Thursday, May 10, 2012

Phi-Hoa-Việt: đối đầu có thành xung đột?

Phi-Hoa-Việt: đối đầu có thành xung đột?

2012-05-10
Trung Quốc đòi Philippines bảo vệ Hoa kiều tại Philippines, ra vẻ như Bắc Kinh bị hiếp đáp lắm qua vụ đối đầu ở Scarborough. Báo chí Hoa Lục lại còn kêu cứu rằng Manila đẩy Bắc Kinh vào chân tường, khiến Trung Quốc buộc sẽ phải dùng vũ lực. Việt-Long trình bày đề tài này và phỏng vấn một chuyên gia về bang giao Việt –Trung. Mời quý vị theo dõi.
US Navymil photo
Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7, Hoa Kỳ

Philippines ảo tưởng, hăm doạ Trung Quốc?

Hôm thứ năm Bắc Kinh lên tiếng đòi hỏi Philippines phải bảo vệ an ninh cho những người Hoa đang cư ngụ tại Phi, trước tin một cuộc biểu tình quy tụ cả ngàn người sẽ diễn ra ở Manila vào sáng thứ sáu để phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc. 
Vùng tranh chấp Hoa-Phi ở Scarborough- Google Earth photo caption
Vùng tranh chấp Hoa-Phi ở Scarborough- Google Earth photo caption

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng tin về cuộc biểu tình này đã tạo làn sóng căm phẫn và những phản ứng mạnh mẽ của người Hoa khắp thế giới. Trước đó, một viên chức ngoại giao khác của Bắc Kinh nói rằng chính phủ Manila đứng đằng sau cuộc biểu tình, và cảnh báo sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ song phương.
Bài bình luận của tờ Trung Quốc Nhật Báo số ra ngày hôm nay viết rằng mặc dù Bắc Kinh luôn luôn theo đuổi mục tiểu giải quyết vấn đề theo đường hướng hòa bình, nhưng thái độ của chính phủ Phi đã đẩy Bắc Kinh vào chân tường và chỉ còn một cách duy nhất là phải sử dụng võ trang.
Bài bình luận cũng nói rằng Manila đang sống trong ảo tưởng khi tìm cách hăm dọa, răn đe Trung Quốc.

Phải hoan nghênh Philippines cương quyết

Hải quân Mỹ và Philippines tập trận- Photo USNavymil.com
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận- Photo USNavymil.com
Chúng tôi phỏng vấn một chuyên gia Việt Nam về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc, từng là tuỳ viên quân sự của đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, cựu đại tá hải quân quân đội nhân dân Việt Nam Quách Hải Lượng. Hỏi ông về nhận định đối với hành động của Trung Quốc ở Scarborough, đại tá Quách Hải Lượng nói:
"Trước hết Trung Quốc là nước lớn, làm vậy là sai đã. Trên thế giới chỉ còn một mình Bắc Kinh là đòi chiếm lấy đất đai lãnh thổ của người khác thôi. Nó là chủ nghĩa bành trướng, không tốt.  Cho nên cứ nói “căng thẳng biển Đông..” mà không dám nói thẳng ai gây. Chính Trung Quốc gây. Đất nước là của Philippines mà đến gây gổ, thì khi Philippines cương quyết lại, thì phải hoan nghênh thái độ bảo vệ đất nước của Philippines" 
 Đấy là bài học lớn dạy cho Trung Quốc biết bớt sự ngang ngược ấy đi
Dại tá Quách Hải Lượng, nguyên tuỳ viên quân sự sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh
Hành động như vậy chỉ khiến các nước Đông Nam Á phải tìm chỗ dựa vào một cường quốc bên ngoài Đông Nam Á, là siêu cường Hoa Kỳ, và là bài học lớn cho Bắc Kinh, theo lời chuyên gia Trung Quốc Quách Hải Lượng:

"Người ta rất cần liên minh với Mỹ. Chính Trung Quốc gây nên chuyện đó khiến Philippines cần đến Mỹ giúp bảo vệ an toàn. Mỹ có dịp giúp Philippines. Đó là điểm tốt, tôi cho đấy là đúng. Anh nào khác ngang ngược ở đấy làm sao được?  Đấy là bài học lớn dạy cho Trung Quốc biết bớt sự ngang ngược ấy đi. Hành động của Philippines là đáng hoan nghênh."

Khó xảy xung đột lớn

Hỏi ông diễn tiến cuộc đối đầu ở Scarborough sẽ đi về hướng nào, ông nói: 
"Tôi không dám quyết đoán một cách hồ đồ, vì tình hình như thế tất nhiên hai bên phải găng nhau. Trung Quốc cũng ý thế nước lớn và có thể cho rằng làm căng như thế chưa chắc Mỹ đã làm gì đến họ, vì quan hệ của Mỹ với Trung Quốc cũng còn nhiều mặt quyền lợi như về kinh tế, hợp tác… Họ nắm được điều đó nên cũng làm căng. Tuy nhiên làm căng nhất định thôi, hai bên làm căng nhau đến mức thật cao nhưng rồi cũng sẽ thương lượng thôi, khó xảy ra tình trạng xung đột lớn." 
Trong tình trạng căng thẳng này, Philippines hẳn nhiên trông cậy vào Hoa Kỳ  và hiệp ước an ninh chung năm 1951 giữa Hoa Kỳ -Philippines. Hoa Kỳ sẽ hành xử ra sao?  Ông Quách hải Lượng nói:
"Đã cam kết thế nào thì phải theo cam kết ấy. Không riêng My mà nước nào cũng vậy.  Về ngoại giao thì cũng đấu khẩu với nhau, nhưng từ lời nói đến hành động cũng còn có một cư ly, không phải nói như thế là làm như thế." 

Vùng "lưỡi bò" Trung Quốc trùm lấp biển Đông- vietnam web photo
Vùng "lưỡi bò" Trung Quốc trùm lấp biển Đông- vietnam web photo
Lùi tạm thời vì mối lợi lâu dài

Quay sang Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển Đông, hỏi ông về việc Ấn Độ loan báo ngưng khoan dò lô 128 ở vùng trũng Phú Khánh là vì lý do thương mại hay vì áp lực của Trung Quốc, đại tá Quách Hải lượng cho rằng có thể Ấn Độ chỉ lùi bước tạm thời vì nhắm đến mối lợi lâu dài:
"Trung Quốc cảnh cáo không những Ấn Độ mà cả Nga nữa. Cứ ai đụng đến vùng biển này, là của Việt Nam nhưng Trung Quốc nhận là của họ, là họ đe doạ. Đe doạ chẳng phải chỉ việc trong khu vực mà còn đằng sau nữa, là những quan hệ kinh tế với quyền lợi có khi còn lớn hơn, cũng có lúc làm đối phương phải lui. Phía Ấn Độ thì đã thăm dò đâu mà bảo có dầu hay không dầu, nhưng bay giờ cứ làm như thế cho dịu bớt tình hình, khi nào cần thiết thì lại khác. Trên mặt đấu tranh ngoại giao chưa thấy cần thiết làm căng thẳng thì cứ làm nhũn nó đi tôi thấy cũng không sao cả." 
Chuyên gia về bang giao Việt Nam-Trung Quốc, cựu tuỳ viên quân sự Việt Nam tại Bắc Kinh, đại tá Quách Hải Lượng, cũng cho rằng sự nhún nhường của Việt Nam là cho một chiến lược lâu dài, đó là điều nên thông cảm, và nên hiểu rằng Việt Nam luôn luôn mềm mỏng nhưng cũng luôn luôn sẵn sàng bảo vệ đất nước. 
Xem cũng như thế mà sao Trung Quốc không dám làm găng với Nhật ở Senkaku, dám làm không?
Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tuỳ viên quân sự sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh
"Việt Nam trong một khía cạnh nào đó, mình cũng phải tìm một phương thức nào đó để giữ cho yên ổn. Căng thẳng quá đi đến xung đột, không lợi cho bên nào cả. So sánh lực lượng cũng tuỳ lúc.  Chỗ nào đó mình phải kiên quyết, nhưng chỗ nào đó thì cũng phải bớt đi. Chỗ bớt đi tạm thời trong một giai đoạn thì tôi thấy cững được, chẳng phải nuối tiếc làm gì. Hai lô 127, 128 thì rõ ràng của mình, nhưng anh thấy Hoàng Sa rõ ràng của mình nhưng nó cứ khăng khăng của nó. Cho nên chân lý thuộc về kẻ có sức mạnh. Gặp cái anh nó hung hãn quá thì cũng có lúc như đánh cờ có khi tiến khi thoái, từng lúc một cũng không ảnh hưởng gì nhưng giữ được cho chiến lược lâu dài. Những chuyện xảy ra nhỏ hơn thì phải tính chiến lược lâu dài là chính. Nên thông cảm cho Ấn Độ cũng như cho Việt Nam. Việt Nam muốn giữ được yên ổn nhất định so với thế giới, để còn làm nhiều việc khác lớn hơn. Giá cứ khăng khăng là của tôi thì cũng không có sức mạnh để giữ.  Xem cũng như thế mà sao Trung Quốc không dám làm găng với Nhật ở Senkaku, dám làm không?"

Không mắc bẫy xung đột
Tàu chiến Philippines tiến ra vùng tranh chấp- AFP photo
Tàu chiến Philippines tiến ra vùng tranh chấp- AFP photo

"Việc Việt Nam tăng cường sức mạnh quốc phòng là phải có, vì bảo vệ lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Tăng cường quốc phòng là như thế, nhưng Việt Nam kiên quyết không bao giờ để mắc bẫy anh khác để mà lao vào xung đột. Trong khi đó đó là việc nhỏ hơn nhiều so với chiến lược của Việt Nam, dù rằng một phía nào đó gây gổ làm thế này thế khác, cũng phải kiên quyết không mắc bẫy, tìm cách nào để vẫn giữ được.  Nhiều người nhìn vào cứ bảo đó là quá nhún nhường nhưng không phải. Trong lúc nào đó phải khôn khéo thôi, tôi nghĩ đó là cần thiết."
Mong quý thính giả tham gia bàn thảo về đề tài này, ghi vào mục ý kiến bạn đọc trên trang web RFA có đăng bài này.  Việt-Long kính chào quý vị.

No comments:

Post a Comment