'Dân không muốn thần tượng tuyên truyền'
- 29 tháng 5 2016
Người dân Việt Nam đang khao khát 'thần tượng', nhưng lại không muốn những thần tượng do 'tuyên truyền' và 'được dựng lên', theo ý kiến nhà nhà nghiên cứu, khách mời của BBC.
Tại cuộc tọa đàm về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và hội chứng mang tên cơn sốt Obama ở Việt Nam của BBC Việt ngữ cuối tháng 5/2016, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, nhà nghiên cứu xã hội học từ Hà Nội cho nói:
"Tôi nghĩ rằng cơn sốt Obama đã cho chúng ta thấy là dân chúng muốn thần tượng của mình là ai, chứ không phải là những gì người ta dựng lên hoặc người ta cố gắng để tuyên truyền cho nó."
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam khẳng định:
"Đấy chính là cái gọi là thần tượng thực sự mà người Việt Nam đang thiếu và khát khao. Những thứ mà khiên cưỡng thì rất khó khăn.
"Sự xuất hiện của ông Obama giải đáp cho chúng ta câu hỏi là người Việt Nam muốn gì, muốn thần tượng của mình phải như thế nào."
Có sính ngoại quá không?
Tại cuộc tọa đàm Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 26/5, trước câu hỏi dường như ở Việt Nam đã có sẵn nhiều 'thần tượng', từ những tượng đài, cho tới các tên gọi trên các đường phố, hay trong sách giáo khoa và những nơi khác, mà không phải là thiếu thần tượng, bà Khuất Thu Hồng nêu quan điểm:
TS. Khuất Thu Hồng: Không ạ. Tôi nghĩ rằng cơn sốt Obama đã cho chúng ta thấy là dân chúng muốn thần tượng của mình là ai, chứ không phải là những gì người ta dựng lên hoặc người ta cố gắng để tuyên truyền cho nó. Cơn sốt Obama nó cho thấy điều tôi nói như ban đầu là người dân Việt Nam đang thiếu một thần tượng.
Thần tượng mà họ cảm thấy gần gũi với họ, mang lại, đáp ứng những mong mỏi, nhu cầu, thất vọng do về tự do, phát triển, chủ quyền, giáo dục và tất cả mọi thứ. Đấy chính là cái gọi là thần tượng thực sự mà người Việt Nam đang thiếu và khát khao. Những thứ mà khiên cưỡng thì rất khó khăn.
Sự xuất hiện của ông Obama giải đáp cho chúng ta câu hỏi là người Việt Nam muốn gì, muốn thần tượng của mình phải như thế nào. [Đó] phải là một người chân thành, hiểu biết, uyên bác, gần gũi; một người có thể động đến trái tim của tất cả mọi người bằng chuyến đi và lời phát biểu của mình, bằng việc ngồi ăn bún chả hay uống cà phê sữa hay bắt tay người dân, thì ông Obama đã tạo nên một thần tượng mà từ nay người Việt Nam luôn luôn hướng đến, mơ ước và mong mỏi rằng một ngày nào đó mình sẽ có những thần tượng như thế ở đất nước này.
BBC: Liệu người Việt Nam có sính ngoại quá hay không, như một số người đặt vấn đề? Xin hỏi tiếp TS Khuất Thu Hồng
TS. Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ Việt Nam đã đón quá nhiều các nguyên thủ quốc gia nhưng chúng ta đã thấy có trường hợp nào tương tự như vậy không ạ? Cũng có những nguyên thủ quốc gia mà quả thật, sự viếng thăm của họ mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng có được sự đón tiếp nồng ấm của người dân như vậy hay không thì chúng ta đã đều thấy câu trả lời rồi.
Hãy lắng nghe đối thoại
BBC: Chúng tôi muốn vấn ý bà Thảo Griffiths, trưởng Đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, bà có bình luận gì về ý kiến của TS Khuất Thu Hồng?
Bà Thảo Griffiths: Tôi nhớ là năm 2000 khi Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam. Đấy cũng là việc có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt Mỹ bởi vì đó là chuyến đi đầu tiên của một Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.
Chúng ta (Việt Nam) cũng đã tiếp đón Tổng thống Bill Clinton như chúng ta tiếp đón Tổng thống Obama.
BBC: Xin được nghe ý kiến bình luận của Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nhà vận động xã hội dân sự ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Quang A: Tôi rất đồng ý với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng về điểm đó. Bởi vì nếu chúng ta nhìn lại những thần tượng mà người ta muốn cấy vào đầu người Việt Nam trong suốt nhiều chục năm qua hoặc những vị lãnh đạo của chúng ta thể hiện một tác phong như thế nào.
Tôi thấy người dân Việt Nam có một cơ hội để đối sánh thực tiễn với mong mỏi của họ. Và khoảng cách giữa thực tiễn với cái mong muốn; cũng như khoảng cách giữa thực tiễn và với mong mỏi của người ta với phía ông Obama, hai cái đó khác nhau một trời một vực.
Có lẽ, tôi nghĩ, về phía người cầm quyền Việt Nam cần phải nghiên cứu một cách rất là sâu sắc và phải tự thay đổi mình. Xã hội người dân đã tiến khá nhiều. Rất đáng tiếc là tác phong lãnh đạo, cung cách lãnh đạo vẫn giống như nhiều chục năm trước.
Và khoảng cách đó càng ngày càng xa ra thì nó làm cho sự bức xúc của người dân càng lớn. Bức xúc đó có thể gây ra những chuyện bất ổn xã hội không đáng có.
Chính những người lãnh đạo Việt Nam là người phải chủ động thay đổi mình để kéo khoảng cách giữa người dân với họ đang từ khoảng rộng như thế nó thu hẹp dần lại, làm sao để có thể giống như ông Obama. Đó là một vấn đề hết sức nghiêm túc mà họ cần hết sức lưu ý và chấn chỉnh.
Tôi nghĩ là chỉ có như thế, lắng nghe người dân đối thoại với người dân, chứ không phải là họ đối xử với đối xử với tôi với (blogger) Đoan Trang như vừa rồi.
Thực sự cùng giá trị
Tôi nghĩ là lúc đó mới tạo được sự đồng thuận. Không có một người nào đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bây giờ muốn có một sự bất ổn. [Họ] đều muốn có một sự phát triển hài hòa và chỉ muốn làm cho bản thân chính quyền phải mạnh lên.
Bởi vì cái chính phủ phải có niềm tin ở chính mình và tạo ra niềm tin trong nhân dân.
Đấy mới là tài sản quan trọng [mà] rất đáng tiếc trong thời gian vừa qua cái tài sản rất quý giá đấy của nhà nước thì họ đã làm xói mòn đi.
Rất đáng tiếc tôi không gặp được ông Tổng thống Obama.
Nhưng hai người chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ông thì tôi có thời gian để nói chuyện. Và tôi nói với họ rằng, về cơ bản, những giá trị của Mỹ, hay giá trị của Việt Nam mà người ta coi rằng là giá trị của họ, thực sự là một.
Bởi vì ông Hồ Chí Minh dẫn chiếu giá trị của Mỹ ở Tuyên ngôn độc lập; rồi Việt Nam cũng muốn xây dựng một xã hội của dân, do dân, vì dân. Đấy là của Mỹ. Nhưng họ không nói là vay mượn của Mỹ.
Thế như vậy là những giá trị cơ bản của Mỹ và Việt Nam là không có bất đồng gì cả.
Chỉ có bất đồng ở một điểm là cái cách thực hiện như thế nào. Một bên là chỉ có nói về cái đó nhưng không thực hiện.
Thế nên tôi mới đặt vấn đề là người dân, chúng ta phải cố gắng giúp nhà nước để biến cái quyền hão, quyền ảo của chúng ta thành quyền thực.
Nếu thực sự là làm với tinh thần xây dựng như thế, thì nước Việt Nam sẽ phát triển. Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam nên lắng nghe và tự thay đổi, và đối thoại với người dân.
Mời quý vị theo dõi thêm các cuộc tọa đàm Bàn tròn của BBC Việt ngữ về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Obama tới Việt Nam tại đây và tại đây.
Tin liên quan
- 'Thật đáng tiếc không cho gặp bất đồng'
- 'Người Việt tìm thần tượng' ở Obama
- Obama và giấc mơ của chúng ta
- Tạm biệt Tổng thống Obama
- Obama và cơn sốt tại Việt Nam
- Nhà đầu tư 'tự tin' hơn khi ông Obama đến VN
- Nhiều kiểu đón chào ông Obama
- 'Chất lượng đối tác quan trọng hơn tên gọi'
- 'Cả VN hoan nghênh Hoa Kỳ trở lại'
- Obama nghe rap và nói về tự do biểu đạt
- Lòng dân Việt Nam qua cơn sốt Obama
- 'Obama tác động rất mạnh toàn xã hội VN'
- 'Một chuyến đi vượt tầm song phương'
- Nhân quyền và Biển Đông trong diễn văn Obama
- Phóng viên BBC thử 'Thực đơn Obama'
- Tổng thống Obama ăn bún chả ở Hà Nội
No comments:
Post a Comment