Friday, October 17, 2014

Căng thẳng quốc tế chi phối Thượng đỉnh ASEM 10 tại Milano

Căng thẳng quốc tế chi phối Thượng đỉnh ASEM 10 tại Milano

mediaNguyên thủ và lãnh đạo của 50 quốc gia có mặt tại ASEM 10, Milano, Ý.REUTERS/Stefano Rellandini
    Mở ra tại Châu Âu trong bối cảnh quốc tế đang ngày càng lo ngại trước dịch bệnh Ebola, phương Tây chưa giải quyết xong khủng hoảng Ukraina, liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang khó khăn ngăn chặn đà tiến của thành phần khủng bố khát máu này tại Syria và Irak, Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu lần thứ 10 tại Milano (Ý) trong vòng 48 tiềng đồng hồ kể từ hôm nay, 16/10/2014 sẽ phải dồn nhiều công sức cho các hồ sơ quốc tế nóng bỏng.
    Thông tín viên Huê Đăng, tại Ý:16/10/2014Nghe
    Từ Ý, Thông tín viên Huê Đăng đã nêu bật một số đặc điểm của Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 10 vừa mở ra :
    Huê Đăng : Như ta đã biết Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần này được tổ chức ở Milano với chính phủ Ý trong vai trò Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu. Được biết là sẽ có 50 phái đoàn cấp nhà nước tham dự hội nghị. Đây là lần đầu tiên có một số đông các nguyên thủ quốc gia hay chủ tịch Hội đồng chính phủ của nhiều nước trên thế giới có mặt cùng lúc ở Ý, trong đó có gần như toàn bộ các lãnh đạo cấp cao nhất của hàng loạt cường quốc như Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, và của các nước trổi dậy. Và điều này cũng khiến các lực lượng an ninh phòng vệ của Ý đang làm việc khẩn trương để bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo tham gia hội nghị. 
    Trong vai trò chủ nhà, chính phủ Ý đã khẳng định rằng “Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu là một cơ hội đặc biệt và quan trọng để xây dựng các quan hệ đối thoại và hợp tác giữa nhân dân của hai khu vực Á và Âu”. Theo các nguồn tin báo chí Ý thì Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 10 này ở Milano diễn ra trong bối cảnh có nhiều căng thẳng ở Châu Á và những khó khăn trong quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
    Bên cạnh đó, nhân dịp hội nghị, các quốc gia Châu Âu sẽ cố gắng tìm cách để giải quyết vấn đề tiếp vận khí đốt của Nga xuyên qua lãnh thổ Ukraina, bởi vì chỉ còn trong thời gian ngắn là Châu Âu sẽ bước vào mùa đông, và nếu vấn đề vận chuyển khí đốt không giải quyết sớm thì Châu Âu chắc chắn sẽ bị đe dọa vì thiếu trữ lượng khí đốt.
    Cũng theo các tin báo chí thì trong kỳ họp thượng đỉnh sẽ có một buổi video hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nguyên thủ như Thủ tướng Anh Cameron, Thủ tướng Ý Renzi, Tổng thống Pháp Hollande và bà Thủ tướng Đức Merkel để bàn về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và bệnh Ebola.
    RFI : Dư luận báo chí Ý có quan tâm nhiều đến Hội nghị này hay không ? 
    Huê Đăng : Sự quan trọng của hội nghị đã khiến các giới chuyên gia về chính trị quốc tế đang hướng chú ý về những diễn biến sẽ xẩy ra trong Hội nghị, bởi vì bất cứ những quyết định nào của Hội nghị cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến hai khu vực, nhất là Châu Âu, vốn đang ra sức tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay. 
    Cũng chính vì những khó khăn do khủng hoảng hiện nay tạo nên, nên phần lớn công luận Ý cũng đang phải dồn hết mọi chú tâm của mình vào các vấn đề kinh tế xã hội của Ý, do đó phần lớn công luận Ý cũng không mấy chú tâm đến cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.
    RFI : Đâu là những điểm cần chú ý theo dõi nhân Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu lần này ?
    Huê Đăng : Một trong những điểm mà các nhà phân tích chính trị ngoại giao chú ý là quan hệ của Nga với các phái đoàn Châu Âu, lý do là bởi những căng thẳng gần đây giữa các nước phương Tây và Nga trong vụ khủng hoảng Ukraine.
    Một điểm quan trọng khác gây chú ý là các căng thẳng hiện nay trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khụ vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
    Người ta cũng nói đến quan hệ lạnh nhạt giữa Nhật Bản và Nam Hàn bởi những diễn biến gây căng thẳng gần đây giữa hai nước. Tuy nhiên, theo báo chí, sẽ không có một buổi gặp gỡ tay đôi nào giữa hai phái đoàn Nhật và Nam Hàn.
    RFI : Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu. Hoạt động của doàn trong thời gian ở Ý sẽ có gì nổi bật ?
    Huê Đăng : Chắc chắn là trong chuyến công du sang họp thượng đỉnh ở Châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ nỗ lực tìm sự ủng hộ của các quốc gia Châu Âu và Châu Á trong việc đi tìm giải pháp cho các vấn đề căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông.
    Theo tin các báo thì trong thời gian họp thượng đỉnh, sẽ có một buổi gặp gỡ song phương giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ý Matteo Renzi. Bên cạnh đó, ngày 18/10/2014 sắp tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có một buổi hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican. Theo chương trình Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ rời Roma trong ngày 18/10/2014.

    No comments:

    Post a Comment