Thật khó để tìm kiếm những hình vẽ (tất nhiên, vì tìm được những tấm hình chụp còn khó hơn nhiều) về giai đoạn trước đó nữa – tính từ mốc thời gian trong nội dung bài này. Chúng tôi đành tạm thời bằng lòng với những gì có được. Mong rằng Quý Bạn Đọc cũng tạm thời chấp nhận như vậy và thông cảm cho.
Các bức ảnh dưới đây sắp xếp không theo trình tự thời gian, mà theo trình tự không gian từ Đồng Đăng – Việt Nam đến Ải Nam Quan sang Long Châu – Trung Quốc.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (1882) đoạn nói về Ải Nam Quan: “Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, Án Sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là “Đại Nam Quan”; phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề “Trấn Nam Quan”, dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ “Trung ngoại nhất gia”, dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có ”Chiêu đức đài”, đằng sau đài có “Ðình tham đường” (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có”Ngưỡng đức đài” của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.”
Theo “Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ” của Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư và Ðỗ Ðình Nghiêm (Nhà in Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội, 1926): “Cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ Hà Nội lên đến tỉnh lỵ Lạng Sơn là 150km; đến cây số 152 là chợ Kỳ Lừa; đến cây số 158 là Tam Lung; đến cây số 162 là Ðồng-Ðăng; đến cây số 167 là cửa Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy từ Ðồng Ðăng lên cửa Nam Quan có 5km; từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15km [về phía tây nam chợ Kỳ Lừa có động Tam Thanh, trước động Tam Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng Sơn] và từ tỉnh lỵ Lạng Sơn lên Nam Quan là 17km.”
Thị xã Đồng Đăng nhìn từ đỉnh cao của trạm quan trắc, nơi đóng quân của một đội trưởng bộ binh bản xứ
và một trung úy Pháp. (cuối 1906 – Ảnh: trang Ecpad).
Ga Đồng Đăng, ga cuối trên biên giới của tuyến đường sắt đường sắt Hà Nội – Vân Nam
(cuối 1906 – Ảnh: Imbert Edgard).
Một trong những bức ảnh của tạp chí LIFE về Việt Nam thời Pháp thuộc. Hình ảnh chuột Mickey cầm súng đứng gác giúp ta ước đoán bức ảnh được chụp vào những năm 1930, khi hình tượng chuột Mickey trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Bảng chỉ dẫn mang dáng hình cửa ải ghi rõ khoảng cách từ Đồng Đăng đến Nam Quan là 4km. Hoạt động canh giữ cửa khẩu biên giới thể hiện qua số lượng binh sĩ và các xe quân sự.
Chỉ dẫn ghi trên tường: Đường sang Trung Hoa qua cửa Nam Quan.
Ải Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng.
Đường lên biên giới Việt–Trung đi qua những ngọn núi. Đường mòn quanh co, gập ghềnh,
qua những sườn dốc nguy hiểm.
Đồng Đăng – Đồn canh của Pháp trên đường biên giới. Nhìn về phía Ải Nam Quan. Đã hiện ra vệt mờ của bức tường thành trên sườn dốc của ngọn núi bên phải dẫn tới điểm cao nơi đặt đồn canh của Pháp.
Đồn Pháp nhìn từ Ải Nam Quan.
Nam Quan: Cửa quan sang Trung Quốc. Đồn biên giới Trung Quốc và lô-cốt Pháp.
(Một bức trong loạt bưu ảnh “Đồn và lô-cốt địa đầu Bắc Bộ”).
Hình chụp từ cao điểm thấy rất rõ hai cửa quan.
Toàn cảnh Ải Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng. Đã thấy rõ hai cửa quan: cửa của Việt Nam nhỏ bé, khiêm nhường, một tầng mái; cửa của Trung Hoa lớn hơn, hai tầng mái. Một dải tường thành chạy lên núi từ hai bên cửa quan Trung Hoa. Trên con đường chạy về cận cảnh bức ảnh có một số nhân vật đang di chuyển. Rõ ràng, mặc dù về mặt tự nhiên đây là vùng rừng núi, nhưng cả người Pháp và nhà Thanh đều chủ ý để khu vực cửa khẩu trơ trọc nhằm theo dõi mọi biến động.
Ải Nam Quan (trước) năm 1905. Dù hướng chụp chính diện làm cho cửa quan của Việt Nam lẫn vào công trình đồ sộ của “nước lớn” Trung Hoa, nhưng vẫn thấy rõ ba tầng mái của hai cửa quan. Hai phía Ải Nam Quan của Việt Nam cũng có hai bờ tường chạy về hai ngọn núi, nhưng ngắn hơn và có hình bậc thang.
Khoảng cách chụp gần lại, phân biệt rất rõ hình dáng của hai cửa ải.
Hướng chụp từ trên điểm cao cho thấy giữa hai cửa quan là một vùng đệm. (Bưu ảnh gửi đi ngày 6.03.1907).
Bức ảnh tương tự với chú thích của người sử dụng.
Vị trí chụp từ trên đường đi.
Bức ảnh này cắt từ hình kế dưới làm tư liệu ảnh nhưng việc ghi thời điểm chụp bức ảnh là ngày 2/8/1940 như ảnh dưới hoàn toàn không có cơ sở. Đến cuối năm 1906 cửa quan của Trung Hoa chỉ còn một mái lầu nhưng trong bức ảnh này vẫn thấy rõ hai mái lầu giống như các bức ảnh chụp trước đó.
Hình phụ: Có thể suy luận ngày 02 tháng 8 năm 1940 là ngày đăng bức ảnh này trên một tài liệu (báo) nào đó,
chứ không phải ngày chụp.
Khoảng cách từ phía người chụp rút ngắn lại từ vị trí trên đường đi và có “tô” màu.
Một bức bưu thiếp rất đẹp và có giá trị bởi dòng lưu bút của người sử dụng cho biết vị trí Ải Nam Quan
cách tỉnh lỵ Lạng Sơn 17km, được tu sửa vào năm 1908…
Một tốp lính và sĩ quan Pháp trước Ải Nam Quan.
Cận cảnh.
Hoạt động bang giao diễn ra nơi cửa quan thời điểm chụp bức ảnh này có vẻ rất hòa hảo. Còn nhớ sau Công Ước
Thiên Tân 1885, người Pháp đã xúc tiến một dụ án rất tham vọng: xây dựng mạng lưới đường sắt từ phần lãnh thổ
Đông Dương sang Vân Nam. Tuyến đường này khánh thành ngày 31/3/1910.
Một bức ảnh vô cùng quý hiếm với cận cảnh hình trang trí trên cửa ải, nhìn rõ các vòm cổng của hai bên cũng như bức bình phong chắn ngang phía Trấn Nam Quan.
Đây là một bức ảnh gây tranh cãi bởi sự khác biệt trong hình dáng của Ải Nam Quan.
Vùng đệm nằm giữa hai cửa quan. Hướng chụp vẫn từ phía Việt Nam. Người chụp đứng trên sườn núi, ngay sau phía bức tường đá. Quả là người Trung Hoa “rào dậu” rất kỹ. Trấn Nam Quan (cửa quan của Trung Hoa) xây liền sau bờ tường thành chạy từ trên ngọn núi đá vôi xuống. Chỗ cao nhất của bờ thành gần tới mái của cửa quan.
Bên trái bức ảnh, ở lưng chừng núi có một công trình giống ngôi miếu.
Vùng đệm nằm giữa hai cửa quan. Phía sau cửa quan Trung Hoa có một bức bình phong.
Các ảnh từ đây xuống là đã sang địa phận Trung Hoa (và sẽ dùng chữ Trấn Nam Quan để phân biệt với Ải Nam Quan của Việt Nam). Đối diện với cổng có một bức bình phong chắn ngang. Trong kiến trúc cổ, theo quan niệm phong thủy, bình phong có tác dụng khắc phục, hạn chế những yếu tố xấu, phát huy những yếu tố tốt về phong thủy. Bức bình phong chắn sự dòm ngó từ ngoài vào. Hoạt động ngoại giao nơi này diễn ra sôi động với chương trình khảo sát, hoạch định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh. Có thể phân biệt được quan chức Pháp trong bộ âu phục trắng, cưỡi ngựa trắng và quan chức nhà Thanh đội nón, cưỡi ngựa ô trong số các nhân vật trong ảnh. Hãy chú ý đến cụm nhà ngói có tường bao ở góc trái bức ảnh.
Bức ảnh có dòng lưu bút đề ngày 9/8/1907. Các quan chức Pháp-Hoa chụp ảnh kỷ niệm bên bức bình phong.
Những đứa trẻ Trung Hoa trên cửa ải (cuối 1906 – Ảnh: Imbert Edgard).
Thời gian trôi qua thể hiện qua chiều cao cây cối. Ta dễ dàng nhận thấy Trấn Nam Quan chỉ còn một mái lầu và xuất hiện hàng lan can. Có thể cuộc khởi nghĩa Trấn Nam Quan năm 1907 của Tôn Trung Sơn đã làm thay đổi diện mạo
của cửa quan này.
Tương tự hình trên. Hãy để ý đến hai người đàn ông mặc âu phục màu trắng đứng gần bức tường bao của cụm nhà trước cổng quan. Vóc dáng, tư thế, và đồng phục cho biết họ có thể là những viên chức Pháp làm việc tại văn phòng quản lý biên giới. Cụm nhà nhỏ nơi họ đứng trước kia Quan Đế Miếu (miếu thờ Quan Công) và Đền Chiêu Trung. Năm 1896 trong chương trình khảo sát biên giới giữa Trung-Pháp đã xây trên nền này một văn phòng quản lý cùng với 9 điểm khác trên biên giới Trung-Việt. Năm 1914 văn phòng được xây lại lần hai thành kiến trúc nhà lầu kiểu Pháp, nên còn gọi là “Pháp Lầu” hoặc “Pháp Quốc Lầu”. Công trình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng thông tin không rõ ràng, có phần mâu thuẫn về niên đại lịch sử khiến Pháp Quốc Lầu có một lai lịch mờ ám. (Dấu bưu điện năm 1911).
Trấn Nam Quan nhìn từ điểm cao phía Trung Hoa. Vẫn thấy rõ bức bình phong và cụm nhà ngói trước cổng quan.
Trên đỉnh núi bên trái có một danh trại khá lớn.
Toàn cảnh Trấn Nam Quan bên phía Trung Hoa. Ngôi làng trong thung lũng nằm hai bên con đường nhỏ, phía trước là khu doanh trại. Cuối con đường chính dẫn về phía Trấn Nam Quan vẫn thấy cụm nhà nơi đặt văn phòng quản lý biên giới Pháp-Trung. Thời điểm này văn phòng chưa được xây lại thành tòa nhà 2 tầng mà người ta quen gọi là Lầu Pháp Quốc.
Tương tự ảnh trên. Dòng lưu bút ghi ngày 17/4/1911. Bưu cục Lạng Sơn đóng dấu ngày 19.04.1911.
Trong khung màu vàng là ngôi làng sẽ thấy ở 2 ảnh kế tiếp.
Ngôi làng Trung Hoa ở Nam Quan (trong khung mầu vàng của phụ Hai dãy nhà lá nằm bên con đường lát đá.
Đây có lẽ là khu dân cư, cuối đường có một khu nhà ngói khang trang hơn có lẽ là doanh trại hoặc Khu Gia Binh.
Ngôi làng trên nhìn từ điểm cao.
Những ngôi miếu dọc theo đường từ Trấn Nam Quan vào Trung Quốc qua đi Long Châu)….
Đường đi Long Châu (Trung Quốc) chạy qua khu vực những đồi cỏ.
Phong cảnh trên đường đi Long Châu, Trung Quốc.
Đã hơn 100 năm đã trôi qua từ lúc người Pháp chụp những bức hình trên. Vạn vật đã đổi thay. Một mầm cây non có thể đã trở thành cổ thụ. Một con sông có thể đã cạn khô hay đã đổi dòng. Một ngọn núi có thể đã trở thành bình địa. Các triều đại cũng vậy. Ải Nam Quan xưa có phải là Hữu Nghị Quan ngày nay? Người ta sẽ chẳng tranh cãi khi xung quanh nó không có những bức màn bí ẩn. Dù thế nào, trong tâm thức mỗi chúng ta dải đất hình chữ S bắt đầu từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau(1).
Nguồn: Việt Nam Hình Ảnh Xưa (tranthanhnhan blogspot)
Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia: “Ải Nam Quan hay Hữu Nghị Quan là tên cửa ải nằm tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc…” “…Hiện nay, Ải Nam Quan thuộc chủ quyền của Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Tây và cách Đồng Đăng 5km về phía bắc…”
(Thông tin Thư Viện GĐPT chúng tôi chưa tìm thấy văn bản pháp lý – và hợp lý – chính thức).
No comments:
Post a Comment