Tuesday, May 24, 2016

'Hoa Kỳ bán vũ khí cho 96 quốc gia'

'Hoa Kỳ bán vũ khí cho 96 quốc gia'

  • 23 tháng 5 2016
Image copyrightUS NAVY
Image captionPhi cơ P-8A Poseidon cất cánh từ Seatle
Vũ khí Hoa Kỳ bán ra đã chiếm gần 1/3 thị trường toàn cầu, với các khách hàng Trung Đông chiếm đa số, theo một phân tích của Samuel Oakford (22/02/2016) trích nguồn Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Tác giả này cho hay, trong khoảng từ 2011 đến 2016, thị trường vũ khí toàn cầu tăng trưởng 14%, với Hoa Kỳ và Nga là hai nước bán hàng đầu bảng.
"Xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ chiếm một phần ba thị trường toàn cầu, tăng lên 30% từ 29% trong khoảng từ 2006 đến 2016."
"Báo cáo của Hạ viện cho thấy xuất khẩu vũ khí của Mỹ cũng tăng thêm 1/3 chỉ trong năm 2014, tới 36,2 tỷ USD, từ 26,7 tỷ năm trước đó.
"SIPRI nêu ra rằng Hoa Kỳ bán vũ khí cho 96 quốc gia, gần bằng một nửa số thành viên Liên Hiệp Quốc."
Trong số các khách hàng lớn nhất có Ả Rập Saudi (10%), và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE -9,1%).
Tóm lại, theo bài viết của Oakford, kể từ năm 2010, Hoa Kỳ đã bán ra 90 tỷ USD tiền vũ khí, quân trang quân bị cho hai quốc gia Vùng Vịnh này.
Tại châu Á, ngoài Đài Loan còn có Hàn Quốc là nước mua nhiều vũ khí của Mỹ, theo trang Time cuối năm 2015.
Còn báo New York Times cho hay, Nga chỉ sau Mỹ về số lượng vũ khí xuất khẩu (10,2 tỷ USD năm 2014).
Image copyrightAP
Image captionHoa Kỳ bán nhiều vũ khí cho Ả Rập Saudi
Tiếp theo sau là Thụy Điển (5,5 tỷ), Pháp (4,4 tỷ), Trung Quốc (2,2 tỷ).

'Ra khỏi sổ đen'

Hoa Kỳ áp đặt cấm vận vũ khí với Bắc Việt sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964.
Khi đó, Washington dùng điều khoản trong Luật cấm thương mại với kẻ thù (Trading with the Enemy Act).
Luật này được mở rộng cho toàn bộ nước Việt Nam thống nhất sau 1975, theo GS Carl Thayer trong một bài trên The Diplomat (06/2014).
"Đến năm 1984, Hoa Kỳ đặ̣t CHXHCN Việt Nam vào cơ chế kiểm soát của Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (International Traffic in Arms Regulations, ITAR).
Đây là danh sách các quốc gia mà Hoa Kỳ nêu tên để cấm cung cấp giấy phép mua vũ khí, quân trang quân dụng.
Image copyrightBETTMANN CORBIS
Image captionLệnh cấm vận vũ khí từ 1964 mở rộng cho cả Việt Nam sau 1975
ITAR cũng gồm các nước đã bị Hoa Kỳ cấm vận vũ khí hoặc bị cho là "nhập khẩu vũ khí chỉ gây cản trở cho hoà bình, an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ".
Với Hà Nội, ITAR vẫn không thay đổi gì kể cả khi cấm vận kinh tế được gỡ bỏ năm 1994.
Nhưng cùng quá trình sát lại gần nhau giữa Washington và Hà Nội, vấn đề này dịch chuyển dần."
Vào tháng 4/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ sửa ITAR cho phép Việt Nam mua vũ khí, quân trang quân dụng phi sát thương "theo từng trường hợp cụ thể".
Chính quyền của Tổng thống George W Bush đưa Việt Nam vào chương trình tài chính về quân dụng (Foreign Military Financing) với khoản nửa triệu USD cho tài khoá 2009.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ 2007 đến 2010, các giấy phép xuất khẩu quân bị từ Hoa Kỳ cho Việt Nam đạt giá trị 98,5 triệu USD, và dịch vụ quân sự 3,7 triệu USD.
Sang tháng 11/2014, Hoa Kỳ tiến thêm một bước nữa trong việc nới rộng quy chế cho Việt Nam mua quân trang cho hải quân.
Image copyrightUS NAVY
Image captionChiến hạm Mỹ USS Chung Hoon thăm Đà Nẵng
Image copyrightUS NAVY
Văn bản ITAR của Hoa Kỳ do bà Rose E. Gottemoeller, thứ trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, ký ngày 10/11/2014, quyết định:
"Vì quyền lợi cao nhất của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, an ninh quốc gia, quan ngại về nhân quyền, các vũ khí sát thương và dịch vụ quân sự có thể được bán cho Việt Nam theo từng trường hợp cụ thể nhằm hỗ trợ an ninh hàng hải..."
Với tuyên bố bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí của Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội 23/05/2016, Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước vẫn bị danh sách ITAR chế tài.
Ngoài các quốc gia đối thủ trong Hội đồng Bảo an LHQ như Nga và Trung Quốc, đây là danh sách gồm các nước như Triều Tiên, Sudan, Cuba, Myanmar, Eritrea, Iran, Zimbabwe...vốn bị Washington cho là có chính sách trái ngược với quyền lợi và các giá trị của Mỹ.

No comments:

Post a Comment