Tuesday, May 24, 2016

Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ về việc « kết nạp » Việt Nam vào TPP


Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ về việc « kết nạp » Việt Nam vào TPP

Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ về việc « kết nạp » Việt Nam vào TPP
12 nước tham gia TPP.Nguồn : Freemalaysiatoday.com

    Việt Nam chậm cải tổ gây khó khăn cho tổng thống Hoa Kỳ thuyết phục Quốc Hội nhanh chóng phê chuẩn Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. Tại Hà Nội, tổng thống Barack Obama vẫn tin tưởng TPP sẽ nhanh chóng được Quốc Hội Mỹ thông qua trước khi ông rời Nhà Trắng. Hà Nội kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu đặc biệt là với Washington.

    Sau hai thập niên kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ vào tháng 7/1995, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đang từ 450 triệu đô la đã tăng lên 42 tỷ vào năm ngoái. Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt (BTA) năm 2001, và 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, sắp tới đây TPP, là những đòn bẩy kinh tế, đầu tư và thương mại giữa Hà Nội và Washington.
    Thương mại, thành quả rõ rệt nhất trong quan hệ Việt - Mỹ
    Mỹ là một trong số 5 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, mua vào gần 13% hàng xuất khẩu của nước này. Cán cân thương mại Việt – Mỹ nghiêng về phía Hà Nội. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 4/2016 Việt Nam xuất 3,1 tỷ đô la hàng hóa sang Hoa Kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm lên tới gần 11,5 tỷ đô la.
    Cùng thời kỳ, Việt Nam nhập chưa đầy 2,5 tỷ đô la hàng của Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với bạn hàng Mỹ trong bốn tháng đầu năm đạt khoảng 9 tỷ đô la.
    Nhìn về khía các sản phẩm thì phía Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và nông phẩm, thủy sản sang thị trường Mỹ và ngược lại thì nhập các sản phẩm điện tử và linh kiện của Hoa Kỳ.
    Theo bộ Thương Mại Việt Nam, trao đổi mậu dịch song phương tăng trung bình 20% một năm và chờ đợi Hoa Kỳ sẽ trở thành đối tác thương mại thứ nhì của Việt Nam trong một thời gian không xa.
    Trong lĩnh vực đầu tư, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 8 trong số các nguồn đầu tư vào Việt Nam với 806 dự án và tổng số vốn đầu tư lên tới gần 12 tỷ đô la.
    Việt Nam, một chú lùn trong số các đối tác thương mại của Mỹ
    Tuy nhiên, theo thống kê thương mại của cơ quan Liên Hiệp Quốc UN Comtrade, Việt Nam hãy còn là một chú lùn trong số các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Hàng nhập từ Việt Nam chỉ tương đương với 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và Việt Nam chỉ mua vào chưa tới 0,5% hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.
    Trong bối cảnh đó phía Việt Nam kỳ vọng Hiệp định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, trao đổi hai chiều sẽ « tăng tốc ».
    Trả lời đài RFI Việt Ngữ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ trước hết điểm lại bang giao kinh tế Mỹ- Việt kể từ khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ ngoại giao :
    Nguyễn Xuân Nghĩa : « Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, Việt Nam là quốc gia có lợi hơn Mỹ về kinh tế, với lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước tăng hơn 200 lần. Xuất siêu của Việt Nam qua thị trường Mỹ tiếp tục gia tăng. Chiều hướng này khởi sự từ năm 1995, rồi tăng vọt sau khi Việt Nam hoàn thành hiệp ước thương mại song phương Việt- Mỹ BTA năm 2001 rồi được Hoa Kỳ đặc cách chấp thuận cho gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007. Nói về hiện trạng thì trong ba tháng đầu năm 2016, Việt Nam đạt xuất siêu hơn tám tỷ đô la và suốt năm 2015 thì đạt gần 31 tỷ đô la.
    Vắn tắt thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chính là Hoa Kỳ. Khốn nỗi, được xuất siêu bao nhiêu với nền kinh tế Mỹ thì Việt Nam bị nhập siêu bấy nhiêu với kinh tế Trung Quốc. Thực tế thì kinh tế Việt Nam là vệ tinh của kinh tế Trung Quốc và khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đều biết điều ấy ».
    Cải thiện về bang giao Mỹ Việt rõ rệt nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, đặc biệt là trước triển vọng hiệp định TPP sẽ được 12 nước thành viên phê chuẩn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết thêm :
    Nguyễn Xuân Nghĩa : « Trong 12 quốc gia thành viên của hệ thống TPP, Việt Nam được đánh giá là có lợi nhất vì sẽ tăng xuất cảng được hơn 30% và nhờ đó, sản lượng kinh tế được thêm 10% kể từ khi áp dụng cho tới năm 2030. 
    Ngoài ra còn có hai yếu tố quan trọng khác về phẩm hơn là về lượng. Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc phải chuyển hướng với giá nhân công cao hơn và mất lợi thế là công ưởng toàn cầu cho nên giới đầu tư nhắm vào Việt Nam cùng khoảng 18 thị trường khác là giải pháp thay thế. Nếu là thành viên của TPP thì Việt Nam dễ khai thác lợi thế này với khả năng sản xuất và cung ứng các ngành dệt sợi, đồ gỗ, đồ da hay sản phẩm gia dụng của công nghiệp nhẹ lẫn hàng điện tử. Thứ hai, vì Trung Quốc không ở trong hệ thống TPP nên đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam ra khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế Trung Quốc ».
    Được khởi động từ cuối 2008 đầu 2009 và sau hơn 20 vòng đàm phán, mãi tới đầu tháng 10/2015, Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác chính thức hoàn tất đàm phán để thành lập « khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới ». Đến tháng 2/2016 các bên chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP bao gồm, Hoa Kỳ, Canada, Chilê, Mêhicô, Pêru, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam.
    TPP liên kết 12 nền kinh tế chiếm đến 40% GDP toàn cầu, với mục đích xóa bỏ các rào cản cho giao thương và nhất là làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington chờ đợi với Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, tổng trao đổi mậu dịch của Mỹ với 11 đối tác trong vùng lên tới 400 tỷ đô la một năm.
    Bước kế tiếp, lần lượt 12 thành viên tham gia TPP phải phê chuẩn hiệp ước này. Nhưng sau khi đã vượt qua nhiều cửa ải với các đối tác quốc tế thì tại Washington, tổng thống Barack Obama lại vấp phải sự chống đối của Quốc Hội trong tay đối lập và của chính đảng Dân chủ.
    Việt Nam được coi là được lợi nhất về lý thuyết một khi TPP có hiệu lực nhưng một phần trong Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn thận trọng trước việc « kết nạp » Việt Nam vào TPP. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu lên quan điểm của thành phần này :
    Nguyễn Xuân Nghĩa :«Dù được các thành phần tả khuynh hay thân cộng nâng đỡ, Hà Nội vẫn chưa vượt qua rào cản của Quốc hội Hoa Kỳ nên chưa tranh thủ được quy chế đặc miễn GSP hay Generalized System of Preferences để bán vào Hoa Kỳ khoảng 5.000 sản phẩm khỏi bị thuế quan, gọi là duty free. Lý do chính vẫn là nạn chà đạp nhân quyền, trong khi nhiều xứ nghèo hơn đã được quy chế này.
    Quan trọng hơn vậy chính là hồ sơ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
    Dù Việt Nam được lợi nhất về lý thuyết, về thực tế thì sự tình lại phức tạp hơn nhất là trong bối cảnh của cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Mỹ. Muốn hưởng mối lợi ấy của TPP thì Việt Nam phải cải cách, là điều các nước mong muốn mà Hà Nội lưỡng lự vì sợ cơ sở mất đỉnh chung bổng lộc. Thứ nữa, dù có cam kết, Hà Nội vẫn giữ quyền bội tín và gặp phản ứng mạnh của xu hướng “chống toàn cầu hóa” và “bảo hộ mậu dịch” trên chiến trường và thị trường quốc tế. Trong khi ấy, vì cuộc tranh cử Tổng thống, cả ba ứng cử viên còn lại của hai đảng lớn đều nói khác và hết tin tưởng gì vào toàn cầu hóa mà lại còn nêu ra chủ trương bảo hộ mậu dịch.
    Ít ai biết là vì những nhược điềm nói trên mà Việt Nam có thể bị Quốc Hội Mỹ gạt ra ngoài TPP với thiệt hại rất cao cho người dân và các doanh nghiệp. Lý do là lãnh đạo Việt Nam vẫn không tuân thủ các cam kết trong khi lại có lợi nhiều nhất nhờ TPP. Đây là niếm thất vọng cho Tổng thống Barack Obama vì hiệp ước TPP là một biểu hiện của di sản Obama”.

    Cùng chủ đề
    • THƯƠNG MẠI

      Hiệp định tự do mậu dịch TPP được ký kết
    • VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

      TPP : Việt Nam thắng lớn, Trung Quốc thua đau ?

    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.   
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >

    Các chương trình

    No comments:

    Post a Comment