Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1
Thấm thoắt đã 40 năm rồi.
Tôi còn nhớ như in đúng ngày mùng Ba Tết, tôi đang chúc Tết ở nhà Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tác giả tác phẩm Tư Tưởng Việt Nam, nguyên Khoa trưởng (Hiệu Trưởng) Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, thì nghe Đài phát Thanh Sài Gòn đưa tin Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, thú thật tôi thật sự xúc động.
Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại xúc động đến như thế, bởi một người nghiên cứu lịch sử như tôi đã được rèn luyện tinh thần khách quan khoa học về những biến cố lịch sử mới có thể tiếp cận được sự thật lịch sử.
Khi triệu tập một số người trong Ban biên tập thông qua ý kiến chuẩn bị một số Tập San Sử Địa đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa thì cũng đã có người nêu ý kiến rằng Tập San Sử Địa phải giữ tính khách quan khoa học, đừng đưa vấn đề thời sự chính trị vào Tập san nghiên cứu, nhất là lại đưa ra một số báo nói về vấn đề thời sự chính trị như thế. Có người viện dẫn các báo, đài đang hàng ngày nêu lên trang báo tít lớn vấn đến thời sự “hải chiến Hoàng Sa”.
Tôi cũng liên tưởng ngay đến có lần một vị giáo sư dạy tôi về phương pháp sử học, tuy có khen nội dung các số tập san đã xuất bản song đã phê bình lời lẽ thiếu khách quan trong Lá thư Tòa soạn mà chính tôi đã viết, mang tinh thân dân tộc, tinh thần yêu nước .
Tôi nghĩ vị giáo sư khả kính ấy rất có lý, nhất là trong không khí học thuật ở Miền Nam lúc bấy giờ, tính thần “phi chính trị” rất cao, song tôi không trả lời vị giáo sư ấy mà chỉ ậm ừ cho phải phép. Thật sự lúc bấy giờ tôi đã không”lý luận lý trí” mà chỉ “lý luận con tim”. Con tim có lý của nó, vậy thôi!
Trong buổi họp Ban Biên tập, tôi chỉ lắng nghe và tôi tuyên bố tôi sẽ suy nghĩ để quyết định như các số chủ đề khác, Lúc bấy giờ tôi cũng biết một số người thân thiết với “ Mặt Trận” trong đó có nhà biên khảo Đông Tùng, tên thật là Nguyễn Tư Hồng gốc Nghệ An, đã bị bắt đầy ra Côn Đảo; năm 1963 khi Chính quyền TT Ngô Đình Diệm bị đổ, ông mới được thả. Chính ông đã nhiều lần thuyết phục tôi rằng hiện Tập San Sử Địa rất có uy tín về học thuật, các cơ quan nhà nước từ Phủ quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thông Tin… đang nhập cuộc nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa, nếu Tập san ra số chủ đề không ra gì , sẽ mất uy tín.
Tôi cũng chỉ ậm ừ, không trả lời, song trong bụng tôi lại thấy tự ái dâng trào, tôi lại quyết làm để xem ai hơn ai. Và con tim tôi đã thắng lý trí, tôi đã âm thầm gửi thư riêng đến các học giả ở trong và ngoài nước. Thật không ngờ chỉ trong ba tháng, nội dung có thể tạm hoàn thành một số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa.
Song, lý trí của tôi lại buộc tôi suy nghĩ, tôi quyết định không ra ngay số đặc khảo để bị mang tiếng là tham gia vào thời sự chính trị, mà sẽ ấn hành vào dịp kỷ niệm một năm mất Hoàng Sa. Thế là được mọi người tán đồng, nhất là có thêm thời giờ để làm cẩn thận hơn.
Tôi có 4 bài viết trong đó có bài tham gia với tên Hoàng Việt Sơn trong bài Thư mục chú giải của Nhóm các anh Nguyễn Văn Hường, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Nhật Tấn, Trần Thế Đức (về chuyên môn phải để là thư tịch mới đúng).
Nhiều lần'rơi lệ'
Ngày 20 tháng 1 năm 1975, kỷ niệm 1 năm thất thủ chứ không phải kỷ niệm Chiến thắng ngày 19/1, khi Trung Quốc dùng võ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu giới thiệu GS Trần Văn Quế, đại diện 5 vị Quốc lão chủ tọa ( trong đó có Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải) phát biểu khai mạc Triển lãm Sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và ấn hành Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa tại Thư Viện Quốc Gia, tôi quá xúc động khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như Nhật Báo Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin.
Cũng từ đó, không biết bao lần, tôi cứ nghẹn ngào rơi lệ khi có ai nhắc đến ngày 19/1.
Ngay ngày 16/8/2012 khi tôi tham gia hội thảo tại Đại Học Harvard về Biển Đông do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vùng Boston mở rộng tổ chức, khi nghe một vị nữ tiến sĩ Việt Nam hỏi các diễn giả về sự kiện Hoàng Sa ngày 19/1, tôi đã xúc động mà trả lời rằng câu hỏi của bạn đã làm nhói trái tim tôi và sau tôi được đọc một bài viết của một bạn trẻ với bài “Một Tiến sĩ sử học đã rơi lệ trên đất nước Mỹ”. Bạn trẻ sinh viên du học ấy cũng nói rất cảm cảm động và tự thấy xấu hổ chưa làm được gì cho Đất nước.
Ngày 21/12/2013 vừa qua tôi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua Hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang đã được hoàn chỉnh mà chưa có phương tiện phổ biến trên thế giới tại Đại học Melbourne (Úc).
Ngay khi tôi mở đầu buổi nói chuyện rằng vừa rồi xem đoạn video clip về Hải chiến Hoàng Sa do Đài Đồng Nai ở trong nước vừa mới phát, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện kể trong một bàn ăn sau buổi nói chuyện về Hoàng Sa của Hội Kỹ thuật Kinh Tế Biển TP.HCM tổ chức, một sĩ quan hải quân có thuật lại rằng sau ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, có tổ chức một buổi liên hoan chào mừng “Chiến Thắng Tây Sa”, đã mời Đoàn hải quân VNDCCH lúc đó đang có mặt ở Hải Nam.
Đoàn có đánh điện về cấp trên rằng sẽ không tham dự. Cấp trên hỏi sao lại không tham dự thì Đoàn trả lời “không muốn vỗ tay”. Nhắc đến người Việt Nam bất cứ chính kiến nào cũng như thế, tôi lại nghẹn ngào rơi lệ. Cuối buổi nói chuyện một nữ du học sinh ở Úc cũng lên phát biểu nhận xét về không khí vừa sôi nổi vừa quá khích gay gắt của một số cử tọa và đã ôm lấy tôi mà khóc.
Và không hiểu tại sao ngay giờ này đây, viết đến đây nước mắt tôi cũng đang dàn dụa nghẹn ngào!
Rồi nghĩ nước mắt nghẹn ngào cho sự kiện ngày 19/1, ngày Hoàng Sa biết đâu sẽ làm cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ sẽ bừng tỉnh rằng suốt thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân của Thời cuộc quốc tế!
'Con tim của công dân Việt Nam'
Có lẽ lý lẽ con tim của một người công dân Việt Nam như tôi đã được tôi trình bày vào ngày 18 tháng 1 năm 2003, khi tôi bảo vệ Luận án tiến sĩ:” Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", tôi đã phổ biến một văn bản: ”Thử đặt Vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật”. Tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu trên thế giới nhất là những nhà nghiên cứu, giới học thuật ở Trung Quốc cùng chia sẻ với tôi nguyện vọng đi tìm sự thật lịch sử.
Tôi cũng kêu gọi giới trẻ Việt Nam học suốt đời, góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chất lượng cao hầu xây dựng cho đất nước một nền kinh tế tri thức phát triển trong thế kỷ XXI.
Tôi cũng kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước không phân biệt chính kiến, sắc tộc, tôn giáo, địa phương hãy quên và bỏ qua những hận thù trong quá khứ, hãy hướng về tương lai.
Kế thừa truyền thống lấy chữ Tâm làm đầu, năm 1992 khi làm phim Thăng Long Hà Nội Xưa, tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đã khấn trước Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa rằng “xin Đức Vua phù hộ cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự”.
Tôi cũng nhắc qua một món nợ khác mà tôi phải trả là đem âm nhạc dân tộc, đem hát thơ vào trường học để giáo dục cho các thế hệ trẻ vừa để giữ hồn dân tộc, tạo lòng tự hào dân tộc, bỏ đi những xấu xí của người Việt Nam để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam hùng cường.
Nhân ngày kỷ niệm 40 năm Trận hải chiến Hoàng Sa 19/1, ngày Hoàng Sa của người Việt Nam bất cứ ở đâu, tôi xin thắp nén hương dâng lên các liệt sĩ đã bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 và cũng xin nhắc lại lời nói không bao giờ quên trong nói chuyện cùng với nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy tại trường Đại Học Ngoại Thương tại Hà Nội năm 2011, khi tôi nói bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc thì một nữ sinh viên đã phát biểu rằng “vậy thì bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”.
No comments:
Post a Comment