Tuesday, May 31, 2016

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản theo dõi sát sao các cuộc diễn tập của Trung Quốc

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản theo dõi sát sao các cuộc diễn tập của Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, một đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã thực hiện một cuộc diễn tập liên tục trong 48 giờ ở phía Tây Đại Tây Dương trước sự theo dõi chặt chẽ của tàu Mỹ và Nhật Bản gần đó.
Cuộc diễn tập được tiến hành vào hai ngày 22 và 23/5 vừa qua đã có sự tham gia của những tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc. Báo PLA Daily đưa tin, hai chiến hạm của Mỹ và Nhật Bản cùng hai trực thăng chống hạm đã theo dõi hoạt động diễn tập quân sự trên biển từ khoảng cách xa.
Một tàu quân sự của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm 2014.
Các tàu này trước đó đã tham gia vào một cuộc tập trận trên Biển Đông vào đầu tháng 5 này, và một lần nữa cho thấy mức độ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đội tàu của Trung Quốc đã tiến hành diễn tập tấn công và phòng vệ ở bãi đá Subi và một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào ngày 8 và ngày 9/5.
Trong cuộc tập trận vừa qua ở Tây Thái Bình Dương, hai chiến hạm Lan Châu và Hợp Phì, tàu khu trục Tam Á cùng một phi đội máy bay ném bom đã thực hiện diễn tập tấn công giả định tàu chiến Quảng Châu và tàu khu trục Ngọc Lâm. Một tàu ngầm khác đóng vai trò là một mũi tấn công nhằm vào hai đội tàu trên. Cũng theo báo PLA Daily, cuộc diễn tập cũng có sự tham gia của các tàu hậu cần và máy bay cảnh báo sớm.
Thuyền trưởng của tàu Hợp Phì là ông Zhao Yanquan cho biết, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ và Nhật Bản đã khiến quá trình diễn tập trở nên phức tạp, do các tàu của Trung Quốc bắt buộc phải cảnh giác trước các tàu chiến và máy bay nước ngoài.

Là một phần trong chuỗi hoạt động tập trận của Hạm đội Nam Hải, các tàu trên sẽ tiếp tục thực hiện diễn tập ở phía Đông Ấn Độ Dương.
“Sự hiện diện quân sự sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế cho đất nước”, ông Ni cho biết. “Trung Quốc không cần phải gây chiến với bất kỳ nước nào. Chỉ lợi thế về mặt quân sự sẽ đủ để giúp Trung Quốc có thêm nhiều khoản đầu tư, thực hiện nhiều dự án kinh doanh mới và hỗ trợ giải quyết xung đột quốc tế”.
Cuộc diễn tập trên biển diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang ngày càng nóng lên. Dù vậy, Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ tham gia cuộc diễn tập RIMPAC do Mỹ tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 tới.
Tuần trước, hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã chặn một máy bay do thám EP-3 của Mỹ. Lầu Năm Góc cho biết đây là một hành động gây hấn không an toàn, song Bắc Kinh phủ nhận tuyên bố trên và khẳng định rằng họ đã làm đúng luật pháp quốc tế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Anh Tuấn (lược dịch)
MỚI NHẤT

Tin thế giới 18h30: Trung Quốc muốn lấy lòng tân Tổng thống Philippines?

Tin thế giới 18h30: Trung Quốc muốn lấy lòng tân Tổng thống Philippines?

Ukraine tìm cớ “xù nợ” Nga; Chính phủ và Tổng thống Ukraine "đi đêm" với IMF; Lính Mỹ đầu tiên bị IS sát hại tại Syria; Trung quốc mềm mỏng với Philippines; Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị xâm lược Syria…là những tin thế giới nổi bật nhất ngày 31/5.
Tình hình Biển Đông
*Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/5 gửi lời chúc mừng tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ông Tập nói hai nước có mối quan hệ truyền thống và tình hữu nghị sâu sắc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Quan hệ Trung Quốc - Philippines phát triển hữu nghị, ổn định và vững mạnh phù hợp với lợi ích cơ bản của hai nước và người dân", ông Tập nói và nhấn mạnh "Tôi hy vọng hai bên có thể nỗ lực hành động để đưa quan hệ song phương quay lại hướng phát triển vững mạnh".

*Hôm 30/5, Trung Quốc đã đưa ra một “tuyên bố nghiêm khắc” phản đối Indonesia sau khi quân đội nước này bắt giữ một tàu cá của Bắc Kinh do nghi ngờ đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia ở Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố phía Bắc Kinh, ông Achmad Taufiqoerrochman, Chỉ huy Hạm đội phía Tây Indonesia cho biết tàu đánh cá Gui Bei Yu của Trung Quốc "có nhiều chứng cứ" cho thấy đã đánh bắt trái phép, căn cứ vào lượng hải sản đánh bắt được tìm thấy trên tàu.
*Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối tuần này sẽ tới Trung Quốc để thảo luận một loạt vấn đề tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Theo hãng Anshora, chuyến thăm này của ông Kerry diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh do Trung Quốc bành trướng quân sự ở biển Đông.  
Mỹ đã thực hiện một số chiến dịch "tự do hàng hải", cố tình áp sát trên không và trên biển các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
*Tàu Sahyadri và Shakti của hải quân Ấn Độ đã cập cảng vịnh Subic của Philippines trong một chuyến thăm ba ngày.
Đây là một phần trong chiến lược triển khai Hạm đội miền Đông đến biển Đông và tây Thái Bình Dương của New Delhi. Hãng tin The Hans India ngày 31/5 cho biết trong suốt chuyến thăm, các tàu trên sẽ có các hoạt động tương tác chuyên nghiệp với hải quân Philippines theo hướng tăng cường hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước.
Tình hình Syria
*Chiều ngày 30/5/2016, quân đội Syria bắt đầu trận giao chiến ác liệt giành lại đồi al-Raqem và al-Mazaleh từ lực lượng Hồi giáo cực đoan trên vùng nông thôn phía đông bắc Latakia.
Quân đội Syria
Cuộc tấn công ngày 30/5 được thực hiện bởi một số đơn vị khác nhau của quân đội Syria, chủ công là lực lượng Diều hâu Sa mạc và Lính thủy đánh bộ Syria. Các nhóm chiến binh nổi dậy là lực lượng Jabhat al-Nusra và Lữ đoàn duyên hải số 1 Quân đội Syria tự do(FSA).
*Các nguồn tin từ Syria cho biết, một binh sĩ Mỹ vừa thiệt mạng trong cuộc tấn công tự sát của phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở làng Al-Hisha, ngoại ô thành phố Raqqa (Syria).
Theo đó, vụ tấn công xảy ra hôm 29/5. Lính Mỹ thiệt mạng khi đang chiến đấu cùng với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Thi thể của người này đã được bí mật chuyển về căn cứ không quân Incerlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nguồn tin cho hay: đây là trường hợp lính Mỹ đầu tiên bị thiệt mạng trong số 200 binh sĩ mà Washington mới cử đến chiến trường Syria nhằm chống lại IS.
*Một thành viên của Liên minh Dân chủ Kurdistan  ở Syria (PDS) "tố" quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị xâm lược Syria.
Trong bối cảnh các cuộc xung đột đẫm máu giữa phiến quân IS và chiến binh Quân đội Syria Tự do (FSA) ở thị trấn Azaz, miền bắc Aleppo, đang diễn ra, các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã “đóng quân” ở thị trấn này.
Trước đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm làng Hamam ở khu vực Afrin. Có tin nói lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị mở cuộc tấn công ở vùng Azaz.
*Công ty vận tải hàng không Abakan Air của thành phố Khakassia (Nam Siberia, Nga) hầu như mỗi ngày đều thả hàng viện trợ nhân đạo bằng dù cho người dân Syria tại các khu vực ở phía đông bắc của Syria hiện đang bị IS bao vây.
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Abakan Air, Vladimir Raskov, đội máy bay IL-76 thực hiện nhiệm vụ nhân đạo có trụ sở tại Jordan và tất cả phi công đều là người Nga. Tất cả các chuyến bay cứu trợ đều được thực hiện dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu và hàng viện trợ nhân đạo được thả bằng dù từ độ cao 5 nghìn mét.
Tình hình Ukraine – Nga
*Phát biểu trong một cuộc họp ngày 30/5, Tổng thống Petro Poroshenko đã lên tiếng thề sẽ ủng hộ cho cựu Tổng thống Gruzia và hiện là tỉnh trưởng tỉnh Odessa của Ukraine – ông Mikhail Saakashvili. Ông Saakashvili là một người chống Nga vô cùng mạnh mẽ và được xem là kẻ thù của Nga.
Tổng thống Petro Poroshenko và tỉnh trưởng tỉnh Odessa của Ukraine – ông Mikhail Saakashvili
Tại cuộc họp, ông Poroshenko đã chỉ đạo ông Saakashvili thúc đẩy hoạt động của đầu não Lực lượng Hải quân Ukraine ở Odessa đồng thời xem xét khôi phục kế hoạch xây dựng một con đường nối tới Rumani và Bulgari.
*Ukraine đã tìm được 3 lý do để không trả Nga khoản nợ 3 tỷ USD mua trái phiếu phát hành ở châu Âu là do Nga "can thiệp quân sự" vào miền Đông nước này và "thôn tính" bán đảo Crimea.
Ukraine nợ Nga tiền mua trái phiếu châu Âu số tiền là 3 tỷ USD (cộng với lãi suất - 75 triệu USD). Thời hạn Ukraine cần phải thanh toán là ngày 31/12/2015.
*Ngày 30/5, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksander Turchinov cảnh báo đụng độ tại khu vực miền Đông Ukraine (Donbass) có thể leo thang thành "chiến tranh toàn diện".
Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Litva Loreto Grauzhinene, ông Turchinov nêu rõ, với Kiev "điều tối quan trọng là cần nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Phương Tây" vì Ukraine không có đủ vũ khí. Theo ông Turchinov, hôm 23/5, lực lượng vũ trang Ukraine tại Donbass đã hứng chịu tổn thất kỷ lục trong năm qua với 7 binh sĩ thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
*Chủ tịch Đảng "Tổ quốc", bà Yulia Tymoshenko ngày 30/5 đã cáo buộc Chính phủ và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký thỏa thuận "bí mật" với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo bà Tymoshenko, văn kiện này "thực sự đáng sợ" vì nó được thực hiện "sau lưng Quốc hội".
Nhà lãnh đạo Đảng "Tổ quốc" cũng yêu cầu công khai tất cả các văn bản ký với IMF, cũng như "ngay lập tức tổ chức một cuộc tranh luận công khai tại Quốc hội với sự tham gia của chính phủ và Tổng thống". Chủ tịch Đảng Cấp tiến, ông Oleg Lyashko cũng yêu cầu "ngay lập tức công bố" văn kiện này.
Đức Dũng (tổng hợp)
MỚI NHẤT