Tàu dịch vụ hậu cần ở Hoàng Sa
Cập nhật: 13:32 GMT - thứ năm, 17 tháng 5, 2012
Giới chức Đà Nẵng cho hay họ muốn phát triển đội tàu làm dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa.
Báo Tiền Phong đưa tin hôm thứ Tư 16/5, một tàu lớn công suất 450 mã lực vừa được hạ thủy và sẽ ra làm dịch vụ nghề cá tại ngư trường quanh quần đảo Hoàng Sa.
Chủ đề liên quan
Đây là tàu mang số hiệu ĐNa 90511TS của gia đình ông Trần Toàn (tổ 42 phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Được biết gia đình ông Toàn đã bỏ trên 2 tỷ đồng để đóng mới chiếc tàu hậu cần này.
Tàu sẽ vận chuyển, cung cấp hàng hóa, thực phẩm, xăng dầu cho các ngư dân đang đánh cá ngoài khơi.
Trước đó đã có một tàu khác mang số hiệu ĐNa 90424 của gia đình ông Lê Mến, ngụ tại Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, làm hậu cần cho ngư dân ở Hoàng Sa.
Gia đình ông Mến, theo báo Tiền Phong, cũng đang đóng một tàu khổng lồ 1.200 mã lực, trị giá 3 tỷ đồng, để cùng làm dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh cá dài ngày.
Tàu lớn này mỗi lần ra khơi có thể chở theo 35 nghìn tấn đá, hàng chục nghìn tấn dầu, thực phẩm tươi, khô... cho ngư dân.
Bám biển
Việc tăng cường đội tàu dịch vụ hậu cần được xem như khẳng định ý chí tiếp tục "bám biển" của ngư dân Đà Nẵng.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Ngô Văn Quang từ Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo thành phố coi trọng việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc phát triển loại hình dịch vụ nghề cá ở Hoàng Sa.
Đây cũng là hành động khẳng định chủ quyền của ngư dân Việt Nam tại "ngư trường truyền thống".
Hiện Trung Quốc đang ban hành lệnh cấm đánh bắt từ 16/5-1/8 tại các vùng Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, trong có các vùng quanh Hoàng Sa.
Việt Nam đáp trả rằng lệnh cấm của Trung Quốc là vô giá trị.
Ngư dân Việt Nam, nhất là từ Đà Nẵng và Quảng Ngãi, vẫn tiếp tục hoạt động tại gần Hoàng Sa dù hàng trăm người đã bị Trung Quốc bắt trong những năm qua.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.
No comments:
Post a Comment