Tuesday, October 21, 2014

Nước Mỹ thất vọng vì Obama

Nước Mỹ thất vọng vì Obama

mediaVầng hào quang của Obama đang lu mờ trong mắt cử tri ? Ảnh ngày 10/10/2014 - Reuters
    Hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 18. Manh nha đối thoại tại Hồng Kông giữa chính quyền với phe dân chủ. Nga - Ukraina tạm dừng chiến tranh khí đốt. Vài tuần lễ trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhiều dân biểu Mỹ giữ khoảng cách với Tổng thống Obama.
    Hai tuần lễ trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, rất hiếm có vị dân biểu nào của đảng Dân chủ mời tổng thống Barack Obama tham gia vận động tranh cử. Trên đây là nhận định trên báo Les Echos của ông Dominique Moïsi, chuyên gia Pháp về quan hệ quốc tế, giảng dậy tại trường đại học King’s College Luân Đôn, cố vấn của Viện nghiên cứu IFRI .
    Ông Barack Obama đã dễ dàng đắc cử và tái đắc cử trong hai nhiệm kỳ 2008 và 2012. Trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, ông là ứng cử viên đã đem lại nhiều phấn khởi và hy vọng nhất. Vậy mà trong đợt tranh cử lần này, các ứng cử viên đảng Dân chủ đều xa lánh chủ nhân Nhà Trắng.
    Giải thích cho nghịch lý nói trên, chuyên gia Pháp trích lời một nhà quan sát về tình hình chính trị hàng đầu của Mỹ : với năm tháng, khuyết điểm của tổng thống Barack Obama càng rõ nét. Lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ có tài hùng biện, nhưng « nói thì quá nhiều, mà làm thì quá ít ».
    Nhược điểm thứ nhì của ông Obama là trong nhiệm kỳ hai, ban cố vấn cho tổng thống Mỹ là những người trung thành với ông chứ không phải là những chuyên gia thực sự có tài trong những lĩnh vực mà họ được chọn để giúp ông lèo lái vận mệnh đất nước. Cụ thể hơn chính sách an ninh và đối ngoại của Hoa Kỳ dưới sự điều hành của hai cộng tác viên rất trung thành với ông Barack Obama là bà Susan Rice và John Kerry đã bị chỉ trích dữ dội.
    Nhà Trắng bị phê bình quá vội vã muốn rút khỏi Irak nên đã nhắm mắt trước nhiều việc làm sai trái của thủ tướng Maliki. Washington lơ là với những quyền lợi thực sự và chiến lược của cả Hoa Kỳ lẫn Irak. Đối với Syria, Washington cũng đã không có lập trường rõ ràng.
    Thế nhưng, để công bằng hơn với ông Barack Obama, chuyên gia Pháp Donimique Moïsi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại, điều hành đất nước không phải là dễ. Về kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ trong hai tuần nữa, ông Moïsi chờ đợi đảng Dân chủ sẽ mất đa số ở cả Thượng và Hạ viện.
    Thế nhưng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016 thì đảng Cộng hòa sẽ thua. Vì tới nay đảng này vẫn chưa tìm ra đồng thuận về người đại diện cho đảng này để ra tranh cử, trong lúc bên phía đảng Dân chủ thì mọi chuyện đã an bài. Ứng cử viên của đảng này sẽ là bà Hillary Clinton.
    Cử tri Mỹ lại có khuynh hướng bỏ phiếu cho một biểu tượng. Sau khi đã đưa người Mỹ da đen đầu tiên vào Nhà Trắng, ông Moïsi nghĩ là trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, một phụ nữ sẽ ngồi vào chiếc ghế tổng thống để điều hành đất nước. Đấy chỉ là những dự đoán.
    Tạm dừng chiến tranh khí đốt
    Rời khỏi châu Mỹ để nhìn sang châu Âu : Le Monde khẳng định « Putin không nhượng bộ trước áp lực của châu Âu trên hồ sơ Ukraina ». Nhật báo kinh tế Les Echos lạc quan hơn với bài báo mang tựa đề « Chiến tranh khí đốt giữa Nga và Ukraina tạm ngưng ».
    Nhờ các đối tác châu Âu, Kiev tìm được đồng thuận với Matxcơva về giá khí đốt cho mùa đông năm nay. Châu Âu giúp Ukraina thanh toán bớt nợ cho Nga. Đổi lại, Nga tiếp tục bán khí đốt cho Ukraina với giá 385 đô la/1000 mét khối. Nhưng đó chỉ là một thỏa thuận tạm thời. Báo Les Echos xem như Matxcơva và Ukraina đã đồng ý « tạm buông vũ khí trên mặt trận khí đốt ». Nhưng Le Monde bi quan hơn khi trích lời tổng thống Ukraina, Petro Porochenko : đôi bên tiếp tục thảo luận thêm một cách cụ thể hơn vào ngày 21/10/2014. Và theo tờ báo, trên hồ sơ khí đốt, thì châu Ấu, Nga và cả Ukraina đang trong thế « trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ».
    Một điều chắc chắn là khủng hoảng Ukraina vẫn không có tiến triển. Cho dù Liên Hiệp Châu Âu đã trải thảm đỏ đón ông Putin, tổng thống Nga đã không nhượng bộ một ly. Vài giờ trước khi đến dự thượng đỉnh Á – Âu tại Milano, Ý chủ nhân điệm Kremly tuyên bố rút bớt quân khỏi biên giới giữa Nga và Ukraina. Tin trên đã bị tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bác bỏ liền sau đó. Le Monde kết luận : trên hồ sơ Ukraina, tổng thống Vladimir luôn trung thành với một chiến lược đó là « nói một đằng làm một nẻo ».
    Ổ gián điệp tại Roumanie ?
    Cũng về thời sự châu Âu, vào ngày 02/11/2014 Rumani tổ chức bầu cử tổng thống. Giới lãnh đạo tại Bucarest đang tố cáo lẫn nhau về quá khứ « mật vụ ». Tại Rumani, chính trị và tình báo luôn đi đôi với nhau. Đó là nhận định của Le Monde trong một bài báo ngắn.
    Thông tín viên tại Bucarest của tờ báo cho biết, cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo ngành tính báo đối ngoại của Rumani, Teodor Melescanu tuyên bố từ chức. Tiếp theo đó đến lượt ông George Maior, người đứng đầu cơ quan mật vụ đặc trách về hồ sơ đối nội cũng cho biết sẽ thôi việc sau bầu cử tổng thống. Nhiều tin đồn cho rằng ông Maior chuẩn bị để trở thành thủ tướng trong trường hợp đảng xã hội của ông Victor Ponta đắc cử. Ông này hiện đang là thủ tướng dưới quyền Tổng thống cánh hữu Traian Basescu.
    Trả lời đài truyền hình vào tuần trước, Tổng thống Rumani mãn nhiệm, Basescu khẳng định ông Ponta nên thú nhận trong thời gian từ năm 1997 đến 2001 đã từng là mật vụ chìm. Năm ngoái khi Tổng thống Basescu yêu cầu điều tra về quá khứ của các thành viên mới gia nhập nội các Ponta, để xem rằng họ có liên hệ với bên mật vụ hay không, thì bất ngờ quyết định trên đã bị phủ Thủ tướng đã bác hẳn.
    Thái độ úp mở đó khiến ngày càng có nhiều câu hỏi về liên hệ giữa các chính khách Rumani với bên tình báo. Và theo như nhận định của Le Monde những tiết lộ về mối liên hệ đó được Tổng thống mãn nhiệm Rumani tung ra vào thời điểm này chỉ nhằm làm giảm uy tín của đối thủ chính trị hàng đầu của ông ta : Victor Ponta.
    Hồng Kông : lực lượng thù nghịch từ bên ngoài ?
    Trở lại với phần tin châu Á, báo chí Paris vẫn còn lác đác một số bài viết về Hồng Kông. Phóng viên của báo công giáo La Croix mô tả cảnh người biểu tình bình tĩnh chờ đợi đối thoại sắp mở ra với chính quyền. Một nhà quan sát nhận định : « Dân Hồng Kông đang viết nên một trang sử mới ».
    Một người biểu tình tại khu Admiralty nêu lên hai điều kiện cần thiết để đời sống ở Hồng Kông được trở lại bình thường : một là cảnh sát phải xin lỗi về những hành vi hung bạo nhắm vào giới trẻ Hồng Kông và hai là lãnh đạo đặc khu hành chính này phải can thiệp để điều chỉnh luật bầu cử. Khó có thể hướng tới đối thoại nếu thiếu hai điều kiện tiên quyết đó.
    Báo Les Echos lưu ý độc giả từ đầu phong trào dân chủ Hồng Kông, ngày 19/10/2014, lần đầu tiên ông Lương Chấn Anh tố cáo các « lực lượng từ bên ngoài » dật giây làn sóng biểu tình. Tác giả bài viết nhấn mạnh : từ trước tới nay, đó là luận điểm của Bắc Kinh nhưng lần đầu tiên được lãnh đạo Hồng Kông sử dụng. Nhìn từ Đại Lục, người biểu tình Hồng Kông đã được Đài Loan dẫn giắt và được một số các tổ chức tại Anh Quốc yểm trợ. Hồng Kông vốn là thuộc địa cũ của Vương quốc Anh.
    Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
    « Y pháp trị quốc », hay cai trị đất nước bằng pháp luật. Đó là chủ đề chính của Hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 18. Thế nhưng La Croix nêu lên câu hỏi : Bắc Kinh quan niệm như thế nào về một « Nhà nước pháp quyền » ?
    Tờ báo này cảnh cáo độc giá chớ nên bị cụm từ đó đánh lạc hướng. Đành rằng về mặt chính thức, Trung Quốc khẳng định là tại một Nhà nước pháp quyền, không một cá nhân hay tập thể nào, không một cơ quan nào của chính phủ được đặt trên pháp luật. Nhưng tại đất nước của ông Tập Cận Bình, điều ấy không bảo đảm là bên tư pháp, lập pháp và hành pháp độc lập với Đảng.
    Khái niệm Nhà nước pháp quyền theo diễn giải của chủ tịch Trung Quốc hiện nay là nền tảng để « cải tổ » hệ thống điều hành trong nội bộ. Theo phân tích của La Croix, với Hội nghị 18 lần này, ông Tập Cận Bình sẽ « củng cố quyền lực của Đảng », và khái niệm đó hoàn toàn khác với « Nhà nước pháp quyền » theo định nghĩa của các nền dân chủ phương Tây.
    Le Figaro châm biếm về khái niệm « Nhà nước pháp quyền » được giới lãnh đạo Bắc Kinh rao giảng. Theo thông tin viên của tờ báo, Trung Quốc hô hào củng cố một Nhà nước pháp quyền trong lúc ngày càng có nhiều luật sư bị bỏ tù, có nhiều vụ « mất tích » hay những ca bị bắt giam mà không được xét xử, ngày càng có nhiều nhà đối lập bị sách nhiều. Làm sao có thể nói tới một Nhà nước pháp quyền mà ở đó các vị thẩm phán đều là thành viên đảng cộng sản và gần 100 % các bị cáo trong các vụ xử đều có tội ?
    « Nghệ thuật chính thức »
    Cũng Le Figaro cho biết thêm là không chỉ hài lòng với việc thâu tóm quyền lực chính trị, chủ tịch Trung Quốc còn đang trên đà tập trung cả quyền lực văn hóa vào tay mình. Trong một cuộc tiếp xúc gần đây với giới văn nghệ sĩ Trung Quốc trong hơn 2 giờ đồng hồ, lãnh đạo Bắc Kinh đã yêu cầu các văn sĩ, họa sĩ, các nhà sáng tác và kể cả các vũ công nên « thể hiện tinh thần yêu nước », « phát huy những giá trị xã hội chủ nghĩa (…), phục vụ nhân dân là một trong những tiêu chí của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và đây là điều thiết yêu đối với văn hóa và nghệ thuật ».
    Vẫn trong buổi hội ngộ đó với các văn nghệ sĩ, lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi các nhà sáng tác đừng chạy theo đồng tiền, đừng sáng tác những gì « hôi mùi tiền » mà hãy đề cao những « giá trị của một nước Trung hoa đương đại ».
    Một nhà hoạt động văn hóa tại Bắc Kinh tâm sự với phóng viên báo Le Figaro : ông Tập đang nhắc lại lời dậy của Mao chủ tịch xưa kia, như thể là nghệ thuật, văn hóa được gắn liền với chính sách tuyên truyền của Đảng. Một kiến trúc sư trẻ của Trung Quốc nhắc lại một điều thật sơ đẳng : « Ông Tập Cận Bình hay đảng Cộng sản Trung Quốc không thể định hướng cho văn hóa, cho mỹ thuật, bằng không, chúng ta tiến thẳng tới một tai họa ».
    Báo động dầu hỏa tuột giá
    Phụ trang kinh tế của Le Figaro ngay trên trang đầu báo động trước hiện tượng dầu hỏa trượt giá. So với đỉnh điểm hồi mùa hè vừa qua, giá dầu trên thế giới đã giảm mất 30 %. Đây là một tin vui với những ai đi xe máy, nhưng là dấu hiệu báo trước kinh tế toàn cầu không khả quan. Ở trang trong tờ báo nêu lên câu hỏi : ai được, ai thua trong vụ này ?
    Theo Le Figaro người đi xe máy, hay xe ô tô được nhẹ gánh, chính phủ Pháp cũng vậy khi hóa đơn năng lượng được giảm đi đôi chút. Các nước tiêu thụ dầu hỏa có lợi, trong lúc các nhà sản xuất và xuất khẩu của thế giới thì lao đao. Cụ thể là trong trường hợp của Nga : ngân sách của Matxcơva bị thâm hụt khi giá dầu rơi xuống dưới ngưỡng 90 đô /thùng. Còn đối với các tập đoàn khai thác dầu hỏa, 75 đô la một thùng dầu là ngưỡng « nguy hiểm ». Thậm chí đối với một số khoản dự trữ giá thành của một thùng dầu đã là trên dưới 100 đô la Mỹ.
    Pháp : chiến lược huy động cử tri của cánh tả ?
    Cuối cùng, trở lại thời sự Pháp : đây là đề tài chiếm nhiều trang nhất các báo trong ngày. « 86 % dân Pháp không muốn tổng thống Hollande ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ 2 », tựa lớn trên tờ báo cánh hữu Le Figaro. Libération thiên tả dành trang nhất cho bà Martine Aubry, cựu bộ trưởng Lao động và là một nhân vật có trọng lượng trong hàng ngũ đảng Xã hội. Rất kín tiếng từ hai năm nay, hôm qua « mẹ đẻ » của luật lao động 35 giờ một tuần, bước lên tuyến đầu chỉ trích chính sách kinh tế của cặp bài trùng Hollande- Valls.
    Báo kinh tế Les Echos coi bà Aubry như là đối thủ chính của tổng thống Hollande. Libération giải thích : vào lúc cả điện Elysée lẫn Matignon cùng chủ trương hỗ trợ giới sản xuất, thì bà Aubry muốn quay lại với một công thức truyền thống hơn. Đó là bơm thêm sức mua cho người tiêu dùng để kích cầu. Đây là một tính toán của bà thị trưởng thành phố Lille để chuẩn bị huy động cử tri của cánh tả cho cuộc bầu cử tổng thống 2017.

    No comments:

    Post a Comment