Thursday, October 16, 2014

Biển Đông : Vị ‘khách’ được Việt Nam mời đến Thượng đỉnh Á Âu Milano

Biển Đông : Vị ‘khách’ được Việt Nam mời đến Thượng đỉnh Á Âu Milano

mediaThủ tướng Việt Nam và Chủ tịch ủy ban Châu Âu tại Bruxelles. Ảnh ngày 13/10/2014.Reuters
    Ngay từ trước lúc Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu ASEM 10 khai mạc vào hôm nay (16/10/2014), có một điều kể như đã chắc chắn : Hồ sơ tranh chấp Biển Đông sẽ được nêu lên trong hội nghị diễn ra tại Ý.
    Sự kiện này không phải là ngẫu nhiên, mà là do tác động tích cực của Việt Nam, gần đây đã không ngừng vận động các đối tác Châu Âu, đặc biệt là với chuyến ghé thăm Bỉ, Liên Hiệp Châu Âu và Đức của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước khi đến Milano.
    Lời khẳng định rõ rệt nhất về việc vấn đề Biển Đông sẽ được bàn bạc trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu tại Ý là tuyên bố hôm 15/10/2014 của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau buổi hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Berlin.
    Nhân cuộc họp báo sau khi gặp Thủ tướng Việt Nam, bà Angela Merkel đã khẳng định rằng trong cuộc tiếp xúc, hai bên có thảo luận về tình hình Biển Đông, bên cạnh các vấn đề quốc tế quan trọng khác. Quan điểm của Berlin, theo Thủ tướng Đức, là tự do hàng hải cũng là « lợi ích chiến lược của Đức ». Lời xác định của bà Merkel đã gợi lại câu nói gần như tương tự vào năm 2010 của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ thời đó, khi bà cho rằng tự do hàng hải là « lợi ích quốc gia » của Hoa Kỳ.
    Tương đồng quan điểm Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu
    Theo ghi nhận của báo chí, đáng chú ý trong phát biểu của Thủ tướng Đức là lời xác nhận của bà theo đó chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ được phía Liên Hiệp Châu Âu nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM.
    Trước Thủ tướng Đức, ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu, ngày 13/10 cũng xác nhận quan điểm của Bruxelles «chia sẻ với Việt Nam các quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông » và « Khuyến khích tất cả các bên (tranh chấp) tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
    Nhân chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 8/2014, chính ông Barroso đã từng công khai xác định lập trường của Bruxelles về Biển Đông trong một cuộc họp báo, nói rõ rằng Liên Hiệp Châu Âu có quyền lợi thương mại, chiến lược, năng lượng, an ninh quan trọng trong khu vực. Dù không thiên về bên nào trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Liên Hiệp Châu Âu cho rằng « tất cả các bên cần phải tránh các hành động đơn phương có nguy cơ gây thêm căng thẳng hay sự cố ngoài ý muốn ».
    Các tuyên bố trên đây rõ ràng trùng lặp gần như hoàn toàn với quan điểm chính thức của Việt Nam, đã được ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại trong các buổi tiếp xúc với đối tác Châu Âu: Giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh tiến hành các biện pháp đơn phương, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...
    Thượng đỉnh ASEAN-EU đầu tiên bên lề ASEM cho phép "vô hiệu hóa" Trung Quốc
    Vấn đề Biển Đông như vậy chắc chắn sẽ được nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu, nơi có mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Vấn đề là liệu hồ sơ này có được nêu lên trong Tuyên bố chung của Hội nghị hay không trong bối cảnh Bắc Kinh không hề muốn quốc tế đề cập đến.
    Tuy nhiên theo các nhà quan sát, tại Thượng đỉnh ASEM 10 ở Milano, lần đầu tiên sẽ có một Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao không chính thức ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu. Việc hình thành cơ chế này, theo mô hình Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN có thể được xem là một thành công của Việt Nam trong tư cách quốc gia Điều phối viên quan hệ ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu.
    Cuộc họp song phương ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu do đó tất yếu sẽ đề cập đến hồ sơ Biển Đông, và ở đó sẽ không có mặt Trung Quốc để phản bác.

    Cùng chủ đề

    No comments:

    Post a Comment