Monday, September 30, 2013

TQ nên xử lý biển đảo 'như với bạn bè'

TQ nên xử lý biển đảo 'như với bạn bè'

Cập nhật: 11:38 GMT - thứ hai, 30 tháng 9, 2013
Philippines và Việt Nam đi đầu Asean trong việc phản đối TQ về biển đảo
Malaysia nói TQ cần giải quyết vấn đề biển đảo với Đông Nam Á “như giữa những người bạn”, chứ không nên coi đây là “xung đột giữa bên này với bên kia”.
Thủ tướng Malaysia, Najib Razak lên tiếng trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến Malaysia và sau đó là tới Indonesia tuần này, cho rằng Trung Quốc “không nên đẩy các nước ra xa”.
Báo Malaysia, tờ The Star đăng tin hôm 28/9 vừa qua rằng ông Najib Razak đã nêu vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và một số quốc gia Asean.
Ông nói “Trung Quốc cần xử lý vấn đề về tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng như một vấn đề giữa những người bạn chứ không phải là một cuộc xung đột giữa bên này với bên kia”.
Thủ tướng Najib Razak cũng nói “vì quyền lợi của chính mình, Trung Quốc cần hiểu rằng quan điểm của họ nên được làm mềm đi bởi nhu cầu kết bạn với các nước láng giềng”.

Chỉ Trung Quốc đúng?

"Và nếu TQ có vấn đề lãnh thổ với cả Malaysia nữa thì thế giới thế đặt câu hỏi liệu có thể nào tất cả các nước đều sai"
Thủ tướng Malaysia Najib Razak
Thủ tướng nước hiện cũng nêu chủ quyền ở một phần của quần đảo Trường Sa cũng nói về cách ứng xử của Trung Quốc với các quốc gia Đông Bắc Á và Asean:
“Tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ hiểu ra rằng họ cần bạn bè, và không thể đẩy các nước ra xa. Họ đã có vấn đề với Hàn Quốc, với Nhật Bản, và họ cũng đang có vấn đề với Việt Nam và Philippines.”
“Và nếu họ có vấn đề với cả Malaysia nữa thì thế giới thế đặt câu hỏi liệu có thể nào tất cả các nước này đều sai,” ông Najib Razak nói trong cuộc hội đàm với viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại Council of Foreign Relations của Mỹ, được người dẫn chương trình cho CNN, ông Fareed Zakaria chủ trì.
Sự kiện này được tổ chức với sự tham gia của chừng 200 quan khách thuộc Council of Foreign Relations.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn duy trì quan điểm rằng chủ quyền của họ chiếm gần trọn vùng biển Đông Nam Á và từ chối đối thoại đa phương với Asean.
Ông Najib nói sự trỗi dậy của Trung Quốc mở ra cho hàng hóa Malaysia một thị trường lớn, và nước này cũng nhận đầu tư từ Trung Quốc nhưng cùng lúc, các quốc gia Asean “đặt câu hỏi rằng Trung Quốc sẽ trở nên hung dữ hay tự tin hơn vì sự trỗi dậy đó”.
Ông cho rằng Asean muốn đối thoại với Trung Quốc và giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển “như những người bạn với nhau”.
Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Malaysia trước khi sang Indonesia với chuyến thăm chính thức để rồi dự hội nghị APEC năm nay tại Bali.
Báo chí Trung Quốc đã chú ý tập trung bài về chuyến thăm của ông Tập sang hai nước "trọng yếu thuộc Asean" từ 2 đến 8/10 này, theo trang China Daily hôm 30/9.
Báo này trích lời các nhà bình luận Trung Quốc nói ông Tập Cận Bình sẽ "xoá đi lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Lãnh đạo Nhật và Philippines có quan hệ ngày càng nồng thắm
Nhưng có vẻ như Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế và làm nhẹ đi tranh chấp biển đảo với Asean và gọi "vấn đề biển Nam Trung Hoa chỉ là một phần của ngoại giao khu vực", theo China Daily.
Hiện trao đổi thương mại của riêng Trung Quốc với Malaysia đã vượt 94 tỷ USD trong năm 2012.
Nhưng căng thẳng lãnh thổ và lãnh hải có thể sẽ vẫn là một chủ đề phủ bóng lên quan hệ của Trung Quốc với các nước dự APEC.
Báo chí Nhật trích nguồn ngoại giao của họ ở Trung Quốc đã nói ông Tập sẽ không có cuộc gặp bên lề APEC với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe.
Hôm 29/9, Thứ trưởng ngoại giao Lý Bảo Đông của Trung Quốc đã nói Bắc Kinh “không có kế hoạch dàn xếp cho một cuộc gặp như vậy” với lãnh đạo Nhật Bản.
Lý do là hai bên không đồng nhất được cách tiếp cận tranh chấp về nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật nắm mà Trung Quốc cũng coi là của mình và gọi là Điếu Ngư.
Hội nghị APEC dự kiến khai mạc ngày 7/10 tại đảo Bali của Indonesia.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment