chân ngoài » tức « làm việc » xen kẽ với « nghỉ ngơi ». Các bà nội trợ thế kỷ XXI này, học thức cũng cao hơn, hơn 1/3 trong số họ đã có bằng tú tài, so với tỷ lệ 15% cách đây 20 năm. Họ cũng trẻ tuổi hơn (nghỉ ở nhà ở độ tuổi 20 và 34 tuổi hơn giữa 40 và 49 tuổi).
Giải thích cho nguyên nhân vì sao có nhiều phụ nữ học thức không muốn đi làm, nhà nghiên cứu Zohor Djider cho rằng đó là do sự chán nản. « Bởi vì thế giới việc làm có quá ít ý nghĩa, tôi sẽ đi tìm nó ở chỗ khác vậy và tận dụng khoảng lặng này ». Và hình như đó là khẩu hiệu của thế hệ phụ nữ nội trợ mới ngày nay. Các khoảng lặng này thường chỉ có tính chất tạm thời so với cách đây 20 năm và thường đi chung với việc sinh con. Trong một đất nước mà thiếu đến 300 ngàn chỗ trong các nhà trẻ thì quả là các bà các cô không còn lựa chọn nào khác.
Nghiên cứu còn cho thấy trong số các bà nội trợ, nhiều người còn chấp nhận hy sinh công ăn việc làm, kéo dài thời gian nghỉ tạm để dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Tuy nhiên theo quan điểm của nhà xã hội học Dominique Maison, « họ có nguy cơ bị gạt ra bên lề rất cao, trên phương diện cá nhân lẫn xã hội ». Bà cũng lưu ý là số người này cũng bị hứng chịu nhiều cái nhìn không mấy thiện cảm từ những người khác, những người phụ nữ có đi làm.
 
TAGS: CHÂU Á - THAM NHŨNG - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO