Tuesday, March 20, 2012

Quân đội Trung Quốc và tham vọng "đại nhảy vọt"

Quân đội Trung Quốc và tham vọng "đại nhảy vọt"

Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao  diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.
REUTERS/Guang Niu

Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ cho thấy tham vọng của họ không những trở thành một cường quốc về kinh tế mà còn là một quốc gia mạnh về quân sự. Đề tài này được báo Le Figaro hôm nay trình bày cặn kẽ qua bài viết đề tựa «Bước đại nhảy vọt của Quân đội Trung Quốc».

Bài viết nhận định sự lớn mạnh của quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa đang khiến thế giới lo sợ. Gần đây, Bắc Kinh liên tục phô trương sức mạnh như tập bắn hạ một vệ tinh cách trái đất 250 km vào tháng 1 năm 2007, hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên, được cải tiến từ một chiếc hàng không mẫu hạm mua của Ukraina  vào tháng 8 năm nay; hoặc bay thử nghiệm máy bay chiến đấu J20, thế hệ thứ năm…
Theo con số chính thức Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có 1,3 triệu quân nhân và chi 60 tỷ đô-la cho quân đội. Và mức chi này vẫn tăng đều đặn mỗi năm từ hơn 20 năm nay. Riêng trong năm nay, chi tiêu cho quân đội tăng lên 12,7%.
Theo lời của phát ngôn viên bộ Quốc phòng, « quân đội phải theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số. Sức mạnh quốc gia cũng phải được thể hiện bằng sức mạnh quân sự. Mục tiêu của chúng tôi là phải đạt được trình độ ngang bằng với các nước phát triển lớn ».
Gia tăng sức mạnh quân đội đối với Trung Quốc còn là vấn đề uy tín. Đó cũng là một phương thức để tự khẳng định rằng họ cũng có một vai trò quốc tế quan trọng, gánh vác trách nhiệm thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chiến lược phải hoàn thành
Sự lớn mạnh của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa cũng nhằm « bảo vệ những lợi ích của Bắc Kinh » và « duy trì sự thống nhất ». Ngoài các mối đe dọa đến từ Đài Loan , Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc còn e sợ các hiểm họa khác ngay trong khu vực. Hải quân Trung Quốc không ngừng gia tăng sự hiện diện của mình trên toàn bộ vùng Biển Đông, và cho chiếm đóng một chuỗi các đảo nhỏ trên vùng biển này với lý do là nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn năng lượng. Chính hành động này đã tạo ra nhiều mối quan ngại cho các nước láng giềng.
Trang thiết bị «Made in China ».
Theo Le Figaro, điều đáng quan ngại nhất chính là việc Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hải quân. Tại khu căn cứ quân sự tại đảo Hải Nam, 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân đang chờ các kỹ sư trang bị các loại tên lửa đạn đạo. Các vũ khí này sẽ làm cho Hải quân Trung Quốc trở nên đáng gờm hơn.
Về phần đội tàu ngầm hạt nhân tấn công này hàng năm đều gia tăng các đội tuần tra. Le Figaro cho biết, chính đội quân này khiến Mỹ và hạm đội 7 của họ cũng phải e sợ. Lầu Năm Góc tỏ ra lo lắng về việc Bắc Kinh có ý định chế tạo loại tên lửa tầm xa, có khả năng bắn tới các căn cứ và các hàng không mẫu hạm Mỹ đậu trong khu vực, cũng như ngăn chận Hải quân Mỹ đi vào vùng Tây Thái Bình Dương.
Dĩ nhiên, để trấn an thế giới, Trung Quốc luôn biện minh rằng hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm « tự vệ », « bảo đảm an ninh cho sự phát triển và sức mạnh của Trung Quốc ». Nhưng lời biện hộ này không được mấy ai tin tưởng kể cả Hoa Kỳ.
Theo Le Figaro, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, do Đảng Cộng sản chỉ huy, một bộ máy khổng lồ nhưng lại rất kín. Cũng giống như những chủ đề quan trọng khác như lãnh vực không gian và chiến tranh tin học, quân đội là « bí mật quốc gia ». Quân đội cũng mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Vì thế để phục vụ cho sức mạnh mới của mình, người Trung Quốc cũng muốn có những trang thiết bị mang nhãn hiệu « Made in China ». Chính quyền cam kết vào năm 2015, họ sẽ có chiếc tàu sân bay đầu tiên 100% Trung Quốc. Và tương tự như thế cho không quân.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận định rằng, bất chấp những tiến bộ vượt bậc và nguồn ngân sách dồi dào, Quân đội Trung Quốc vẫn cho thấy khả năng của họ có nhiều hạn chế, nhất là do vẫn còn thiếu kinh nghiệm tác chiến. Nhưng đối với Trung Quốc, thời gian không phải là một vấn đề. Đối với họ, « kiên nhẫn » vẫn là từ chủ đạo.
 Miến Điện chỉ mớ hé cánh cửa dân chủ
 Cũng liên quan đến thời sự Châu Á, Le Figaro có bài viết đề tựa « Miến Điện chỉ mở hé cánh cửa ». Bài báo nhận định trong khi Châu Âu tỏ ra hoan hỉ, thì theo người dân bản xứ thì « rắn vẫn hoàn rắn, ngay cả sau khi đã lột xác ».
 Châu Âu cho rằng đã có « một chút hơi gió khả quan », « nhiều cải thiện đang tiến triển ». Còn đối với người dân Miến Điện, 10 tháng kể từ sau bầu cử quốc hội, thì « lộ trình do Tổng thống Thein Sein đưa ra nhằm đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và nắm giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 còn quá mơ hồ », theo như đánh giá của một nhà đối lập tại Thái Lan.
Theo ông, người dân vẫn còn nghi ngờ khả năng ông Thein Sein có thể cắt đứt với quá khứ bởi vì ông này là người luôn tuân theo kỷ luật và rất ngưỡng mộ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il. Le Figaro đơn cử 2 ví dụ : ngày 17/8 vừa qua, Tổng thống Thein Sein tuyên bố những người tỵ nạn chính trị được phép hồi hương. Thế nhưng, khi một nhà báo thử vận may, anh này lập tức bị giam giữ tại Rangoun để thẩm vấn. Vào tháng 9, chính quyền cho phép một tờ báo địa phương đăng bài phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi, một tuần sau tờ báo này đã bị trừng phạt chỉ vì dám đăng hình nhà đối lập lên trang nhất.
Le Figaro nhận xét, những đề nghị của chính quyền Miến Điện là con dao hai lưỡi. Chẳng hạn như họ mời bà Aung San Suu Kyi đăng ký hoạt động lại cho đảng của bà, qua đó buộc nhà đối lập phải công nhận Hiến Pháp mà bà đã bác bỏ vì đánh giá là không dân chủ.
Đối với nhiều người dân Miến Điện, đây chẳng qua là « bình cũ rượu mới » mà thôi. Chẳng có chút gì là thay đổi. Hơn 2000 tù nhân chính trị vẫn bị giam giữ. Dưới lớp áo dân sự, nhưng chính phủ quân sự này vẫn không lột bỏ được thói quen cũ : « tàn bạo, tham lam và không có năng lực ».
Trong khi đó, những người dân sống tại vùng biên giới chỉ biết có kêu khổ và nỗi tuyệt vọng của mình. Những người khốn khổ chết vì đói và kiệt sức bên vệ đường. Ngay cả đến cái cây, cũng phải đóng đinh để ngăn chặn người khác đến cưa.
Theo một chuyên gia về Miến Điện, Tổng tư lệnh Than Shwe, trước khi rút lui chính thức, cũng đã dày công xây dựng một hàng ngũ lãnh đạo mới. Chỉ có Châu Âu mới tin là có những bước cải thiện. Theo ông, chỉ còn một hy vọng duy nhất chính những người tạo nên hệ thống quay lại chống ông Than Shwe. Tuy nhiên, điều này dường như có vẻ khó có thể xảy ra bởi vì những sĩ quan trẻ ngày nay luôn trung thành với các lãnh đạo của mình do sự thăng tiến của họ lệ thuộc hoàn toàn vào những người này. Nói như vậy, cũng có nghĩa là « hy vọng cũng chết theo luôn».
 Khủng hoảng nợ công Hy Lạp tác động lên thị trường Châu Á.
 Về lĩnh vực kinh tế, Liberation hôm nay có bài phân tích nhan đề « Hy Lạp gây thất vọng, Châu Á xẹp xuống ». Bài viết cho thấy vấn đề khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp không những tiếp tục gây lo sợ co Châu Âu, mà còn bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán châu Á.
 Ngay sau khi Athène tuyên bố nợ công sẽ ở mức 8,5% GDP, cao hơn mức ban đầu đề ra một điểm, ngay lập tức nỗi sợ Hy Lạp mất khả năng thanh khoản đã làm cho thị trường tài chính Châu Âu rớt giá thê thảm, kéo theo cả thị trường Châu Á. Người ta bắt đầu liên tưởng đến một kịch bản tồi tệ nhất : tăng trưởng Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh chóng, nghĩa là lạm phát sẽ quá cao đến mức mà Trung Quốc phải cho thực hiện một kế hoạch chấn hưng khác.
Kết quả là các nhà đầu tư ồ ạt rút ra khỏi thị trường Châu Á mà không phải để đặt cược cho Châu Âu, vẫn đang luôn đang tìm một cách thức để dập tắt trận hỏa hoạn của đồng euro, nợ công tại Hy Lạp.
Trong khi đó, để thỏa mãn các yêu cầu của các ông chủ nợ (Châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE) Hy Lạp đã phải gia tăng mọi nỗ lực và nhượng bộ với hy vọng được giải ngân 8 tỷ euro trong dự án trợ giúp đầu tiên. Tuy nhiên, theo Liberation, dự án Ngân sách 2012 của Nghị viện được công bố hôm qua, bao gồm việc cắt giảm mạnh trong lãnh vực công, thông qua việc giảm biên chế 30 ngàn công chức, có nguy cơ khai ngòi bùng nổ xã hội thật sự.
Hôm nay, đến lượt các vị Bộ trưởng Tài chính của Liên hiệp Châu Âu sẽ họp lại. Trên giấy tờ, họ cũng phải tìm cách dỡ bỏ những cản trở khiến cho việc thực hiện dự án hỗ trợ thứ hai bị chậm trễ. Tuy nhiên, Liberation cho rằng vẫn còn xa để cho các nước trong khối đồng euro đạt được đồng thuận.
 Thủ tướng Nga Vladimir Putin quay lại điện Kremlin : điềm lành cho các nhà đầu tư ?
 Cũng tại Châu Âu, báo Le Monde hôm nay quan tâm đến các tác động kinh tế sau tuyên bố ra tranh cử Tổng thống năm 2012 của thủ tướng Nga Vladimir Putin, qua bài viết đề tựa « Putin trở lại điện Kremlin có thể sẽ kìm hãm sự tăng trưởng ».
 « Phải chăng việc Putin trở lại điện Kremlin là một điềm tốt cho các nhà đầu tư ? » tác giả tự hỏi. Trước hết, một điều chắc chắn là ông ta là một người đầy quyền lực. Không có sự ủng hộ của Putin thì không một dự án năng lượng nào có thể được ký kết.
Le Monde viết, đối với giới kinh doanh, sự ổn định có một giá trị vĩnh cửu. Vì vậy, sẽ không có một nước Nga nào ổn đinh bằng nước Nga của Putin. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng giữa sự ổn định và sự trì trệ, ông «Chavez » của Nga nên phải dè chừng.
Còn theo đánh giá của cơ quan thẩm định Standard & Poor’s, việc Putin quay trở lại điện Kremlin, trong dài hạn, có thể sẽ kìm hãm sự tăng trưởng. Hiện tại, không việc gì phải hạ điểm nước Nga đang ở mức BBB (ổn định). Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh giác về khả năng ông Putin có cải thiện được bầu không khí kinh doanh, ưu tiên cho cạnh tranh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.
Trước mắt, trong giai đọan tiền tranh cử, thủ tướng Nga đương nhiệm cam kết tăng lương và tăng ngân sách cho quân đội lên 20% vào năm 2012. Như vậy, ngân sách Nga chỉ trụ quanh hai lãnh vực xã hội và quân sự, mà theo nhận định của Le Monde, là giống một các kỳ lạ với kế họach ngân sách thời kỳ Liên Xô cũ.
Vào lúc này, các chỉ số kinh tế cho thấy vẫn tốt. Tăng trưởng ở mức hứa hẹn là 4% (năm 2011). Thâm thụt ngân sách dường như không tồn tại, nợ công rất thấp. Nhưng nền tài chính công của Nga lại rất dễ bị tổn thương, do phụ thuộc hoàn toàn vào giá của nguyên liệu và nhất là dầu mỏ, đại diện khoảng 50% nguồn thu nhập ngân sách.
Tuy nhiên, trong tương lai, ông Putin phải đối mặt với nhiều vấn đề : cơ sở hạ tầng công nghiệp phải xây dựng mới lại, thiếu xa lộ, trung tâm điện thì cũ nát ; trên các đường bay nội địa, máy bay chở khách quá già cỗi (12 tai nạn chết người kể từ hồi đầu năm nay).
Về mặt dân số, số dân trong độ tuổi lao động có nguy cơ tụt giảm mất 10 triệu người từ đây đến năm 2025.
Để đối phó, nước Nga sẽ cần rất nhiều đến đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (IDE) hiện nay còn rất thấp (20% của GDP so với 50% tại Trung Quốc). Và chưa chắc gì việc Putin quay lại điện Kremlin sẽ khiến các nhà đầu tư lại đến với nước Nga.

No comments:

Post a Comment