Friday, October 31, 2014

Philippines kiện Trung Quốc : Tòa án LHQ ra phán quyết vào đầu 2016

Philippines kiện Trung Quốc : Tòa án LHQ ra phán quyết vào đầu 2016

mediaĐảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa, vùng lãnh hải tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam.(DR)
    Ngoại trưởng Philippines, ngày hôm nay, 30/10/2014, cho biết, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Hà Lan, có thể ra phán quyết trong quý một năm 2016, về vụ Manila kiện Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
    Vào tháng Giêng năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên Tòa án trọng tài bác bỏ bản đồ 9 đường đứt đoạn – mà Việt Nam gọi là bản đồ đường lưỡi bò – do Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền và lãnh thổ của mình đối với khoảng 80% diện tích của Biển Đông.
    Trả lời đài truyền hình ANC, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói : « Chúng tôi hy vọng có phán quyết vào quý một năm 2016 ». Manila hy vọng phán quyết của Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ làm rõ các quyền hàng hải của Philippines ở Biển Đông, và nhờ vậy, có thể mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp.
    Vào tháng 03/2014, Philippines đã nộp lên tòa án hồ sơ pháp lý 4000 trang, bao gồm nhiều bằng chứng, bản đồ, chứng minh cho đòi hỏi của mình và thuyết phục tòa tuyên bố bản đồ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị.
    Manila gọi Biển Đông là biển Tây Philippines, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 thừa nhận. Các đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc chồng chéo với các vùng biển của một số láng giềng Châu Á, như Việt Nam, Philipines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
    Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện nói trên và cho rằng các bên liên quan cần đàm phán trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc vẫn đề nghị Trung Quốc cung cấp tài liệu phản bác các lập luận của Philippines vào trước ngày 15/12/2014.
    Theo Ngoại trưởng Rosario, nếu Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu của Tòa án, thì vụ kiện của Philippines sẽ được giải quyết nhanh hơn, bởi vì tiến trình xem xét, ra phán quyết của Tòa vẫn tiếp tục, cho dù Trung Quốc có tham gia hay không.
    Ông Rosario giải thích, nếu Trung Quốc không nộp tài liệu, phản bác đề nghị của Philippines, thì kể từ ngày 16/12/2014, Tòa sẽ đưa ra các câu hỏi cho phía Philippines. Trong tháng Ba và tháng Bảy năm 2014, Manila đã cung cấp thêm tài liệu và sẽ trình bày lập luận của mình trước Tòa trong hai tuần lễ. Tòa án sẽ dành nhiều tháng để nghiên cứu hồ sơ và có thể ra phán quyết cuối cùng trong quý một năm 2016.
    Trang web của đài truyền hình Philippines GMA News, dẫn lời các chuyên gia pháp lý, cho rằng các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, không phù hợp với luật pháp quốc tế đương đại.

    Cùng chủ đề

    Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc

    Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc

    mediaNgười biểu tình chiếm giữ khu tài chính ở Hồng Kông, ngày 28/10/2014REUTERS
      Thời sự Châu Á đáng chú ý với bài « Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc »trên báo Les Echos. Theo phân tích của tờ báo : Sau giai đoạn đầu sôi sục, phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã phần nào xẹp xuống. Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn và sử dụng vũ khí tài chính để buộc lãnh thổ này phải tuân thủ luật lệ do Bắc Kinh đề ra.
      Trong thời gian qua, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của giới sinh viên Hồng Kông, được truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin, đã làm cho các nước phương Tây nghĩ rằng, 25 năm sau cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, phải chăng, giờ đây lại có một cuộc đối đầu giữa một bộ phận dân chúng ở Hồng Kông với chính quyền Trung Quốc ? Liệu Bắc Kinh có đưa xe tăng vào Hồng Kông để trấn áp không hay ngược lại, Bắc Kinh phải nhượng bộ trước đà tiến không thể đảo ngược được của dân chủ ?
      Thế nhưng, một tháng sau, theo Les Echos, người ta nhận thấy, không có xe tăng Trung Quốc, không có cách mạng, và thậm chí, không có một tiến bộ thực sự nào để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay trong xã hội Hồng Kông. Cụ thể, bên phía những người đấu tranh cho dân chủ : Họ không còn đông như trước, nhưng vẫn tiếp tục tỏ ra kiên quyết và đòi phải có bầu cử thực sự chức Trưởng đặc khu, theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Bên chính quyền thì tuân thủ Bắc Kinh, tức là không bao giờ chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát chính trị đối với Hồng Kông. Có một bức tường ngăn cách hai bên.
      Tình hình cách nay một tháng có vẻ năng động, giờ đây, trở nên trì trệ một cách nguy hiểm, trên nhiều lĩnh vực.
      Les Echos phân tích, trước tiên, nguy cơ tương lai kinh tế Hồng Kông bị trì trệ. Vào lúc các dự báo đều cho rằng tăng trưởng của Hồng Kông sẽ giảm, thì Bắc Kinh đã dùng lá bài tài chính để gia tăng sự ràng buộc. Từ vài tháng nay, giới tài chính ở Hồng Kông có vẻ tự tin hơn, bởi vì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa tạo mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Về mặt kỹ thuật, biện pháp này rất quan trọng, cho phép các nhà đầu tư, thông qua thị trường Hồng Kông, mua hoặc bán cổ phiếu được niêm yết trên thị trường Thượng Hải. Sự hứng khởi đã nhường chỗ cho bi quan. Do tình hình tại Hồng Kông, kế hoạch kết nối giữa hai thị trường vào cuối tháng 10 không thể thực hiện được.
      Les Echos bình luận, Bắc Kinh đã sử dụng rất khéo léo chiến lược im lặng và để cho thị trường Hồng Kông tự phát ra các tín hiệu về sự bấp bênh này. Không cần nói một câu nào, Bắc Kinh đã đưa ra được một thông điệp rất rõ ràng : Hơn bao giờ hết, Hồng Kông cần có sự năng động kinh tế của Trung Hoa lục địa. Hồng Kông sẽ mất hết nếu muốn thoát ra khỏi sự đỡ đầu của Trung Quốc.
      Yếu tố thứ hai, theo Les Echos, là sự trì trệ của xã hội Hồng Kông. Đằng sau các khát vọng dân chủ của giới trẻ, sinh viên, có một thực tế kinh tế mà không một nhà phân tích nào có thể bác bỏ : Đó là xã hội Hồng Kông phân cực một cách nguy hiểm. Giữa một bên là thiểu số rất nhỏ, nhưng rất giàu có và bên kia là đa số tầng lớp trung lưu đang phải đối mặt với giá bất động sản tăng vọt, có một sự ngăn cách, không thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Điều làm Bắc Kinh lo ngại nhất là sự thất vọng của giới trẻ về những hứa hẹn ngày mai tươi sáng, dân chủ hơn. Chính quyền Trung Quốc hiểu được là Hồng Kông không thể tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như trước đây. Do vậy, Bắc Kinh đã đánh đổi việc khước từ cải cải chính trị với lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân.
      Yếu tố cuối cùng, đó là tính toán chính trị của Bắc Kinh. Theo Les Echos, những ai cho rằng, tình trạng bế tắc hiện nay tại Hồng Kông sẽ buộc Bắc Kinh, bằng cách này hay cách khác, phải đi theo con đường dân chủ, những người này sẽ thất vọng và ít ra là trong ngắn hạn. Trên góc độ kinh tế, cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông đã tạo cơ hội cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung quyền lực, tăng cường kiểm soát tất cả các lĩnh vực. Khi tiến hành một chiến dịch đánh bóng lại hình ảnh của đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình không chỉ tấn công vào tệ nạn tham nhũng, mà rộng hơn, ông nhắm vào việc quản lý, trách nhiệm của giới lãnh đạo ở Hồng Kông. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ của giới lãnh đạo là lắng nghe người dân và hết lòng phục vụ người dân. Trong bối cảnh này, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh là biểu tượng của tất cả những gì trái ngược với lời huấn thị của Chủ tịch Trung Quốc : Tê liệt trước tình trạng bất bình đẳng, tách rời thực tế, cực kỳ giàu có và không đủ khả năng lãnh đạo Hồng Kông.
      Như vậy, tình hình chính trị tại Hồng Kông bị bế tắc một cách nguy hiểm và có nguy cơ trở thành một chủ đề chán nản đối với giới truyền thông quốc tế. Theo Les Echos, không nên bỏ rơi Hồng Kông, bởi vì trong chiến lược đọ sức và từ chối lắng nghe nguyện vọng dân chủ của giới trẻ Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh cho thấy họ không đủ khả năng hỗ trợ, đi cùng với bước tiến của Lịch sử, một khi quyền lực kiểm soát của họ bị đe dọa.
      Tàu chiến Mistral : Matxcơva gia tăng sức ép đối với Paris
      Về quan hệ Pháp- Nga, báo Le Monde có bài : « Tàu chiến Mistral : Matxcơva gia tăng sức ép đối với Paris ».
      Chỉ với một vài động tác nhấp chuột máy tính, Phó Thủ tướng Nga Dmtri Rogozine đã lại xới lên cuộc tranh luận về việc Pháp có giao chiếc tàu chiến Mistral đầu tiên cho Nga hay không.
      Ngày 29/10 vừa qua, ông Rogozine đã cho đăng trên tài khoản Twitter của mình bức thư của doanh nghiệp Pháp DCNC, mời phía Nga, công ty Rosoboronexport, tới dự lễ trao tàu vào ngày 14/11 tại Saint Nazaire, Pháp. Trong thư còn có đầy đủ các chi tiết lễ tân, đón tiếp.
      Việc công bố bức này cho thấy, càng gần thời điểm giao tàu theo dự kiến ban đầu, phía Nga đang rất sốt ruột và muốn gây sức ép với Pháp.
      Ngay lập tức, Paris đã phải cải chính và nhấn mạnh, thời điểm 14/11 không có giá trị. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Michel Sapin nhắc lại tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp vào ngày 03/09 vừa qua, là Paris chỉ giao tàu chiến cho Matxcơva nếu nhận thấy hội đủ các điều kiện, tức là tình hình ở Ukraina phải được cải thiện rõ rệt.
      Le Monde đặt câu hỏi : Vậy bây giờ đã hội đủ điều kiện chưa ? Lệnh ngưng bắn, ở phía đông Ukraina, giữa quân đội chính phủ và phe phiến quân ly khai thường xuyên bị vi phạm. Matxcơva vẫn có giọng điệu đe dọa Kiev. Một lần nữa, Nga muốn thách thức chính quyền Ukraina thân phương Tây, khi tuyên bố sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử tại các vùng ly khai, cho dù phương Tây nói trước là không công nhận và Châu Âu chưa bãi bỏ cấm vận đối với Nga.
      Do vậy, Tổng thống Pháp buộc phải có thái độ mập mờ. Một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tìm cách trấn an là vẫn còn thời gian.
      Le Monde nhắc lại, Mistral là loại tàu chiến lớn nhất, chỉ sau hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, dài 199 mét, trọng tải 21 ngàn tấn, có tốc độ di chuyển là 19 hải lý/giờ. Là tàu chỉ huy kiêm vận tải chuyển quân, Mistral có thể chở được 450 binh sĩ, 16 trực thăng hạng nặng, 2 xe lội nước hoặc 4 thuyền đổ bộ. Tàu cũng có thể chở được tới 60 xe bọc thép hoặc xe tải hậu cần. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, với hai phòng giải phẫu.
      Ngay trước khi ký hợp đồng đóng tàu cho Nga, vào năm 2011, chủ đề này đã gây tranh luận tại Pháp, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại chuyển giao công nghệ cao cho Nga. Bây giờ, nếu giao tàu chiến cho Nga, Pháp sẽ bị Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ trích, đặc biệt là từ phía nước vùng Bal-tíc và Ba Lan, vốn không tin tưởng Nga. Nguy cơ là Pháp có thể không được tham gia các hợp đồng hiện đại quân đội Ba Lan, trị giá hàng chục tỷ euro.
      Thế nhưng, nếu không giao tàu, thì hình ảnh và uy tín Pháp, trong tư cách nhà xuất khẩu, sẽ bị tổn hại và ngân sách quốc phòng Pháp cũng bị hao hụt. Bên cạnh đó, khoảng 300 lao động trên công trường đóng tàu Saint Nazaire bị đe dọa. Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì các yêu cầu chính trị nội bộ có thể thắng thế đối với các thách thức địa chiến lược. Sự sống còn của tổ hợp công nghiệp quân sự phụ thuộc vào việc thực hiện các hợp đồng quan trọng này. Chính vì thế, bên quân đội Pháp, nhất là Hải quân, người ta vẫn tin tưởng là hợp đồng giao tàu sẽ được thực hiện, vì theo họ, tàu Mistral không phải là một vũ khí chiến lược.
      Trong khi đó, Nga vừa gây sức ép, vừa tỏ ra không cần. Chính ông Rogozin này, cách nay một tháng, đã tuyên bố là có thể không cần đến hợp đồng đã ký với Pháp nữa vì giờ đây, Nga có khả năng đóng được loại tàu này.
      Le Monde cho biết, cách nay vài ngày, các cố vấn thân cận của Tổng thống François Hollande vẫn tin tưởng là Paris sẽ thực hiện hợp đồng giao tàu cho Nga, bởi vì Nga và Châu Âu « đang ở trong giai đoạn làm dịu căng thẳng. Tình hình chưa bao giờ tốt như hiện này».
      Kết thúc thời kỳ dầu lửa giá cao ?
      Chuyên trang kinh tế của báo Le Monde có bài « Thị trường tài chính Luân Đôn đánh cược về sự kết thúc thời kỳ dầu lửa giá cao ». Theo giới chuyên gia, giá dầu lửa còn tiếp tục thấp trong một thời gian dài do sự phát triển của công nghệ khai thác dầu đá phiến và nhu cầu trên thế giới giảm.
      Tại thị trường City Luân Đôn, ngày càng có nhiều nhà tài chính, kể cả Golman Sachs và Citigroup, đánh cược về việc giá dầu lửa sẽ tiếp tục ở mức thấp trong dài hạn. Trên thị trường New York, giá dầu lửa giảm 25% kể từ tháng Sáu và ngày 27/10 vừa, qua, mức giá này chỉ vượt qua ngưỡng 80 đô la/thùng (khoảng 64 euro) trong chốc lát. Đây không phải là hiện tượng nhất thời mà là một xu thế có thể kéo dài.
      Từ giữa những năm 2000, hầu như có một sự đồng thuận trên thế giới cho rằng đã chấm dứt thời kỳ dầu giá rẻ, với lập luận là nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là tại các nước đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc. Đồng thời, chi phí khai thác không ngừng tăng, ở những vùng biển sâu, những khu vực khó tiếp cận.
      Giờ đây, quan điểm này không còn đúng nữa. Ngân hàng Goldman Sachs thẩm định là «một trật tự mới về dầu lửa » đang mở ra và còn phỏng đoán giá một thùng dầu sẽ ở mức 70 đô la vào quý hai năm 2015 và sau đó, ổn định ở mức 80 đô la trong một thời gian dài.
      Báo Le Monde nêu ra hai nhân tố giải thích : Trước tiên là việc phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Trong ba năm, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 60% và nhờ vậy, Hoa Kỳ đang hướng tới việc độc lập về năng lượng. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm ba lần, kể từ 2007. Yếu tố thứ hai là nhu cầu thế giới giảm, đặc biệt tăng trưởng tại Trung Quốc cũng đi xuống. Các nỗ lực tiết kiệm năng lượng trong nhiều thập niên qua, giờ đây mang lại kết quả. Ngân hàng Citigroup bổ sung yếu tố thứ ba : Sự phát triển công nghệ khai thác khí đá phiến tạo xu hướng dùng khí đốt thay thế cho dầu lửa.
      Công nghệ dùng nước áp suất lớn để khai thác dầu đá phiến đã dẫn đến hai thay đổi cơ bản : Sản lượng dầu tăng, nhưng nhu cầu giảm và đây là trường hợp chưa từng thấy tại Mỹ.
      Le Monde còn ghi nhận một sự thay đổi trong chiến lược sản xuất và xuất khẩu dầu khí của khối OPEC. Bình thường ra, khối này giảm sản lượng để giữ giá dầu, nhưng hiện nay, một số nước, đặc biệt là Ả Rập Xê Út vẫn giữ nguyên sản lượng, chấp nhận cho giá dầu hạ thấp, qua đó, ngăn chặn được việc phát triển khai thác dầu đá phiến, tức là làm cho giá dầu đá phiến cao hơn dầu lửa tự nhiên.
      Khi để cho giá ở mức dưới 80 đô la/thùng, OPEC sẽ tấn công trực diện vào các kỹ thuật mới trong việc khoan tìm, khai thác dầu, vì đắt hơn kỹ thuật khai thác giếng dầu thông thường trên sa mạc.
      Chính vì thế, câu hỏi chính hiện nay là giá dầu đá phiến của Mỹ sẽ ở mức nào thì việc khai thác không có lãi nữa ? Tức là nên quay sang khai thác dầu lửa bình thường. Ngân hàng Goldman Sachs thẩm định là 80 đô la/thùng, còn Citi group đưa ra con số 60 đô la.
      Cho dù giá dầu không thể xuống quá thấp, khoảng 20 đô la như thời kỳ đầu những năm 2000, nhưng rõ ràng một sự cân bằng mới đang được hình thành, với mức giá rất thấp so với những dự báo trong những năm gần đây.
      Trang nhất các báo Pháp
      Các báo chính tại Pháp hôm nay đều đưa lên trang nhất thời sự trong nước. Le Monde đề cập đến « Đập nước Sivens : Phương pháp của Valls bị chỉ trích bên trong chính phủ ». Dự án xây đập ở Sivens, Tarns, miền nam nước Pháp đã vấp phải sự phản đối của người dân trong nhiều tháng qua. Vụ việc trở nên trầm trọng sau cái chết của một người biểu tình. Nhiều chính trị gia có thế lực trong đảng Xã hội, một số bộ trưởng, không ngần ngại chỉ trích phương pháp lãnh đạo, quản lý hồ sơ này của Thủ tướng Manuel Valls.
      Báo Le Figaro quan tâm đến « Các ngưỡng xã hội : Giới công đoàn chơi trò ngăn chặn ». Giới chủ Pháp đưa ra dự thảo cải cách về mức độ trách nhiệm của doanh nghiệp tùy thuộc số lượng nhân viên trong doanh nghiệp. Thế nhưng, các công đoàn đã bác bỏ toàn bộ dự thảo này. Do vậy, giới chủ đã cam kết sẽ đưa ra một văn bản mới vào giữa tháng 11.
      Trong khi đó, Liberation chạy trên trang nhất « Những anh hề trong thành phố », nói về hiện tượng có những kẻ đeo mặt nạ, đóng vai anh hề, với những bộ mặt gây sợ hãi, có những hành động hù dọa, tấn công người dân. Bộ Nội vụ Pháp lo ngại các vụ lộn xộn vào dịp lễ hội Halloween.
      Tờ Les Echos cho biết : « Kinh tế Mỹ thách thức sự ảm đạm của thế giới ». Tổng sản phẩm quốc nội tăng 3,5% trong quý 3 và Tổng thống Obama hy vọng kết quả này sẽ tạo thuận lợi cho đảng Dân Chủ nhân cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ.

      Phạm Chí Dũng: Không thể phớt lờ quyền tự ứng cử của công dân

      Phạm Chí Dũng: Không thể phớt lờ quyền tự ứng cử của công dân

      mediaToàn cảnh Quốc hội Việt Nam khóa 13 kỳ họp thứ 8, khai mạc tại Hà Nội ngày 20/10/2014.REUTERS/Kham
        Ngày 28/10/2014, một số tổ chức dân sự với vai trò khởi xướng trong đó có Hội Nhà báo Độc lập, đã ra Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm đang diễn ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII (20/10 đến 28/11/2014), với hai phần ba thời lượng được dành cho việc xây dựng các luật. Được biết đây là kỳ họp có số lượng luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.
        RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập về vấn đề trên.
        RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Anh có thể cho biết lý do vì sao bản tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân được nêu ra vào thời điểm này?
        Nhà báo Phạm Chí Dũng : Ngay thời điểm này, Quốc hội Việt Nam đang họp kỳ cuối năm 2014 và sẽ bàn về bầu cử đại biểu Quốc hội - một vấn đề mà trong con mắt những người độc tôn đảng trị là hết sức “nhạy cảm”. Nhưng lại đang có những dấu hiệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn phủi tay một vấn đề rất thiết thân với quyền đương nhiên của nhân dân là quyền tự ứng cử.
        Từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013 đều quy định: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Thế nhưng trong suốt 68 năm qua, quyền tự ứng cử của công dân vẫn chỉ là một vật trang trí bị rẻ rúng. Lúc cần thì mang ra bài trí cho “dân chủ cơ sở”, nhưng thực chất là bóp nghẹt ngay tức khắc những ai muốn tự mình cất lên tiếng nói.
        Một minh chứng rất rõ cho tình trạng bóp nghẹt đó là hình thức ứng cử thông qua tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu luôn áp đảo so với việc ứng cử của bất kỳ cá nhân nào. Cứ gần mỗi kỳ bầu cử, các cấp từ quận huyện, tỉnh thành đến trung ương đều ra sức “vận động” và cả đe dọa những người tự ứng cử, kể cả đảng viên, để rút tên.
        Chẳng hạn các điều các điều 34, 35, Luật bầu cử đại biểu lại quy định chặt chẽ việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương. Chính lối bầu cử áp đặt theo cơ chế “Đảng cử dân bầu” trên đã tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc và xúc phạm nặng nề đối với việc tự ứng cử của công dân.
        Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây đã cho ra những con số quá thấp về tự ứng cử. Chẳng hạn Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 người trúng cử. Quốc Hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử; còn đến Khóa XIII thì công tác vận động “thành công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử 4 người.
        Còn lần này, Quốc hội sẽ bàn về luật bầu cử đại biểu, nhưng hầu như chắc chắn họ sẽ lặp lại lối mòn cũ là áp đặt cơ chế “đảng cử dân bầu”, và sẽ hạn chế đến mức tối thiểu những người tâm huyết muốn tự ứng cử để gánh vác việc nước và giương cao ngọn cờ phản biện.
        RFI : Trước đây ông Hồ Chí Minh từng khẳng định: Hễ những ai muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…
        Không chỉ ông Hồ Chí Minh, mà Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, tại Điều 25 ghi rõ: Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình.
        Còn Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nhấn mạnh: Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương.
        Nói như vậy và vào lúc Nhà nước Việt Nam đã là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tự ứng cử đã trở thành một trong những quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của một con người cần phải tôn trọng triệt để. Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử phải được thực hiện như một trong những quyền cơ bản nhất của con người mà thể chế cần bảo đảm. Bầu cử chỉ thực sự tự do và công bằng khi mọi công dân thực thi quyền tự ứng cử mà không bị cản trở trong bất kỳ trường hợp nào.
        RFI : Trong Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân, các hội đoàn dân sự đã nêu những khuyến nghị trọng tâm nào?
        Việc đầu tiên là phải xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu” tồn tại từ nhiều năm qua. Thứ hai là phải minh bạch hóa trong công tác đối với người tự ứng cử. Không kỳ thị trong cách tuyên truyền bầu cử, không phân biệt trong điều kiện vận động bầu cử của các ứng viên, không có hành vi cản trở đối với những người tự ứng cử nhằm thể hiện tính công bằng, khách quan.
        Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu Quốc hội bổ sung điều luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong việc thực hiện quyền tự ứng của công dân trong Luật bầu cử Quốc hội. Ủng hộ người dân tự ứng cử để thể hiện thực chất ý chí nhân dân trong bầu cử.
        Chúng tôi cũng yêu cầu xóa bỏ những bất công và bất hợp lý trong Quyết định số 244-QĐ/TW về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.
        RFI : Anh có thể cho biết rõ hơn về những bất công trong Quyết định 244 trên đây ?
        Có tới “9 không” trong quyết định này. Điều 13 của Quy chế nhấn mạnh đến 6 việc “không được” và 3 việc “không có”. Theo đó, cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có têntrong danh sách đề cử của cấp ủy.
        Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếukhông có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.
        Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.
        Nói chung là một cơ chế cực kỳ độc đoán và áp đặt!
        RFI Được biết Chính phủ đã có văn bản đề nghị Dự luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bổ sung quy định theo hướng mở rộng các hình thức bầu cử. Anh nghĩ gì về động thái này?
        Tất nhiên chúng tôi có thể đồng thuận với bất kỳ hành động nào của Chính phủ có lợi cho dân chủ và người dân. Chỉ có điều phải xem xét một cách biện chứng xem Chính phủ có thực tâm “vì dân” hay chỉ vì quyền lực và lợi ích riêng của họ.
        Thực ra, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều hứa hẹn về cải cách thể chế nhưng vẫn chưa có kết quả nào đáng chú ý.
        Suốt ba năm qua, kể từ tháng 11/2011 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội đề nghị Luật biểu tình, cho đến giờ tất cả vẫn lặng câm. Những vấn đề khác như Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý và “dễ” nhất là Luật tiếp cận thông tin cho tới nay vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Vào tháng 8/2013, Chính phủ đã đưa ra tuyên bố "quyền phúc quyết thuộc về nhân dân", khiến dư luận và báo chí được một phen thấp thỏm hy vọng. Nhưng từ đó đến nay, tình trạng nhân dân vẫn bị hết nhóm lợi ích kinh tế đến nhóm lợi ích chính trị đè đầu cưỡi cổ đã cho thấy "quyền phúc quyết" thực chất là thế nào.
        Lối so sánh biện chứng lịch sử không tránh khỏi như thế đang khiến người dân khó có thể hiểu khác hơn là ngay trước một kỳ họp Quốc hội, giới quan chức chính phủ muốn lặp lại kịch bản "lấy điểm" mà không phải xuất phát từ lòng thành tâm tối thiểu của họ.
        RFI : Còn về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liệu họ có chấp nhận quyền tự ứng cử của công dân?
        Chỉ mới cách đây hơn hai tháng, vào trung tuần tháng 8/2014, Ban soạn thảo dự án luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho rằng "để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử", với lý do "thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác”.
        Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại dính vào tính thủ cựu không làm sao sửa được. Bất cần biết lý do trên có tính thực chứng hay không, cho đến nay vẫn chỉ có hai hình thức vận động "đảng cử dân bầu" là thông qua hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
        Thế nhưng người dân Việt Nam lại biết quá rõ trong quá khứ các kỳ vận động bầu cử, đã chỉ có một số ít ỏi ứng viên độc lập dùng tới “lực lượng vật chất” và “lực lượng truyền thông” để tự ứng cử. Những người này lại thuộc về thành phần doanh nghiệp chứ không phải là các trí thức túng thiếu tiền bạc nhưng luôn thừa thãi lòng tự trọng.
        Phần đa còn lại là các ứng viên được “cơ cấu” theo cách không thể nào trượt. Đó là những quan chức mặt trận và chính quyền theo ba cấp phường xã, quận huyện và tỉnh thành. Chính những ứng viên này mới được trang bị đầy đủ bởi ngân sách nhà nước cùng đội hậu bị hùng hậu của báo chí quốc doanh.
        Xét theo phương châm bất di bất dịch đó, quan chức nhà nước được coi là “ăn đủ”, còn những người có gan tự ra ứng cử trong quá khứ như các ông Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… đều rớt sạch. Không những rớt, các ông này sau đó còn đi thẳng vào nhà tù !
        Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện thời, những thông tin sôi trào từ dư luận người dân cho thấy nếu một cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên tự do và trên hết là người có tinh thần yêu nước sẽ chiến thắng.
        Có lẽ quá lo ngại tinh thần yêu nước và “chủ nghĩa tự do vô chính phủ” như thế nên Quốc hội Việt Nam và những người “cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp” vẫn âm thầm làm mọi cách để không cho phép bất kỳ nhân vật nào của Xã hội dân sự bén mảng vào chốn nghị trường.
        Vì thế, tôi cho là tính thủ cựu và lợi ích nhóm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chưa thể chuyển ngay, mà phải kéo dài một thời gian nữa.
        RFI : Người dân phản ứng thế nào về tính thủ cựu và lợi ích nhóm như thế?
        Nhiều dư luận trong nhân dân Việt Nam đang cho rằng Quốc hội không còn là một cơ quan “của dân, do dân và vì dân” nữa. Nói khác đi, Quốc hội đang là tổ chức của những nhóm lợi ích về kinh tế và nhóm thân hữu về chính sách. Bản Hiến pháp 2013 đầy bất công về “sở hữu đất đai toàn dân” được thông qua với tỉ lệ cực kỳ áp đảo đã cho thấy các nhóm lợi ích và bảo thủ trong Quốc hội ghê gớm như thế nào.
        Với các nhóm lợi ích kinh tế, họ chiếm một phần trong Quốc hội với tư cách kiêm nhiệm, còn các nhóm thân hữu chính sách cũng thế. Cho dù đã nhiều đề nghị phải nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách lên 30% hoặc 50%, nhưng cho tới nay số kiêm nhiệm vẫn còn quá nhiều theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng nhiều người dân còn cho rằng không chỉ có thế, các nhóm lợi ích đang hành xử theo lối “vừa ăn cướp vừa la làng” ngay trong nghị trường, xóa lấp những tổn hại và di hại mà họ gây ra đối với dân chúng. Ví dụ điển hình nhất chính là dự án sân bay Long Thành mà các nhóm tài phiệt và chính sách “vẽ” đến hàng chục tỉ USD, chủ yếu vay mượn từ nguồn ODA, bất kể tương lai đổ nợ lên đầu con cháu như thế nào.
        Đã đến lúc người dân nhận ra là Quốc hội của họ đã “gật” quá nhiều và quá dễ dãi đối với các nhóm lợi ích, khiến cho đất nước rơi vào cảnh tàn mạt về kinh tế và đạo đức xã hội như ngày hôm nay. Ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu phản ứng với não trạng và cung cách làm việc của bộ phận đầu não trong Quốc hội.
        Quốc hội không thể đi ngược với xu thế chung. Quốc hội và Bộ Chính trị đảng không thể lũng đoạn mãi quyền tự ứng cử của công dân. Chắc chắn trong vài năm tới họ sẽ phải tự thay đổi, sẽ phải để cho người dân tự ứng cử, để nhân dân tự cứu mình và cứu vãn đất nước mà không thể trông chờ vào một chế độ điều hành quá yếu kém và đầy rẫy tham nhũng. Nếu không tự thay đổi, Quốc hội sẽ trở thành con số 0 trong mắt cử tri và trước sau cũng bị giải tán theo quá nhiều kinh nghiệm lịch sử ở các nước trên thế giới.
        Ít ra, họ phải còn một chút liêm sỉ tối thiểu!
        RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
        Nhà báo Phạm Chí Dũng - Saigon31/10/2014 - Thụy MyNghe

        Cùng chủ đề

        Mỹ vẫn theo sát tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện

        Mỹ vẫn theo sát tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện

        mediaTổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi cùng bước vào phòng hội nghị © REUTERS /Aung Myin Yezaw
          Nhiều dấu hiệu cho thấy tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện được thúc đẩy trở lại. Vài ngày sau khi Ủy ban bầu cử Miến Điện thông báo lịch bầu cử Quốc hội, Tổng thống Thein Sein triệu tập thượng đỉnh chính trị gồm các tư lệnh quân binh chủng và sáu đảng phái. Kết quả, các bên đồng thuận thảo luận tu chính Hiến pháp cho phép lbà Aung San Suu Kyi tranh ghế Tổng thống năm 2015.
          Thượng đỉnh chính trị tại Miến Điện khai mạc và kết thúc trong ngày hôm nay 31/10/2014 tại thủ đô hành chánh Naypyidaw với một số dấu hiệu khích lệ. Theo AFP, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cùng với Tổng thống Thein Sein song hành bước vào phòng đàm phán trước đám đông ký giả, phóng viên quốc tế và quốc nội được mời.
          Cuộc họp chỉ kéo dài có nửa ngày nhưng đã đạt được thỏa thuận cơ bản là đưa một số điều khoản phản dân chủ của bản Hiến pháp ra thảo luận tại nghị trường để sửa đổi.
          Bản Hiến pháp được soạn thảo năm 2008, ba năm trước khi tập đoàn quân sự rút lui, đã đặt nhiều chốt chận bảo vệ đặc quyền đặc lợi và cản đường cải cách toàn diện. Một là cho phép quân đội dùng quyền phủ quyết ngăn chận mọi nỗ lực tu chính Hiến pháp.
          Hai là cấm công dân có vợ, chồng, con cái mang quốc tịch nước ngoài tranh ghế tổng thống. Điều khoản này là nhắm vào cá nhân giải Nobel Hòa bình 1991, lãnh đạo chính trị có uy tín hàng đầu trong và ngoài nước, bà Aung San Suu Kyi.
          Tất cả những nhân vật tham dự đàm phán do Tổng thống Thein Sein triệu tập không đưa ra lời bình luận nào. Tuy nhiên, phát ngôn viên phủ Tổng thống Ye Htut nhận định khá lạc quan : cuộc đối thoại hôm nay là một « bước tiến khiêm tốn nhưng sẽ có tác dụng rất quan trọng » và khả năng « sửa đổi các điều khoản sẽ được thảo luận tại Quốc hội theo luật định ».
          Sự kiện chính quyền Miến Điện tổ chức « thượng đỉnh chính trị » ngày hôm nay không phải là chuyện ngẫu nhiên. Lịch trình bầu cử Quốc hội, vào tháng 10 và tháng 11/ 2015, cũng vừa được thông báo để chứng minh con đường dân chủ đang được tăng tốc.
          Nhiều lý do thúc đẩy chế độ đưa ra những động thái tích cực trấn an công luận. Về quan hệ quốc tế, vào giữa tháng 11, Miến Điện với tư cách là nước chủ nhà sẽ đón tiếp hội nghị thượng đỉnh Asean và sẽ có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
          Trước khi đối thoại chính trị khai mạc, đích thân Tổng thống Mỹ đã điện thoại với Tổng thống Miến Điện và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.
          Với lãnh đạo đối lập, Barack Obama cho biết Hoa Kỳ sẽ làm gì để « hỗ trợ các nỗ lực phát huy không gian chính trị cởi mở ». Với Tổng thống Miến Điện, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh đến nhu cầu « tổ chức bầu cử 2015 quang minh chính đại, đáng tin cậy và tự do ».
          Với uy tín hiện nay của đối lập, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ sẽ chiếm đa số tại nghị trường và chắc chắn họ sẽ dồn phiếu cho bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống.
          Vấn đề đặt ra là liệu Quốc hội hiện nay của Miến Điện với đa số đại biểu là quân nhân, xuất phát từ cuộc bầu cử 2010 bị tố là gian lận, có chấp nhận tu chính các điều khoản trái dân chủ hay không ? Để gây áp lực, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã thu thập được hơn 5 triệu chữ ký đòi tu chính Hiến pháp.
          Về nội trị, bên trong guồng máy nhà nước cũng đang có những tranh chấp quyền lực khốc liệt, mầm móng làm tăng căng thẳng trong nước.
          Một trong những thất bại của chính quyền Thein Sein là thỏa thuận ngưng bắn với các tổ chức đối lập võ trang vẫn không được bên nào tôn trọng. Xung đột giữa Phật tử cực đoan và sắc tộc Rohingya cũng lên cực điểm làm hàng trăm ngàn tín đồ đạo Hồi phải vượt biên lánh nạn.
          Ẩn số hiện nay là liệu đối thoại chính trị vừa kết thúc với những kết quả được xem là khích lệ sẽ đưa đến một giải pháp dung hòa khai thông tiến trình dân chủ, đem lại ổn định xã hội và phát triển kinh tế hay không ?
          Theo AFP, đối lập Miến Điện cũng như giới phân tích tây phương hy vọng như thế. Tiến trình này đang được Washington theo dõi từng bước.

          Cùng chủ đề