Tuesday, November 6, 2012

Phe cải cách kêu gọi giới hạn quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc


Phe cải cách kêu gọi giới hạn quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc

Tác giả lời kêu gọi là ông Hồ Đức Bình, con trai của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang (DR)
Tác giả lời kêu gọi là ông Hồ Đức Bình, con trai của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang (DR)

Tú Anh
Độc tài chuyên chế vừa chà đạp quyền con người vừa tác hại đến vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản. Với nhận định này, tuần báo Người quan sát kinh tế kêu gọi phải giới hạn quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc bị xem là hủ lậu không kém triều đình nhà Thanh. Tác giả lời yêu cầu là ông Hồ Đức Bình, con trai của cố tổng bí thư Hồ Diệu Bang mà cái chết vào năm 1989 đã gây ra phong trào Thiên An Môn.

Vào lúc cả thế giới bị thu hút vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ thì tại Trung Quốc, chế độ độc tài cũng chuẩn bị thay đổi lãnh đạo. Điều khác biệt là nếu tại Mỹ, mọi sự kiện chính trị từ nhỏ đến quan trọng đều được công khai thì tại Trung Quốc, cái gọi là đại hội Đảng diễn ra một cách bí mật.
Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đang ở thế kỷ 21 và họ không chấp nhận vai trò « khán giả » một cách thụ động. Trước thềm đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 khai mạc vào ngày 08/11/2012, tuần báo uy tín tại Bắc Kinh, Người quan sát kinh tế, đã cho đăng một bài nhận định dài của ông Hồ Đức Bình, con trai của cố tổng bí thư kiêm thủ tướng Hồ Diệu Bang thuộc phe cải cách bị phe cực đoan Lý Bằng hạ bệ năm 1987.
Ông Hồ Đức Bình nhận định là đảng Cộng Sản Trung Quốc phải vứt bỏ màu sắc cổ hủ của Thanh Triều để đổi mới thành một chế độ biết tôn trọng luật pháp. Tình trạng của nước Trung Hoa hiện nay là « chính quyền ngồi lên trên luật pháp, quyền lực của đảng và chính phủ xen vào lãnh vực thẩm quyền của tư pháp ».
Ông Hồ Đức Bình kêu gọi đảng Cộng sản phải chấp nhận « thách thức thiết lập một chế độ xã hội hiến định » thay vì cứ ôm lấy tình trạng vô luật pháp như thời quân chủ lạc hậu. Tác giả cho rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc không khác gì nhà Mãn Thanh đô hộ : « hoàng đế nắm quyền tuyệt đối, cai trị không cần luật… mở miệng là nhân danh ý trời » không khác gì đảng Cộng sản 100 năm sau vẫn từ chối không chấp nhận một bản hiến pháp đúng nghĩa mà hệ qủa là đảng Cộng sản ngồi lên trên pháp luật và gây thảm họa cho xã hội và chà đạp quyền công dân.
Phát ngôn viên của phong trào cải cách chứng minh lập luận của mình bằng thí dụ cụ thể là cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976). Bao nhiêu tội ác đã xuất phát từ những kẻ cầm quyền « xem hiến pháp là tờ giấy lộn ». Thái độ này không những chà đạp quyền con người mà còn làm sụp đổ uy tín của đảng Cộng sản.
Vào giai đoạn Cách mạng văn hóa, hàng triệu sinh viên, trí thức, văn nhân nghệ sĩ bị đưa đi cải tạo với tội danh hữu khuynh. Con số người chết đói lên hàng chục triệu theo các sử gia độc lập. Nạn đói làm nhiều vùng nông thôn phải ăn thịt trẻ con nhất là bé gái. Khi ông Hồ Diệu Bang lên cấm quyền, ông đã khẩn cấp cứu đảng Cộng sản ra khỏi tình trạng hỗn loạn, phục hồi danh dự cho hàng chục ngàn cán bộ bị lưu đày và ban hành chính sách cải cách. Tuy nhiên , đến năm 1987, Hồ Diệu Bang bị cách chức sau khi ông cho phép sinh viên biểu tình đòi dân chủ. Năm 1989, phong trào phản kháng lại bùng dậy với Mùa Xuân Bắc Kinh khi ông Hồ Diệu Bang từ trần.
Lời kêu gọi cải cách của con trai ông là Hồ Đức Bình vào thời điểm này không phải là đơn độc. Ông là phát ngôn viên của xu hướng cải cách trong cơ chế tham vấn Chính Hiệp, có vai trò tương đương với Thượng viện. Theo báo chí Hồng Kông, Hồ Đức Bình và chủ tịch Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình đã có một cuộc thảo luận về cải tổ chính trị và ông Tập Cận Bình đã đồng ý cần phải « tiến tới ».
Theo AFP, quyết tâm đòi dân chủ hóa tại Trung Quốc đã được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức từ nhiều năm nay. Nhà báo Dương Kế Thằng nguyên là Tổng biên tập của hãng tin chính thức Tân hoa xã phân tích : nếu không có đối trọng thì làm sao kiểm soát chính phủ ?
Phe cải cách nhấn mạnh là Trung Quốc tự xưng là nền cộng hòa thì người lãnh đạo phải do dân bầu lên. Nhà ly khai Bào Đồng, nguyên là thư ký chính trị của cố Tổng bí thư Triệu Tự Dương nhấn mạnh « Trung Quốc hiện nay tuy gọi là cộng hòa nhưng thực chất quân chủ hơn bất kỳ một chế độ vương quyền nào ».
Chính sách « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » đã cho phép giới lãnh đạo từ bảo thủ như Bạc Hy Lai đến « cải cách » như Tập Cận Bình, Ôn Gia bảo đều trở thành triệu phú, tỷ phú đôla. Chỉ có người dân là bị thiệt hại : học đường, bệnh viện biến thành thị trường và nhà tù là nơi giam giữ người tranh đấu cho dân chủ.
TAGS: CHÂU Á - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment