Saturday, August 17, 2013

Tham nhũng làm tổn hại tham vọng hải quân Ấn Độ

Tham nhũng làm tổn hại tham vọng hải quân Ấn Độ

Tầu ngầm hạt nhân Ấn Độ INS Arihant (DR)
Tầu ngầm hạt nhân Ấn Độ INS Arihant (DR)

Lê Phước
Hôm 12/08/2013 vừa rồi, Ấn Độ đã cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ đầu tiên « Made in India ». Chỉ hai ngày sau đó, một chiếc tàu ngầm của hải quân Ấn Độ đã bị cú nổ kép, làm thiệt mạng gần 20 thủy thủ. Hai sự việc trái ngược nhau làm dấy lên nhiều lời bàn tán về sức mạnh hải quân Ấn Độ. Báo chí mấy ngày qua đã hao tốn nhiều giấy mực về chủ đề này. Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục quan tâm với bài phân tích đáng chú ý : « Quân đội Ấn Độ trang bị cũ kĩ dù ngân sách quốc phòng không hề nhỏ ».

Le Monde nhắc lại việc Ấn Độ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm hôm 12/8 đã đưa nước này vào danh sách một số ít các nước có khả năng tự chế tạo tàu sân bay : Anh, Pháp, Mỹ và Nga. Chiếc hàng không mẫu hạm này có tải trọng 40 000 tấn, có thể chở đến 30 máy bay. Ấn Độ đang dự định tự đóng thêm một tàu sân bay mới với tải trọng đến 60 000 tấn, có sức chở được nhiều chiến đấu cơ hơn. Ấn Độ cũng đang thương thảo mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp.
Le Monde nhấn mạnh, Ấn Độ ra sức tăng cường sức mạnh hải quân nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã mở rộng ảnh hưởng đến Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh. Để thoát khỏi vòng vây này, New Delhi muốn tái khẳng định sự chi phối của Ấn Độ trên vùng biển mang tên của chính mình.
Thế nhưng, vụ nổ tàu vừa rồi cho thấy một số điểm yếu của hải quân Ấn Độ. Chiếc tàu ngầm bị nổ hôm 14/8 vừa rồi được Ấn Độ mua lại của Nga cách đây 16 năm. Hồi năm 2010, chiếc tàu này đã một lần bị nổ, làm thiệt mạng một thủy thủ. Sau đó, chiếc tàu đã được đưa đi Nga sửa chữa, và vừa được đưa về Ấn Độ hồi đầu năm nay.
Le Monde cho biết, hải quân Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 15 tàu ngầm. Thế nhưng, chỉ có từ 7 đến 9 chiếc có thể vận hành, số còn lại đang được tân trang, sửa chữa.
Điểm yếu của hải quân Ấn Độ
Đâu là điểm yếu của hải quân Ấn Độ ? Tờ báo nhấn mạnh hai điểm : trang bị cũ kĩ và tham nhũng.
Le Monde nhấn mạnh, không phải Ấn Độ không đủ phương tiện để trang bị cho hải quân của mình. Từ năm 1988 đến năm 2012, ngân sách dành cho hải quân của nước này đã tăng đến 37 lần. Thế nhưng, bóng ma tham nhũng luôn chập chờn, khiến cho các hợp đồng vũ khí bị chậm thời hạn hoặc bị hủy bỏ. Hồi tháng 6 vừa rồi, một hợp đồng mua trực thăng Agusta Westland trị giá 560 triệu euro đã bị hủy bỏ do nghi ngờ tham nhũng.
Một chi tiết khác đáng chú ý nữa là, trong các hợp đồng vũ khí, New Delhi yêu cầu ngày càng nhiều sự tham gia của các cơ sở gia công tại Ấn Độ. Thế nhưng, một chuyên gia Pháp cho hay, các nhà sản xuất gia công tại Ấn Độ không đủ năng lực, vì thế làm kéo dài thời hạng giao hàng. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là, việc giao 6 chiếc tàu ngầm Scorpène của Pháp cho Ấn Độ được dự kiến trong hợp đồng là năm 2012, nhưng đã bị lùi lại ít nhất 3 năm.
Sự chậm trễ nhận hàng mới này đã khiến cho kho vũ khí cũ kĩ của hải quân Ấn Độ chậm được làm mới. Hồi tháng 3/2012, tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ đã đệ trình một bức thư lên thủ tướng nước này, báo động « sự cũ kĩ » và « tình trạng thiếu trang bị » của hải quân nói riêng và của toàn quân đội nói chung. Chẳng hạn như trong lực lượng không quân, sự cũ kĩ đã dẫn đến nhiều vụ tại nạn trong ngành không quân thời gian qua. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã thẳng thắn tuyên bố trước quốc hội rằng, trong vòng ba năm qua, đã có đến 29 máy bay bị rớt, trong đó có hai chiếc Mirage 2000 và 12 chiếc Mig-21. Không quân nước này cũng đang thiếu đến 515 phi công.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã ước tính phải đầu tư đến 100 tỷ đô la trong vòng 5 năm tới để cải thiện quân lực. Nước này cũng dự tính sẽ tiếp tục giảm dần việc mua quân dụng được sản xuất ở nước ngoài, mà sẽ ưu tiên cho việc sản xuất vũ khí ngay trên lãnh thổ Ấn Độ để kích thích nền công nghiệp trong nước. Thế nhưng, việc sản xuất tại Ấn Độ đã tỏ ra thiếu hiệu quả. Và cái vòng luẩn quẩn này không biết bao giờ mới dứt.
Nhật Bản và Trung Quốc cố tránh căng thẳng
Hôm qua, ngày 15/8/2013, thế giới kỉ niệm 68 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng, kết thúc Đệ nhị thế chiến. Báo chí Pháp hôm nay đổ dồn chú ý về Nhật Bản và chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông Shinzo Abe.
Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài : « Nhật Bản : sự bùng lên của dân tộc chủ nghĩa », nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa : «Năm nay, Nhật Bản không bày tỏ hối hận », Le Monde cũng cho biết : « Shinzo Abe tưởng niệm, nhưng không bày tỏ ăn năn », nhật báo cánh tả Libération có bài : « Abe không hối lỗi », nhật báo cánh hữu Le Figaro chọn dòng tít : « Tokyo và Bắc Kinh tránh leo thang ».
Tất cả các tờ báo đều lấy làm tiếc về việc thủ tướng Nhật Bản đã không bày tỏ sự ăn năn về những tội ác của quân phiệt Nhật trước kia, trong bài diễn văn 15/8 hôm qua. Các tờ báo đồng loạt nhắc lại từ 20 năm qua, việc bày tỏ ăn năn trong bài diễn văn kỉ niệm ngày 15/8 như đã trở thành một truyền thống ở Nhật Bản. Khi làm thủ tướng hồi năm 2006-2007, ông Abe cũng đã làm như vậy. Thế nhưng, hôm qua ông đã làm khác. Và ông còn để cho một số thành viên chính phủ tháp tùng với 90 dân biểu đến thăm ngôi đền Yasukuni. Hành động này cho thấy, ông Abe đã khẳng định mạnh mẽ lập trường dân tộc chủ nghĩa của mình. Để khẳng định lập trường đó, ông Abe cũng đang xúc tiến việc sửa đổi bản hiến pháp hòa hiếu, và đang tăng cường sức mạnh quân đội.
Ngay lập tức Hàn Quốc và Trung Quốc đã có phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng phía Hàn Quốc có vẻ nhẹ hơn Trung Quốc, vì nữ tổng thống Park Guen Hye chỉ chỉ trích việc đó trong diễn văn, còn Bắc Kinh thì đã cho gọi đại sứ Nhật lên để phản đối.
Tuy vậy, hai tờ báo cảnh hữu và cánh tả của Pháp, Le Figaro và Libération, có đồng nhận định rằng, Bắc Kinh và Tokyo đã cố gắng tránh để leo thang vì tranh chấp lãnh thổ đã khiến cho quan hệ song phương đã và đang trong cơn sóng gió.
Về phía Nhật Bản, thủ tướng Abe năm nay đã tránh không đi thăm ngôi đền Yasukuni. Động thái này được một chuyên gia tại Tokyo đánh giá là, ông Abe không dám đi quá xa trong câu chuyện Yasukuni vì ngại sự phản đối của Mỹ, bởi lẽ Mỹ rất ngại căng thẳng sẽ leo thang giữa hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới. Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh đã cấm một nhóm người Hồng Kông đổ bộ lên khu vực đảo tranh chấp. Trong các thành phố lớn ở Trung Quốc, không có cuộc biểu tình phản đối Nhật nào nổ ra cả. Một chuyên gia tại Tokyo nhận định : Bắc Kinh tránh căng thẳng để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế.
Bán đảo Triều Tiên : Nam-Bắc cách chia ngôn ngữ
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên không chỉ chia cách về ý thức hệ, mà ngôn ngữ cũng ngày càng xa cách. Đó là nhận định của tờ nhật báo Công Giáo La Croix trong bài : «Giữa hai miền Triều Tiên, ngôn ngữ cũng bất đồng ».
Tờ báo cho hay, sau 60 năm chia cắt lãnh thổ, ngôn ngữ ở hai miền nam Bắc đã phát triển theo cách thức riêng của mình, và kết quả là ngày càng không nhận ra nhau. Cả hai miền xưa nay vẫn xài chung ngôn ngữ là tiếng Triều Tiên (tức tiếng Hàn Quốc). Thế nhưng, tại Hàn Quốc, tiếng Triều Tiên tiến triển cùng với sự phát triển năng động và cởi mở của kinh tế và xã hội. Bởi thế, tiếng Triều Tiên ở Hàn Quốc du nhập rất nhiều từ có gốc tiếng Anh, nhiều từ trên Internet, nhiều từ mới trong công nghệ, trong tin học, trong xây dựng...
Trong khi đó, chế độ miền Bắc muốn ngăn ngừa sự ảnh hưởng của bên ngoài mà họ cho là không tốt. Hậu quả là, tiếng Triều Tiên tại miền Bắc không theo kịp hơi thở thời đại, ngày càng trở nên nghèo nàn về từ vựng.
Để minh chứng cho sự chia cách ngôn ngữ đó, La Croix dẫn ra một số minh chứng điển hình. Như trường hợp một người miền Bắc trốn xuống sống ở Miền Nam đã ba năm, nhưng vẫn còn e ngại đi quán cà phê hay tiệm quần áo thời trang, vì có rất nhiều từ ngữ hiện đại mà người này chưa biết.
Hay như một thanh niên miền Nam làm việc cho một công trình xây dựng ở miền Bắc khi quan hệ liên Triều bớt căng thẳng hồi năm 2002-2003. Thanh niên này cho biết, trong những từ ngữ liên quan đến lĩnh vực xây dựng hiện đại, người này đôi khi phải vẽ tranh vì khi nói thì các công nhân miền Bắc không hiểu.
Để khắc phục sự phân cách ngôn ngữ này, hồi năm 2005, hai bên đã dự định cùng nhau soạn một quyển tự điển 330 000 từ. Thế nhưng, từ sau khi miền Bắc nã pháo và đánh chìm tàu miền Nam hồi năm 2010 đến nay, các nhà ngôn ngữ hai bên vẫn chưa có dịp gặp nhau.
Kinh tế EU : Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm
Nhìn sang Châu Âu, các tờ báo Pháp hôm nay đặc biệt chú ý tín hiệu tái khởi động của nền kinh tế ở châu lục này. Nhật báo kinh tế Les Echos dành một trang lớn cung cấp những góc nhìn khác nhau về hỉ sự này của EU.
Theo số liệu vừa được công bố cho tăng trưởng quý II năm nay, tăng trưởng của hai nước đầu tàu EU như sau : Pháp đạt 0,5%, Đức 0,7%. Đối với khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) và bình quân của cả 27 nước EU, tăng trưởng đã đạt 0,3%, tức cao hơn 0,1% so với dự tính ban đầu. Đây là một tin tốt lành cho EU và eurozone, vì nó chấm dứt thời kỳ 6 quý tăng trưởng GDP sụt giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, các nhà quan sát kêu gọi không nên mừng quá sớm. Bởi không ai chắc rằng, đà tăng trưởng này sẽ được tiếp tục trong những tháng tới. Les Echos nhận định : Đây chỉ là chặn đầu của một con đường dài để dẫn đến sự phục hồi.
Pháp : Phục hồi còn mong manh
Nhìn riêng về nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Pháp : phục hồi mong manh », nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành trang nhất đăng dòng tít : « Con đường phục hồi hãy còn xa ».
Con số tăng 0,5% trong quý hai vừa được công bố của nước Pháp cho thấy nước Pháp đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng 0,5%. Đây là một tin vui cho chính phủ Hollande. Vừa qua, chính phủ Pháp đã đôi lần toan giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014. Chỉ tiêu này là 1,2%, và nhờ tin vui nói trên mà chính phủ Hollande sẽ không phải đau đầu lo việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng nữa.
Tuy nhiên, hai tờ báo đều cho rằng, chính phủ Pháp cần phải tiếp tục nổ lực, vì rằng đầu tư nước này đang đình trệ, còn thất nghiệp thì cứ triền miên. Trong bối cảnh đó, kế hoạch cắt giảm lao động của chính phủ lại không có gì thay đổi dù rằng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, mục tiêu thu về cho ngân sách thêm 20 tỷ đô la cho năm 2014 cũng hoàn toàn không phải dễ.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Thượng Hải 2013
Trong lĩnh vực giáo dục, các tờ báo chú ý đến bảng xếp hạng Thượng Hải năm 2013 vừa được công bố. Các tờ Les Echos, Le Monde, Le Figaro, Libération, L’Humanité và La Croix đều có bài thông tin về sự kiện này.
Các tờ báo đều nhấn mạnh đến việc, đại học Mỹ tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng. Trường Havard và Stanford tiếp tục giữ vị trí số 1 và số 2. So sánh giữa các nước, Mỹ có 149 trường lọt vào bảng xếp hạng, Trung Quốc đứng thứ 2 với 42 trường, Đức có 38 trường, Anh có 37 trường và Pháp có 20 trường. Tuy nhiên, Trung Quốc không có trường nào lọt vào top 100.
Top 12 của bảng xếp hạng năm nay là : Harvard, Stanford, University of California Berkeley, MIT, Cambridge, California Institute of Technology, Princeton, Columbia, Chicago, Oxford, Yale và University of California Los Angeles.
Pháp có 4 trường lọt vào tốp 100, trong đó hai trường có thứ hạng gần kề nhau là Đại học Paris VI xếp thứ 37, và Đại học Paris XI xếp thứ 39.
Nhật báo Les Echos còn đăng bài phỏng vấn giáo sư Lưu Niệm Tài, thuộc Đại học Jiao-tong (Giao-thông) Thượng Hải. Ông Lưu Niệm Tài là tác giả của bảng xếp hạng Thượng Hải. Vào năm 1999, ông Lưu nhận nhiệm vụ thiết lập bảng thống kê 500 trường đại học tốt nhất thế giới trong mục đích là sử dụng kết quả cho việc so sánh và nâng cao hiệu quả các trường đại học tại Trung Quốc. Thế nhưng, ông Lưu thú nhận, ông cũng không ngờ là bảng xếp hạng Thượng Hải này lại vượt ranh giới Trung Quốc và trở nên nổi tiếng như vậy.
Ai Cập: Máu đổ đầu rơi
Đến với điểm nóng tại Ai Cập, hầu hết các tờ báo đều chú ý đến việc quân đội nước này dùng võ lực để trấn áp người biểu tình ủng hộ Morsi.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng ảnh cảnh cháy tan hoang của căng lều của người biểu tình ủng hộ Morsi và chiếc xe máy ủi đến phá lều với dòng tựa lớn trên trang nhất: “Những người Hồi Giáo cực đoan bị quân đội nghiền nát”. Nhật báo cánh tả Libération dành trọn trang nhất đăng cảnh chết chóc hoang tàn và một người đàn ông có tuổi đang ôm một xác chết, với dòng tựa : “Cuộc thảm sát của nhà cầm quyền”. Nhật báo cộng sản L’Humanité cũng chạy tựa trên trang nhất: “Ngõ cụt đẫm máu”, kèm theo hình ảnh một bàn tay bê bết máu. Nhật báo Công Giáo la Croix cũng dành trọn trang nhất cho hình ảnh một người phụ nữ Hồi Giáo đang ngồi khóc bên cạnh xác con gái mình, với dòng tựa: “Ai Cập trong cái bẫy bạo lực”.
Các tờ báo đều nhắc lại việc quân đội Ai Cập đã dùng vũ lực giải tán người người biểu tình ủng hộ Morsi. Các túp lều biểu tình bị xe ủi cán nát, bị đốt phát, lực lượng an ninh đã bắn đạn thật vào ngực, vào đầu người biểu tình. Kết quả là có đến hơn 500 người chết. Trong bài xã luận của mình, tờ Libération gọi đó là “một cảnh máu đổ đầu rơi”.
Le Figaro, Libération và La Croix đều đăng bài xã luận về chủ đề này. Ba bài xã luận đều nhận định rằng, quân đội tưởng rằng dùng võ lực là có thể trấn áp được, thế nhưng, qua vụ đàn áp đẫm máu này, quân đội đã đẩy những người Huynh Đệ Hồi Giáo vào chỗ cực đoan hơn, tức vào chỗ sẵn sàng tử vì đạo, sẵn sàng làm mọi cách để trả thù. Đó là một sự thất bại của quân đội, một sự thất bại mà La Croix gọi là « sự thất bại đẫm máu ».
TAGS: ẤN ĐỘ - CHÂU Á - QUÂN SỰ - THAM NHŨNG - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment