Việt Nam tăng cường quan hệ với Tòa thánh Vatican
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua được người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã, giáo hoàng Phan Xi cô tiếp kiến tại Vatican.
Nhân sự kiện này, Gia Minh điểm lại những diễn tiến trong mối quan hệ Việt Nam- Vatican trong thời gian qua và một số vấn đề trở ngại giữa chính quyền Hà Nội và giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Đào sâu quan hệ song phương giữa Hà Nội và Vatican
Ông Nguyễn Tấn Dũng là vị thủ tướng đầu tiên của chính quyền Hà Nội gặp giáo hoàng Công giáo la Mã. Đó là vào năm 2007 và lần ấy cũng là lần thứ nhất thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diện kiến giáo hoàng. Người ông gặp là lúc đó là đức Bê nê đíc tô thứ 16. Bảy năm sau ông Nguyễn Tấn Dũng lại có dịp tiếp xúc với một vị mới là giáo hoàng Phan Xi cô.
Trong suốt thời gian qua, Vatican cũng tiếp các ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước vào tháng 12 năm 2009, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng giêng năm 2013, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào tháng 3 năm nay.
Lần đến thăm Vatican này của thủ tướng Việt Nam, giám đốc phòng báo chí tòa thánh có phát biểu nói rằng cuộc gặp giúp đào sâu mối quan hệ song phương giữa Hà Nội và Vatican. Trong khi đó, phía Việt Nam cũng nói chuyến viếng thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai phía
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái cũng có sang Vatican để làm việc. Hai nội dung được đoàn Việt Nam nêu ra với Vatican là vụ việc đụng độ tại giáo phận Vinh và vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế, nơi luôn công khai lên tiếng ủng hộ cho người nghèo, chống bất công xã hội.
Đối với lần đến thăm Vatican này của thủ tướng Việt Nam, giám đốc phòng báo chí tòa thánh có phát biểu nói rằng cuộc gặp giúp đào sâu mối quan hệ song phương giữa Hà Nội và Vatican. Trong khi đó, phía Việt Nam cũng nói chuyến viếng thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai phía.
Những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Vatican và Việt Nam được tiến hành từ năm 1990. Năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican. Cho đến nay, nhóm đã có 5 vòng làm việc. Lần làm việc mới nhất ở Hà Nội diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 9 vừa qua.
Vào năm 2011, Hà Nội đồng ý để Vatican có vị đại diện không thường trú tại Việt Nam là đức cha Leopoldo Girelli. Từ khi nhậm chức đến nay, vị đại diện không thường trú của Vatican được đi đến nhiều giáo phận khác nhau tại Việt Nam.
Tình hình hiện tại về tôn giáo tại VN
Số giáo dân Công giáo hiện được nói chừng từ 6 đến 7 triệu tín hữu trên tổng dân số 90 triệu người. Giáo hội mong muốn được đóng góp vào các công tác giáo dục, y tế nhiều hơn nữa. Tuy nhiên cho đến nay mong ước đó vẫn chưa được thành sự.
Đức cha Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, trong lần trả lời phỏng vấn nhân vòng đàm phán thứ 5 vừa qua giữa Hà Nội và Vatican cho biết:
“ Còn một số vấn đề tồn đọng như sự cộng tác của giáo hội trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Đây là vấn đề được nhiều lần nêu lên và một vài nhân vật cao cấp trong chính phủ vào đầu năm vừa rồi nói coi như đã đồng ý rồi; nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thấy có văn bản nào công bố rõ rệt về vấn đề đó. Chúng tôi hy vọng rất có thể trong lần làm việc này, đó cũng là một vấn đề nhất là nền giáo dục Việt Nam đang gặp bế tắc và khủng hoảng, nhất là lúc mà người Việt trong và ngoài nước cũng đang lo cho tiền đồ của dân tộc là vấn đề đào tạo con người.”
Vào tháng 5 vừa qua, tờ Vatican Insider trích dẫn phát biểu trả lời phỏng vấn của tổng giám mục Sài gòn, đức cha Phao lô Bùi Văn Đọc, nói rằng cơ cấu của một đại học Công giáo đầu tiên tại Việt Nam sẽ sẵn sàng trong một năm nữa.
Tuy nhiên theo nhiều người đây cũng chỉ là một học viện thần học Công giáo mà thôi chứ chưa phải là một đại học Công giáo tư thục đúng nghĩa.
Ngoài việc chưa để cho giáo hội tham gia công tác giáo dục, y tế như vừa nêu, vấn đề các cơ sở của Công giáo bị trưng thư từ sau những năm 54 ở miền bắc và 75 ở miền nam tại một số nơi vẫn tiếp tục chưa được giải quyết thỏa đáng.
Nhiều người còn nhớ sau chuyến công du Vatican gặp Đức giáo hoàng Bê nê đíc tô thứ 16 của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tòa Khâm sứ tại Hà Nội bị biến thành thư viện và vườn hoa. Mặc dù trước đó ông Nguyễn Tấn Dũng đích thân hứa sẽ giải quyết vụ việc với giám mục Giu se Ngô Quang Kiệt và giáo dân giải tán không tập trung cầu nguyện tại đó để đòi lại cơ sở nữa.
Những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Vatican và Việt Nam được tiến hành từ năm 1990. Năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican. Cho đến nay, nhóm đã có 5 vòng làm việc. Lần làm việc mới nhất ở Hà Nội diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 9 vừa qua
Hiện nay ngay tại Sài Gòn có hai cơ sở tôn giáo của Công giáo đứng trước nguy cơ bị xóa sổ là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Những nữ tu ở cơ sở này cho biết họ từng có hơn cả 100 héc ta đất tại khu vực và sinh hoạt phục vụ tại đó đến sang năm là được 175 năm. Nay họ chỉ còn 3 héc ta và mong muốn tiếp tục được tồn tại để phục vụ cộng đồng dân cư.
Một nữ tu cho biết:
“Chùa Huệ Nghiêm thì Nhà nước cho xây mới rất đẹp. Trong khi đó chỉ có chút xíu ở đây, phải chi mà mình không có đất, đằng này hơn trăm mẫu đã hiến rồi nay chỉ còn có 3 mẫu. Dân chúng sử dụng và khi họ đi thì họ được đền bù, còn nhà dòng chỉ xin một phần trăm hoa lợi thôi mà cũng không được. Giờ mình chỉ trông mong những người có lương tâm họ nghĩ lại, và Nhà dòng cũng an tâm cầu nguyện mong được như thế. Tòa Giám mục cũng không có ý kiến gì chỉ nói hai phía thương lượng với nhau, mà cả hai bên đều đồng thuận thì thật là vui vẻ. Đức tổng giám mục nói ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ và cũng chưa có ra quyết định gì cho chúng tôi.”
Tại khu vực Thủ Thiêm còn có chùa Liên Trì thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không theo hệ thống Phật giáo Nhà Nước, cũng đang trong tình trạng bị buộc phải giao đất lại cho Nhà nước để làm dự án phát triển đô thị.
Một khi được hỏi về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội thường nêu ra những con số nhà thờ, chùa chiền được xây dựng mới và số người lễ bái hay đi nhà thờ đông đúc. Tuy nhiên, những người chỉ trích chính quyền thì chỉ ra rằng nếu cứ vâng thuận mọi việc mà chính phủ làm thì sẽ được yên và phát triển; còn nếu phê bình những sai trái của chính quyền và không đồng ý sự can thiệp của chính quyền vào công tác tôn giáo- tín ngưỡng thì sẽ bị cho là chống đối và gặp muôn vàn khó khăn trong việc thực hành niềm tin đúng theo giáo lý của đạo.
No comments:
Post a Comment