Sư Cường là 'chuột' hay 'bình quý'?
- 7 giờ trước
Vài ngày sau khi sư Thích Thanh Cường chỉ phải viết kiểm điểm cho “hành động làm mất thanh danh giáo hội”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu cần phải thận trọng khi xử lý cán bộ: “đánh chuột đừng để vỡ bình”. Có thể thấy rằng chưa cần người đứng đầu Đảng “định hướng”, những người có chức có quyền đã hành động đúng theo phương châm của Đảng.
Hành động của sư Cường đúng hay sai?
Cho qua những phản ứng dư luận, vì đó là “người ngoài”. Hãy nghe người trong cuộc.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nói: “Căn cứ nội quy tăng sự, Đại đức Thích Thanh Cường có những hành động làm mất thanh danh Giáo hội, đã có đầy đủ chứng cứ.”
“Những hành vi của nhà sư Thích Thanh Cường đã vi phạm đạo đức nhà Phật và làm mất thanh danh của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nên cần phải xử lý nghiêm.”
Như vậy, quan điểm chính thức của Giáo hội Phật giáo Hải Dương là việc làm sai trái của sư Cường đã rõ.
Vậy phản ứng của nhà sư thích khoe khoang ra sao?
Khi mới nghe tin mình sẽ bị khiển trách, sư Thích Thanh Cường nói: “Tôi làm ô danh Giáo hội cái gì? Tôi ăn trộm ăn cắp gì?"
"Tôi nuôi hai trẻ mồ côi. Trong phòng tôi chỉ có chiếc giường, xe máy không, xe đạp không, thỉnh thoảng đi đâu tôi đi taxi. Tôi có cái điện thoại Nokia và iPad để dùng thôi…”
Thầy Cường khẳng định không có Iphone 6 hay Vertu và cũng chẳng phạm phải tội gì, ấy thế mà vài ngày sau thầy lại nhận lỗi ngay “tôi đã làm mất thanh danh Giáo hội”.
Thật là khó hiểu!
Ở đây có hai khả năng. Một là dù không có lỗi nhưng sợ mất chức nên đành phải nhận. Nếu vậy, danh lợi đã quan trọng hơn danh dự - thứ mà đáng lẽ ra là điều duy nhất một vị tu hành có thể giữ lại cho mình. Nếu bị oan ức, thầy nên từ bỏ mọi chức tước để quay về cuộc sống tu hành ẩn dật như chính nó phải thế.
Khả năng thứ hai, là có lỗi thật nên trước sau buộc phải nhận, và thầy đã nhận lỗi thế nào?
Thầy đã vắng mặt ở buổi họp đầu tiên và kể lể nhiều việc: “Tại sao thầy có 5.000 người bạn, có 54.000 người theo dõi trên Facebook? Tức là một con người rất nổi tiếng” và “Thầy có 9 huy chương, kỷ niệm chương, 45 bằng khen, huy chương. Chưa có ai nhiều thành tích như thế ở Hải Dương.”
Thế nhưng hành động của thầy không có kết quả và thông điệp cứng rắn vẫn được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Dương đưa ra: nếu tiếp tục vắng mặt trong buổi họp kỷ luật lần hai, thầy Cường sẽ bị bãi miễn mọi chức vụ đang nắm giữ.
Lần này thầy Cường đến thật.
Sau buổi họp, thầy tươi cười bước ra chỗ các nhà báo: “Như showbiz nhỉ! Lắm phóng viên quá”.
Dường như thói thích nổi tiếng đã làm Đại Đức Thích Thanh Cường quên mất rằng các nhà báo đến đây để đưa tin về sự việc đáng xấu hổ của mình.
Có lẽ do cần phải ghi lại khoảnh khắc lịch sử, thầy Cường mượn Ipad để chụp hình các nhà báo đang đưa tin bài về mình.
Đối với đại đức này, cuộc họp kỷ luật chắc cũng không khác gì cuộc họp khen thưởng.
Và đây cũng là lần cuối được khoe sau khi bị cấm đưa hình ảnh phản cảm lên Facebook nên thầy Cường vẫn tiếp tục trưng ra (những thứ có lẽ còn sót lại chưa kịp post): “Thầy cũng có thẻ nhà báo đó nhé”, hay “Mấy hôm nữa thầy đi Thụy Sỹ. Ở nhà nổi tiếng quá rồi”.
“Phải xử lý nghiêm”
Trong một diễn biến riêng rẽ và không liên quan tới vụ việc, vài ngày sau khi sư Thích Thanh Cường chỉ phải viết kiểm điểm cho “hành động làm mất thanh danh Giáo hội”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu cần phải thận trọng khi xử lý cán bộ: “đánh con chuột đừng để vỡ bình”.
Những gì diễn ra ở buổi kiểm điểm ở Hải Dương liệu có phải hành động của người đã thật sự ăn năn hối cải về lối sống khoa trương? Đáng nói hơn, hành động của sư Cường diễn ra ngay trước mắt thầy Thích Quảng Tùng – đại diện Ban Trị sự.
Như vậy cấp trên của sư Cường cũng chẳng thể phân biệt được đúng sai trong hành động của cấp dưới, nên có thể hiểu được vì sao ông có thể phát ngôn một câu thế này: “Nếu thầy mua Iphone dùng thì không sao, nhưng đưa lên mạng thì rất phản cảm”. Nói như thế khác nào bảo nhà sư ăn thịt cầy thì được, nhưng không nên cho ai thấy.
Iphone, mà lại là Iphone đời mới nhất, không phải là thứ ai cũng có thể sở hữu ở Việt Nam. Người tu hành có một cuộc sống vật chất dư dả đến mức dùng những vật dụng xa xỉ thì không còn là bình thường nữa rồi.
Có lẽ trong giới tu hành ở Việt Nam điều này không hiếm, chỉ vì đang bị dư luận lên án thì đành phải xử lý mà thôi, và cách xử lý lẫn cách xin lỗi đều không xa lạ với người dân: Sư Thích Thanh Cường chỉ phải làm kiểm điểm chứ không bị cảnh cáo hay bãi miễn chức vụ Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ.
Nhìn vào kết quả cuộc họp kỷ luật, không khó hiểu khi thấy người ra quyết định và người nhận quyết định đều vui như Tết.
Sư Cường sắp đi Thụy Sỹ và chắc sẽ tiếp tục phong lưu dài dài, chỉ có điều không còn đưa “hình ảnh phản cảm” lên Facebook mà thôi.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
No comments:
Post a Comment