Hà Nội muốn một nền ngoại giao cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, tại Hà Nội, ngày 24/05/2016.REUTERS/Kham
Ngoài việc loan báo « Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam », nhật báo kinh tế Les Echos ngày 24/05/2016 có bài phỏng vấn ông Benoit de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược trường Quân Sự Pháp cho rằng : « Hà Nội muốn xây dựng một nền ngoại giao cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington ».
Trước hết, tờ báo cho rằng quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí này nằm trong tiến trình xích lại gần nhau giữa hai cựu thù, được bắt đầu vào năm 1994, với việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế và tiếp theo đó là nối lại bang giao vào năm tiếp theo.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Sự thay đổi này sẽ giúp cho Việt Nam có được những trang thiết bị cần thiết để phòng thủ ». Cho đến hiện nay, Hoa Kỳ chỉ mới trợ giúp cho Việt Nam khoảng 46 triệu đô la để giúp nước này tăng cường an ninh đường biển, vào thời điểm căng thẳng diễn ra thường xuyên hơn trên Biển Đông do những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực này. Về phần mình, chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá quyết định trên của tổng thống Mỹ đánh dấu một sự « bình thường hóa hoàn toàn » mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington.
Ông Barack Obama là vị tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Tổng thống Mỹ tuyên bố rất cảm động trước những tình cảm mà người dân nước này đã dành cho ông. Điều đó cho thấy vết thương chiến tranh hầu như đã được xóa tan từ lâu. Theo một kết quả thăm dò do Pew Research Centre thực hiện cho thấy 78% người Việt có ý kiến tốt về Hoa Kỳ, tỷ lệ này còn cao hơn ở giới trẻ.
Câu hỏi đặt ra thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí của ông Obama sẽ có lợi gì cho mối quan hệ Việt – Mỹ và có ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt – Trung hay không ? Đây cũng chính là những câu hỏi Les Echos muốn đặt ra với ông Benoit Treglodé, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược trường Quân Sự Pháp.
Thứ nhất, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí có tầm quan trọng như thế nào ?
Nên xem sự kiện này tùy theo việc chúng ta nhìn từ phía nào : Việt Nam hay là Hoa Kỳ. Hà Nội thì muốn một sự bình thường hóa hoàn toàn với Washington, một mối quan hệ hòa bình với kẻ thù hôm qua. Sau khi đã nối lại quan hệ trên bình diện kinh tế vào năm 1994, rồi ngoại giao vào năm 1995, nhưng Việt Nam vẫn còn một chướng ngại sau cùng phải vượt qua đó là lệnh cấm vận bán vũ khí. Đây là một động thái chính trị.
Nhưng Hoa Kỳ lại có một lối tư duy mang tính chất ngoại giao nhiều hơn. Lúc nào họ cũng đặt vấn đề nhân quyền như là một điều kiện để bật đèn xanh cho việc dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí. Đó từng là cách để họ gây áp lực lên Việt Nam. Điều đó chỉ có giá trị khi mối quan hệ song phương này thuần tính cảm xúc.
Bởi vì mối quan hệ này đã có những tiến triển từ 7-8 năm nay theo hướng kinh tế - chính trị nhiều hơn. Thời thế đã đổi thay. Vào ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ năm 1975, ông Barack Obama chỉ mới có 14 tuổi. Ngày nay, Hoa Kỳ đã trở nên cực kỳ nổi tiếng trong lòng giới trẻ Việt Nam, và hiển nhiên đó là thế hệ không hề biết đến chiến tranh là gì.
Lượng sinh viên Việt Nam đi du học ở Hoa Kỳ ngày càng tăng, trong khi đó một trường đại học Mỹ sắp khai trương ở nước này. Đảng Cộng sản Việt Nam có ý định tận dụng thời cơ này và xem đó như là một yếu tố gắn kết quốc gia.
Trên một bình diện thuần tính chất ngoại giao, Hoa Kỳ tỏ ra rất cẩn trọng để không bị gạt ra bên lề tại Châu Á. Bởi vì, chính bản thân họ cũng được hưởng lợi từ việc bình thường hóa quan hệ này.
Liệu quyết định này có mang lại cho Hoa Kỳ các hợp đồng lớn mua vũ khí từ phía Việt Nam ?
Theo ý tôi, hiện chưa có một hồ sơ lớn nào đang được thương thảo giữa Hà Nội và Washington. Mối quan hệ trong lĩnh vực này được thiết lập với Nga, quốc gia cung cấp cho Việt Nam đến hơn 90% trang thiết bị quân sự và cũng không có ý định để mất thị phần tại đây.
Nga vừa giao 6 chiếc tầu ngầm lớp Kilo và đương nhiên còn có ý định tham gia vào công cuộc hiện đại hóa Hải Quân Việt Nam. Hoa Kỳ thì đi theo một cách khác. Vào năm 2015, các bộ trưởng Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận tầm nhìn chiến lược dài hạn. Thỏa thuận này cho phép nghiên cứu lâu dài các hợp đồng trên phương diện quốc phòng, an ninh và cả chuyển giao công nghệ nữa.
Ở cấp độ này, những gì Hoa Kỳ đề xuất, trước hết đó là củng cố đối thoại thẳng thắn, đề xuất thiết bị nhỏ nhưng mang tầm cỡ công nghệ cao.
Bắc Kinh có thể xem việc xích lại gần này như là một hành động thù nghịch chống lại nước này hay không?
Đây không phải là mục tiêu. Việt Nam phát triển một nền ngoại giao đa phương và không thể gạt bỏ Hoa Kỳ. Và cũng nên nhắc lại Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu ngoài khu vực châu Á. Chẳng có gì phải bác lại việc Hà Nội củng cố các mối quan hệ chiến lược. Cụ thể hơn, đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, các nhà ngoại giao Trung Quốc rất sáng suốt.
Vấn đề này đã được đồn thổi từ ba bốn năm nay. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã khẳng định với họ là không có chuyện xoay lưng lại với Bắc Kinh để ngả theo Washington, mà chủ yếu là xây dựng một nền ngoại giao cân bằng giữa hai cường quốc.
Hà Nội đi theo hướng đi riêng của mình và muốn thu hút cảm tình của quốc tế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa xử lý các căng thẳng trên Biển Đông vừa có thể đưa ra những tuyên bố với những giọng điệu mang chút hơi hướm chống Mỹ, mà ví dụ điển hình là dịp lễ 30-4 năm 2015, kỷ niệm 40 năm ngày quân Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Nhật Bản : Tấm gương xấu về tình trạng trọng nam khinh nữ
Libération nhìn sang Nhật Bản với nỗi bức xúc trước tình trạng nhiều phụ nữ phải câm lặng hứng chịu tình trạng bị « sỉ nhục » và « sách nhiễu tình dục » trong công sở. Đặc phái viên nhật báo, Arnaud Vaulerin, từ Kobé gởi về bài phóng sự điều tra.
« Đó chính là cấp trên của tôi và tôi đã phải nghe theo » là lời kể của một nhân chứng và cũng là tựa đề bài viết. Tác giả bài viết đã có dịp đến gặp hai nạn nhân và câu chuyện của họ phản ảnh rõ một thực tế vừa thô bạo vừa phổ biến trong thế giới việc làm tại Nhật.
Hồi tháng Ba năm 2016, một báo cáo chính phủ đưa ra cho thấy 1/3 phụ nữ đi làm đã từng bị lạm dụng tình dục. Điều đáng lo là, trong số 1700 phụ nữ chấp nhận trả lời điều tra, chỉ có 40% công khai liệt kê các trường hợp bị sàm sỡ. Và 60% còn lại đã chọn sự im lặng.
Theo giải thích của ông Keiichi Idekubo, một nhà hoạt động công đoàn tại Nhật, « Kiểu sách nhiễu tình dục này không hề suy giảm tại Nhật, bất chấp các luật lệ và nhiều đường dây điện thoại đặc biệt được thành lập trong các doanh nghiệp ».
Mặc dù nằm trong số 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, nhưng Nhật Bản lại đứng gần như cuối bảng (hạng 101/145) của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới trên phương diện phân biệt đối xử giữa các giới tính. Giới chính khách và doanh nghiệp vẫn là những ngôi đền dành cho những người mang tư tưởng gia trưởng và khăng khăng theo chế độ phụ hệ.
Luật El Khomri : Pháp chuẩn bị cạn kiệt xăng dầu vì đình công ?
Pháp có nguy cơ khan hiếm nguồn cung ứng xăng là chủ đề thời sự nóng bỏng nhất trên các trang báo Pháp. Sau hai tháng phản đối luật lao động El Khomri, trong những ngày gần đây, theo lời kêu gọi của nghiệp đoàn CGT, những người biểu tình tỏ ra quyết liệt hơn khi phong tỏa các nhà máy lọc dầu tại Pháp khiến nhiều trạm xăng trên toàn quốc không còn xăng để bán.
Trang nhất nhật báo thiên tả Libération là hình ảnh người biểu tình đang xếp lốp xe hơi chặn một cây cầu dẫn tới nhà máy lọc dầu Total đi kèm với hàng tựa lớn : « Liệu CGT có thể đạt được mục đích không ? »
Hành động trên của nghiệp đoàn đã bị "thủ tướng Valls tố cáo là hành động dọa dẫm » theo như Les Echos loan báo trên trang nhất. Sáu trên 8 nhà máy lọc dầu tại Pháp bị ảnh hưởng và nhà máy thứ 7 đang bị đe dọa. Để trấn an người dân, chính phủ cho biết nước Pháp có lượng dự trữ xăng dầu chiến lược đủ cho ba tháng. Lời cam kết "không xảy ra tình trạng cạn kiệt xăng dầu" của thủ tướng Valls cũng được đăng trên nhật báo Le Monde, trong chuyên mục Kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế, tại miền bắc và miền tây nước Pháp, tình trang khan hiếm đã xảy ra.
Vậy chính phủ phản ứng ra sao trước các cuộc đình công và phong tỏa xảy ra từ cuối tuần qua ? Le Figaro nhận định trên trang nhất : "Chính phủ do dự trước những đòi hỏi của CGT". Dù lo ngại, nhưng nội các của thủ tướng Valls hứa sẽ cứng rắn với những người đình công. Về hành động của các thành viên nghiệp đoàn CGT, bài xã luận của Le Figaro không ngần ngại gọi đó là "cuộc khủng bố xã hội" vì đột nhiên CGT "bắt người dân Pháp làm con tin và sử dụng những biện pháp bất hợp pháp".
Ngoài chủ đề xã hội trên, trang nhất nhật báo Le Monde còn đề cập đến sự tức giận của bảy giải thưởng Nobel người Pháp vì chính phủ quyết định cắt giảm khoản ngân sách 200 triệu euro dành cho hoạt động nghiên cứu.
Những người kí đơn kiến nghị cho rằng đây là một cú giáng đau cho ngành nghiên cứu và quyết định trên là bước thụt lùi của Pháp so với các nước khác về lĩnh vực khoa học. Quyết định cắt giảm ngân sách sẽ dẫn đến tình trạng hạn chế các khoản đầu tư vào các phòng thí nghiệm, đặc biệt là Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) và Uỷ Ban Năng Lượng Nguyên Tử và Năng Lượng Thay Thế (CEA).
Áo : Ứng viên đảng Xanh trúng cử, Châu Âu thở phào
Kết quả bầu cử tổng thống tại Áo cũng là chủ đề thời sự được bàn tán sôi nổi trên báo Pháp. Nước Áo cuối cùng đã chọn cho mình « một tổng thống xanh thay vì là nâu », Libération vui mừng loan báo.
Nhưng cuộc bầu cử lần này cho thấy rõ « nước Áo bị chia rẽ » sâu sắc, theo như quan sát của Le Monde. Ông Van der Bellen đã thu được nhiều lá phiếu cử tri tại tất cả những thành phố lớn, ở giới nữ và những người có bằng cấp cao nhất. Trong khi đó, ứng viên đảng cực hữu ông Norbert Hofer lại nhận được sự ủng hộ đông đảo tại những vùng nông thôn, cánh mày râu, nhất là những người trình độ học vấn thấp hơn. 86% giới công nhân bỏ phiếu cho ông Hofer. Những cử tri này khẳng định đã bỏ phiếu cho ông Hofer là vì ông thấu hiểu được nỗi lo âu của người dân và bởi vì ông có vẻ rất thiện cảm.
« Chiến thắng trong gang tấc » của ứng viên đảng Xanh, ông Alexander Van der Bellen trước đối thủ cực hữu Norbert Hofer như nhận định của Le Figaro còn là lời cảnh báo dành cho Liên Hiệp Châu Âu. Dù thua cuộc, nhưng việc trỗi dậy của đảng cực hữu Áo có thể sẽ có những tác động lên các nước khác trong khối và rất có thể sẽ làm tan vỡ trật tự được thiết lập ngay từ năm tới. Ví dụ như tại Pháp có đảng Mặt Trận Quốc Gia FN của bà Marine Le Pen, AfD của Frauke Petry tại Đức, PVV của Geert Wilders tại Hà Lan và Ligue du Nord của Matteo Salvini tại Ý.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment