Việt-Trung cam kết cải thiện quan hệ song phương
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì - Ảnh : Reuters
Trong phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam ngày 27/10/2014 tại Hà Nội, do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì, Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ sử dụng cơ chế hiện có để giải quyết các tranh chấp biên giới, trong đó có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vì hai bên đều không muốn tranh chấp này ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Theo thông báo của bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước đã đồng ý giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo “một cách thỏa đáng”, thông qua việc sử dụng cơ chế đàm phán biên giới liên chính phủ Trung - Việt.
Về phần bộ Ngoại giao Việt Nam thì cho biết là hai bên đã “nhất trí thực hiện nghiêm túc ba văn kiện về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc”, cũng như dựa trên “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” để thúc đẩy đàm phán về vấn đề trên biển.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh hai bên cần “triển khai hiệu quả” những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 8 vừa qua. Trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh, hai bên đã cam kết “kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”.
Theo nhận xét của hãng tin Reuters, không khí hòa dịu trong cuộc họp lần này giữa hai ông Dương Khiết Trì và Phạm Bình Minh tương phản rõ rệt với không khí nặng nề trong chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua, giữa lúc quan hệ hai nước rất căng thẳng do vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan tại khu vực Hoàng Sa vào tháng 5.
Trong nhiều tuần lễ sau đó, tàu của hai nước đã liên tục đụng độ nhau ở khu vực giàn khoan, nhiều vụ biểu tình phản đối Trung Quốc dẫn đến bạo động đã nổ ra ở Việt Nam. Quan hệ Việt Trung hiện đã bớt căng thẳng, nhất là kể từ khi Bắc Kinh rút giàn khoan đi vào tháng 7. Trong cuộc họp hôm qua, Hà Nội và Bắc Kinh đều nói là không muốn tranh chấp biển đảo ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Hãng tin Reuters nhắc lại rằng hai nước đã bắt đầu cải thiện trở lại quan hệ song phương từ tháng 8, vài tuần sau khi Việt Nam ve vãn những nước cũng có tranh chấp chủ quyển biển đảo với Trung Quốc như Philippines và Nhật Bản. Nhưng quan trọng nhất đối với Việt Nam là đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, đặc biệt qua việc Hoa Kỳ vào đầu tháng 10 vừa qua bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, để qua đó giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ bờ biển.
Cũng theo nhận định của Reuters, quan hệ nồng ấm trở lại với Bắc Kinh cũng có lợi cho giới lãnh đạo Hà Nội hiện đang trong tình thế rất khó xử, đó là làm sao kềm chế tâm lý căm thù Trung Quốc trong nước, mà vẫn không làm mích lòng láng giềng khổng lồ, một thị trường ngày càng quan trọng đốì với nền kinh tế Việt Nam.
Các nhà phân tích cho biết là vấn đề này đã gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, vì các đảng viên vẫn có lập trường khác biệt nhau về quan hệ với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cũng ghi nhận là mặc dù kết thúc với thiện chí, cuộc họp hôm qua (27/10/2014) tại Hà Nội đã không đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
No comments:
Post a Comment