Friday, May 25, 2012

Bên trong tranh chấp TQ-Philippines ở Biển Đông

Bên trong tranh chấp TQ-Philippines ở Biển Đông

Cá, dầu và chuối đều đóng một vai trò trong cuộc đụng độ mới nhất xảy ra xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông – một vấn đề có thể tương tự như kiểu “Schleswig-Holstein Question” của thế kỷ 19.
"Schleswig-Holstein Question" của thế kỷ 19 là cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài căng thẳng giữa Đan Mạch và Đức dẫn tới việc thủ tướng Anh Lord Palmerston đã chua cay mà chỉ ra chỉ có ba người rốt cuộc hiểu rõ nó: "Một hoàng tử chết, một giáo sư Đức nổi điên và tôi, người đã quên tất cả điều đó".
Nhưng ở đây, có ít cơ hội để có thể quên đi ở Biển Đông - vùng biển diễn ra chồng lấn tuyên bố chủ quyền nhiều nước, nơi hàng nghìn tỉ đô la ước tính cho trữ lượng dầu và khí đang hâm nóng và đun sôi nước biển trong thời gian qua với các cáo buộc ức hiếp bắt nạt giữa các bên tranh chấp chủ quyền và thậm chí là cả động thái ứng phó với chiến tranh.
Sự cố gần đây bắt đầu từ tháng 4, khi hải quân Philippines tiếp cận tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough - khu vực cách nam Trung Quốc cả nghìn km và cách tây Philippines 160km và là nơi cả hai bên đều khẳng định chủ quyền. Manila tuyên bố đã phát hiện ra các tàu cá Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép ở bãi cạn, và muốn bắt giữ họ. Nhưng Trung Quốc đã điều tàu hải giám ngăn chặn việc này.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã xấu đi rõ rệt. Một bài báo trên Nhật báo Trung Quốc đã cảnh báo Manila "không làm leo thang căng thẳng". Rồi những tuần tiếp theo đó, các công dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã thúc giục "dạy cho Philippines một bài học" còn những phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thì ám chỉ rằng, Trung Quốc sẽ cân nhắc mọi lựa chọn để giải quyết tranh chấp.
Cảnh sát bán quân sự bên ngoài đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Sau nhiều tuần căng thẳng trong khu vực - mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham còn Philippines gọi là bãi cạn Panatag (tên quốc tế là bãi cạn Scarborough - được Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế trích dẫn), Trung Quốc đã tuyên bố bắt đầu lệnh cấm đánh cá kéo dài 10 tuần ở Biển Đông gồm cả khu vực đang tranh chấp. Dĩ nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh lệnh cấm không liên quan gì tới vụ việc xảy ra.
Lệnh cấm nhằm bổ sung nguồn cá, bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên hàng hải, đồng thời "không hề liên quan tới vụ việc đảo Hoàng Nham hiện nay", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.
Còn các cư dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc thì sục sôi, hăm hở kêu gọi cuộc chiến. Một người sử dụng tên mubaqiuzi, viết trên mạng Sohu: "Tôi thực sự hy vọng nhìn thấy cuộc trình diễn đầu tiên của người chủ" nghĩa là ám chỉ hành động quân sự Trung Quốc. Một người khác dưới tên kexinren de jia thì viết: "Chúng ta nên hành động, chúng ta không thể kiên nhẫn lâu hơn nữa, người Trung Quốc không thể bị ức hiếp!!!!!!!!!!". Và, rất nhiều bình luận có thể thấy ở đây, bằng tiếng Trung Quốc.
Cá, dầu và chuối
Trung Quốc đã ngăn chặn việc nhập khẩu hơn một ngàn thùng chuối từ Philippines. Tổng thống quốc gia Đông Nam Á Benigno S. Aquino III đã lên tiếng cảnh báo các nhà xuất khẩu chuối rằng, họ cần phải đa dạng hóa thị trường (theo thông tin từ Nhật báo Inquirer của Philippines).
Xuất khẩu chuối có giá trị 720 triệu USD mỗi năm với nền kinh tế Philippines và Trung Quốc là một thị trường chủ chốt, Inquirer cho biết. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu chủ trại chuối Mindanao đã kêu gọi Tổng thống Aquino "làm tất cả những gì có thể" trong phạm vi quyền lực của ông để "cứu ngành công nghiệp chuối".
Inquirer đưa tin, ông Aquino cho hay, một nhóm chuyên gia của bộ Nông nghiệp sẽ tới Trung Quốc để chứng kiến việc mở khoảng 1.500 công ten nơ chuối ép bánh ở ít nhất ba cảng Trung Quốc với cáo buộc bị nhiễm sâu bệnh.
Tính cả khía cạnh thương mại và quân sự thì Trung Quốc vẫn có ưu thế trong cuộc tranh chấp này, với hàng chục tàu (trong đó có các tàu lớn, hiện đại bậc nhất) triển khai ở bãi cạn. Và con tàu hải quân đơn độc của Philippines đã quay trở về căn cứ, nhường chỗ cho hai tàu: tàu phòng vệ bờ biển BRP Edsa II và tàu của cục Ngư nghiệp và Tài nguyên thủy sản - Scott W. Harold, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại RAND cho biết.
"Tôi không nghĩ mọi thứ tiến xa hơn nữa", ông nói. "Bắc Kinh có ưu thế quyền lực và sự kiểm soát vật lý không thể phủ nhận hiện tại ở bãi cạn Scarborough, nên họ không có lợi lộc gì từ sử dụng vũ lực. Quân đội Philippines khá yếu ớt nên tôi cho rằng, họ sẽ rất thận trọng", ông nhấn mạnh.
Nếu một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước xảy ra sẽ là sự không đồng đều lớn. Quan điểm gây hấn của Trung Quốc - được bóng gió ám chỉ trong các phương tiện truyền thông nhà nước rằng nước này nên cân nhắc hành động quân sự để ủng hộ cho các tuyên bố chủ quyền của mình - đã ảnh hưởng đến danh tiếng Trung Quốc, ông Harold bình luận.
"Họ đã làm tổn hại rất nhiều tới hình ảnh của họ tong khu vực thông qua cách hành xử với cuộc bế tắc này", Harold nhấn mạnh.
Hôm thứ ba, phát biểu tại tỉnh Quảng Đông, Hoàng Sơn Xuân - chính ủy Khu vực Quân sự Quảng Đông - đã cố gắng xoai dịu những quan điểm hiếu chiến của công dân mạng Trung Quốc. Tờ Tin tức Bắc Kinh dẫn lời ông này rằng, các cuộc thảo luận trực tuyến hiện nay về việc Trung Quốc nên hành xử thế nào với Philippines "cho thấy các bạn bè trực tuyến của chúng ta quan tâm rất lớn tới lợi ích và an ninh quốc gia". Ông này tuyên bố: "Đầu tiên, đảo Hoàng Nam là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa và không có gì khiến Philippines có thể thay đổi điều đó. Thứ hai, người dân của chúng ta, các cư dân mạng của chúng ta, nên tin tưởng rằng, chính phủ trung ương và quân đội của chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề và có khả năng bảo vệ đảo Hoàng Nham".
Khu vực tranh chấp nằm trong đường chín đoạn hay đường "lưỡi bò" phân định ranh giới các vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có mặt trên hầu hết các bản đồ chính thức của nước này. Nó trải dài và sâu từ phía nam Trung Quốc đến sát bờ biển của một số quốc gia Đông Nam Á. Và dĩ nhiên, đường lưỡi bỏ không được các nước khác công nhận về tính hợp pháp.
Nhưng Trung Quốc thì có quan điểm khác. Một trong những vị tướng hàng đầu nước này, Quách Bá Hùng - phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc sau chuyến thị sát khu vực quân sự Quảng Đông đã nói rằng, quân đội Trung Quốc sẽ "bảo vệ vững vàng chủ quyền, an ninh và các lợi ích quốc gia".
• Shleswig-Holstein Question là sự phức tạp ngoại giao và các vấn đề khác nảy sinh trong thế kỷ 19 từ mối quan hệ của hai công tước, Schleswig và Holstein với vương miện của Đan Mạch và với Liên bang Đức.

No comments:

Post a Comment