Wednesday, November 7, 2012

Quan hệ Mỹ-Trung : đối tác hay đối thủ ?


Quan hệ Mỹ-Trung : đối tác hay đối thủ ?

Reuters
Reuters

Lê Phước
Trong cùng một tuần lễ, tại hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực trên chóp bu. Tổng thống Obama đã tái cử. Còn tại Trung Quốc, thì dù ngày mai đại hội toàn quốc lần 18 của đảng cộng sản Trung Quốc mới khai mạc, nhưng kết quả đã được định rồi.

Ông Tập Cận Bình sẽ thế ông Hồ Cẩm Đào và ông Lý Khắc Cường sẽ thay ông Ôn Gia Bảo. Nhật báo Công Giáo La Croix nhân sự kiện này đăng bài phân tích quan hệ giữa hai nước. Nhiều nhà quan sát nhận định, thế kỷ 21 là thế kỷ đối đầu của Mỹ và Trung Quốc, ấy thế nhưng La Croix lại cho rằng, dù có nhiều tiềm năng đối đầu về quân sự và kinh tế, nhưng tình hình thế giới đã khiến các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy, bên cạnh sự đối đầu thì ắt hẳn còn có sự nương tựa lẫn nhau của hai nền kinh tế mạnh nhất thế giới này.
Nhìn vào lĩnh vực quân sự, la Croix nhận định, từ những năm 1980, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu được chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngân sách dành cho quân đội của Trung Quốc không ngừng tăng và hiện đạt 129 tỷ đô la. Lập trường chính thức của Trung Quốc là bảo vệ lãnh thổ và chuẩn bị « đương đầu với các cuộc xung đột quân sự từ mọi phía ». Theo tờ báo trong mọi phía đó thì hàng đầu là đương đầu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập bá quyền.
Còn đối với Hoa Kỳ, năm 2011, nước này dành đến 711 tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng, tức chiếm đến 41% chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới. Trong những năm tới, dù cắt giảm ngân sách, nhưng dự phóng ngân sách của Lầu Năm Góc sẽ dao động từ 650 đến 700 tỷ đô la. Như vậy vẫn còn cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, và Mỹ vẫn sẽ là đệ nhất cường quốc quân sự thế giới.
Còn ở Thái Bình Dương, hạm đội của Mỹ đóng tại Ấn Độ Dương cũng có đến 180 đơn vị với 2 000 máy bay và 125 000 quân nhân. Mỹ cũng có các đồng minh thân cận trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Chính phủ Mỹ cũng đã chuyển hướng tập trung quân sự về vùng Châu Á Thái Bình Dương để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mỹ đã tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực như Philippines,Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia.
Bàn về tầm ảnh hưởng trên thế giới, La Croix nhấn mạnh, thế giới có một sự ngờ vực đối với Bắc Kinh. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thế nhưng tầm ảnh hưởng về kinh tế và văn hóa của nước này trên thế giới vẫn còn hạn chế. Trung Quốc cũng đã ra sức thành lập ở nhiều nơi trên thế giới các viện Khổng Tử để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa. Ấy thế nhưng, La Croix cho rằng, điều đó chưa đủ. Thế giới đang tỏ ra ngờ vực về những giá trị văn hóa thật sự mà Trung Quốc muốn truyền bá.
Theo La Croix, các giá trị văn hóa, chính trị và ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn luôn thu hút thế giới. Hoa Kỳ chiếm đến 40% các trường đại học lớn trên thế giới. Hoa Kỳ cũng là nước chi nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển. Hoa Kỳ cũng thống trị lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi đó, tuổi trẻ Trung Quốc phải học tiếng Anh từ cấp 1, uống coca cola và quá quen với các nhãn hiệu đến từ nước Mỹ. Thế nhưng, tuổi trẻ Hoa Kỳ và Châu Âu thì không quen uống trà Trung Quốc hay nói chuyện bằng tiếng Hoa khi đi du lịch thế giới.
Trên hồ sơ kinh tế, mấy thập niên qua, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân 10%. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là không bền vững vì nhắm mắt chạy theo tăng trưởng GDP mà để phát sinh những bất công bất bình đẳng xã hội, nạn phân hóa giàu nghèo rất cao và tình trạng ô nhiễm thì rất nghiêm trọng. Nền kinh tế này vốn dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh kinh tế phương Tây đang khó khăn, xuất khẩu Trung Quốc giảm đi, đầu tư tuộc dốc, và tăng trưởng vì thế cũng đã mất đà.
Trong lĩnh vực kinh tế thì Hoa Kỳ hiện vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tăng trưởng của Hoa Kỳ hiện tại chỉ ở mức 2%, tỉ lệ thất nghiệp thì ở mức trên dưới 8%, bảo hiểm xã hội thì đang hạn chế. Trung Quốc hiện đang nắm trong tay rất nhiều trái phiếu của Mỹ.
Trong thời gian tới, các lãnh đạo tân cử của hai nước sẽ đối đầu với hàng loạt thách thức. Đối với Trung Quốc, dù kinh tế phát triển nhanh, nhưng bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường cũng đáng báo động, nạn tham nhũng hoành hành, lòng tin của dân vào đảng giảm sút nghiêm trọng, dư luận bức xúc gây nguy cơ bạo động xã hội.
Đối với Hoa Kỳ, trong thời gian tới, nợ công là vấn đề hóc búa nhất cần giải quyết. Sắp tới, để hạn chế nợ công, chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu, và nếu cắt giảm chi tiêu, thì sẽ ảnh hưởng đến chế độ hưu bổng, đến an sinh xã hội, đến quốc phòng, tức đến những hồ sơ nhạy cảm nhất. Về việc Trung Quốc nắm nhiều trái phiếu của Mỹ, nếu Trung Quốc nắm càng nhiều, thì hai bên càng lệ thuộc lẫn nhau, bởi khi món nợ càng cao thì khi con nợ chết thì chủ nợ cũng không sống nổi.
Châu Âu lâm thế yếu trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Hoa Kỳ  và Trung Quốc lệ thuộc và đối đầu nhau như thế, còn Châu Âu thì sao ? Châu Âu có trọng lượng như thế nào trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. La Croix có bài nhận định về chủ đề này với dòng tựa : «Đứng giữa hai đại gia, châu Âu phải tìm cho ra một vị trí ».
Phải tìm cho ra tức hiện tại là chưa có vị trí đáng kể. Đối với Mỹ, Châu Âu chỉ là một không gian thương mại không hơn không kém. Chính sách chuyển ưu tiên chiến lược về vùng Châu Á Thái Bình Dương của tổng thống Obama cho thấy trong suốt nhiệm kỳ đầu ông Obama đã không xem trọng quan hệ với Châu Âu nói chung à thậm chí với các nhà lãnh đạo Châu Âu nói riêng.
Trong thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra năm 2009 tại Washington, tổng thống Obama chỉ dành chưa tới 2 tiếng đồng hồ có mặt tại hội nghị. Ông cũng không giành thời gian đến Berlin tham dự lễ kỷ niệm 20 năm phá hủy bức tường Berlin.
Cũng như Mỹ, Trung Quốc lo ngại khủng hoảng kinh tế Châu Âu vì Châu Âu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn ở thế thượng phong vì nắm trong tay một khối lượng khổng lồ ngoại tệ và sẽ có đủ sức để mua lại nợ công của Châu Âu.
Một chuyên gia nhận định, đối với Mỹ và Trung Quốc, EU chỉ là một khối quốc gia hoạt động thiếu đoàn kết. Vì thế, tờ báo nhận định, điều đó đã cho các đối tác Mỹ và Trung Quốc có cơ hội trục lợi từ sự thiếu đoàn kết này.
Trung Quốc, cường quốc có chân đất sét
Bàn riêng về những thách thưc đối với thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc trong thời gian sắp tới, nhật báo Libération thừa nhận kinh tế Trung Quốc đã phát triển thần tốc, và đã soán ngôi Nhật Bản để giành vị trí đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới. Thế nhưng, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài vì có thị trường nhân công giá rẽ. Bởi thế các công ty phương Tây đổ xô chuyển nhà máy sản xuất đến Trung Quốc, kéo theo tình trạng mất việc làm và thất nghiệp ngày càng tăng ở Châu Âu và Mỹ, góp phần tạo nên cuộc khủng hiện tại. Phương Tây khủng hoảng, thì việc xuất khẩu của Trung Quốc bị thiệt hại, và kéo theo nền kinh tế mất đà tăng trưởng. Thêm vào đó, mấy năm nay lương công nhân tại Trung Quốc được chính phủ Trung Quốc buộc tăng lên rất nhiều, vì thế các nhà đầu tư nước ngoài rủ nhau tìm đến những nước Đông Nam Á có thị trường lao động giá rẻ khác.
Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo tân cử của Trung Quốc sắp tới sẽ đương đầu với nhiều thách thức. Nếu giảm lương công nhân để giữ chân các nhà đầu tư thì sẽ làm giảm sức mua nội địa, mà sức mua nội địa lại là một chính sách then chốt mà Trung Quốc muốn dựa vào để thoát khỏi mô hình phát triển lệ thuộc thị trường nước ngoài như hiện nay. Chưa kể là giảm lương sẽ làm tăng bất ổn xã hội, trong bối cảnh lòng tin người dân vào nhà cầm quyền giảm sút bởi nạn quan liêu, tham nhũng, bất công bất bình đẳng xã hội. Còn nếu như để lương tăng như hiện nay thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rủ nhau đi xứ khác.
Trong bối cảnh đó, chóp bu lãnh đạo lại chia phe đấu đá thanh trừng dữ dội chưa từng thấy. Giới quân đội thì luôn có tiếng nói. Trong tương lai, quân đội có thể trở thành một nhân tố quan trọng trong việc chơi ván bài chủ nghĩa dân tộc, một chiêu thức từng làm kinh hãi các nước láng giềng. Tác giả kết luận : mô hình phát triển của Trung Quốc đến hiện tại đã hết hơi, sự phát triển của Trung Quốc chỉ còn giữ được nếu ổn định xã hội được đảm bảo.
Hoa Kỳ : chức vụ mới, con người mới !
Đến với cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nhân sự kiện tổng thống Obama vừa tái cử, nhật báo Le Figaro có bài nhìn về sự thay đổi của ông trong nhiệm kỳ qua. Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : «Quyền lực đã làm thay đổi « con người của sự thay đổi » như thế nào?».
Tờ báo dùng từ « thay đổi » để nhắc lại khẩu hiệu sẽ làm thay đổi nước Mỹ và thế giới trong lần tranh cử hồi năm 2008 của tổng thống Obama. Tờ báo nhắc lại, khi ông Obama đắc cử hồi năm ấy, không chỉ người Mỹ, mà khắp thế giới đều đặt nơi ông niềm hy vọng « thay đổi » chính sách cứng rắn của thời tổng thống Bush. Ông Obama đi thăm Châu Âu, cởi mở hơn với Nga và thế giới Hồi Giáo, tỏ ra có thiện chí đàm phán với Iran, muốn kết tình thân thiện với Trung Quốc. Thậm chí, ông còn được ủy ban giải Nobel Na Uy tro cho giải Nobel Hòa Bình.
Thế nhưng, sự hăm hở của ông Obama đã bị thực tế chính trường làm thay đổi. Trong diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình, tổng thống Obama làm cho những người ủng hộ trao giải cho ông chưng hửng khi tuyên bố rằng chiến tranh là lần thiết nếu cuộc chiến là đúng đắng. Ông cũng tiếp tục quá trình tấn công khủng bố và còn làm dữ dội hơn so với thời tổng thống Bush. Ông đã không ngần ngại bí mật cho tấn công hạ sát Ben Laden trên lãnh thổ Pakistan. Ông cũng cho tăng thêm quân ở Afghnistan. Ông nhanh chóng từ bỏ quyết tâm đóng cửa toàn bộ nhà từ Guantanamo…
Tờ báo cho rằng, những hành động này không có khác gì lập trường của đảng Cộng Hòa. Thế nhưng, tổng thống Obama lại không được sự yêu mến của đảng Cộng Hòa bởi vì Đảng này luôn tìm mọi cách gây khó dễ cho ông trên tất cả các hồ sơ. Nhất là trong hồ sơ bảo hiểm y tế cho người nghèo, phe Cộng Hòa còn chỉ trích chính sách của ông Obama là theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Đến giữa nhiệm kỳ, phe Cộng Hòa đã giành được đa số trong hạ viện. Thế là tổng thống Obama rơi vào thế kẹt trong mọi quyết định.
Thêm và đó, không giống như người tiền nhiệm là tổng thống Bill Clinton, tổng thống Bush thiếu khả năng ngoại giao và không tích cực tìm kiếm các mối quan hệ. Ông cũng tỏ ra xa cách về người dân. Tờ báo nhận định, ông Obama làm chính trị mà lại không thích những hành động thuộc về một chính khách như phải biết thể hiện tình cảm đối với mọi người dù rằng tình cảm đó có thật hay không. Theo gờ báo, không thích điều đó thì tức là ông Obama không thích « nghề tổng thống » của mình vậy.
Đến những ngày tranh cử căng thẳng gần đây, tổng thống Obama mới biết cố tình tỏ ra thân thiện với quần chúng, như trò chuyện lâu với đám đông, bế trẻ em của người dân lên hôn, bắt tay với mọi người, môi lúc nào cũng nở một nụ cười. Và ngay cả để cho nước mắt chảy dài trên má như trong buổi mít tinh tranh cử cuối cùng hồi tối thứ hai vừa qua.
Tờ báo cho rằng, ông Obama đã tỏ ra chút mệt mỏi và đã ý thức được rằng giấc mơ 2008 đã qua đi. Và ông cũng ý thức được những khó khăn trong nhiệm kỳ bốn năm tới mà ông vừa được người dân Mỹ một lần nữa tin tưởng trao chìa khóa Tòa Bạch Ốc.
Bill Clinton và chiến thắng của tổng thống Obama
Trong chiến thắng của tổng thống Obama, cựu tổng thống Bill Clinton đóng vai trò không nhỏ. Nhật báo Le Monde ghi nhận sự đóng góp này qua bài “Bill Clinton trở thành luật sư tốt nhất để bảo vệ Obama”. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua của tổng thống Obama, từ tháng 9 đến nay, ông Bill Clinton đã diễn thuyết trong 37 buổi. Đến mức mà tờ báo cho biết: giọng nói của vị cựu tổng thống đã khàn đi. Đến mức mà ông Clinton không ngần ngại nói trước đám đông: “Quí vị thấy đấy, tôi đã dâng tặng giọng nói của tôi cho tổng thống của tôi”.
Về phần mình, tổng thống Obama cũng thốt lên :”Tôi rất biết ơn vợ chồng ông ấy”. Theo tờ báo, tổng thống Obama đã thừa nhận sự vượt trội của cựu tổng thống Bill Clinton đối với mình, vượt trội về khả năng hùng biện. Đến mức mà tổng thống Obama đã dùng chữ “master” (bậc thầy) để khen tặng ông Clinton. Đến mức mà tổng thống Obama còn dí dỏm đòi phong cho ông Clinton chức “bộ trưởng điều trần”.
Tờ báo cho biết, ông Bill Clinton ra sức bảo vệ tổng thống Obama trước những tấn công của đảng Cộng Hòa. Ngoài tài hùng biện, ông Clinton còn có ưu thế là dưới nhiệm kỳ ông, nước Mỹ đã có thặng dư ngân sách. Và cũng như ông nói, ông là vị cựu tổng thống còn sống duy nhất mà trong nhiệm kỳ nước Mỹ có thặng dư ngân sách.
TAGS: CHÂU Á - HOA KỲ - QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment