Hòa hoãn thay đối đầu?
Cập nhật: 10:50 GMT - thứ tư, 30 tháng 7, 2014
Vụ giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đã thu hút chú ý của dư luận quốc tế.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Bắc Kinh đã quyết định di dời giàn khoan này sớm hơn thời hạn một tháng, phần nào giải tỏa căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thế nhưng theo một số nhà quan sát, như Tiến sỹ Zachary Abuza - chuyên gia về chính trị học Đông Nam Á, sự kiện giàn khoan cho thấy nguy cơ chia rẽ to lớn trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên mạng Asia Times Online, Tiến sỹ Abuza nhận định rằng Việt Nam tỏ ra không đủ sức để đáp trả sự khiêu khích trên biển của Trung Quốc.
"Nhưng tác hại lớn nhất là hành động của Trung Quốc đã cho thấy sự chia rẽ nghiêm trọng trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng về cách thức phản ứng đối với sự hung hăng của Bắc Kinh."
Thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước và sau chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng Sáu cho thấy khác biệt giữa hai trường phái: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được cho là ít khoan nhượng hơn, trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiên về hòa hoãn và chú trọng quan hệ lâu năm giữa hai bên.
Ông Abuza viết: "Ngay sau khi ông Dương rời Hà Nội, Bộ Chính trị Đảng CSVN họp để bàn cách đối phó".
Theo thông tin mà ông có, một nhóm đứng đầu là Thủ tướng Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trương phản ứng cứng rắn, thậm chí đối đầu với lý do càng nhân nhượng Trung Quốc sẽ càng tiến tới.
"Quyết định nhượng bộ thay vì đối đầu Trung Quốc là thất bại cho những người muốn cải cách kinh tế trong nước."
Nhóm này đề xuất một chiến lược nhiều mặt trong đó có việc đệ trình hồ sơ tương tự Philippines lên Tòa Trọng tài Quốc tế và vận động Asean thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đồng thời phát triển quan hệ với Nhật Bản, Hoa Kỳ, tham gia hiệp định thương mại TPP...
Trong nhóm này, theo ông Abuza, còn có một số nhân vật khác mà ông cho là thuộc 'phe cải cách' như Bí thư TP HCM Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...
Nhóm đối trọng dẫn đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngược lại, không muốn khiêu khích Bắc Kinh hoặc có bất kỳ động thái gì làm gia tăng căng thằng. Nhóm này không đưa ra chiến lược, mà chỉ chủ trương giải tỏa căng thẳng với Trung Quốc vì lợi ích lâu dài của cả hai bên.
Nhóm này được cho là không ủng hộ kiện Trung Quốc và đặt câu hỏi về chủ ý của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam.
Trong số các nhân vật thuộc nhóm thứ hai, theo tác giả bài viết, có ông Tô Huy Rứa, Lê Hồng Anh, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thiện Nhân, và cả Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Nghiêng về đa số?
Hai người có khả năng gây thay đổi nếu theo một trong hai nhóm trên là Chủ tịch Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Tuy nhiên hai người này đã ngả về phía nhóm thứ hai dường như đông đảo hơn và Bộ Chính trị đã thông qua chính sách giải tỏa căng thẳng với Trung Quốc. Khả năng kiện Bắc Kinh tưởng như rất gần thì nay xa vời.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hủy chuyến thăm Mỹ được loan báo rộng rãi trước đây và thay vào đó, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị tới Washington và New York.
Chính sách của Việt Nam với Asean cũng mang tinh thần giảm căng thẳng là chủ đạo, với kêu gọi về một bản COC nay bị lui về phía sau.
Bốn lý do giải thích cho kết cục này là: hậu quả kinh tế khi Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam; Việt Nam biết rõ Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về Biển Đông; một số nhân vật còn hy vọng là Trung Quốc sẽ không đụng tới quần đảo Trường Sa một khi đã chiếm được toàn bộ Hoàng Sa; và nhận thức là quan hệ hòa bình với nước láng giềng quan trọng hơn nguồn lợi từ Biển Đông.
Theo đánh giá của Tiến sỹ Zachary Abuza, quyết định hòa hoãn của Hà Nội có thể mang lại các hậu quả thậm tệ.
Trước hết là nó sẽ khiến Trung Quốc còn hung hăng hơn trong tìm kiếm chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả củng cố đường yêu sách chín đoạn.
Việc Trung Quốc dời giàn khoan không có gì khác là vì toan tính lợi ích của chính Trung Quốc chứ không vì gì khác.
Ông Abuza cho rằng đa số người Việt Nam không biết về quyết định giảm căng thẳng với Trung Quốc của ban lãnh đạo.
Nếu họ tin rằng lãnh đạo của họ đã lùi bước trước Trung Quốc thì tính chính danh của lãnh đạo Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Tuy nhiên tác hại lớn nhất của nó là đào sâu thêm chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, gây thêmđe dọa cho nền kinh tế.
"Quyết định nhượng bộ thay vì đối đầu Trung Quốc là thất bại cho những người muốn cải cách kinh tế trong nước."
Những người này muốn đa dạng hóa kinh tế, thoát lệ thuộc vào Trung Quốc và cải cách toàn diện khu vực nhà nước đồng thời gia nhập TPP.
Theo Tiến sỹ Abuza, "cửa sổ cơ hội cho Việt Nam tham gia TPP đang khép lại nhanh chóng".
Hiện đang có quan ngại là có thể chỉ còn một hoặc hai hội nghị trung ương nữa trước Đại hội XII để thúc đẩy ý tưởng cải cách, và các hội nghị trung ương còn lại sẽ chỉ tập trung vào công tác tổ chức đại hội.
Điều này, theo nhận định của tác giả bài viết, sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc và cản bước của các nhà cải cách.
No comments:
Post a Comment