Cao vọng biến Hải Phòng thành cửa thông thương cho Việt Nam và Vân Nam
Bến cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng.wikipedia
Trong dòng thời sự quốc tế sôi động từ Ebola đến Ukraina, thông qua cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhật báo kinh tế Les Echos đã ghé mắt nhìn sang Việt Nam, với một bài phân tích đề án phát triển cảng Hải Phòng vừa được khởi động, nhằm biến nơi này thành một cửa ngõ thông thương quan trọng của miền Bắc Việt Nam và miền… Vân Nam của Trung Quốc.
Dưới tựa đề rất khô khan – « Ở miền Bắc Việt Nam, dự án cảng Hải Phòng cực lớn » - Les Echos ghi nhận là hải cảng do người Pháp xây dựng xưa kia đang là trung tâm điểm của một dự án phát triển to lớn nhằm phá vỡ thế cô lập của miền Bắc Việt Nam đối với giao thương quốc tế.
Đối với ký giả của Les Echos đã đến Hải Phòng để tìm hiểu, cần phải có trí tưởng tượng thật phong phú vào lúc này mới hình dung được nơi này vào năm 2025 : Một khu công nghiệp và bến cảng khổng lồ, đặt tên là Lạch Huyện, với một cảng nước sâu, tiếp nhận được các loại tàu trên 80.000 tấn, thay vì 15.000 đến 20.000 tấn như hiện nay.
Dự án bao gồm việc xây dựng hơn 10 km bến cảng nằm dọc theo một con kênh rất rộng, một cây cầu dài 9 cây số, đường xa lộ nối liền với Hà Nội, các nhà máy điện, trạm lọc nước...
Theo nhận định của Les Echos, khi phát triển Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, mà dân số sẽ lên đến khoảng 3 triệu vào năm 2025, chính quyền Việt Nam chắc hẳn là không muốn tiếp tục lệ thuộc vào các trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore hay Hồng Kông để chuyển vận hàng hóa đi châu Âu hay châu Mỹ, hay nhận hàng từ những nơi này.
Phát triển miền Bắc để đuổi kịp miền Nam
Bên cạnh đó, còn có việc chính quyền Việt Nam muốn phát triển toàn miền Bắc của đất nước để bắt kịp miền Nam vốn đã phát triển mạnh kể từ những năm 1990. Theo chiều hướng đó, có một loạt những dự án mà nhật báo Pháp cho là ít nhiều điên rồ, như đề án biến Hải Phòng thành cảng quá cảnh cho một phần hàng hóa xuất đi từ miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là của tỉnh Vân Nam.
Theo Les Echos, ý tưởng này không phải là không có lý, vì hiện đã có một dự án thành lập hành lang kinh tế nối liền Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam với cảng Hải Phòng, được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ. Đoạn đầu tiên dài 245 km từ Hà Nội đến biên giới với Trung Quốc, sẽ giảm một nửa thời gian đi lại.
Thế nhưng, đối với Les Echos, vấn đề còn phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị tế nhị với Trung Quốc. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào mùa xuân vừa qua sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam đã biến thành bạo động. Các vụ này vẫn ghi đậm dấu ấn trong tâm trí mọi người, cho dù chính quyền Việt Nam cũng thấy rõ là Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của mình.
Tuy nhiên, ký giả báo Les Echos nhận định : Dù sao chăng nữa thì Hải Phòng vẫn sẽ vươn lên thành một trong cửa ngõ chính của miền Bắc Việt Nam. Đây là một sự trở về với cội nguồn, bởi vì khi người Pháp xây Hải Phòng trong những năm đầu thế kỷ XX, nơi này là cảng chính của Bắc Bộ và đặc biệt là cầu nối chính giữa châu Âu và khu vực khi ấy còn mang tên Đông Dương.
Hồng Kông : Chính quyền với chiến lược hai mặt chống biểu tình
Bên cạnh Việt Nam, báo Les Echos còn nhìn về Hồng Kông để phân tích chiến thuật của chính quyền Lương Chấn Anh. Tờ báo ghi nhận sự kiện một khu vực bị của sinh viên chiếm đóng trong khu phố thương mại Mong Kok đã bị cảnh sát « quét dọn » một cách dễ dàng vì phần lớn các nơi có rào cản không còn ai. Chính quyền đã nắm lại được tình hình.
Les Echos nhận thấy rằng chính quyền Hồng Kông một mặt thì tỏ thái độ hòa hoãn trong ngôn từ nhưng một mặt khác thì vô hiệu hóa người chống đối bằng hành động. Đó là chiến lược đang được lãnh đạo Hồng Kông áp dụng, sau một thời gian cho thấy là ông không làm chủ được tình hình. Bây giờ thì chính quyền có vẻ đã giành được thượng phong. Cảnh sát đã khôi phục lại uy thế sau sự cố đánh người một cách dã man. Họ đã dẹp bỏ các rào cản tại khu thương mại Mongkok.
Theo Les Echos, diễn tiến hiện nay cũng là do một phần dân chúng Hồng Kông đã mệt mỏi trước những cuộc biểu tình làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, và một phần khác thì chính quyền lại chìa tay hòa hoãn sau khi từ chối đối thoại cách đây một tuần.
Les Echos nhìn thấy ông Lương Chấn Anh – vốn lặng thinh trong giai đoạn gay go, cho vẻ bất lực, bây giờ thì lại tỏ ra là người hòa hoãn. Thái độ này giúp ông chiếm được thượng phong trong cuộc đấu với sinh viên. Vả lại khả năng chống đối của sinh viên cũng đã giảm sút nhiều, cho nên những lá bài họ nắm trong tay trong cuộc đối thoại với chính quyền không là bao.
Les Echos không chờ đợi kết quả gì trong cuộc đối thoại hai bên, khi mà ông Lương Chấn Anh khẳng định không trông mong gì là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ trến vấn đề bầu cử, trong lúc đó là mục tiêu của phong trào đấu tranh dân chủ.
Thái Lan : Đội thùng để phản đối chính quyền quân sự
Về châu Á, Libération nhìn về Thái Lan qua bài phóng sự của Arnaud Dubus, nêu bật một phương thức ngộ nghĩnh của người dân để phản đối chính quyền : Đội hộp sắt đề chống lại chính quyền quân phiệt.
Tác giả bài báo giải thích là ở Thái Lan, người ta gọi loại hộp đó là « pip ». Đó là một hôp sắt to vuông, một mặt trong vắt, và thường dùng để đựng bánh bán trong các của hiệu tạp hóa.
Một cách bất ngờ, trong những tuần lễ qua, chiếc hộp bình thường này đã trở thành tín hiệu tập hợp của giới trí thức, đại học Thái, vốn không mấy ưa thích chế độ quân sự đã lên nắm quyền từ sau cuộc đảo chính 22/05/2014. Họ đội chiếc hộp trên đầu và đi trong khu đại học, mặt trong vắt của chiếc hộp giúp họ thấy đường đi.
Lúc đầu, việc đội chiếc pip là để tổ cáo những người trong giới đại học đã "tuân theo lệnh" của giới quân đội, như Hiệu trưởng Đại học Y khoa Mahidol, đã chấp nhận một chiếc ghế trong nghị viện mà quân đội kiểm soát.
Nhưng gần đây thì chính quyền đã cứng giọng đối với các giáo sư, giảng viên Đại học. Một loạt seminar đã bị cấm, quân đội và cảnh sát đột nhập vào các buổi thảo luận, bắt giữ người thuyết trình. Theo thông báo của tướng Wongsuwan ngày 23/09 vừa qua, tổ chức diễn đàn thảo luận phải được phép của chính quyền. Dĩ nhiên là đề cập đến chính trị là điều cấm kỵ.
Từ đó những người đội hộp sắt ‘pip’ ngày càng đông.
Một trong những semina bị cấm có chủ đề « Sự sụp đổ của các chế độ độc đoán ở các nước ngoài ». Câu hỏi mà sinh viên nêu lên và dán trên tường trường đại học : Phải chăng là họ (các tướng lãnh Thái) cũng cảm thấy họ là những kẻ độc tài ?
Ebola : Cả hành tinh lo ngại
Dịch bệnh Ebola với ca lây nhiễm khó hiểu và ngày gây thêm lo ngại, là chủ đề hàng đầu các báo Paris hôm nay, với các dòng tựa lớn đập mắt trên trang nhất, và nhiều trang bài bên trong.
Le Figaro ghi nhận : « Cả hành tinh huy động lực lượng » trước những ca khả nghi ngày càng gia tăng. Libération, chú ý đến : « Ebola ở Châu Âu, con virút của nỗi sợ hãi », và giải thích rằng việc nhân viên y tế bị nhiễm bệnh gây lo ngại ở Châu Âu, trong lúc Ebola lan rộng, không kiểm soát được ở Châu Phi. La Croix nêu câu hỏi : « Làm thế nào thông tin (về bệnh) mà không gây lo sợ ? ».
Le Figaro điểm lại đà tiến triển của dịch bệnh đã làm 4.500 người thiệt mang : Số người nhiễm virút cao gấp đôi chỉ trong vài tháng đã khiến thế giới hốt hoảng. Tờ báo dành bốn trang bên trong cho sự kiện và nêu bật các phản ứng : Pháp đã nâng cao cảnh giác, cho kiểm soát ở sân bay ; tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đã phải lên tuyến đầu.
Le Figaro cũng lược qua phần đóng góp của các nước để giúp Châu Phi chống Ebola, đứng đầu dĩ nhiên là Hoa Kỳ, dự kiến 1 tỉ đô la, và đã giúp 350 triệu, Anh Quốc 200 triệu, Pháp cũng gần 90 triệu, Nhật cũng 40 triệu, Trung Quốc giúp tiền hơn 8 triệu, giúp 170 nhân viên y tế, cũng như Cuba, Malaysia giúp thiết bịv.v… không kể những nhà tỉ phú hảo tâm.
Theo Le Figaro, các chuyên gia tỏ ra bi quan về việc đối phó với dịch bệnh, e ngại là dịch sẽ bùng lên như ở Monrovia, mặc dù số bệnh nhân ở các trung tâm chữa trị không tăng. Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Y sĩ Không biên giới chưa tìm được giải đáp cho hiện tượng này.
Virut Ebola toàn cầu hóa !
Trong bài xã luận tựa đề « Sự toàn cầu hóa của một con virút », Le Figaro có vẻ trách móc. Lúc đầu phương Tây có vẻ xem nhẹ : Trong vòng 30 năm đã có khoảng 20 dịch Ebola, nhưng phương Tây chỉ bắt đầu tỏ ý thông cảm khi số người thiệt mạng lên đến hàng trăm vào mùa xuân. Bây giờ thì lại hốt hoảng, huy động cả hành tinh một cách khẩn cấp và lộn xộn sau khi có một vài trường hợp bị nhiễm và chết ở Mỹ và Châu Âu.
Le Figaro khẳng định : Thắng bại trong trận chiến chống Ebola là ở Châu Phi.
Libéation thì chú ý đến Châu Âu, dành cả 4 trang trong để lược qua tình hình dịch bệnh, chú trọng trước tiên đến ca nhiễm ở Tây Ban Nha. Trong hàng tựa đậm mục sự kiện, tờ báo nhận định « Ebola phơi bay những lỗ hổng về mặt y tế ».
Libération nhận thấy là tâm trạng lo âu xuất hiện từ sau những ca bị nhiễm virút, dù không nhiều, nhưng không phải là ‘du nhập’, mà là tại chỗ ở phương Tây : hai trường hợp ở Mỹ, một trường hợp ở Tây Ban Nha. Các trường hợp này rất gây thắc mắc, vì do đâu mà xảy ra lây nhiễm tại những nơi mà ngành y tế trên nguyên tắc rất hữu hiệu, có những quy định chặt chẽ về việc theo dõi và chăm sóc ?
Tờ báo trở lại ca cô y tá bị nhiễm Ebola ở Tây Ban Nha, cho là trường hợp này đã phơi bày hàng loạt lỗ hổng trong việc theo dõi, chăm sóc, nó là tấm gương phản ánh một hệ thống y tế trong tình trạng khủng hoảng xã hội.
Ngân sách y tế bị cắt giảm làm suy yếu việc phòng dịch
Ngành y tế Tây Ban Nha sử dụng 550.000 người trong năm 2012, đã mất đi 28.500 trong hai năm. Bệnh viện Carlos III, nơi cô y tá làm việc đã giảm 12% nhân viên vào năm ngoái, và khoa phụ trách bệnh truyền nhiễm cao đang trong tình trạng đóng cửa vào mùa hè năm nay.
Một bác sĩ của bệnh viện công nhận việc giảm thiểu biên chế, cắt xén ngân sách một cách sai lầm đã có ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Phải chăng vì thế mà cô y tá đã nhiễm bệnh và không được sớm phát hiện ? Khi cô yêu cầu xét nghiệm thì bị đuổi về nhà đến 3 lần.
Trường hợp tại Hoa Kỳ còn đáng ngại hơn nữa khi mà ai cũng biết Mỹ rất chặt chẽ trên vấn đề an toàn, và Ebola từ 10 năm qua được nhìn dưới khía cạnh khủng bố sinh học.
Chuyện gì đã xẩy ra vẫn chưa rõ, nhưng điều rõ nhất là sự bất cẩn. Tờ báo nhắc lại trong trường hợp cô y tá Teresa, ở Madrid, cũng như cô y tá thứ hai bị nhiễm bệnh ở Texas, cả hai đều được tự do đi chu du, cho dù hai người này đã mấy lần tiếp xúc với bệnh nhân.
Các nước Phương Tây bây giờ đã khẩn trương đưa ra biện pháp đối phó như Pháp chẳng hạn, bắt đầu cho kiểm tra ở sân bay.
Trong bài xã luận, Libération cũng tỏ ra bực tức trước tâm trạng lo âu hiện nay ở các nước Âu Mỹ, thể hiện một sự ích kỷ.
Tờ báo nhìn thấy có cái gì đó không đúng đắn khi chỉ lo ngại về một dịch bệnh khi nó tấp vào bờ của mình, trong lúc mà nó đã giết hại hàng ngàn người ở Châu Phi, đặc biệt là tại ba nước bị nặng nhất và cũng là nghèo nhất, và bị nội chiến hoành hành như Liberia, Sierra Leone.
Theo tờ báo, hy vọng hiện nay là sự lo sợ sẽ khiến các quốc gia giàu có thật sự giúp Châu Phi chống lại dịch bệnh. Đây là vấn đề đạo đức, đoàn kết, tương trợ, cũng là việc hành sự hữu hiệu trong một thế giới toàn cầu hóa. Theo Libération, đến giờ thì phương Tây có vẻ lơ là.
No comments:
Post a Comment