Wednesday, May 30, 2012

Mỹ muốn hiện diện mạnh ở Á châu

Mỹ muốn hiện diện mạnh ở Á châu

Cập nhật: 04:13 GMT - thứ tư, 30 tháng 5, 2012
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
Hoa Kỳ đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Hoa Kỳ sẽ tái phát triển sức mạnh hải quân của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ luôn ‘cảnh giác’ trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng ở Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Leon Panetta cho biết hôm thứ Ba ngày 29/5.
Thông tấn xã Pháp AFP cho hay trong một bài phát biểu trước thềm chuyến công du châu Á với các điểm dừng chân ở Singapore, Việt Nam và Ấn Độ, ông Panetta nói rằng tương lai của Mỹ tùy thuộc vào việc bảo đảm an ninh từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương.

‘Trở lại cội nguồn’

“Hoa Kỳ là một quốc gia biển và chúng ta đang trở lại với gốc rễ này,” Bộ trưởng Panetta được dẫn lời nói với những người vừa tốt nghiệp Học viện hải quân ở thành phố Annapolis, bang Maryland.
“Một trong những mục tiêu then chốt mà thế hệ các bạn sẽ phải đối diện đó là duy trì và củng cố sức mạnh của Hoa Kỳ trên khắp các vùng biển quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói.
“Sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của Hoa Kỳ gắn chặt với khả năng thúc đẩy hòa bình và an ninh của chúng ta trên một khu vực trải dài từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á cho đến Ấn Độ Dương và Nam Á.”
"Sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của Hoa Kỳ gắn chặt với khả năng thúc đẩy hòa bình và an ninh của chúng ta trên một khu vực trải dài từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á cho đến Ấn Độ Dương và Nam Á."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
“Đó là một thực tế không thể tránh khỏi đối với đất nước và quân đội chúng ta mà sự hiện diện đã bắt đầu mở rộng và đi vào chiều sâu trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói thêm.
Trước đó, thể hiện sự quan ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và cách hành xử ngày càng hung hăng của nước này ở Biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á sau khi chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq và rút bớt quân ở Afghanistan.
Ông Panetta khuyến khích các tân sỹ quan hải quân phát triển mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc ngay cả khi ông cam kết Mỹ sẽ không bao giờ lơi lỏng cảnh giác.

Củng cố đồng minh

“Chúng tôi cần các bạn củng cố mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh và đang hiện đại hóa,” ông nói.
“Chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta phải hùng mạnh. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất cứ thách thức nào.”
“Tuy nhiên điều quan trọng nhất ở khu vực này là phát triển một kỷ nguyên hợp tác quân sự mới giữa các nước mà trong đó quân đội các nước chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ gánh nặng an ninh để thúc đẩy hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới,” ông nói.
Bộ trưởng Panetta cũng kêu gọi các tân sỹ quan hải quân củng cố tình đồng minh đã có từ lâu nay với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippinestrong khi xây dựng mối ‘quan hệ đối tác mạnh mẽ’ với các nước như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore và Ấn Độ.
Thứ Tư 30/5, ông Leon Panetta sẽ lên đường tham dự diễn đàn thường niên về an ninh châu Á với tên gọi Đối thoại Shangri-La ở Singapore, do Viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở ở Luân Đôn tổ chức.
Trong khi đó hãng AP cho biết ông Panetta sẽ có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị bộ trưởng Quốc phòng vào cuối năm nay.

Thêm về tin này

VN lo 'xung đột quân sự' ở Biển Đông

VN lo 'xung đột quân sự' ở Biển Đông

Cập nhật: 06:36 GMT - thứ tư, 30 tháng 5, 2012
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Việt Nam là một trong các quốc gia chủ chốt trong việc thúc đẩy diễn đàn ADMM
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean (ADMM-6) ở Phnom Penh, Đại tướng Phùng Quang Thanh cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông nếu các bên không kiềm chế.
Hội nghị lần 6 của các bộ trưởng quốc phòng trong khối diễn ra hôm thứ Ba 29/5 ở thủ đô Campuchia, nước chủ tịch Asean năm 2012.
Phản ánh quan ngại của các nước trực tiếp liên quan tranh chấp ở Biển Đông, ông Phùng Quang Thanh nói trong bài phát biểu được báo Quân đội Nhân dân thuật lại, rằng "tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế"
“Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, tranh chấp giữa các nước Asean với nhau và giữa một số nước Asean với quốc gia ở ngoài Asean”.
Ông Thanh không nói rõ 'quốc gia ở ngoài Asean' là nước nào, nhưng trong tranh chấp Biển Đông ngoại trừ Đài Loan mà đa số các nước Asean không công nhận là quốc gia độc lậ̣p, chỉ có Trung Quốc là không nằm trong khối Asean.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hiện cũng đang có chuyến thăm đầu tiên tới Campuchia. Ông Lương đã có cuộc gặp tham vấn kéo dài 45 phút với các bộ trưởng quốc phòng Asean vào tối thứ Ba.

Asean phải giữ vai trò chủ đạo

"Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, tranh chấp giữa các nước Asean với nhau và giữa một số nước Asean với quốc gia ở ngoài Asean."
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh
Phát biểu tại hội nghị vài tiếng trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam kêu gọi khối Asean thể hiện rõ quyết tâm "duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, để xây dựng Cộng đồng chính trị -an ninh vào năm 2015"
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, "khi tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, Asean phải giữ được vai trò chủ đạo".
Gần đây, Biển Đông đang dần dần trở thành một trong các vấn đề gây chia rẽ lớn trong khối Asean, một phần bị cho là vì một số quốc gia không liên quan trực tiếp đã không tích cực trong việc đi tìm giải pháp.
Bắc Kinh cũng nhiều lần cáo buộc một số nước Asean vì quyền lợi của mình mà "lôi kéo" các nước khác để đối chọi với Trung Quốc.
Trung Quốc và Asean đang tìm kiếm một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố chung về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC) mà hai bên đã ký từ 2002 nhưng không có hiệu quả trong kiềm chế tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh kêu gọi các bên bình tĩnh, "hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)".
Ônh nhắc lại chủ trương của Việt Nam: “Trong quá trình đàm phán hòa bình, tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết".
"Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được”.

Chỉ còn vấn đề Biển Đông

Bộ trưởng Thanh thừa nhận: "Tranh chấp trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ Việt - Trung hiện nay".
"Tranh chấp trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ Việt - Trung hiện nay."
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
Ông cũng nói giữa Việt Nam và Trung Quốc đã "có những lúc có tranh chấp trên biển khá phức tạp", nhưng chủ trương của Việt Nam là giữ quan hệ hợp tác-giao lưu về quốc phòng và quân sự.
"Lãnh đạo Quân đội hai nước gặp nhau trao đổi thẳng thắn, chân tình và thống nhất quân đội hai nước phải kiềm chế không để xảy ra xung đột quân sự trên biển."
Ông bộ trưởng kêu gọi chính phủ hai bên chú ý quản lý các phương tiện truyền thông, "không để các cơ quan báo chí đăng tải những bài viết có tính chất kích động, chia rẽ quan hệ hai nước, làm phức tạp thêm tình hình".
Kết thúc hội nghị ADMM-6, các bộ trưởng quốc phòng Asean đã ký kết Tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết của Asean về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới việc thông qua COC.
Tuyên bố này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông "theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".
Cuối tuần này, ông Phùng Quang Thanh sẽ tới Singapore để tham dự Diễn đàn an ninh Shangri-La (1/6-3/6).

Thêm về tin này

Người TQ nuôi cá ở vịnh Cam Ranh

Người TQ nuôi cá ở vịnh Cam Ranh

Cập nhật: 14:50 GMT - thứ tư, 30 tháng 5, 2012
Báo Việt Nam đăng hình các trại cá ở vịnh Cam Ranh được cho là của chủ Trung Quốc
Báo Việt Nam vừa có bài về những cư dân Trung Quốc sống nhiều năm bằng nghề nuôi cá lồng trên vịnh Cam Ranh và cho hay chính quyền Khánh Hòa “biết họ không được phép nuôi trồng thủy hải sản” nhưng không làm gì.
Dù chính quyền tỉnh luôn khẳng định vị trí chiến lược cả về quốc phòng của vịnh Cam Ranh, họ tỏ ra lúng túng không biết làm gì với số người Trung Quốc đã ở đây nhiều năm, lập gia đình với phụ nữ Việt và sống bằng nghề nuôi cá.
Phó Chủ tịch Cam Ranh Nguyễn Ngọc Sơn, được bài trên Bấmbáo Dân Trí trích lời thừa nhận “trên địa bàn có một số người nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản”.
Ông cũng nói trên thực tế đến nay “chưa có doanh nghiệp hay người nước ngoài nào xin phép nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Cam Ranh” và hứa “sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
'Chính quyền lúng túng'
Tuy vậy, ông Sơn không nói chính quyền định xử lý theo kiểu gì tới đây và hiện BBC chưa thể kiểm chứng được các giấy tờ cư trú của các doanh nhân Trung Quốc là thế nào.
Các cơ sở nuôi cá mú, tôm hùm này đã có từ nhiều năm nay và chính quyền đã biết nhưng vì có quá nhiều cơ quan cùng quản lý khu vực này nên các quan chức “tỏ ra lúng túng”.
"Chúng tôi ở đây đã lâu, có người lấy vợ Việt Nam "
Công dân Trung Quốc xưng tên là A Ngán
Các chủ trại cá có vẻ như đã định cư ở Việt Nam, theo bài báo trích lời một người đàn ông gốc từ Quảng Châu, nói ông đã lấy vợ Việt và ở đây “đã lâu”.
Các bè cá này, theo bài báo, nằm không xa khu quân cảng Cam Ranh mà Việt Nam thường không cho nhà báo nước ngoài vào thăm vì lý do bí mật quân sự.
Phóng viên của Dân Trí mô tả chuyến đi thuyền đến thăm các trại cá có hàng trăm lồng của người Trung Quốc, và trích lời một người Việt làm thuê nói “hàng năm hàng trăm tấn cá được tàu Trung Quốc sang nhập về”.
Nhưng tại vịnh Cam Ranh có vẻ như còn có các hoạt động kinh doanh hải sản rộng rãi của người Trung Quốc chứ không chỉ có nghề nuôi cá tôm.
Phóng viên của báo cũng ghi nhận một số tàu mang biển Khánh Hòa, Bình Thuận chở cá từ nơi khác đến bán cho người Trung Quốc.
Vụ giữ tàu Trung Quốc ở Nha Trang hồi tháng 3 khiến dư luận chú ý đến Khánh Hòa
Doanh nhân Việt Nam ở địa phương cho hay:
“Thương lái Trung Quốc tại các bè trên đang thu mua loại cá mú nhỏ 0,5 – 0,6 kg với giá bằng 1/2 giá cá thương phẩm,”
“Họ thu mua cá nhỏ sau đó nuôi thêm rồi xuất khẩu, bởi làm như vậy lời hơn so với mua cá lớn rồi xuất ngay.”
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện về tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở Khánh Hòa được nêu ra trên báo chí Việt Nam.
Hồi tháng 3 năm nay, Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tạm giữ chín công dân Trung Quốc từ hai tàu neo đậu ở vùng biển Nha Trang mà không xin phép chính quyền địa phương.
Hai tàu nạo vét bùn của Trung Quốc này bị phát hiện khi bộ đội biên phòng Khánh Hòa tuần tra khu vực biển Đầm Bấy thuộc đảo Hòn Tre trên vịnh Nha Trang vào chiều ngày thứ Năm 23/3 khi họ đang đi đánh cá.
Chuyện về công dân hoặc người lao động BấmTrung Quốc làm việc tại Việt Nam “dưới tầm ngắm” của quan chức địa phương đã từng xảy ra ở Thanh Hoá và Lâm Đồng.

Sunday, May 27, 2012

Thêm một hành động khiêu khích của TQ trên Biển Đông

Thêm một hành động khiêu khích của TQ trên Biển Đông

Trung Quốc từ ngày 16 tháng 5 đã cho tiến hành dự báo thời tiết tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, bãi đá Vĩnh Thử thuộc Trường Sa và bãi đá ngầm Hoàng Nham, còn có tên là Scarborough và phía Philippines gọi là Panatag.
Tin này được Cục khí tượng Hải Nam loan đi vào ngày 26 tháng 5. Và người phụ trách các trạm khí tượng tỉnh Hải Nam tuyên bố mục tiêu của việc tiến hành dự báo thời tiết cho các khu vực quần đảo tranh chấp trên Biển Đông nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu bè cũng như đáp ứng việc xuất hàng bằng đường biển ra nước ngoài của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng như thế Trung Quốc tiến hành thêm một động thái khiêu khích tại khu vực đang tranh chấp giữa một số các quốc gia trong khu vực về chủ quyền tại Biển Đông.

Sau Mỹ, Ấn Độ, đến lượt Nhật Bản cho chiến hạm ghé cảng Philippines

Sau Mỹ, Ấn Độ, đến lượt Nhật Bản cho chiến hạm ghé cảng Philippines

Hải quân Philippines chào đón soái hạm USS Blue Ridge ghé cảng Manila ngày 23/03/2012.
Hải quân Philippines chào đón soái hạm USS Blue Ridge ghé cảng Manila ngày 23/03/2012.
Reuters

Trọng Nghĩa
Kể từ ngày mai, 28/05/2012, ba khu trục hạm của hải quân Nhật Bản sẽ ghé cảng Manila của Philippines trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày. Đây không phải là lần đầu tiên Philippines tiếp đón tàu chiến Nhật, nhưng chuyến ghé cảng lần này đã được giới quan sát đặc biệt lưu ý vì diễn ra ít ngày sau các cuộc viếng thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ, đúng vào lúc Manila đang bị Bắc Kinh chèn ép vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo thông báo của Hải quân Philippines hôm qua, ba chiến hạm Nhật Bản gồm các chiếc JS Kashima (TV-3508), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130), với gần 800 thủy thủ và sĩ quan, sẽ neo đậu trong vịnh Manila cho đến ngày 01/06. Phía Nhật Bản sẽ tham gia các « hoạt động thiện chí với Hải quân Philippines và các sinh hoạt xã hội với các cơ quan chính phủ Philippines. ». Đội tàu này do Phó Đô Đốc Hidetoshi Fuchinoue chỉ huy.
Sự kiện chiến hạm Nhật Bản ghé cảng Philippines không phải là điều mới lạ. Gần đây nhất là vào năm 2010, ba chiến hạm khác của Nhật (JS Shirayuki, JS Mineyki và JS Setoyuki) cũng đã ghé thăm Philippines trong 4 ngày, trong khuôn khổ một chuyến ghé cảng gần như là thường niên. Từ năm 1966 đến nay, hải quân Nhật đã thăm Philippines hơn 50 lần.
Tuy nhiên, lần ghé cảng này được cho là có ý nghĩa đặc biệt vào lúc tình hình Biển Đông đang có dấu hiệu căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trên bãi đá ngầm Scarborough Shoal ngoài Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng không phải là ngẫu nhiên mà mới đây Hoa Kỳ đã cho tàu ngầm tấn công hạt nhân USS North Carolina ghé vịnh Subic của Philippines, nhìn thẳng ra khu vực tranh chấp, nối tiếp theo bằng hai tàu chiến Ấn Độ INS Rana và INS Shakti trong đợt công tác trong vùng Biển Đông.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, Nhật Bản – vốn cũng bị Trung Quốc gây sức ép về vấn đề chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông hiện do Tokyo kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền – đã không che giấu thái độ tích cực quan tâm đến quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, dù đó không phải là vùng biển tiếp giáp với mình.
Theo các thông tin được báo giới Nhật Bản và Philippines nhắc lại, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc dùng ngân sách viện trợ vì phát triển ODA để cung cấp cho Philippines một chục chiếc tàu tuần tra mới, hầu giúp Manila tăng cường năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ lãnh thổ. Số tàu này có thể sẽ được cung cấp trước cuối năm nay.
Trong một bài xã luận đăng ngày 24/05 vừa qua, tờ báo có uy tín tại Nhật Bản là Yomiuri Shimbun đã cho rằng Nhật Bản không nên dửng dưng trước các hành vi quá đáng của Trung Quốc đối với Philippines tại Biển Đông. Lý do là vì điều mà Bắc Kinh đã và đang làm để cưỡng chiếm bãi Scarborough cũng hoàn toàn có thể xảy ra đối với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku.
Tờ báo ghi nhận : « Tàu ngư chính Trung Quốc thường xuyên đi lại xung quanh quần đảo Senkaku để chứng tỏ sự hiện diện của họ. Chiến lược của Trung Quốc sử dụng tàu đánh cá và tàu tuần tra để tạo ra cảm giác là khu vực thuộc chủ quyền của họ, giống hệt với những gì đang xảy ra trong vùng Biển Đông. »
Tờ báo kết luận : « Hòa bình và ổn định ở Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Lợi ích quốc gia của Nhật Bản cũng là phải đảm bảo sao cho các tuyến đường biển xuyên qua Biển Đông luôn luôn an toàn ».
TAGS: ẤN ĐỘ - CHÂU Á - HOA KỲ (MỸ) - NHẬT BẢN - PHILIPPINES - QUÂN SỰ

Trung Quốc sắp hoàn tất căn cứ không quân bao quát Biển Đông và Hoa Đông

Trung Quốc sắp hoàn tất căn cứ không quân bao quát Biển Đông và Hoa Đông

Một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đang bay về căn cứ.
Một máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đang bay về căn cứ.
Ảnh: Reuters

Trọng Nghĩa
Theo nhật báo Đài Loan The China Post vào hôm nay, 27/05/2012, Trung Quốc đang triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không tại một căn cứ không quân ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc. Chiến đấu cơ Trung Quốc triển khai tại căn cứ này có khả năng bay tới Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan cũng như một số hòn đảo đang tranh chấp ở vùng Biển Đông. 

Theo nguồn tin trên, phi cơ được triển khai tại căn cứ này bao gồm loại Jian 10 do Trung Quốc chế tạo, Sukhoi Su-30 của Nga, các máy bay tấn công không người lái và tên lửa phòng không S-300.
Tuy nhiên, các quan chức tình báo Đài Loan đã tỏ thái độ không mấy lo lắng, cho rằng sự bố trí đó có thể chỉ nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc trong trường hợp xung đột nổ ra ở khu vực Biển Đông. Động thái đó cũng có thể nhắm mục đích kềm giữ chiến hạm và chiến đấu cơ Nhật Bản và Hoa Kỳ ở vùng biển Hoa Đông.
Cho dù vậy, một sĩ quan tình báo Đài Loan cũng thừa nhận rằng sự hiện diện của một căn cứ không quân với một sân bay mới trong khu vực sẽ hạn chế tính cơ động của các chiến đấu cơ Đài Loan, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.
Theo nhật báo hoa ngữ Liên hiệp vãn báo, hình ảnh của Google Earth cho thấy là sân bay Thủy Môn, nằm ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến, vùng duyên hải phía đông, nhìn ra biển Hoa Đông, tọa lạc trên một đỉnh đồi được san bằng ở độ cao 364 mét trên mực nước biển. Vị trí căn cứ gần phía Bắc eo biển Đài Loan.
Tờ báo cho biết thêm là căn cứ không quân sắp được hoàn tất, và khi đó, Đài Bắc, cách đấy 246 km về phía đông nam, cũng như quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (đang tranh chấp cách đấy 380 km về phía đông, hay các mỏ dầu khí Xuân Hiểu cách đây 200 km về phía đông bắc, đều nằm trong tầm tấn công của chiến đấu cơ đóng tại căn cứ này. Máy bay cất cất cánh từ Thủy Môn có thể bay tới Đài Loan trong vỏn vẹn 10 phút.
Tuy nhiên, điều an ủi đối với Đài Loan là căn cứ mới của Trung Quốc cũng nằm trong phạm vi theo dõi của radar Đài Loan. Năm 2009, người ta có được hình ảnh đầu tiên của sân bay này, và đến năm ngoái thì có được hình ảnh của máy bay và tên lửa tại đấy.
TAGS: CHÂU Á - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Saturday, May 26, 2012

BQP Philippines sang Italy mua vũ khí ồ ạt

BQP Philippines sang Italy mua vũ khí ồ ạt
Cập nhật lúc :11:54 AM, 09/02/2012
Bộ Quốc phòng Philippines vừa có chuyến công du sang Italy và đã ký thỏa thuận trị giá gần 1,6 tỷ USD để mua hàng loạt các thiết bị quân sự hiện đại.
Chiến hạm lớp Maestrale thuộc loại tàu hộ tống chống ngầm, có tải trọng 3.100 tấn và dài 122,7 m; rộng 12,9 m; mướn nước 4,2 m, tốc độ di chuyển 33 hải lý/h. Tàu được bắt đầu đưa vào phục vụ trong Hải quân Italy từ năm 1982. 

Tàu khu trục lớp Soldati được Hải quân Italy đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm 1938-1939 và đã từng tham chiến trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Tàu có tải trọng 1.620 tấn (tải chuẩn) và 2.550 tấn (tải trọng tối đa), dài 106,7 m; rộng 10,15 m và mướn nước 3,15 m, tốc độ di chuyển 38 hải lý/h. Ảnh chiến hạm lớp Maestrale.
Máy bay tuần thám biển Piaggio-180.
Chiến đấu cơ AMX.
 
UAV Falco.
(ĐVO) Theo tờ Business Mirror, trong chương trình hiện đại hóa quân đội Philippines, chính phủ nước này sẽ mua một loạt các trang thiết bị quân sự hiện đại từ nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng các quan chức quan trọng trong chính phủ đã có chuyến công du dài một tuần đến Italy để mua hàng loạt các thiết bị quân sự mới
Hãng tin Phistar dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin cho biết, Manila đang đàm phán để mua được các máy bay chiến đấu, tàu chống ngầm, tàu khu trục và các phương tiện bay không người lái (UAV) với Bộ Quốc phòng Italy trong 5 năm tới.

Ông Gazmin cùng với các thành viên trong nhóm mua sắm quốc phòng DAS (Defense Acquisition System) đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Italy, ông Giampaolo Di Paola cho việc ký kết các hợp đồng quốc phòng trên, sau khi đã được các quan chức quân sự Italy giới thiệu và kiểm tra các trang thiết bị chiến đấu nằm trong kế hoạch mua sắm.

“Thỏa thuận này là một kết quả của những nỗ lực tìm hiểu của chúng tôi để mua được các loại vũ khí hiệu quả hơn cho quân đội trong chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang”, ông Gazmin nói.

Mục tiêu cho việc mua vũ khí đã qua sử dụng gồm tàu tuần tra chống ngầm lớp Maestrale và tàu khu trục lớp Soldati cùng với máy bay tuần thám biển Piaggio-180 để có thể được sử dụng để tuần tra ở các vùng biển xa, ông Gazmin cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ Philippines còn mua thêm cả máy vận tải chiến thuật tầm trung C-27J, hệ thống radar phòng không 3D, tàu tuần tra của Hải quân Italy cũng như máy bay tấn công mặt đất AMX, phương tiện bay không người lái (UAV) Falco và cả xe bọc thép chở quân.

Các quan chức quốc phòng Philippines và các nhà cung cấp của Italy cũng đã thảo luận về hệ một hệ thống công nghệ thông tin có thể cho phép truyền tải dữ liệu, cho phép cung cấp các dữ liệu quan trọng từ các cơ quan Bộ Quốc phòng tới các sỹ quan chỉ huy, cũng như nâng cao kiến thức quốc phòng cho các binh sỹ và dân thường.

Trong một cuộc phỏng vấn, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez giải thích, ngân sách mua lại bao gồm chi phí hoạt động đào tạo để sử dụng và duy trì các thiết bị đúng cách. "Chúng tôi cần các thiết bị này để bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi", ông Galvez cho biết.

"Chúng tôi muốn đảm bảo với người dân Philippines rằng tất cả các cuộc đàm phán được giám sát chặt chẽ, minh bạch và quản lý tốt", ông Gazmin nói.

Philippines đã mua 18 máy bay huấn luyện từ Alenia Aermacchi, công ty chuyên thiết kế và sản xuất các máy bay huấn luyện của Italy. 

Theo thông tin trước đó, việc cung cấp 18 máy bay huấn luyện này được hoàn thành năm 2011.

Tháng 7/2011, Bộ Quốc phòng Philippines đề xuất kế hoạch tìm kiếm 138 dự án hiện đại hóa thiết bị quân sự cho quân đội có trị giá tới 70 tỷ Peso.

Các dự án bao gồm việc mua các chiến đấu cơ phản lực và máy bay tuần tra tầm xa cho Không quân, các radar quan sát bờ biển và các chiến hạm đa năng cho Hải quân.

Ngoài đối tác Italy, các quốc gia khác đã cung cấp các thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Philippines bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Pháp và Anh.

Theo tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines, trị giá của hợp đồng vũ khí trên có giá trị tới gần 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, số lượng đơn vị của mỗi loại vũ khí không được tiết lộ.

>> Hải quân Philippines giữa ngã ba đường
>> Mỹ - Philippines nối lại 'duyên xưa'?
>> Philippines muốn mua F-16b