Friday, May 27, 2016

Tại sao Obama lùi bước trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ?

Tại sao Obama lùi bước trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ?

mediaTổng thống Mỹ Obama gặp một số đại diện xã hội dân sự tại một khách sạn ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 24/05/2016.Reuters
Hồ sơ nhân quyền Việt Nam nhân chuyến công du của tổng thống Mỹ Obama (23-25/05/2016) đã được báo The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản nêu bật trong bài viết công bố ngày 26/5/2016. Trong bài báo mang câu hỏi « Tại sao Obama lùi bước trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam ? », tác giả Shawn W. Crispin cho rằng chính quyền (Mỹ) đã ban thưởng cho một chế độ kém dân chủ nhất trong vùng mà lại không có nhiều tiến bộ về nhân quyền.
Bài báo trước hết nêu bật sự cố hôm tổng thống Obama gặp gỡ các đại diện xã hội dân sự trong chuyến thăm Việt Nam: Một nửa số ghế dành cho khách mời bị bỏ trống. Trước cuộc tiếp xúc được tổ chức nhằm nêu bật sự đoàn kết của Mỹ với các nhà dân chủ cơ sở tại Việt Nam, thì an ninh tạm giữ để dự phòng 3 người trong số khách mời của ông Obama : Một blogger, một nhà báo, một nhà chính trị xu hướng đối lập.
Vào hôm trước, Obama thông báo Washington sẽ bỏ cấm vận vũ khí sát thương tồn tại từ hàng thập kỷ qua, một nhượng bộ mà lãnh đạo Việt Nam mong đợi từ lâu. Vấn đề cấm vận Mỹ lại càng nổi cộm lên vào lúc mà Trung Quốc củng cố các vị trí chiến lược của họ trong các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Đối với tác giả, khi ông Obama cho là hai cựu đối thủ trên chiến trường đã chôn đi « những khác biệt ý thức hệ » bằng cách chấm dứt cấm vận về vũ khí sát thương, trong thực tế chính quyền (Mỹ) đã chọn con đường ban thưởng cho một trong những chế độ kém dân chủ nhất trong vùng, một trong những nước có vấn đề quyền con người tồi tệ nhất, nơi không có tiến bộ đáng kể về tự do. Obama đưa ra thông báo bên cạnh chủ tịch mới của Việt Nam, Trần Đại Quang, cho đến gần đây, là người cai quản bộ An Ninh đáng sợ, cơ quan chịu trách nhiệm việc triệt hạ giới bất đồng chính kiến và giam cầm các nhà hoạt động dân chủ.
Vậy tại sao ông Obama lại chấp thuận về nhân quyền sau nhiều năm đối thoại thất bại trên vấn đề này ? Cho dù Obama đã phủ nhận việc bãi bỏ cấm vận có mục đích đối phó với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, bối cảnh an ninh thay đổi nhanh chóng và thách thức sự thống trị của Mỹ trong vùng, chắc chắn đã thúc đẩy quyết định của tổng thống Mỹ : Trong lúc Việt Nam dựa nhiều vào Nga trên vấn đề vũ khí, trong đó có việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo, trị giá 3.2 tỷ đô la, thì công nghệ giám sát và trang thiết bị của Mỹ sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Nhưng trong quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí của Obama còn có yếu tố khác ngoài các vụ bán rada, máy bay tuần tra hay tàu đáp trả nhanh trong tương lai. Obama, một lãnh đạo trong hoàn cảnh « con vịt què » (lame duck) trong năm bầu cử tổng thống, đang tìm kiếm một thành công ở châu Á này để tô bóng di sản đối ngoại của ông trong bối cảnh bất ổn và chiến tranh không lối thoát ở Irak, Afghanistan và Syria.
Chính sách gọi là «xoay trục», còn gọi là «tái cân bằng», có mục tiêu đặt châu Á vào trung tâm chính sách ngoại giao của Mỹ và tôn ông Obama thành ‘tổng thống Thái Bình Dương’ đầu tiên của Mỹ.
Các cố vấn của Obama đã giúp mở ra con đường chuyển tiếp chính trị ở Miến Điện, từ chế độ quân sự sang một chính phủ được bầu, là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của chính sách xoay trục. Obama kiên trì với những kết quả của cuộc dấn thân vào Miến Điện cho đến khi chế độ quân sự tại đây chứng minh tiến bộ dân chủ như đã cho thấy trong việc trả tự do cho hàng trăm tù chính trị, chấm dứt việc kiểm duyệt báo chí, cho phép đối lập, trước đây bị đàn áp, gia nhập vào trào lưu chính trị chính thống.
Trong phát biểu ngày 17/05/2016 tại Trung Tâm về An Ninh Mới của Mỹ ở Washington, phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes đã nhấn mạnh về cách thức ông Obama sử dụng thành công cách tiếp cận «hành động đổi lấy hành động» để thúc đẩy thay đổi dân chủ ở Miến Điện: «Miến Điện có thể là một ví dụ về việc một nước có thể chuyển như thế nào từ một chế độ độc tài sang nền dân chủ, trong lúc tiếp tục công cuộc phát triển thực thụ.” Vài ngày trước khi Obama lên đường sang Việt Nam, ông Ben Rhodes cho rằng chúng ta phải chứng minh là có lợi cho các nước đi theo con đường này».
Ngược lại, Obama đã có một phản ứng biểu tượng đối với Thái Lan khi quân đội đảo chính lật đổ chính quyền dân cử vào tháng 5/2014. Hoa Kỳ đã hạ thấp quan hệ chiến lược mạnh mẽ giữa hai bên, như cho thấy trong cuộc tập trận hỗn hợp thường niên Cobra Gold, đã bị giảm quy mô. Hai bên cũng tranh cãi về quyền tự do ngôn luận ở Thái Lan và những bản án tù quá nghiêm khắc về tội khi quân. Hoa Kỳ còn vạch mặt chỉ tên, nêu vai trò của Thái Lan trong các đường dây buôn người trong khu vực.
Thái độ của ông Obama nồng nhiệt hơn với Việt Nam, trong lúc nước này còn giam giữ cả trăm tù chính trị, loại bỏ truyền thông độc lập và thường xuyên đàn áp mọi đối lập chính trị, đã gây ra thắc mắc về sự nhất quán và thực chất của chính sách Mỹ. Cho dù Thái Lan đã lật ngược dòng dân chủ, chế độ quân sự cầm quyền cũng không mang tính đàn áp như chế độ Cộng Sản Việt Nam, vả lại Thái Lan luôn cho biết là sẽ phục hồi dân chủ sau một giai đoạn cải cách.
So với Miến Điện mà giới tướng lãnh đáp ứng nhiều đòi hỏi dân chủ từ phía Mỹ, thì các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tỏ vẻ không sốt sắng bằng để đáp ứng lời chào mời «hành động đổi lấy hành động» của Mỹ, để cởi mở hơn trên mặt chính trị.
Khi bãi bỏ cấm vận vũ khí, Obama đã nêu «tiến bộ» về quyền tự do. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã phản đối mạnh mẽ. Đối với Phil Roberson, phó giám đốc Châu Á của HRW, “Tổng thống Obama đã khen thưởng Việt Nam cho dù họ không làm được điều gì đáng lưu ý : Chính quyền đã không rút lại bất kỳ đạo luật khắt khe nào hay thả một số lượng đáng kể tù chính trị nào...”
Theo một quan điểm khác thì tổng thống Obama cảm thấy phải nhượng bộ để giữ quan hệ chiến lược với các lãnh đạo mới của Việt Nam. Hoa Kỳ đã có quan hệ gần gủi với ông Nguyễn Tấn Dũng, từng được dự kiến trở thành tổng bí thư mới, nhưng đã bị loại trong ván cờ nội bộ Đảng. Hoa Kỳ năm ngoái cũng đã đón ông Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên hai người này bị cho là thiên về Trung Quốc hơn là Mỹ. Và chính quyền mới ở Việt Nam cũng đã thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và kết án tù với tội danh chống nhà nước.
Bài báo kết luận : Do cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, nhiều người ở Washington muốn làm ngơ trên những vi phạm nhân quyền thường kỳ của Việt Nam để tiếp tục bình thường hóa quan hệ, đàm phán thương mại, và quan hệ chiến lược.
Trong lúc nhiều người sẽ ca ngợi chuyến đi của Obama và việc bãi bỏ cấm vận vũ khí như như bước kế tiếp lịch sử để hàn gắn quá khứ, thì một thế hệ trẻ hơn trong giới hoạt động dân chủ - mà nhiều người đã hy vọng là Obama sẽ buộc giới lãnh đạo vươn lên ngang tầm với tiêu chí dân chủ đòi hỏi ở Miến Điện - đã đưa lên mạng xã hội những ghi chú thất vọng và cảm tưởng bị bỏ rơi, một cảm nhận không mới mẻ gì tại chỗ về sự dấn thân của Mỹ.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment