Saturday, March 31, 2012

Năm 2012, Biển Đông có tiếp tục dậy sóng?


Năm 2012, Biển Đông có tiếp tục dậy sóng?

Chặng đua thuyền buồm quốc tế nổi tiếng Volvo Ocean Race qua cảng Tam Á (đảo Hải Nam - Trung Quốc), 18/02/2012.  Ngày 15/03, Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi tổ chức đua thuyền từ Hải Nam ra Hoàng Sa, dự kiến vào ngày 28/03.
Chặng đua thuyền buồm quốc tế nổi tiếng Volvo Ocean Race qua cảng Tam Á (đảo Hải Nam - Trung Quốc), 18/02/2012. Ngày 15/03, Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền khi tổ chức đua thuyền từ Hải Nam ra Hoàng Sa, dự kiến vào ngày 28/03.
REUTERS/China Daily

Lê Phước
Mấy năm gần đây, Biển Đông không ngừng dậy sóng với việc Trung Quốc liên tiếp hiện đại hóa hải quân, và việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm địa chính trị từ Trung Đông sang Châu Á - Thái Bình Dương. Số ra thường niên cho năm 2012 của tạp chí quan hệ quốc tế Le Monde Diplomatique dành đến 3 bài để phân tích và từ đó vẽ ra viễn cảnh khu vực trong năm 2012. Bài viết thứ nhất chạy dòng tựa khá ấn tượng : « Căng thẳng dữ dội trên vùng biển Nam Trung Hoa ».

Tờ báo nhắc lại, từ những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu quá trình trỗi dậy của mình trên trường quốc tế. Cũng từ đó, Trung Quốc bắt đầu ứng xử cứng rắn dần với các nước quanh bờ Biển Đông mà mục tiêu là tìm kiếm nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, với chiến lược lấn dần từng bước một. Chẳng hạn như việc nước này bắt đầu tăng cường các hoạt động gây hấn ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi mà Nhật Bản kiểm soát từ năm 1895 và Trung Quốc bắt đầu đòi chủ quyền từ năm 1971. Những hành động này có thể tác động xấu đến sự cân bằng khu vực bởi đây là hai cường quốc của khu vực và thế giới.
Càng lấn lướt láng giềng, hình ảnh Trung Quốc càng bị oen ố
Tại Biển Đông, đây là khu vực đầy sôi động với nhiều tranh chấp chủ quyền, trong đó có tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mấy năm qua, Trung Quốc không ngừng củng cố hải quân, trong khi đó hải tặc dường như đã chuyển địa bàn hoạt động từ eo biển Malacca sang vùng biển Đông, tất cả điều đó đe dọa đến an ninh hàng hải và sự tự do lưu thông trên hải phận quốc tế. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã quay lại khu vực với lí lẽ  chính là để bảo vệ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải. Các nước quanh bờ Biển Đông có vẻ chưa lên tiếng ủng hộ một cách dứt khoát lập luận này của Hoa Kỳ, dù rằng họ thật sự quan ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh đã không ngần ngại chính thức hóa bản đồ bằng việc liệt gần hết Biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Thế nhưng, theo tờ báo, tất cả những hành động của Trung Quốc trong mấy năm qua đã « làm oen ố » hình ảnh của nước này, và tạo nên hình ảnh « một cường quốc bá quyền » chỉ biết quan tâm đến lợi ích riêng với tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà.
Mỹ - Trung tranh ghế bá chủ Biển Đông
Đi sâu hơn vào quan hệ Mỹ- Trung, Le Monde Diplomatique có bài nhận định : « Một sự hợp tác đầy sóng gió giữa Bắc Kinh và Washington ».
Bài viết nhìn về quan hệ Mỹ-Trung kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, với bao thăng trầm từ hợp tác đến cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ từ mặt đất lên tận vũ trụ với những dự án không gian khổng lồ. Thế nhưng rầm rộ hơn cả có lẽ là đấu trường Châu Á - Thái Bình Dương.
Tờ báo đi vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên biển phía nam và biển phía đông của nước này. Tờ báo nhắc lại, luật quốc gia ngày 25/2/1992 của Trung Quốc đã tái khẳng định chủ quyền của nước này trên quần đảo Trường Sa ( khu vực có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines), quần đảo Đông Sa (hiện do Đài Loan quản lí), đảo Điếu Ngư (do Nhật Bản kiểm soát).
Trung Quốc có sẵn sàng gây chiến hay không ? Tờ báo cho rằng, dù một số tướng lãnh quân đội Trung Quốc cho rằng đã đến lúc sử dụng biện pháp quân sự, thế nhưng dường như giải pháp này không phải là cách chọn lựa của nhà cầm quyền Trung Quốc. Vì sao ? Vì Bắc Kinh tốt bụng chăng ? Không phải thế, tờ báo cho rằng, đó là vì nếu khu vực này bất ổn thì Trung Quốc cũng chẳng có lợi ích gì.
Nắm được tâm lí lo ngại của các nước bên bờ Biển Đông đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã lập tức trở lại khu vực với những tuyên bố thẳng thừng về lợi ích không ngại làm mất lòng Bắc Kinh. Cuối năm 2011, tổng thống Barack Obama còn đề xuất xây dựng hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã làm lành lại với Miến Điện, tiếp tục làm thân với Ấn Độ, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ còn được sự thỏa thuận của nước này cho chiến hạm Mỹ cập cảng chiến lược Cam Ranh. Singapore thì không ngần ngại nhiều lần kêu gọi sự trở lại của Mỹ. Nhật Bản đã dịu giọng về việc hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ mình.
Tóm lại, một bên là Trung Quốc đang vươn lên cạnh tranh uy thế siêu cường với Mỹ, một bên là Mỹ đã chọn đúng thời cơ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Năm 2012 : Trung Quốc thay lãnh đạo, láng giềng vẫn âu lo
Đại hội lần thứ 18 đảng cộng sản Trung Quốc trong mùa thu tới không chỉ là mối quan tâm của riêng người Trung Quốc mà còn cho cả các nước láng giềng, bởi không ai chắc rằng dàn lãnh đạo kế tiếp chính thức được chọn từ đại hội này có thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc trong thập kỷ qua hay không ? Nhìn nhận sự việc, Le Monde Diplomatique có bài cảnh báo : « Sự kế thừa đáng quan ngại tại Trung Quốc ».
Tờ báo lược lại những thành công rực rỡ của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, với kết quả phi thường là đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Thế nhưng, năm rồng có thể gây bão tố cho Trung Quốc bởi nền kinh tế chạy theo tăng trưởng đã gây thiệt hại cho môi trường, đặc biệt là đẩy xã hội đến chân tường của sự bất bình với hàng loạt các vụ đình công, tấn công trụ sở chính quyền, chưa kể các bất ổn tại Tây Tạng. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công, Mỹ và Châu Âu buộc phải giảm lượng cầu, thế là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng bị giảm, bởi nền kinh tế này lệ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Tăng trưởng của nước này từ mức trên 10%/năm đã giảm xuống còn 9,2% trong năm 2011, và dự kiến còn khoảng trên dưới 8% cho năm 2012.
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc ra sức tăng cường ảnh hưởng. Là nước có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nước này đã tiến hành mua lại nợ công của Mỹ, vì thế dù sao đi nữa thì Mỹ cũng sẽ phải kiêng nể phần nào chủ nợ của mình. Trung Quốc cũng hướng đến Châu Âu như việc mua lại nhiều trái phiếu của một số nước, mua lại một số công ty để tìm nguồn tài nguyên, để tiếp cận với công nghệ cao, để chinh phục thị trường, để chiếm lĩnh những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Cánh tay của Bắc Kinh cũng đã vươn đến Châu Phi, châu Mỹ La Tinh và cả Nga. Còn tại Châu Á, Trung Quốc đã dựa vào thị trường rộng lớn và nguồn ngoại tệ khổng lồ của mình để chi phối các nền kinh tế trọng yếu trong ý đồ kéo theo sự chi phối về chính trị. Trong những năm 1990, nước này đã « dỗ dành » khối Asean và đến năm 2010 thỏa thuận tự do mậu dịch với khối này đã trở thành hiện thực. Trung Quốc đã giải quyết xong các tranh chấp lãnh thổ trên đất liền với các nước láng giềng, trừ Ấn Độ. Trung Quốc cũng tham gia tích cực trong hồ sơ Bắc Triều Tiên trong vòng đàm phán sáu bên có sự tham gia của Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Trung Quốc đã thúc đẩy thành công quá trình thành lập Tổ chức hợp tác Thượng hải bao gồm Trung Quốc, Nga, các nước cộng hòa Trung Á, và hiện có các quan sát viên nặng kí như Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Những hành động này cùng với việc của Trung Quốc tăng cường hiện đại hải quân đã gây quan ngại cho cá nước láng giềng, nhất là những nước mà Trung Quốc tranh chấp lãnh hải như Việt Nam, Nhật Bản hay Philippines. Một câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có dùng vũ lực giải quyết tranh chấp không ? Tờ báo cho rằng, thế hệ lãnh đạo đăng quang trong đại hội 18 lần này của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách phát triển kinh tế mà thế hệ tiền nhiệm đã triển khai từ năm 2 000. Còn nói về tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng, tờ báo nhận định, ngoại trừ một bộ phận quân đội Trung Quốc muốn «diễu võ vươn oai», thì giới cầm quyền nước này sẽ không chọn giải pháp xung đột, bởi sự ổn định của các tuyến đường hàng hải là rất cần thiết cho trao đổi thương mại của Trung Quốc.
Lào có thể làm giàu bằng thủy điện ?
Ngày 9/12/2010, Lào đã chính thức khánh thành Nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (Nậm Thun), một trong những đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Công trình được chính phủ Lào đặt nhiều hy vọng để tăng thu nhập ngân sách, nhưng lại gây quan ngại cho các nhà môi trường. Nhật báo The Straits Times của Singapore có bài phản ánh lợi hại của con đập khổng lồ này sau hai năm nhà máy đi vào hoạt động. Bài viết được Courrier International dẫn lại với dòng tít : “Một con đập được xây dựng khi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, có thể hay không?”.
Con đập bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2010, được xây dựng trên sông Nam Theun trên dòng Mekong thuộc Trung Lào bởi liên doanh Nam Theun 2 power company, một liên doanh của chính phủ Lào, Công ty Điện Lực Công Cộng Thái Lan và Công ty Điện lực Pháp Electricité de France. Để phục vụ cho công trình này, 1 600 người dân bản địa đã được cho di dời tái định cư trong khu vực gần đó. Nhà đầu tư đã xây dựng khá tốt các công trình dân sinh như nhà ở, trường học, đường xá… để đảm bảo cuộc sống cho người bị di dời.
Thế nhưng, bên cạnh lợi ích, thì ảnh hưởng tiêu cực cho người dân cũng không thể tránh khỏi. Một dân làng bộc bạch: “Trước kia, làng tôi bị lũ lụt triền miên, không hề có điện, thế nhưng khi ấy chúng tôi sống hoà mình với thiên nhiên, khi đói, chúng tôi có thể và rừng kiếm thức ăn. Chứ còn bây giờ, cuộc sống có tốt hơn, thế nhưng chúng tôi lại phải có tiền thì mới có cái ăn”. Trong khi đó, về phần mình, nhà máy điện này mang đến nhiều lợi ích trong việc xuất khẩu điện với ước tính mỗi năm là 80 triệu đô la suốt 24 năm tới. Đi sâu vào vấn đề, tờ báo cho hay, nhà máy Nậm Thun 2 được xây dựng là để đáp ứng nhu cầu điện từ anh bạn láng giềng Thái Lan, bởi 90% lượng điện do nhà máy này sản suất được xuất vào đất Thái.
Lợi ích kinh tế là vậy, nhưng thiệt hại cũng không nhỏ. Một công trình như vậy sẽ làm thay đổi địa hình, dòng chảy, hệ sinh thái và khiến người dân phải di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đơn cử như việc đổi dòng chảy con sông Nam Theun vào con sông Nam Bang Fai khiến mức nước sông Nam Bang Fai dâng cao đến mức nguy hiểm còn lượng nước Nam Theun lại giảm đi đáng kể, đời sống của các nông-ngư dân dọc hai con sông trên dòng Mekong này vì thế bị đảo lộn.
Theo một tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ, công trình Nam Theun 2 không phải chỉ có thành công, bởi những vấn đề liên quan đến đời sống, môi trường và tái định cư sẽ khó có thể được giải quyết một cách dứt điểm.
Syria có thể giẫm lên vết xe đổ của Libya
Thực trạng hiện tại của Libya rất đang quan ngại, khiến không thể không lấy đó làm một tiền lệ nguy hiểm cho các nước Ả Rập khác. Chuyên mục Thời luận của tạp chí L’Express tuần này nhình nhận sự việc qua bài viết: “Tiếng vọng Libya vang đến tận Syria”.
Libya đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến mới, các lực lượng vũ trang cấu xé nhau, chính quyền hợp pháp được phương Tây công nhận tại Tripoli tỏ ra bất lực, bóng ma đất nước bị phân chia đang chập chờn. Kể từ khi hạ sát ông Kadhafi, Hội đồng chuyển tiếp Libya (CNT) vẫn chưa tái lập được hoà bình, chưa đưa ra được một quyết sách chính trị bền vững, cũng chưa thể tái kiến thiết đất nước.
Thật ra, cũng như tên gọi của mình, CNT không đủ quyền lực để có thể áp đặt được một chính sách tổng thể cho cả nước. Vì thế, đất nước đang trong hỗn loạn: các đơn vị quân đội thời chiến giờ đây không chịu buông vũ khí để sáp nhập vào một lực lượng quân đội quốc gia thống nhất, có kẻ thì bất chấp pháp luật hành động theo kiểu cát cứ.
Tệ nhất theo tác giả là vào ngày 06/03, các đại bộ tộc miền đông đã nhóm họp ở Benghazi và đòi qui chế tự trị cho vùng Cérénaique, đồng thời kêu gọi thành lập hiến pháp theo kiểu liên bang, tức đưa Libya trở lại tình trạng như trước năm 1963. Ngay lập tức CNT đã lên án những bộ tộc này là “nổi loạn”, tuy nhiên lại không đủ lực lượng để ngăn chặn. Đều đáng chú ý là vùng Cérénaique tập trung 4/5 các mỏ dầu và khí đốt của Libya.
Còn tại thủ đô Tripoli, thì quân đội vẫn dưới quyền lãnh đạo của ông Abdelharim Belhadj, một người suốt hàng chục năm từng có tên trong hồ sơ theo dõi của CIA về những hoạt động thánh chiến cực đoan từ Afghanistan đến Libya. Trong khi đó, miền nam có thể sẽ ủng hộ ý tưởng thành lập liên bang. Ý tưởng này cũng có thể quyến rũ cả những bộ tộc ở miền tây Libya, tức dọc theo ranh giới với Tunisia và Algeri.
Trong viễn cảnh chia năm xẻ bảy đó, tác giả lo ngại đến tình hình Syria, bởi theo ông, nguy cơ Syria giẫm lên vết xe đổ Libya là rất có khả năng, do lực lượng đối lập tại Syria ngày càng tăng cường quân sự hoá cuộc đấu tranh của họ. Tác giả lo ngại, cũng giống như Libya vừa qua, tại Syria vũ khí được phân phát cho các chiến binh nổi dậy, mà không hề có dự phòng một biện pháp thu hồi nào cả.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment