Tăng trưởng Trung Quốc xuống mức thấp nhất từ 5 năm qua
Sương mù bao phủ Hàm Đan, một trong những thành phố ma ở Trung Quốc - RFI /S.Lagarde
Mục kinh tế các nhật báo Pháp tập trung phân tích nền kinh tế thứ nhì thế giới là Trung Quốc qua bài viết trên Le Monde: «Tăng trưởng Trung Quốc thấp nhất từ 5 năm rưỡi nay» và « Tăng trưởng Trung Quốc chựng lại, Bắc Kinh vẫn tỏ ra an tâm » là tựa trên Le Figaro.
Theo nhật báo Le Figaro, vào quý III năm nay, tổng sản phẩm quốc nội GDP chỉ đạt 7,3%, trong khi mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 7,5%. Kết quả trên được xem là thấp nhất từ năm 2009 đến nay. Theo Bắc Kinh, nguyên nhân của tình trạng trì trệ này là do các cải cách chính phủ nhằm cân bằng mô hình kinh tế, bớt lệ thuộc vào ngành xuất khẩu, xây dựng và tín dụng. Vào thời điểm này, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa dự định đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Bên cạnh đó, nhật báo Le Monde cho rằng, nguyên nhân đầu tiên làm cho nền kinh tế số hai thế giới chựng lại là do giá địa ốc giảm. Bắc Kinh luôn lập lại ý định muốn xóa bỏ hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc do tình trạng đô thị hóa ồ ạt gây nên.
Các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng bắt tay với môi giới nhà đất đầu tư vào phát triển các thành phố. Giới đầu cơ địa ốc đã từng hốt bạc. Nhiều hộ gia đình muốn tậu nhà cửa nhưng lại không đủ điều kiện để mua. Theo ông Lưu, giám đốc nghiên cứu của hệ thống địa ốc Centaline cho biết : « Nhiều thành phố đang trong tình trạng cung nhiều hơn cầu ». Do đó, giới buôn bán nhà đất buộc phải giảm giá thành.
Danh sách các thành phố ma, tức không người ở ngày càng dài thêm. Ví dụ như thành phố Ordos (nội Mông), Thường Châu (Changzhou-Đông), Hàm Đan (Handan-đông bắc), hay Ôn Châu (Wenzhou) cái nôi của các doanh nghiệp tư nhân. Ngay cả tờ China Daily vốn rất khả quan cũng nhận định, phải mất 2 năm mới bán hết được các cơ sở địa ốc mọc lên như nấm.
Ngoài ra, vẫn theo Le Monde, chiến dịch chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình tung ra cách đây 2 năm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tăng trưởng. Chủ tịch Trung Quốc muốn đánh vào cuộc sống xa hoa của các quan chức địa phương, các đảng viên đảng Cộng sản (PPC) và khuyến khích một lối sống đạm bạc. Chính vì lý do đó mà một số viên chức đã ngưng các dự án mua bán địa ốc đang tiến hành.
Hồng Kông, đối thoại bế tắc
Nhìn sang thời sự tại Hồng Kông, nhật báo Libération đăng bài : « Hồng Kông : sau đợt biểu tình, đối thoại rơi vào ngõ cụt ». Sau cuộc gặp gỡ đêm qua giữa đại diện người biểu tình và chính quyền Hồng Kông, bất đồng vẫn tồn tại.
Theo Libération, bà Carrie Lam, nhân vật số hai của đặc khu Hồng Kông khuyến khích phong trào Occupy Central nên nhắc nhở thành viên của mình và bà còn đe dọa sẽ ra lệnh cho cảnh sát can thiệp. Đáp lại thái độ gia trưởng của bà Lam, đại diện phong trào sinh viên Lester Shum lên tiếng : « Chúng tôi chỉ đơn giản muốn chính phủ bảo vệ quyền lợi cơ bản của chúng tôi… Hãy thể hiện là người dũng cảm ! Các vị muốn sách lịch sử sẽ nhắc đến quí vị như những anh hùng hay những kẻ hèn ? các vị không thể đề nghị chúng tôi chấm dứt biểu tình mà không hề nhượng bộ ».
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không thay đổi quyết định về cuộc bầu cử vào năm 2017 để chọn ra lãnh đạo đặc khu. Đại diện Lester Shum nhận định : « Đã 30 năm nay Hồng Kông mơ ước dân chủ và quyết định của Bắc Kinh đã phá vỡ giấc mơ này ».
Theo Le Figaro, ông Lương Chấn Anh cho biết đừng ảo tưởng sẽ đòi được Bắc Kinh chấp nhận yêu sách phổ thông đầu phiếu. Tại Hồng Kông, 20% trong 7 triệu dân sống dưới ngưỡng nghèo, nếu bầu cử theo phổ thông đầu phiếu thì người nghèo sẽ có tiếng nói đa số. Điều đó là không thể chấp nhận được đối với ông Lương, một cựu doanh nhân và làm phật lòng giới đầu tư.
Indonesia : Tổng thống xuất thân từ giai cấp bình dân
Nhìn sang Đông Nam Á, nhật báo Le Monde có bài viết : « Tại Indonesia, một vị Tổng thống xuất thân từ tầng lớp bình dân ». Nhậm chức hôm thứ hai vừa rồi, tân Tổng thống Joko Widodo muốn ưu tiên đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội.
Le Monde nhận định, khác hẳn với những người tiền nhiệm, khi đắc cử, ông Widodo có một mục tiêu là quan tâm đến dân chúng trước hết và tích cực tiến hành các cải cách xã hội. Phong cách của ông cũng vô cùng bình dân. Người ta vẫn thường thấy cựu thị trưởng Djakarta ngày nào xuất hiện tại các con chợ của thành phố, trò chuyện với công chúng trong chiếc áo sơ mi trắng, quần tây đen, đôi khi đi chân không trong đôi hài. Người dân Indonesia chưa từng thấy hình ảnh này trước đây bao giờ.
Trong lễ nhậm chức, Tân Tổng thống thể hiện quyết tâm « đưa Indonesia thành một nước lớn và mang lại phồn thịnh cho dân tộc ». Những thành tựu đạt được về kinh tế trong những năm gần đây không thể che giấu được hiện thực đầy bất công : sự phân hóa giàu nghèo quá lớn. Khoảng 100 triệu dân Indonesia vẫn còn sống dưới ngưỡng 2 đô la/ngày thậm chí ít hơn.
Trên phương diện kinh tế, những thách thức mà ông Widodo phải đối mặt để đáp lại bao kỳ vọng mà mọi người đặt vào ông cũng vô cùng lớn. Theo phân tich một chuyên gia ngoại quốc tại Djkarta, tân Tổng thống « thừa hưởng một triển vọng kinh tế khá tuyệt : đất nước có các phương tiện để trở thành một cường quốc kinh tế (…) Song tình hình hiện tại lại rất khó khăn : đơn đặt hàng của thế giới giảm, đặc biệt là của Trung Quốc, giá thành nguyên vật liệu giảm (một trong những nguồn làm giàu cho Indonesia), thâm hụt thương mại và phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài. Ông ta sẽ phải có một chính sách tiền tệ hạn chế nhưng cần phải có tăng trưởng để tạo việc làm, năng suất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ».
Một trong những thách thức đầu tiên chờ đợi ông Widodo là ông phải tiến hành việc giảm trợ giá cho ngành nhiên liệu như xăng dầu. Đây là một bài toán trắc nghiệm mà chưa một tổng thống tiền nhiệm nào đã giải đố thành công. Khoản trợ giá trên chiếm đến 20 tỷ đô la/năm của nhà nước và theo một số nghiên cứu thì chính sách trợ giá trên có lợi cho người giàu hơn người nghèo.
Theo tính toán của ông Widodo, số tiền cắt giảm trợ giá ngành năng lượng sẽ được dùng để đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp như hệ thống thủy lợi, phân bón, gieo giống…đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng vốn cũ kỹ, lỗi thời và cho phép người dân Indonesia nhận được chế độ an sinh thật sự.
Total trước cú sốc
Trở lại với tại nạn của Chủ tịch tập đoàn dầu khí Total, trong lúc chờ đợi kết quả điều tra, các nhật báo đồng loạt chia buồn và nhận xét về con người chủ tịch tập đoàn Total.
Gương mặt tròn, đôi mắt long lanh kèm bộ ria mép, đó là hình ảnh của vị Chủ tịch-Tổng giám đốc tập đoàn lớn nhất của Pháp Total là ông Christophe de Margerie xuất hiện trên trang nhất các nhật báo ra ngày hôm nay (22/10/2014) Ông vừa qua đời sau tai nạn máy bay vào đêm thứ Hai vừa qua tại Nga. Les Echos thốt lên : « Total dưới cú sốc ». Le Figaro nhận thấy : « mọi người đồng loạt dành cảm xúc cho vị Tổng giám đốc Total ». Le Monde chạy tít : « Christophe de Margerie : ngày qua đời của một ông chủ điển hình ».
Libération nhận thấy ông là người thẳng thắng, thân thiện, kỳ quặc, thường có những ý tưởng lạ kỳ nhưng chuyên môn thì vô cùng giỏi. Ông luôn tìm đồng thuận với nhân viên của mình, lắng nghe lợi ích chung và tìm cách thương lượng. Mặc dù giàu có nhưng ông không xem tập đoàn như một cỗ máy chỉ để kiếm tiền mà là một tổ chức của xã hội.
Nhật báo Công giáo La Croix cũng tưởng nhớ đến ông Christophe de Margerie : « Tổng giám đốc tập đoàn Total là một người thực tế. Ông đi du lịch khắp nơi trên thế giới để chăm lo cho lợi ích của công ty(…). Với sự ra đi của ông, nước Pháp không chỉ mất đi một lãnh đạo trong ngành công nghiệp mà cả một nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng.
Le Figaro cho biết, khắp nơi tổ chức tưởng niệm sự ra đi của chủ tập đoàn Total. Tổng thống Pháp François Hollande nhận định : « ông Christophe de Margerie đã dành cả cuộc đời cho nền công nghiệp Pháp và cho sự phát triển của tập đoàn Total. Ông đã đưa Total lên danh sách các công ty hàng đầu thế giới. Ông bảo vệ thành công và xuất sắc công nghệ Pháp tại nước ngoài ».
Nhật báo Le Monde nhận định : 40 năm làm việc cho Total, « sự qua đời đột ngột của ông Christophe de Margerie gây bất ổn cho tập đoàn». Người kế nhiệm ông sẽ được chọn trong nội bộ, theo truyền thống xưa nay của Total.
No comments:
Post a Comment